Connect with us

Hi, what are you looking for?

Giáo hội

SÓI VÀ CHIÊN | Chuỗi Giáo Hội Bài 10

TMĐP- Ước gì mỗi người chúng ta trong Giáo Hội ý thức phải trang bị sự khôn ngoan của Thập Giá lòng thương xót và tâm hồn đơn sơ, vì chỉ với vũ khí này, qua dấu chỉ này, chúng ta mới có thể trung thành với ơn gọi thuộc về đoàn chiên của Đức Giêsu.   

Đức  Giêsu không ngừng nói về chiên, vì Giáo Hội của Ngài được mô tả qua hình ảnh đoàn chiên được chăn dắt bởi chính Ngài là “Cửa cho chiên ra vào” (Ga 10, 7), và là “Mục Tử nhân lành hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên” (Ga 10, 11).

Là Cửa cho chiên ra vào, Ngài tôn trọng tự do ở lại hay ra đi của chiên, nên biết có những chiên lạc mà Ngài phải đi tìm cho kỳ được, như người chăn chiên nào đó “có một trăm con chiên mà bị mất một con lại không để chín mươi chín con kia ngoài đồng hoang, để đi tìm cho kỳ được con chiên bị mất? Tìm được rồi, người ấy mừng rỡ vác lên vai” (Lc 15, 4-5); là Mục Tử nhân lành, Ngài thương yêu, chăm sóc từng con chiên, và kiên nhẫn đợi chờ bước chân trở về của những con chiên cứng đầu bỏ nhà đi hoang, như người cha nhân hậu trông thấy con còn ở đàng xa đã “chạnh lòng thương, chạy ra ôm cổ anh ta và hôn lấy hôn để” (Lc 15, 20), đứa con mà ông đã sẵn sàng chia của cải, gia tài theo yêu cầu của của anh ta, nhưng chỉ sau một thời gian anh đã  ra “thân tàn ma dại”, đói rách tơi tả, túng bấn bệ rạc vì lối sống “phóng đãng, phung phí tài sản của mình” nơi phương xa (Lc 16, 13).

Không chỉ dừng lại ở tình yêu dành cho những con chiên “tôi biết và biết tôi” (x. Ga 10, 14), Đức Giêsu còn khẳng định sứ vụ Mục Tử nhân lành của Ngài đối với những con chiên chưa biết Ngài khi quả quyết: “Tôi còn có những chiên khác không thuộc ràn này. Chúng sẽ nghe tiếng tôi. Và sẽ chỉ có một đoàn chiên và một mục tử” (Ga 10, 16).

Như thế, sứ vụ mục tử của những người được Đức Giêsu chọn để chăm nom, săn sóc đoàn chiên của Ngài chính là đem lại hạnh phúc “được sống và sống dồi dào” (Ga 10,10) không chỉ cho những chiên ngoan ngùy, dễ thương, dễ bảo, mà cả những chiên hoang đàng, lầm đường lạc lối, những chiên ngỗ nghich, khó dậy, những chiên đau yếu, bệnh hoạn, tật nguyền bị coi là “vô tích sự”, và  những chiên khác chưa  thuộc về ràn này (x. Ga 10, 16). Sứ vụ thật to lớn, nặng nề, vất vả, khó khăn nhưng vô cùng cao cả, thánh thiện, vì là sứ vụ của chính Đức Giêsu, Mục Tử tối cao.

Khi đề cập đến chiên và sứ vụ của mục tử, Đức Giêsu không quên nêu rõ hoàn cảnh thực tế của đoàn chiên mà điểm nhấn cực kỳ quan trọng chính là đoàn chiên bước đi giữa bầy sói dữ, mục tử  được sai đến với đoàn chiên chung quanh bị sói dữ ngày đêm bao vây, rình rập, đe dọa, tìm mọi cách phân tán, phá hoại, tiêu diệt đoàn chiên.

Nói với Nhóm Mười Hai Tông Đồ khi sai các ông lên đường  truyền giáo: “Này, Thầy sai anh em đi như chiên đi vào giữa bầy sói ” (Mt 10,16), Đức Giêsu muốn căn dặn không chỉ những người được Ngài sai đến chăn dắt “chiên con, chiên mẹ của Thầy”, những người được trao quyền chăm nom “đoàn chiên của Thầy” với lòng yêu mến Thầy hơn các người khác  (x, Ga 21, 15-17), nhưng còn là lời nhắn nhủ cho cả đoàn chiên và từng con chiên, vì người  chăn, cũng như kẻ  được chăn, tất cả đều là chiên thuộc về Đức Giêsu, đều đi qua Ngài là “Cửa mà vào ràn chiên” (Ga 10,1), đều được Ngài gọi tên và  nhận biết tiếng của Ngài (x. Ga 10, 4), đều được Ngài dẫn ra vào và gặp được đồng cỏ, suối mát (x. Ga 10,9), đều được bảo vệ, cứu sống bằng mạng sống được hy sinh cho đoàn chiên của Ngài là Mục Tử nhân lành (x. Ga 10,17-18):

1/ Đức Giêsu cảnh báo: chung quanh chiên là bầy sói dữ:

Ngài phân biệt  rõ ràng, chính xác: sói không phải là chiên, nhưng hoàn toàn khác chiên. Nếu chiên chân chất, thật thà, thì sói lưu manh, xảo trá; chiên hiền lành, dễ thương, thì sói dữ tợn, ngang ngược; chiên nhút nhát, sợ sệt,  dễ mất tinh thần, thì sói hung hãn, lì lợm; chiên hoang mang  tán loạn chạy trốn khi bị tấn công, thì sói gây hấn, khát máu chiếm hữu, tiêu diệt.

Vì sói không là chiên, lại đêm ngày rình rập, giăng bẫy hãm hại, giết lát chiên, nên không thể “đánh đồng” sói với chiên, đánh lận con đen “sói cũng là chiên”, sói cũng có thể chung ràn với chiên, chiên  cũng có thể thoả hiệp,  đồng hành và “sống chung hoà bình” với sói, bởi hai bản chất chiên – sói, hai  chọn lựa, hai mục tiêu phải đạt và hai phương tiện thực hiện đường hướng giữa sói và chiên không có điểm chung, chưa kể chủ trương và hoạt động của sói chính là “vồ lấy chiên và làm cho chiên tán loạn” (Ga 10, 12).

Để thưc hiện mục tiêu trên, sói xảo quyệt tìm cách lọt vào chuồng chiên, len lỏi  giữa đoàn chiên như kẻ trộm, quân cướp để  “trấn lột, giết hại và phá hủy” (Ga 10, 10); sói  gài bẫy, đột nhập, trấn áp, vồ lấy chiên để uống máu, ăn thịt, và làm chiên “tan đàn xẻ nghé”. Mạng sống của chiên là mồi ngon của sói; hạnh phúc của chiên làm sói điên cuồng, nổi giận; và sự hiệp nhất của chiên thách thức lòng căm phẫn và làm dâng trào bạo lực luôn  đầy ắp trong lòng sói.

Vì thế, Đức Giêsu đã không giấu diếm  đòan chiên thuộc về Ngài thực trạng: “Vì danh Thầy, anh em sẽ bị mọi người thù ghét, bách hại” (Mt 10,22.23), nhưng “anh em đừng sợ những kẻ giết thân xác mà không giết được linh hồn” (Mt 10, 28).

2/ Nguy cơ  rơi vào cạm bẫy của bầy sói:

Vì chung quanh là bầy sói dữ, nên không cẩn thận đề phòng khi ra vào, không cẩn trọng gìn giữ, phát triển yêu thương, hiệp nhất giữa người được sai đến chăn chiên và đoàn chiên, cũng như giữa chiên con, chiên mẹ, chiên anh, chiên chị, chiên em với nhau, đoàn chiên thuộc về Đức Giêsu sẽ tự đặt mình vào nguy cơ lọt bẫy của sói dữ luôn gầm gừ rình rập để chia rẽ, khủng bố đoàn chiên bằng mọi “mưu hèn kế bẩn”,  và thủ đọan gian ác, thâm độc miễn sao đạt được mục tiêu “vồ lấy chiên và làm cho chiên tán loạn” (Ga 10,12), vì hoảng sợ.

Thực vậy, vì chung quanh là bầy sói dữ lúc nào cũng lồng lộn muốn vồ lấy chiên mà phân thây xẻ thịt, bốn phía dầy đặc những sói chuyên nghiệp ngày đêm căng mắt xâm soi lùng bắt, hãm hại chiên như Đức Giêsu đã khẳng định trong Tin Mừng (x. Mt 10, 16; Lc 22,31-32), nên bất cứ lúc nào và ở đâu, chỉ cần chiên rời đoàn,  chiên bỏ đàn, chiên tách khỏi hàng ngũ, chiên một mình trốn ra khỏi ràn là lập tức bị sói dụ, sói vớt, sói vồ, sói ăn thịt. Bằng chứng là đã có rất nhiều con chiên vì “cơm không lành, canh không ngọt” với chủ chăn đã bỏ đàn và rơi vào vòng vây, lạc vào sào huyệt của sói, ở đó chiên sẽ bất hạnh hoặc vì bị sói tra tấn, hành hạ, giết chết, hoặc bị sói “thuần thục” biến thành cánh tay nối dài đắc lực của sói để phá họai đoàn chiên mà từ đó chiên đã bỏ ra đi, như lời cảnh tỉnh giáo đoàn Êphêxô của thánh  Phaolô, tông đồ dân ngoại: “Phần tôi, tôi biết rằng khi tôi đi rồi, thì sẽ có những sói dữ đột nhập vào anh em, chúng không tha đàn chiên. Ngay từ giữa hnàg ngũ anh em sẽ xuất hiện những nngười giảng dậy những điều sai lạc, hòng lôi cuốn các môn đệ theo chúng. Vì vậy anh em phải tỉnh thức…” (Cv 20,29-31).

3/Đừng mơ mộng xây dựng lâu đài hạnh phúc với sói:

Khi sai các môn đệ đi loan báo Tin Mừng, Đức Giêsu nhắc các ông phải ưu tiên  tìm kiếm các chiên lạc khi bảo các ông: “Tốt hơn là hãy đến với các con chiên lạc nhà Ítraen” (Mt 10, 6).

Nói như thế, không có nghĩa Đức Giêsu chủ trương kỳ thị, đóng khung, be bờ sứ vụ truyền giáo, nhưng Ngài chỉ muốn nhấn mạnh ưu tiên hàng đầu ở người được sai đi là quan tâm tìm kiếm những chiên lạc đang bị khống chế dưới ách thống trị của bầy sói dữ, sau đó “sẽ đi về phía các dân ngoại”, vì như Mục Tử nhân lành là chính Ngài đã  bỏ chín mươi chín con chiên “công chính”, ngoan ngùy trong đồng hoang, để đi tìm cho kỳ được con chiên ngỗ nghich bỏ đàn đi hoang, đi lạc (x. Lc 15, 4-6).

Cũng thế, trong Tin Mừng Gioan, Đức Giêsu đã đưa ra chương trình mục vụ của Ngài với các nấc thang ưu tiên được xác định rõ ràng : trước hết là những  chiên đang thuộc về ràn. Chúng cần phải được tận tâm chăm nom, săn sóc bằng tình yêu sẵn sàng hy sinh mạng sống của chủ chăn. Sau đó mới đến “những chiên khác  không thuộc ràn này”, mà Ngài “cũng phải đưa chúng về … Và sẽ chỉ có một đoàn chiên và một mục tử” (Ga 10, 16).

Nhưng có một điểm rất đặc biệt là Đức Giêsu đã không bảo các môn đệ phải  “chăn dắt, chăm nom” sói bằng tìm cách  mua chuộc, hoán cải chúng, nhưng chỉ nhắc bảo “phải khôn ngoan như rắn và đơn sơ như bồ câu” (Mt 10, 16) trước bầy sói dữ.

4/ Khôn ngoan và đơn sơ là khí giới duy nhất của chiên:

Trong đạo ngoài đời, người khôn ngoan thường được yêu mến và trọng dụng, nhưng khôn ngoan Chúa muốn đoàn chiên của Ngài phải trang bị như vũ khí để tự vệ trước bầy sói dữ là khôn ngoan nào, bởi có rất nhiều thứ loại, kiểu cách  “khôn ngoan” khác nhau ?

Có kẻ  được gọi là khôn ngoan vì lưu manh,  ma mãnh, xảo quyệt hết lừa tình đến  chiếm đọat tài sản của người khác; có thứ khôn ngoan được gán cho những kẻ lừa thầy phản bạn, và  vô ơn, bạc nghĩa; lại có hạng người mang nhãn hiệu khôn ngoan  vì khéo luồn cúi, bưng bô, nâng bi, xu nịnh cấp trên, nhưng thủ đoạn với người ngang tầm và tàn ác với người dưới. Bằng chứng là nhiều người cho Luxiphe là khôn ngoan, dù nó là cha đẻ của gian dối; người đời đồng tình ca ngợi, tuyên dương những  kẻ vù vù thăng quan tiến chức nhờ khôn ngoan luồn lách đi cửa sau chạy chức chạy quyền; cũng không thiếu những đám đông ngây thơ thần tượng và  ủng hộ  những kẻ đang rút tiả sức lao động, và làm giàu trên xương máu của mình nhờ cái khôn ngoan “biết ý kẻ có quyền, biết chiều người đương chức “ của họ.

Trái lại, sự khôn ngoan mà Đức Giêsu căn dặn chiên của Ngài, dù là chiên được trao quyền chăn dắt hay chiên được  chăn dắt, không là những khôn ngoan của thế gian như Đức Giêsu đã nói trong dụ ngôn người quản gia bất lương (x. Lc 16,3-8), cũng không là khôn ngoan “cậy dựa vào hiểu biết” của mình (x. Cn 3,5), nhưng là khôn ngoan của Thiên Chúa, khôn ngoan của Thánh Thần, khôn ngoan được xây trên nền tảng Thập Giá  Đức Giêsu. Nói cách khác, đó là khôn ngoan của Tình Yêu, mà sức mạnh là Lòng Thương Xót. Chính sức mạnh của  Khôn Ngoan do lòng thương xót mà “Ta sẽ hủy diệt sự khôn ngoan của kẻ khôn ngoan, và vứt bỏ sự thông thái của người thông thái” như lời Kinh Thánh (1Cr 1,19).

Trước khôn ngoan của Thiên Chúa, biểu hiện qua Thập Giá thương xót của Đức Giêsu, mà  “người Do Thái coi là ô nhục không thể chấp nhận, và dân ngoại cho là điên rồ”, thì “đối với những ai được Thiên Chúa kêu gọi, dù là Do Thái hay Hy Lạp, Đấng ấy chính là Đức Kitô, sức mạnh và sự khôn ngoan của Thiên Chúa. Vì cái điên rồ của Thiên Chúa còn hơn cái khôn ngoan của loài người, và cái yếu đuối của Thiên Chúa  còn hơn cái mạnh mẽ của loài người.” (1 Cr 1,23-25)

Do đó, nếu thuộc về đoàn chiên của Đức Giêsu chịu đóng đinh vì lòng thương xót mà đi tìm  khôn ngoan theo kiểu ma mãnh của sói dữ,  học đòi khôn ngoan theo kiểu xảo quyệt của Xatan, tận dụng khôn ngoan theo kiểu luồn lách, đi đêm, xử dụng mưu hèn kế bẩn  của thần dữ và bạo lực của quyền lực tối tăm thì bảo đảm sẽ chuốc về những thất bại chua cay, những tủi buồn đắng đót, những ân hận, tiếc nuối khôn nguôi cho đời người môn đệ, nhất là khi đời người xế bóng, vì vũ khí khôn ngoan xảo quyệt, khôn ngoan “ăn người”, khôn ngoan bán đứng anh em để tiến thân, khôn ngoan vùi dập, đánh gục người khác để xây dựng ngai báu, pháo đài “Cái Tôi” thì sói dữ, thần dữ, quyền lực tăm tối có dư thừa và tinh vi, hoàn hảo gấp ngàn  lần những con chiên thuộc về Đức Giêsu giầu lòng thương xót chịu đóng đinh trên Thánh Giá.

Bên cạnh vũ khí Khôn Ngoan là Đức Giêsu chịu đóng đinh vì thương xót còn một vũ khí khác nữa là tính Đơn Sơ của tâm hồn sống giới luật yêu thương.

Đơn sơ là vũ khí chỉ được trang bị cho những ai có tình yêu thương xót, vì người không biết thương xót sẽ chỉ biết những vũ khí “lắt léo, lừa lọc, quanh co, nham hiểm, phức tạp, cố ý trầm trọng vấn đề, và ác ý cường điệu hoá cách lố bịch mọi sự việc để nhận chìm người khác, cắt đứt đường sống của anh em. Ngược lại, người có lòng thương xót sẽ không cầu kỳ, rắc rối nhưng đơn sơ để chuyện khó trở thành dễ, gánh nặng nề trở nên nhẹ nhõm, ách đau thương trở nên êm ái, dịu dàng (x. Mt 11,28-30) hầu đem lại sư sống và bình an cho những  người đang cần được xót thương.

Thực vậy, Đức Giêsu đã không đề nghị cho đoàn chiên của Ngài một thứ vũ khí nào khác để tự vệ, để gìn giữ hiệp nhất, để sống xứng đáng ơn gọi ngtười môn đệ khi “yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em”  (Ga 15,12) trước những vây bủa, tấn công của bầy sói dữ, ngoài  đức  khôn ngoan của lòng thương xót được đặt trên nền tảng Thập Giá của Đấng chịu đóng đinh vì một tình yêu cao cả là chết cho người mnìh yêu ( Ga 15, 13), và đức Đơn Sơ của người yêu thương vô cùng và đến cùng  như Ngôi Lời Thiên Chúa đã yêu nhân loại, như Mục Tử nhân lành là Đức Giêsu đã yêu thương đoàn chiên của Ngài.

Với hai vũ khí Khôn Ngoan của Thập Giá Đức Giêsu Kitô và sự Đơn Sơ của lòng thương xót, là hai vũ khí mà sói dữ không thể có, và không bao giờ có thể trang bị cho mình, vì bản chất của chúng là Gian Dối, Hận Thù, Bạo Lực, Đức Giêsu, Mục Tử nhân lành  bảo đảm trăm phần trăm chiến thắng sẽ thuộc về đoàn chiên của Ngài, chiến thắng của tình yêu, lòng thương xót; chiến thắng không gây tổn thất, tổn thương, đòi nợ máu, nhưng  hàn gắn, băng bó, chữa lành, mang lại sự sống viên mãn và ban ơn bình an cho tất cả, bởi khi sự sống chiến thắng thần chết, Thập Giá chiến thắng hỏa ngục, Đức Giêsu vinh thắng hiển trị thì tình yêu  đơn sơ, và sức mạnh của lòng thương xót của đoàn  chiên  thuộc về Đức Giêsu sẽ giải giới quyền lực tối tăm; sẽ vô hiệu hóa mãnh lực của hận thù, bạo lực, hủy diệt, và “bấy giờ sói dữ sẽ ở với chiên con, beo nằm bên dê nhỏ … Sẽ không còn ai tác hại và tàn phá trên núi thánh của Ta, vì sự hiểu biết Đức Chúa sẽ tràn ngập đất này, cũng như nước lấp đầy lòng biển” như ngôn sứ Isaia đã tuyên sấm (Is 11,6.9).

Ước gì mỗi người chúng ta, dù ở vai trò, trách  nhiệm nào trong Giáo Hội cũng ý thức đòi hỏi phải trang bị cho mình sự khôn ngoan của Thập Giá lòng thương xót và tâm hồn đơn sơ của người môn đệ hiền lành, khiêm nhường và đầy ắp yêu thương như Thầy mình, vì chỉ với vũ khí này, qua dấu chỉ này, chúng ta mới có thể hoà giải với nhau để luôn hiệp nhất và hóa giải mọi khó khăn, bế tắc, áp lực đến từ bên ngoài để trung thành với ơn gọi thuộc về đoàn chiên của Đức Giêsu, chứng nhân của Thiên Chúa giàu lòng thương xót giữa thế giới hôm nay với một nhân loại ngày càng cạn kiệt lòng thương xót vì sức mạnh hung hãn của bầy sói dữ tức quyền lực của thần dữ tối tăm.

Jorathe Nắng Tím

 

Bài viết liên quan

Mùa Phục Sinh

TMĐP- Xin cho chúng con “biết đặt niềm tin và hy vọng vào Chúa” trên mọi nẻo đường, vì bất cứ ở đâu, và...

Cảm thức

TMĐP- Hình ảnh Mẹ Việt Nam, cũng là hình ảnh người phụ nữ một đời chỉ biết hết mình, hết tình Hy Sinh: hy...

Giáo hội

TMĐP- Bài viết sẽ giúp quý Bạn cũng nhận ra sự khác biệt giữa danh hiệu “Mẹ Đức Giêsu Thiên Chúa làm người” theo...

Giáo hội

TMĐP- Chiến thuật “Đánh lận con đen”. Vừa ở trong, vừa ở ngoài, nghĩa là tuyên bố ở trong Hội Thánh, nhưng không tuân...