Connect with us

Hi, what are you looking for?

Giáo hội

TẠI SAO CƠ CHẾ LÀM SUY YẾU GIÁO HỘI | Chuỗi Suy Tư Về “HIỆP HÀNH” – Bài 6

TMĐP- Vì Giáo Hội là Giáo Hội cho con người nên cần có cơ chế, nhưng cơ chế Giáo Hội phài là cơ chế của Tình Yêu và Phục Vụ như ý muốn của Đức Giêsu, Đấng sáng lập Giáo Hội.

Một trong những đề tài được Giáo Hội toàn cầu đề cập nhiều nhất dưới triều đại của Đức Thánh Cha Phanxicô là vấn đề cơ chế.

Sở dĩ được đề cập nhiều, vì chính Đức Thánh Cha không ngừng bày tỏ nỗi lo ngại của ngài trước sức tàn phá kinh khủng của chủ nghiã cơ chế trong Giáo Hội, cụ thể là nạn giáo sĩ trị, tức cơ chế Giáo Hội do giáo sĩ độc quyền nắm giữ, kiểm sóat.

Ở đây, người viết không bàn sâu về chủ nghĩa cơ chế, mà chỉ đặt vấn đề hậu qủa tại hại của cơ chế với câu hỏi: Tại sao cơ chế làm suy yếu Giáo Hội?

Thực ra, cơ chế rất cần thiết để con người có thể cùng tồn tại và  sống chung, vì loài người không thể sống hoang dã bầy đàn, với nguyên tắc: mạnh được yếu thua, nhưng cần được tổ chức, điều phối với kỷ cương, luật lệ hầu bảo vệ quyền lợi của cá nhân trong tập thể, cũng như bảo đảm lợi ích chung  của xã hội.

Vì thế cơ chế xuất hiện khi con người sống với nhau; cơ chế phát triển khi loài người quy tụ, kết đoàn; cơ chế ăn rễ sâu và vững chắc theo độ phát triển của nhân loại.

Từ thời sơ khai, con người đã cần cơ chế để an sinh, vì thiếu cơ chế, con người không thể sống chung, vì cơ chế điều phối, điều hoà, điều khiển sinh hoạt chung của nhiều người, để không ai là nạn nhân của ai, cũng không ai là đồ tể, lý hình của ai, nhưng quyền sống cũng như nghĩa vụ của mỗi người trong sinh hoạt tập thể được bảo đảm, quy định công bằng.

Trên đây là vài nét về cơ chế, nhưng toàn là những nét đẹp. Rất tiếc, trong thực tế, cơ chế không hoàn hảo như vậy. Trái lại, cơ chế thường bị mang tiếng biến thái tiêu cực, thoái hóa nguy hiểm và trở thành gánh nặng, gông cùm làm khổ con người, vì những lý do sau:

1/ Từ phục vụ, cơ chế có nguy cơ biến thành thống trị:

Không ai phủ nhận mục tiêu của cơ chế là phục vụ tập thể, xã hội, như bất cứ cơ chế đạo đời, to nhỏ nào luôn tự nhận và lớn tiếng qủang cáo,  nhưng trong thực tế, mục tiêu ấy không luôn đươc tôn trọng và thực hiện, vì một lý do rất dễ nhận ra, đó là cơ chế gắn liền với quyền, cơ chế dính chặt với lợi.

Cơ chế gắn với quyền, vì đã là cơ chế, ắt có phẩm trật; đã có cơ chế, tất phải có trên dưới; đã hình thành cơ chế, thì đương nhiên phải thành hình đẳng cấp, chức tước, ngôi vị, người lãnh đạo, kẻ thừa hành, bề dưới, bề trên,  lớp lang thứ bậc.

Chính vì có thứ bậc, mà có phân chia quyền hành, có người nhiều quyền, kẻ ít quyền; vì có tổ chức lớp lang trên dưới, mà phát sinh lãnh tụ cầm quyền và thứ dân thuộc quyền. Quyền từ nay trở thành mục đích, vì có quyền là có tất cả; có quyền làm được tất cả, quyền sai khiến được mọi người, và quyền từ nay trở thành lẽ sống, vì không gì hấp dẫn bằng quyền, bởi quyền bảo đảm tất cả; quyền từ nay trở thành lý tưởng, vì khuynh hướng tự nhiên: ai cũng muốn có quyền trên người khác, vì ai cũng muốn người khác phục vụ mình.

Như thế, nguy hiểm của cơ chế chính là cơ chế có quyền, cơ chế tạo ra quyền, cơ chế cho cơ hội nắm quyền. Và khi có quyền, do bản năng ích kỷ, khuynh hướng thống tri và lòng ganh ghét luôn tiềm ẩn, người có quyền rất khó dùng quyền để phục vụ, khó lấy quyền để yêu thương, khó xử dụng quyền để bảo vệ người cô thế, bị hàm oan, nhưng quyền được khai thác tận cùng để xây dựng pháo đài “cái tôi”, và củng cố thế lực của vây cánh.

Cơ chế còn nguy hiểm, vì cơ chế thường khơi dậy lòng tham quyền, và  châm ngòi khát vọng chiếm quyền ở những người có vị thế thuận lợi trong cơ chế. Những người này sẽ không ngại dùng mọi thủ đọan, mưu mô để từng ngày leo cao hơn trên những bước thang quyền lực, mà thủ đoạn, mưu mô thường  dẫn tới hành động phi nhân, bạo lưc.

Cũng vì gắn liền với quyền, nên không mấy người có quyền trong cơ chế tránh khỏi vong thân, vượt qua được cám dỗ “đánh mất chính mình” khi lạm quyền để “vinh thân phì gia”, lấy quyền để “đè đầu cưỡi cổ” thiên hạ, và độc quyền hành xử như bạo chúa ác độc.

Nói cách khác, mục tiêu ban đầu của cơ chế là phục vụ, cũng như quyền hành thuộc cơ chế là để mưu tìm công ích và hạnh phúc cho từng cá nhân trong xã hội đã không còn “nguyên hình nguyên trạng”, nhưng thoái hoá thành phương tiện phục vụ một thiểu số có quyền. Và khi nắm được quyền trong tay, họ sẽ cấu kết  thành phe cầm quyền, nhóm lãnh đạo, và vì quyền lợi chung của phe cánh, họ sẽ  cùng nhau  sống chết bảo vệ “pháo đài quyền” mà không để ai tấn công, chiếm đóng, cướp đoạt khỏi tay họ.

Đức Giêsu thiết lập cơ chế Giáo Hội, đúng hơn Ngài thiết lập Giáo Hội như một cơ chế, khi chọn Phêrô làm người đại diện của Ngài ở trần gian (x.Mt 16,18). Ngài cũng xác nhận cơ chế ấy có quyền, khi trao cho ông chià khóa Nước Trời (x. Mt 16,19). Nhưng Ngài nhấn mạnh cơ chế ấy là để phục vụ, khi ân ần căn dặn các tông đồ là những người được  Ngài trao quyền quản trị Giáo Hội: “Anh em biết: thủ lãnh các dân thì dùng uy mà thống tri dân, những người làm lớn thì lấy quyền mà cai quản dân. Giữa anh em thì không được như vậy: Ai muốn làm lớn giữa anh em thì phải làm người phục vụ anh em. Và ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ anh em. Cũng như Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người” (Mt 20,25-28).

Đức Giêsu cũng lập Hội Thánh như Bí Tích của Lòng Chúa Thương Xót, nên trên đường lữ thứ trần gian, cơ chế Giáo Hội  phải là cơ chế thể hiện tình yêu; trên đường đi theo Đức Giêsu, cơ chế Giáo Hội  phải là  cơ chế biểu hiện lòng thương xót của Thiên Chúa. Chẳng thế mà trước khi trao các “chiên mẹ, chiên con” của mình cho Phêrô chăn dắt (x. Ga 21,15.16.17) Đức Giêsu đã hỏi ông nhiều lần với cả ân tình: “Này anh Simôn, con ông Gioan, anh có mến Thầy hơn các anh em này không?” (Ga 21,15.16.17), và sau mỗi lần được hỏi,  Phêrô  vừa xúc động vừa long trọng tuyên xưng: “Lạy Thầy, Thầy biết con yêu mến Thầy”  (Ga 21,15.16.17). Như thế, Phêrô đã được chọn đứng đầu cơ chế Giáo Hội vì ông sẵn sàng yêu thương và hy sinh cho đoàn chiên; Phêrô đã được giao trọng trách tổ chức cơ chế Giáo Hội, vì ông hứa yêu thương đoàn chiên hết tình và phục vụ đoàn chiên hết mình.

Quả thực, Đức Giêsu đã minh nhiên xác nhận: cơ chế Giáo Hội của Ngài ở trần gian  là một cơ chế  Yêu Thương và Phục Vụ, quyền bính trong cơ chế này chỉ để thương xót và  để quỳ xuống rửa chân cho nhau là hình ảnh phục vụ vô cùng ấn tượng mà chính Ngài đã làm gương cho những người được Ngài trao quyền quản trị Giáo Hội, nên sẽ không có tệ trạng giáo sĩ trị hay bất cứ một hình thức thống trị, cai trị nào khác theo kiểu thế gian được phép tồn tại trong Giáo Hội, vì cơ chế Giáo Hội dứt khoát không được Đức Giêsu  hình thành để thống trị.

2/ Cơ chế thống trị độc ác:

Nếu các cơ chế trần gian độc ác một, thì cơ chế Giáo Hội, nếu thoái hoá thành cơ chế thống trị sẽ độc ác hai, vì cơ chế thoái hóa ấy dựa vào uy tín của Ngôi Lời Thiên Chúa, và thần quyền do Ngài ban.

Dựa vào uy tín của Thiên Chúa mà độc tài thống trị, độc đoán luận tội, độc quyền phán quyết thì hỏi sao cơ chế thoái hoá ấy tránh khỏi độc ác? Dựa vào thần quyền, tức quyền của Thiên Chúa, quyền của Trời mà cai trị, thì hỏi ai còn dám  bất đồng, phản biện? Lấy  Danh của Thiên Chúa mà  uy hiếp, khống chế thì mấy người  đủ sức  “đứng thẳng, ngẩng cao đầu”? Đem bí tích, ân sủng, ơn cứu rỗi  để  tạo sức ép, thì  ai dám đối mặt, đối chất? Dùng thiên đàng, hoả ngục mà đe dọa thì hỏi còn được mấy người  “uy vũ bất năng khuất” trước cơ chế ác độc vì được thần quyền bảo kê?

Chính thần quyền làm cho cơ chế Giáo Hội dễ bị lũng đoạn bởi những con người  ở trong cơ chế nhưng thiếu một tấm lòng; chính thần quyền tạo cơ hội thuận tiện và bệ phóng an toàn cho những kẻ có quyền  trong cơ chế Giáo Hội nhưng không thiện tâm. Chính những người thiếu lòng thương xót và mải mê đi tìm cái tôi ích kỷ, kiêu căng đã làm mất giá trị và ý nghĩa của cơ chế Giáo Hội, bởi chính họ đã làm nhơ nhớp dung mạo Giáo Hội như Bí Tích của lòng thương xót và  làm xấu xí dung nhan Đức Giêsu, Đấng Cứu Độ vô cùng nhân hậu, bao dung, Mục Tử nhân lành sẵn sàng hiến mạng sống cho đoàn chiên được “sống và sống dồi dào” (Ga 10,10).

Đàng khác, bởi thần quyền không thuộc thế gian, nên kẻ gian một khi đã lọt được  vào chuồng chiên Giáo Hội, hắn sẽ tha hồ  “thịt” chiên, hãm hại chiên, vì thần quyền thì tuyệt đối; bởi thần quyền không do thế gian ban cho, nên kẻ chăn thuê một khi đứng được vào hàng ngũ “mục tử”, hắn sẽ thoải mái phá hoại đoàn chiên bằng đủ mưu hèn kế bẩn, như mở cửa cho sói dữ vào chuồng, để “sói vồ chiên và làm cho chiên tán loạn” ( Ga 10, 12); bởi thần quyền được bảo đảm bởi Thiên Chúa, nên khi thần quyền lọt vào tay kẻ bất chính, “lòng lang dạ thú” thì kể sao cho xiết tai ương khốn khó đổ trên đầu con dân nghèo khó, bé mọn, cô thân, dốt nát như Đức Giêsu đã chạnh lòng thương đám dân, “vì họ lầm than, vất vưởng  như bầy chiên không người chăn dắt”, và Ngài đã nói với các môn đệ rằng: “Lúa chín đầy đồng, mà thợ găt lại ít. Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về” (Mt 9, 36 -38). Tất nhiên là những thợ gặt giầu lòng thương xót và hăng say phục vụ như lòng Chúa mong ước.

3/ “Cơ chế thoái hoá” sinh ra những con người giả hình:

Ngoài những hậu quả xấu  mà cơ chế thoái hoá gây ra cho Giáo Hội, điển hình là cơ chế giáo sĩ trị mà Đức Thánh Cha Phanxicô đã nêu lên trong thư gửi Dân Chuá ngày 20.08.2018: “Chủ nghĩa giáo sĩ trị được ủng hộ bởi chính các linh mục hay bởi giáo dân sản sinh ra sự chia rẽ trầm trọng trong thân thể Hội Thánh. Nó khuyến khích và tiếp tay cho  nhiều sự dữ  được mãi mãi tồn tại, những sự dữ mà chúng ta đang  lên tiếng tố cáo, vach trần hôm nay”, Giáo Hội còn chịu một tai họa nặng nề khác, đó là làm mất phẩm chất Kitô nơi không ít người tín hữu.

Họ là những người vì quá sợ cơ chế, nên phải giả hình hoặc để tìm đường tiến thân, hoặc để được  yên thân. Người chọn giả hình để tiến thân cũng như để yên thân, cả hai sẽ giả hình phục tùng, giả hình  trung tín, giả hình công chính,  thánh thiện là những thứ giả hình nguy hiểm khi đưa chủ nhân của nó vào những ảo tưởng có sức phá hoại tận gốc rễ căn tính của người Kitô hữu, bởi đi ngược với đòi hỏi của Tin Mừng.

Sở dĩ giả hình là virút nguy hiểm có sức tàn phá khủng khiếp đời sống Kitô hữu, vì người giả hình sẽ mang ảo tưởng “sở hữu chân lý”, ảo tưởng “người công chính  được chọn”, ảo tưởng  thánh thiện “tự mình thánh hoá” muôn dân, ảo tưởng “được tôn trọng vì xứng đáng” mà tất cả đều  xuất phát từ kiêu căng,  kiêu hãnh quá độ dẫn đến những hành vi bất công, bất chính, “cướp bóc và ăn chơi vô độ” (Mt 23,25) như Đức Giêsu đã nêu lên ở kẻ giả hình và nặng lời khiển trách họ trong Tin Mùng (x. Mt 23).

 

Tóm lại, chúng ta không cực đoan, quá khích đả phá, đòi xóa bỏ cơ chế Giáo Hội vì Giáo Hội là Giáo Hội cho con người nên cần có cơ chế, nhưng cơ chế Giáo Hội phài là cơ chế của Tình Yêu và Phục Vụ như ý muốn của Đức Giêsu, Đấng sáng lập Giáo Hội; người của cơ chế phải sống lòng thương xót khi phục vụ cộng đoàn; người trong cơ chế, làm nên cơ chế phải thực sự sống tinh thần người đầy tớ vô dụng của Tin Mừng mà không dùng quyền được Thiên Chúa trao để làm khổ người khác, làm nhục anh em, làm khó thiên hạ, vì ho không được chọn vào cơ chế để thống trị, để bành trướng thế lực, ảnh hưởng phe nhóm, hay thu gom lợi nhuận cho riêng mình, nhưng được chọn để làm cho cơ chế Giáo Hội ngày càng trở nên khí cụ cứu rỗi tuyệt hảo trong tay Thiên Chúa giầu lòng thương xót.

Nhưng trong thực tế, cơ chế Giáo Hội còn rất xa lý tưởng là  “khí cụ cứu rỗi tuyệt hảo” trong tay Thiên Chúa. Trái lại, cơ chế thoái hoá xem ra ngày càng lấn sân, lan rộng do con số  những người tín hữu giả hình,  mù qúang trong ảo tưởng  mà cơ chế thoái hóa sản sinh ra ngày càng đông. Chính những con người giả hình này đã đắc lực tiếp tay  cho “cơ chế  vốn đã thoái hoá” được tiếp tục tồn tại và phát triển.

Phần chúng ta, không bi quan, cũng không thất vọng, nhưng tỉnh táo, linh động để nhận định chính xác tình thế hầu vực dậy và canh tân, đồng thời  bắt đầu Hiệp Hành từ chính mình với tâm tình và ý hướng được trở nên khiêm tốn, can trường,  trung thực như Gioan Tẩy Giả đã dám nói lên sự thật dù bị chém đầu. Ước gì trên đường Hiệp Hành, mỗi người Kitô hữu chúng ta đều dám lên tiếng vì lợi ích của Giáo Hội với tinh thần xây dựng, và thái độ cảm thông nhưng không đồng loã, dù biết số phận của mình sẽ rất hẩm hiu khi sức mạnh của “cơ chế thoái hoá” vẫn còn đó; đồng thời can đảm đi ngược dòng dù biết rõ người của “cơ chế thoái hóa” sẽ đặt chúng ta vào vị thế đối đầu, đối kháng, đối thủ của họ và  hoị có đủ cách bịt miệng, cột chân trói tay, vô hiệu hoá thiện chí, khả năng cũng như mọi sinh hoạt và những đóng góp tích cực của những ai không nghĩ, không cư xử, không hành động như họ.

Chỉ có một điều đáng buồn là ngày nay người ta không còn ngạc nhiên khi thấy nhiều tín hữu “chân trong chân ngoài”, nhiều giáo dân giữ đạo cho có, nhiều người có đạo thất vọng và nặng lời chỉ trích, lên án Giáo Hội, nhiều người công giáo thờ ơ, bất cần, bất mãn chủ chăn, và khi được hỏi tại sao ra nông nỗi này, thì hầu như tất cả đều cùng một câu trả lời: vì cơ chế Giáo Hội cạn máu yêu thương và  mồ hôi phục vụ Dân Chúa.

Jorathe Nắng Tím            

 

Bài viết liên quan

Mùa Phục Sinh

TMĐP- Xin cho chúng con “biết đặt niềm tin và hy vọng vào Chúa” trên mọi nẻo đường, vì bất cứ ở đâu, và...

Cảm thức

TMĐP- Hình ảnh Mẹ Việt Nam, cũng là hình ảnh người phụ nữ một đời chỉ biết hết mình, hết tình Hy Sinh: hy...

Giáo hội

TMĐP- Bài viết sẽ giúp quý Bạn cũng nhận ra sự khác biệt giữa danh hiệu “Mẹ Đức Giêsu Thiên Chúa làm người” theo...

Giáo hội

TMĐP- Chiến thuật “Đánh lận con đen”. Vừa ở trong, vừa ở ngoài, nghĩa là tuyên bố ở trong Hội Thánh, nhưng không tuân...