Connect with us

Hi, what are you looking for?

Giáo hội

SĂN LÙNG MẶC KHẢI | Chuỗi Suy Tư Thần Học 02 -Bài 11

TMĐP Dù là người Kitô hữu, ở trong Giáo Hội của Đức Giêsu, chúng ta vẫn bị cám dỗ đứng núi này trông núi nọ, bị thúc đẩy tìm kiếm đức tin mới lạ, bị quyến rũ đi săn lùng những mặc khải kỳ lạ có sức làm nổ tung chính đức tin còn non nớt của chúng ta.

Săn lùng là hành động quyết tâm đi tìm để biết cho kỳ được, để nắm gọn trong tay, để hoàn toàn làm chủ đối tượng, như công an săn lùng tội phạm, như đại gia  săn lùng “hàng hiệu”, như đám đông hiếu kỳ nghe nhau đồn thổi đổ xô đi săn lùng “điềm thiêng dấu lạ”.

Ở đây, chúng ta chia sẻ những cuộc săn lùng “đức tin”, săn lùng “mặc khải”, săn lùng “Thiên Chúa”.

Vào buổi bình minh của nhân loại, con người đã thực hiện những cuộc săn lùng thần thánh, săn lùng những thực tại siêu nhiên, vô hình, cùng với những quyền năng, phép tắc của những Hữu Thể thiêng liêng, vì con người cần đến Thần Linh, do nỗi sợ khôn nguôi  trước những đe dọa của thiên nhiên. Vì thế, bất cứ sức mạnh thiên nhiên nào làm sợ, con người đều kinh hãi, và thờ lậy như thiên chúa của mình, nên mới có tình trạng thờ  các thần, như thần Lửa, thần Nước, thần Đất, thần Sấm Sét, thần Gió, thần Mưa… và vô số các thần khác.

Ra khỏi tình trạng ấu trĩ, lệ thuộc thiên nhiên, con người không còn săn lùng thần thánh và đặt làm thiên chúa của mình những sức mạnh thiên nhiên, vì sợ  thiên nhiên, nhưng vẫn tiếp tục đi tìm  những thần linh  “cao cấp” hơn,  để đáp ứng nhu cầu tâm linh, tín ngưỡng của con người, bởi con người mang những khát vọng tuyệt đối, và tâm hồn con người luôn hướng về Tuyệt Đối.

Để thực hiện khao khát tâm linh, con người đi tìm tôn giáo để những vấn nạn về ý nghiã cuộc đời, ý nghiã đời người, mục đích của cuộc sống, cũng như những vấn đề khó hiểu của phận người như đau khổ, và sự chết được lý giải thỏa đáng. Các tôn giáo đã là những điểm tựa, những ngọn hải đăng, những con thuyền cho con người vượt biển trần gian, cho con người thấy rõ con đường sống, cho con người bến bờ và mái ấm náu thân, nương tựa. Và mỗi người đều muốn tự đi tìm cho mình một tôn giáo để gửi gắm niềm tin.

1. Một dân tộc được Thiên Chúa chọn để yêu mến, thờ phượng một Thiên Chúa duy nhất:

Như chúng ta biết, Thiên Chúa Giavê đã đích thân chọn Ápram khi ông đã bẩy mươi lăm tuổi, và Xarai, vợ ông  là người son sẻ,  để làm nên một dân tộc mới của Thiên Chúa, một dân tộc “đông như sao trên trời, nhiều như cát dưới biển”, và  mục đích của việc tuyển chọn dân tộc  này là để mọi người nhận biết: chỉ có một Thiên Chúa, đang khi mọi người vẫn tin có nhiều thiên chúa cùng tồn tại, như lời chúc phúc của vua Menkixêđê cho Ápram: “Xin Thiên Chúa Tối Cao, Đấng dựng nên trời đất, chúc phúc cho Ápram! Chúc tụng Thiên Chúa Tối Cao, Đấng đã trao vào tay ông, những thù địch của ông!”(St 14,19-20).

Từ ngày được Thiên Chúa  gọi “rời bỏ xứ sở, họ hàng và nhà cha ngươi, mà đi tới đất Ta sẽ chỉ cho ngươi. Ta sẽ làm cho ngươi thành một dân tộc lớn, và chúc phúc cho ngươi” (St 12,1-2), Ápram và dòng dõi ông đã chỉ tôn thờ một mình Thiên Chúa là Thiên Chúa duy nhất, tối cao, là “Chúa Thượng “, Đấng đã hứa và đã thực hiện lời hứa  khi phán với ông: “Hãy ngước mắt lên trời, và thử đếm các vì sao, xem có đếm nổi không”. Người lại phán: “Dòng dõi ngươi sẽ như thế đó! “Ông tin Đức Chúa, và vì thế, Đức Chúa kể ông là người công chính” (St 15,5-6).

Và lịch sử dân tộc Ítraen đã là lịch sử của một dân tộc đặt trọn niềm tin vào Thiên Chúa Giavê là Thiên Chúa duy nhất, Đấng làm chủ mọi loài, mọi vận mệnh (x. Xh 4,31) ; một dân tộc của Thiên Chúa: “Chính Ta, Đức Chúa, Thiên Chúa của các ngươi, đã tách biệt các ngươi ra khỏi các dân” (Lv 20,24); một dân tộc được thánh hiến: “Anh em là một dân thánh hiến cho Đức Chúa … Thiên Chúa của anh em đã chọn anh em từ giữa muôn dân trên mặt đất, làm một dân thuộc quyền sở hữu của Người” (Đnl 7,6); một dân tộc của Giao Ước như sách các Vua đã ghi lại: “Đứng trên bệ cao, vua lập giao ước trước nhan Đức Chúa, cam kết đi theo Đức Chúa và hết lòng hết dạ tuân giữ các mệnh lệnh, chỉ thị và quy tắc của Người..” (2 V23,3).

Chúng ta nhận thấy: không phải con người có thể săn lùng Thiên Chúa, nếu Thiên Chúa không đích thân đến và tự mặc khải cho con người; không phải con người có khả năng gặp và nắm bắt được Thiên Chúa như một sở hữu, nhưng chính Thiên Chúa ban cho con người hồng ân được biết Ngài, như chính Thiên Chúa Giavê đã nói với Ápram và chọn ông làm tổ phụ dân riêng của Ngài.

2. Một nhân loại được Thiên Chúa cứu chuộc:

Nếu nỗi sợ trước sức mạnh của thiên nhiên đã bắt con người phải  chọn  và thờ phượng thiên nhiên như thiên chúa của mình, thì nỗi lo bị trừng phạt, và phải chết, vì  không được  cứu sống làm con người bất an, bất hạnh  trong suốt cuộc sống, bởi nhờ lương tâm mách bảo, ai cũng biết mình có tội, người nào cũng mường tượng một hình phạt sẽ đổ trên mình.

Thương cảm con người với nỗi lo sẽ  bị luận phạt và phải chết ấy, Thiên Chúa, Đấng đã chọn Ápraham làm tổ phụ dân riêng để mặc khải mầu nhiệm một Thiên Chúa  cũng đã “yêu thế gian đến nỗi ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời. Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ. Ai tin vào Con của Người, thì không bị lên án; nhưng kẻ không tin, thì bị lên án rồi, vì đã không tin vào Con Một Thiên Chúa. Và đây là bản án: ánh sáng đã đến thế gian, nhưng người ta đã chuộng bóng tối hơn ánh sáng, vì các việc họ làm đều xấu xa. Qủa thực, ai làm điều ác thì ghét ánh sáng và không đến cùng ánh sáng, để các việc họ làm khỏi bị chê trách. Nhưng kẻ sống theo sự thật, thì đến cùng ánh sáng, để thiên hạ thấy rõ: các việc của người ấy đã được thực hiện trong Thiên Chúa” (Ga 3,16-21).

Những dòng Tin Mừng trên đã cho chúng ta thấy rõ và đầy đủ chương trình cứu chuộc của Thiên Chúa  được thực hiện bởi Ngôi Con, tức Đức Giêsu Kitô, Thiên Chúa làm người: Thiên Chúa yêu thương con người vô cùng, và quyết định cứu con người, không để con người bị luận phạt và phải chết, dù con người đáng tội chết; chính Thiên Chúa sai Con của Ngài đến cứu con người; và điều kiện để được cứu sống là tin vào người Con này, tức tin vào Đức Giêsu Kitô.

Như thế, một lần nữa, con người không thể tự mình đến với Thiên Chúa, dù  cần đến Thiên Chúa để được sống, nhưng chính Thiên Chúa đến với con người, chính Con Thiên Chúa xuống thế gian ở giữa con người để chuộc tội  con người. Vì thế, mặc khải về Thiên Chúa phải đến từ Thiên Chúa, đức tin chúng ta có được  là hồng ân Thiên Chúa ban, nhưng điều kiện để nhận mặc khải, điều kiện để  được tha tội, điều kiện để được cứu sống, chính là “tin vào danh Con Một Thiên Chúa”, tin vào Đức Giêsu Kitô, tin vào Ngôi Hai Thiên Chúa làm người. Ngoài điều kiện này, không có điều kiện nào khác có thể thay thế, trái lại sẽ là bản án dành cho người tự ý chối bỏ ánh sáng để đi với bóng tối, hình phạt cho kẻ tự nguyện không đến cùng ánh sáng là Đức Giêsu Kitô để sống với  bóng tối của lầm lạc, tội lỗi và những điều xấu xa.

Tóm lại, Kitô giáo chính là tôn giáo của Đức Giêsu Kitô, Đấng là Con Thiên Chúa đã đến trong thế gian để thực hiện chương trình cứu  độ toàn thể nhân loại, không trừ ai, khi giải thoát con người khỏi ách thống trị của tội lỗi,và án phạt  Hoả Ngục đời đời.

Chương trình cứu độ ấy được chính thức công bố bởi Đức Giêsu, Thiên Chúa làm người, một chương trình đầy đủ, rõ ràng, chính xác được chứng thực không chỉ bằng lời giảng dạy, các phép lạ, mà còn bằng chính đời sống, cuộc  khổ hình, cái chết trên Thánh Giá và phục sinh khải hoàn của Ngôi Lời Thiên Chúa.

Vấn đề còn lại là tự do của mỗi người, bởi mỗi người đều có quyền để tin vào Thiên Chúa làm người là Đấng Cứu Độ hay không; để tự nguyện hợp tác với Đức Giêsu, Đấng chịu đóng đinh vì tội của mỗi người bằng đặt trọn niềm tin vào một mình Ngài hay không; có tình nguyện đứng dậy đi theo Ngài trên hành trình đức tin hay không; có dùng tự do là khả năng cao qúy của riêng con người và  thiên thần để cộng tác với Thiên Chúa trong việc cứu  rỗi chính mình và  anh em mình bằng tin yêu Đức Giêsu hay không… Đức Giêsu không dấu chúng ta  chương trình cứu độ của Ngài, và đã cho chúng ta thấy tất cả, trong đó có phần đóng góp quan trọng của mỗi người, như điều kiện không thể thiếu, không thể bỏ qua, đó là “tin vào Ngài”.

3. Kitô giáo, một dân tộc thánh với kho tàng Mặc Khải:

Kitô giáo là một dân tộc thánh, vì gồm “những người đã được hiến thánh trong Đức  Kitô Giêsu, được kêu gọi làm dân thánh, cùng với tất cả những ai ở bất cứ nơi nào kêu cầu danh Chúa của chúng ta, Đức Giêsu Kitô, là Chúa của họ và của chúng ta” (1 Cr 1,2).

Thánh Tông Đồ dân ngoại còn qủa quyết khi viết: “Vậy anh em không còn phải là người xa lạ hay người tạm trú, nhưng là người đồng hương với các người thuộc dân thánh, và là người nhà của Thiên Chúa, bởi đã được xây dựng trên nền móng các Tông Đồ và ngôn sứ, còn đá tảng góc tường là chính Đức Kitô Giêsu. Trong Người, toàn thể công trình xây dựng ăn khớp với nhau và vươn lên thành ngôi đền thánh trong Chúa. Trong Người, cả anh em nữa, cùng với những người khác thành ngôi nhà Thiên Chúa ngự, nhờ Thần Khí” (Ep 3, 19-22).

Như thế, Đức Giêsu đã làm thành một dân thánh, khi “lấy máu mình mà thánh hóa toàn dân” (Dt 13,12), và dân thánh ấy không chỉ bao gồm Ítraen, mà cả  chúng ta và các dân nước tìm về quy tụ quanh Ngài, một dân thánh lớn lao trải rộng đến tận cùng trái đất, và cho đến muôn muôn đời, để ứng nghiệm lời sứ thần đã nói với thánh Giuse, khi ngài toan tính bỏ Đức Maria cách kín đáo: “Đừng ngại đón bà Maria vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần. Bà sẽ sinh con trai và ông phải đặt tên cho con trẻ là Giêsu, vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ” (Mt 1, 20-21).

Dân thánh này được “nghe biết và được ủy thác” kế hoạch ân sủng của Thiên Chúa, nghiã là được đón nhận toàn bộ Mặc Khải của Thiên Chúa qua Đức Giêsu Kitô. Thánh Phaolô đã khẳng định việc Thiên Chúa ủy thác kho tàng Mặc Khải cho Giáo Hội của Đức Kitô trong thư gửi giáo đoàn Êphêxô: “Người đã mặc khải để tôi được biết mầu nhiệm Đức Kitô… Anh em đọc thì có thể thấy rõ tôi am hiểu mầu nhiệm Đức Kitô thế nào. Mầu nhiệm này, Thiên Chúa đã không cho những người thuộc các thế hệ trước được biết, nhưng nay Người đã dùng Thần Khí mà mặc khải cho  các thánh Tông Đồ  và ngôn sứ của Người. Mầu nhiệm đó là: “trong Đức Kitô Giêsu và nhờ Tin Mừng, các dân ngoại được cùng thừa kế gia nghiệp với người Do Thái, cùng làm thành một thân thể và cùng chia sẻ điều Thiên Chúa hứa” (Ep 3,3-6).

Dân thánh ấy là Giáo Hội đã được Đức Giêsu dạy bảo những gì phải tin, phải xin, phải chịu và phải giữ.

Những điều dân thánh phải tin được tóm gọn trong Kinh Tin Kính: tin Thiên Chúa là Cha toàn năng, tạo thành trời đất muôn vật; tin Đức Giêsu, Ngôi Con đã xuống thế làm người để cứu chuộc nhân loại; tin Chúa Thánh Thần là tình yêu của Chúa Cha và Chúa Con. Ngài là Thiên Chúa và là Đấng ban sự sống; tin Giáo Hội duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền; tin phép tha tội; tin xác loài người sống lại và sự sống đời sau.

Những điều dân thánh phải xin với Chúa Cha được Đức Giêsu dậy trong kinh Lạy Cha: “Xin làm cho danh thánh Cha vinh hiển, triều đại Cha mau đến, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời. Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày; xin tha tội cho chúng con như chúng con cũng tha cho những người có lỗi với chúng con; xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ, nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ” (Mt 6,9-13).

Những hồng ân dân thánh nhận được, chính là ơn sủng Thiên Chúa ban qua các bí tích. Và giới luật dân Chúa phải tuân giữ chính là “Mười Điều Răn” của Thiên Chúa và những điều  Hội Thánh dậy thuộc phạm vi luân lý, đức tin.

Như thế, trong Giáo Hội, Đức Giêsu đã đặt để toàn bộ mặc khải của Ngài để dân Ngài không phải thiếu thốn gì, như đoàn chiên trên đường đến đồng cỏ xanh, đến suối nước mát Cứu Rỗi, vì chính Ngài là Mục Tử nhân lành chăm nom, săn sóc từng con chiên mà Ngài yêu thương vô cùng và đến cùng.

4 . Cám dỗ đi săn lùng mặc khải ở ngoài Giáo Hội:

Đức Giêsu đã nhiều lần tuyên bố: Chính Ngài là Đấng duy nhất mặc khải Chúa Cha cho chúng ta: “Thiên Chúa, chưa bao giờ có ai thấy cả; nhưng Con Một vốn là Thiên Chúa và là Đấng hằng ở nơi cung lòng Chúa Cha, chính Người đã tỏ cho chúng ta biết” (Ga 1,18), vì Chúa Cha hằng ở với Ngài (x. Ga 8,14-19), nên ai biết Ngài là biết Chúa Cha, Đấng đã sai Ngài đến thế gian, như Ngài đã nói với người Do Thái: “Các ông không biết tôi, cũng chẳng biết Cha tôi. Nếu các ông biết tôi, hẳn cũng biết Cha tôi” (Ga 8,19), “Ai tin vào tôi, thì không phải là tin vào tôi, nhưng là tin vào Đấng đã sai tôi ; ai thấy tôi là thấy Đấng đã sai tôi” (Ga 12,44-45).

Điều đó làm chứng rằng với Giáo Hội  là Thân Thể mầu nhiệm của Đức Kitô, trong Giáo Hội là Hiền Thê yêu dấu của Đức Kitô, người Kitô hữu có toàn bộ mặc khải về Thiên Chúa, nghiã là qua Đức Giêsu, chúng ta được biết Chúa Cha và Chúa Thánh Thần; trong Đức Giêsu, chúng ta được nên một với Ba Ngôi Thiên Chúa, như tâm sự của Đức Giêsu với Chúa Cha: ” Phần con, con đã ban cho họ vinh quang mà Cha đã ban cho con, để họ nên  một như chúng ta là một: Con ở trong họ và Cha ở trong con, để họ được hoàn toàn nên một; như vậy, thế gian sẽ nhận biết chính Cha đã sai con và đã yêu thương họ như đã yêu thương con” (Ga 17,22-23).

Đây chính là mầu nhiệm Thiên Chúa mà người Kitô hữu được mời gọi đạt tới; là lý tưởng của đời người môn đệ Đức Giêsu, khi kết hợp nên một với nhau trong Thiên Chúa Ba Ngôi, nhờ tin vào Đức Giêsu, Con Một Thiên Chúa làm người, ở đó họ được chung hưởng vinh quang đời đời của Thiên Chúa. Đây cũng là điều kiện người Kitô hữu phải có, để  thực hiện ơn gọi truyền giáo khi lãnh nhận bí tích rửa tội, bởi chỉ hiệp nhất nên một với nhau trong Thiên Chúa, nhờ tin vào Đức Giêsu, người Kitô hữu mới làm cho thế gian nhận biết Đức Giêsu là Con Thiên Chúa, Đấng đã đến trong thế gian để cứu chuộc vì yêu thương; cũng là đức tin của chúng ta và là nguồn  ơn cứu độ cho tất cả mọi người.

Vấn đề ở đây là: tuy có Thiên Chúa, có kho tàng mặc khải của Thiên Chúa trong Giáo Hội, có Đức Giêsu là Đầu của Thân Thể  mầu nhiệm là Hội Thánh, nhưng không ít người trong chúng ta vẫn nôn nao, xớn xác và vất vả đi săn lùng mặc khải về Thiên Chúa ở  những chỗ khác, ngoài Giáo Hội; vẫn không yên tâm với Thiên Chúa của Đức Giêsu, nhưng đi tìm một thiên chúa khác mới lạ hơn; vẫn không tin mình sẽ được cứu rỗi với ơn cứu độ của Đức Giêsu chịu đóng đinh, và đã sống lại mà Giáo Hội loan truyền, tuyên xưng, nhưng  mênh mang một nỗi lo âu và khắc khoải phải tìm cho mình một con tầu cứu độ khác bảo đảm hơn.

Hiện tượng này không mới lạ, nhưng ngay thời Đức Giêsu, những người Do Thái đương thời với Ngài, mặc dù thấy Ngài, nghe Ngài, chạm vào Ngài, chứng kiến những phép lạ chữa bệnh, trừ qủy, cho người chết sống lại Ngài làm, được ăn bánh Ngài  hoá  ra nhiều từ năm chiếc bánh và hai con cá, được uống rượu ngon Ngài biến từ nước lã trong tiệc cưới Cana, họ vẫn không tin Ngài là Con Thiên Chúa, Đấng phải đến trong thế gian, như Tin Mừng Gioan ghi lại: “Người đã làm ngần ấy dấu lạ trước mặt họ, thế mà họ vẫn không tin vào Người. Như vậy là ứng nghiệm lời ngôn sứ Isaia: Lạy Đức Chúa, ai đã tin lời chúng tôi rao giảng? Và quyền lực Đức Chúa đã được tỏ cho ai?” (Ga 12,37-38).

Chính Đức Giêsu đã căn dặn các môn đệ Ngài, cũng là người Kitô hữu chúng ta hôm nay: “Nếu có ai bảo anh em: “Này, Đấng Kitô “ở đây”, hoặc “ở đó”, thì anh em đừng tin. Thật vậy, sẽ có những Kitô giả và ngôn sứ giả xuất hiện đưa ra những dấu hiệu lớn lao và những điềm thiêng, đến nỗi chúng lừa gạt cả những người đã được tuyển chọn, nếu có thể. Thầy báo trước cho anh em đấy ! ” (Mt 24,23-25). Đức Giêsu còn nhấn mạnh: “Vậy, nếu người ta bảo anh em: “Này, Người ở trong hoang địa”, anh em chớ ra đó; “Kìa, Người ở trong phòng kín”, anh em cũng đừng tin” (Mt 24, 26).

Nói như vậy, Đức Giêsu dậy những ai theo Ngài phải tỉnh thức để biết chắc một điều: trong nhà Giáo Hội, chúng ta đã có tất cả, vì có Đức Giêsu ở đó với chúng ta, như lời Ngài hứa: “Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,20); trong Giáo Hội, chúng ta có trọn vẹn kho tàng Mặc Khải của chính Đức Giêsu, Thiên Chúa làm người, nên hãy ở lại với Ngài, ở lại trong Ngài, như chính Ngài đã tha thiết mời gọi mỗi người: “Hãy ở lại trong Thầy như Thầy ở lại trong anh em… Thầy là cây nho, anh em là cành. Ai ở lại trong Thầy, và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái, vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được” (Ga 15,4.5). Và vì Đức Giêsu  là Đầu của Thân Thể mầu nhiệm là Giáo Hội, nên ở trong Đức Giêsu, ở lại với Đức Giêsu, chính là ở lại, và ở trong Giáo Hội của Ngài.

Tóm lại, dù đã là người Kitô hữu, đang ở trong Giáo Hội của Đức Giêsu là con thuyền cứu độ trăm phần trăm bảo đảm đưa chúng ta về Bến Bờ của Thiên Chúa, chúng ta vẫn bị cám dỗ “đứng núi này trông núi nọ”, bị thúc đẩy tìm kiếm “đức tin” mới lạ, bị quyến rũ đi săn lùng những “mặc khải kỳ lạ” có sức làm nổ tung chính đức tin còn non nớt của chúng ta.

Cơn cám dỗ này rất mạnh tuy âm ỉ, kín đáo, vì không chỉ do nhiệt tình, nhiệt huyết muốn cải tổ, xây dựng Giáo Hội, nhưng phần lớn do tham vọng  muốn biết mọi sự, muốn có nhiều hơn, muốn nắm  bắt tất cả, và tham vọng này  luôn đuợc giấu kín, ngụy trang, trá hình bằng những việc đạo đức bên ngoài rất rộn ràng, nhưng thiếu nền tảng đức tin, rất dạt dào cảm xúc, nhưng trống rỗng niềm hy vọng và tình yêu Giáo Hội. Cơn cám dỗ ấy còn trở nên  mãnh liệt và khó chống trả, vượt qua, khi chúng ta rơi vào tâm  trạng bất mãn,không còN yêu mến, tin tưởng Giáo Hội.

Xin Chúa thương xót và giữ gìn, để không một ai trong chúng ta rơi vào tình trạng của những người mà ngôn sứ Isaia đã tuyên sấm: “Thiên Chúa đã làm cho mắt chúng ra đui mù và lòng chúng ra chai đá, kẻo mắt chúng thấy và lòng chúng hiểu được mà hóan cải, rồi Ta sẽ chữa chúng cho lành!”; cũng đừng để chúng ta nên giống như nhiều người trong giới lãnh đạo Do Thái  “tuy tin vào Đức Giêsu. Nhưng họ không dám xưng ra, vì sợ bị nhóm Pharisêu khai trừ khỏi hội đường. Thật thế, họ chuộng vinh quang của người phàm hơn vinh quang của Thiên Chúa” (Mt 12,40.42-43).

Jorathe Nắng Tím

Thông báo chung từ Tin Mừng Đường Phố: Với mục đích Loan Báo Tin Mừng, tác giả Jorathe Nắng Tím và Tin Mừng Đường Phố chân thành cám ơn sự chia sẻ rộng rãi của Quý bạn, nhưng không đồng ý và không chịu trách nhiệm về những việc “làm lại” hoặc “thay đổi” nội dung cũng như hình ảnh của những clip gốc lấy từ nguồn Tin Mừng Đường Phố. Trân trọng!

 

 

Bài viết liên quan

Mùa Phục Sinh

TMĐP- Xin cho chúng con “biết đặt niềm tin và hy vọng vào Chúa” trên mọi nẻo đường, vì bất cứ ở đâu, và...

Cảm thức

TMĐP- Hình ảnh Mẹ Việt Nam, cũng là hình ảnh người phụ nữ một đời chỉ biết hết mình, hết tình Hy Sinh: hy...

Giáo hội

TMĐP- Chiến thuật “Đánh lận con đen”. Vừa ở trong, vừa ở ngoài, nghĩa là tuyên bố ở trong Hội Thánh, nhưng không tuân...

Giáo hội

TMĐP- Bài viết sẽ giúp quý Bạn cũng nhận ra sự khác biệt giữa danh hiệu “Mẹ Đức Giêsu Thiên Chúa làm người” theo...