Connect with us

Hi, what are you looking for?

Giáo hội

TẠI SAO MỤC TỬ Ở ĐÂU VÀ THỜI NÀO CŨNG LÀ ĐỀ TÀI NÓNG?

TMĐP- Ước gì mục tử và đàn chiên hiệp nhất nên một…

Viết về mục tử thì không biết trên thế giới này đã tốn bao nhiêu giấy mực, và nói về các vị thì quả là đề tài luôn nóng, làm phỏng môi, bỏng lưỡi  cả “fan cuồng” lẫn “anti-fan”, người ủng hộ bằng mọi giá, và cả kẻ chống đối, lên án chuyên nghiệp.

Thực vậy, ngay từ thời Môsê, trên đường về Đất Hứa, mục tử đã là niềm  mơ ước của dân như lời cầu xin của Môsê: “Ước gì Đức Chúa, là  Thiên Chúa ban sinh khi cho mọi xác phàm, đặt một người lãnh đạo cộng đồng. Người ấy sẽ ra vào trước họ và dẫn họ ra vào, để cộng đồng của Đức Chúa đừng giống như đàn chiên không có mục tử chăn dắt.” (Ds 27,16-17). Và hình ảnh Thiên Chúa là  Mục Tử chính là hình ảnh tuyệt  vời cao đẹp và vô cùng an ủi đã là lẽ sống của Dân Chúa  xuyên suốt dòng lịch sử thăng trầm: “Chúa là mục tử chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn gì. Trong đồng cỏ xanh tươi, Người cho tôi nằm nghỉ. Người đưa tôi tới dòng nước trong lành và bổ sức cho tôi. Người dẫn tôi trên đường ngay nẻo chính, vì danh Người… Lòng nhân hậu và tình thương Chúa ấp ủ tôi suốt cả cuộc đời …” (Tv 22, 1-3.6),

Trong Tân Ước, Đức Giêsu đã tự vẽ lên chân dung Mục Tử nhân lành là chính mình: Mục tử  ấy  biết và gọi tên từng con chiên, rồi dẫn chúng ra… Anh “đi trước và chiên đi theo sau, vì chúng nhận biết tiếng của anh”. Người ấy không để sói dữ  hay kẻ trộm hãm hại, làm tán loạn chiên, nhưng “hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên”, và đến “để cho chiên được sống và sống dồi dào” (x. Ga 10,1-15);

Như thế, mục tử rất cần cho đoàn chiên, vì không có mục tử, chiên sẽ đói khát, vì không ai dẫn chiên tới đồng cỏ, suối nước; không có mục tử, sự sống của chiên luôn bị đe dọa, vì kẻ trộm rình bắt và sói rừng săn lùng ăn thịt; không có mục tử, chiên hoang mang, sợ hãi trước người lạ, vì chiên chỉ đi theo và nghe tiếng mục tử chăn dắt  mình. Tóm lại, không có mục tử, chiên chẳng biết đường  nào đi, chẳng biết cách nào sống, chẳng  biết làm gì để tự bảo vệ.

Cựu Ước đã không ngớt đề cập sự cần thiết của mục tử, và cảnh tượng đáng thương của đoàn chiên không người chăn dắt: “Tôi đã thấy toàn thể Ítraen tán loạn trên núi như chiên không người chăn.” (1V 22,17; x.Gđt 11,19). Riêng  Đức Giêsu khi “thấy đám đông thì chạnh lòng thương, vì họ lầm than vất vưởng, như bầy chiên không người chăn dắt” (Mt 9, 36).

Nhưng nhu cầu cấp bách  không chuẩn chước phẩm chất của mục tử, không chỉ do sứ vụ đòi hỏi, mà còn vì con người của mục tử luôn có ảnh hưởng lớn trên toàn thể đoàn chiên. Nói cách khác, tình yêu, phẩm hạnh, lòng nhiệt thành, tận tâm chăn dắt đoàn chiên của mục tử là đích nhắm của  quân thù. Chúng chỉ cần đánh vào điểm yếu của mục tử là đủ phân tán,và  làm đoàn chiên  hoang mang, hoảng sợ; chỉ cần lôi ra lầm lỗi, tội ác của mục tử là đủ làm tan đàn xẻ nghé đoàn chiên; chỉ cần bới móc, bôi nhọ mục tử là đủ làm ô nhục, xấu hổ cả đoàn chiên, vì an toàn của đoàn chiên, danh dự của đoàn chiên, cũng như hạnh phúc của đoàn chiên phần lớn do mục tử tốt lành mang lại, nên cũng mất đi, khi mục tử biến chất thành kẻ chăn thuê.

Vì thế mục tử rất  quan trọng đối với đoàn chiên, vì sự hiện diện tốt lành của mục tử là yếu tố quyết định đời sống thánh thiện của  cả đoàn chiên. Cũng chính vì tầm quan trọng và cần thiết của mục tử cho sự sống còn của đoàn chiên, mà địch thù chỉ cần đánh gục mục tử là chắc chắn cưỡng chiếm được đoàn chiên  như ngôn sứ Dacaria đã tuyên sấm: “Hãy đánh mục tử, thì đàn chiên sẽ tan tác” (Dc 13,7). Trong Tin Mừng, Đức Giêsu cũng nhắc lại điều này cho các môn đệ  trước giờ bị bắt: “Tất cả anh em sẽ vấp ngã, vì Kinh Thánh đã chép: Ta sẽ đánh mục tử và chiên sẽ tan tác “(Mc 14,27).

Cũng vì ý thức vai trò rất quan trọng của mục tử để “chiên được sống và sống dồi dào” (Ga 10,10), mà ở đâu và thời nào, dư luận quần chúng  nói chung, và đoàn chiên nói riêng đều hoặc nặng lời trách móc, hoặc  ngậm ngùi than thở trước những gương mù gương xấu của mục tử tha hoá. Những than thở, trách móc  nói lên  sự quan tâm của người đời, và khao khát của đoàn chiên mong  được chăn dắt bởi những mục tử tốt lành, và người tín hữu dễ rơi vào  hố sâu  thất vọng khi phải đối mặt với những mục tử không còn  tốt lành như lòng Chúa mong ước.

Trước tình cảnh này, có những phản ứng khác nhau: phản ứng từ bên ngoài với mức độ  kinh khủng hung bạo của kẻ thù Giáo Hội. Họ lợi dụng những yếu đuối của mục tử để khai tử sớm bao nhiêu có thể Đức Giêsu và Giáo Hội của Ngài, nên không ngại dùng mọi  luận điệu gian ác và  đòn thù độc địa để quy chụp, mạ lị, lên án. Bên cạnh  là phản ứng ở bên trong đoàn chiên, trong số đó, có những  con chiên vì nhiệt tình yêu Giáo Hội, mong ước Giáo Hội ngày càng hoàn hảo, lộng lẫy, tinh tuyền, nên lớn tiếng  phê bình xây dựng, gây nên những ồn ào đôi khi phản tác dụng; có con chiên  vì bức xúc do những lấn cấn, thành kiến, bất bình có trước, đã mượn gió bẻ măng, làm cho tình hình trở nên rối ren, căng thẳng vì  thiếu khách quan, xa sự thật ; tiếp đến là phản ứng của số đông  thầm lặng:  họ biết mà không nói, thấy mà nhắm mắt làm ngơ, nghe mà giả như điếc. Sở dĩ  số đông thầm lặng bàng quan, dửng dưng,  đứng ngoài cuộc,  vì họ nghĩ  có nói cũng chẳng ai nghe, có trình cũng không ai  giải quyết, chưa kể  vì sợ Chúa phạt, sợ cha xứ trả thù,  sợ đồng đạo chê bai, đàm tiếu,  nên chẳng dại gì ôm rơm cho rặm bụng. Còn lại một số ít  chọn  kín tiếng, kiệm lời vừa để  bảo vệ danh dự của mục tử lầm lỗi, vừa để  giải quyết hữu hiệu vụ việc với người có trách nhiệm liên quan  với  tinh thần “Bác Ái trong Sự Thật” của Tin Mừng,  và tất nhiên phải dựa vào sức mạnh của cầu nguyện và tin vào ơn đổi mới của Chúa Thánh Thần.

Nhưng dù phản ứng từ  nhiều phiá có khác nhau, thì tình trạng thoái hoá của một số ít mục tử là điều không thể chối cãi, nhưng không bao giờ là điều không thể hiểu, vì yếu đuối, lỗi lầm là chuyện thường tình của con người. Vấn đề là bài học rút ra được từ tình trạng biến chất ấy.

Chúng ta hãy cùng ngôn sứ Êdêkien và thánh Phaolô đi tìm bài học Chúa dạy, và điều Chúa muốn không chỉ ở mục tử mà còn ở từng con chiên của đoàn chiên.

Với các mục tử, qua miệng ngôn sứ, Đức Chúa phán: “Khốn cho các mục tử Ítraen, những kẻ chỉ biết lo cho mình ! Nào mục tử không phải chăn dắt chiên sao? Sữa các ngươi uống, len các ngươi mặc, chiên béo tốt thì các ngươi giết, còn đàn chiên lại không lo chăn dắt. Chiên đau yếu, các ngươi không làm cho mạnh; chiên bệnh tật, các ngươi không chữa cho lành; chiên bị thương, các ngươi không băng bó; chiên đi lạc, các ngươi không dưa về; chiên bị mất, các ngươi không chịu đi tìm. Các ngươi thống trị chúng một cách tàn bạo, hà khắc. Chiên của Ta tán loạn vì thiếu mục tử và biến thành mồi cho mọi dã thú, chúng tán loạn. Chiên của Ta tản mác trên các ngọn núi, trên mọi đỉnh đồi. Chiên của Ta tản mác trên khắp mặt đất, thế mà chẳng ai chăm sóc, chẳng ai kiếm tìm ….Bởi chiên của Ta bị cướp phá và biến thành mồi cho mọi dã thú vì thiếu mục tử, bởi các mục tử chỉ biết lo cho mình mà không chăn dắt đàn chiên của Ta, nên hỡi các mục tử, hãy nghe lời Đức Chúa: Đây Ta chống lại các mục tử. Ta sẽ đòi lại chiên của Ta; Ta sẽ không để cho chúng chăn dắt chiên, và các mục tử sẽ không còn lo cho mình. Ta sẽ giải thoát các chiên Ta khỏi miệng chúng, để chiên của Ta không còn làm mồi cho chúng nữa. .. Đây, chính Ta sẽ chăm sóc chiên của Ta và thân hành kiểm điểm… Ta sẽ chăn dắt chúng trong đồng cỏ tốt tươi và chuồng của chúng sẽ ở trên các núi cao Ítraen. Tại đó, chúng sẽ nằm nghỉ trong chuồng êm ái, sẽ đi ăn trong đồng cỏ mầu mỡ trên núi. Chính Ta sẽ chăn dắt chiên của Ta….Con nào bị mất, Ta sẽ đi tìm; con nào đi lạc, Ta sẽ đưa về; con nào bị thương, ta sẽ băng bó; con nào bệnh tật, Ta sẽ làm cho mạnh;con nào béo mập, con nào khoẻ mạnh, Ta sẽ canh chừng. Ta sẽ theo lẽ chính trực mà chăn dắt chúng” (Ed 34,2-6.8-11.14-16).

Chúng ta thấy, với các mục tử, Thiên Chúa đã nhắc đi nhắc lại nhiều lần cụm từ “chiên của Ta”, và các động từ “chăn dắt, chăm sóc, đi tìm”, đồng thời nhấn mạnh quyền mục tử của Ngài trên đàn chiên, vì đàn chiên ấy là đàn chiên của Ngài. Mục tử được nhắc đến ở đây chỉ là người được Ngài sai đến để nhân danh Ngài chăn dắt chiên.

Đây là bài học căn bản Thiên Chúa dành cho  người được chọn làm mục tử, đó là tinh thần khiêm tốn và quên mình phục vụ của người đầy tớ trung tín, bởi nguyên nhân sâu sa những sai trái ở mục tử biến chất chính là ích kỷ  lo cho mình và kiêu căng biến đàn chiên thành vật sở hữu, và phương tiện trong tay mình.

Nếu Thiên Chúa dạy mục tử, thì Ngài cũng dạy đàn chiên khi phán: “Này Ta sẽ xét xử giữa chiên với chiên, giữa cừu với dê. Được chăn trong đồng cỏ tốt tươi đối với các ngươi phải chăng còn quá ít, mà các ngươi lại lấy chân đạp phần đồng cỏ còn lại của các ngươi, được uống nước trong mà các ngươi lại lấy chân quậy đục phần còn lại? Vì thế, đàn chiên của Ta phải gặm phần cỏ chân các ngươi đã giày đạp, phải uống phần nước chân các ngươi đã quậy đục. Bởi vậy, Đức Chúa là Chúa Thượng phán với chúng như sau: Này Ta sẽ xét xử giữa chiên béo với chiên gầy. Vì các ngươi thúc vào sườn, vào vai và lấy sừng mà húc vào mọi con chiên đau yếu đến độ các ngươi làm cho chúng phải tản mác ra ngoài, nên Ta sẽ cứu thoát chiên của Ta để chúng không còn bị cướp phá…” (Ed 34, 17-22).

Rõ ràng khi mục tử biến chất, thì nhiều chiên cùng thoái hoá  theo, khi mục tử sa đà, thì chiên cũng sa đọa, gục ngã, như  không còn nhận ra đồng cỏ tốt tươi, suối nước trong lành là hồng ân  của Thiên Chúa, bằng cớ là vừa gặm cỏ vừa giẫm nát cỏ, vừa uống nước vừa quậy đục nước. Điều này nói lên việc làm  lãng phí trầm trọng  ơn Chúa và thái độ vô ơn của chiên đối với Thiên Chúa là Mục Tử tối cao.

Gương xấu “lo cho mình” và “kiêu căng thống trị” của mục tử còn lôi kéo nhiều chiên vào con đường ganh ghét, bạo lực, không còn biết thương yêu, tương trợ, đoàn kết, khi tranh giành, đấu đá, loại trừ lẫn nhau, cư xử với nhau theo luật rừng: mạnh được yếu thua,  cả vú lấp miệng em, lấy thịt đè người, mà không còn tuân theo luật Yêu Thương của Thiên Chúa ngay giữa chuồng chiên, trong cung lòng Mẹ Hội Thánh.

Tóm lại, khó có thể chỉ một mình mục tử biến chất, mà đàn chiên không hề hấn, ảnh hưởng; cũng khó có tình trạng đàn chiên tự mình đứng vững, khi mục tử  đánh mất mình và  sụp đổ, nhưng số phận của đàn chiên và mục tử luôn gắn liền, và đời sống cũng như hạnh phúc của mục tử và đàn chiên không thể tách biệt, rời xa nhau. Chẳng thế mà Mục Tử tốt lành  biết và gọi tên từng con chiên, như chiên biết, nghe tiếng và đi theo mục tử. Hơn thế nữa, mục tử tốt lành sẵn sàng hy sinh mạng sống mình cho đàn chiên được sống, cũng như đàn chiên quyết tâm bảo vệ mục tử khi chiên bảo nhau  “không theo người lạ, nhưng sẽ chạy trốn, vì chúng không  nhận biết tiếng người lạ.” (Ga 10,5).

Như thế, trong mọi hoàn cảnh của đàn chiên, trách nhiệm sẽ là trách nhiệm chung của cả mục tử và con chiên. Đàn chiên vui, buồn, sướng khổ,  thành công thất bại  đều có  đóng góp của cả mục tử và con chiên; đàn chiên sốt mến, đạo đức, thánh thiện hay nguội lạnh, nhếch nhác, buông tuồng cũng có bóng dáng trách nhiệm của mục tử và con chiên; đàn chiên tan tác, tán loạn vì đối kháng, hận thù  hay quây quần  hiệp thông, hiệp  nhất trong tình yêu và niềm vui Tin Mừng cũng đều có trái tim và bàn tay xây dựng của cả mục tử và đàn chiên, bởi một mình mục tử không làm được tất cả, và chỉ riêng đàn chiên, công trình cũng sẽ không thể được hoàn thành tốt đẹp.

Ước gì mục tử và đàn chiên hiệp nhất nên một, vì không hiệp nhất, trước sau Xatan cũng sẽ lẻn vào gieo cỏ lùng trên thửa ruộng giáo họ, giáo xứ, giáo phận; không hiệp thông, hiệp  hành, cách này hay cách khác, thần dữ sẽ tìm cách tách mục tử khỏi đàn chiên, chia rẽ  con chiên với nhau bằng những chiêu trò ban đầu tưởng rất trẻ con,  không quan trọng, chẳng đáng quan tâm nhưng hậu quả  sẽ vô cùng thảm khốc.

Với kinh nghiệm truyền giáo, thánh Phaolô đề nghị một bí quyết của Tin Mừng để bảo đảm sự hiệp nhất trong cộng đoàn, cùng lúc  mục tử, và đàn chiên bảo vệ nhau trước cạm bẫy làm biến chất mục tử, tha hoá đàn chiên của Xatan, bằng mời gọi cả mục tử và đàn chiên cùng  sống tinh thần khiêm nhường sám hối, để có thể cảm thông, chia sẻ, nâng đỡ nhau một cách thiết thực trong đức tin, và đức ái, khi viết cho giáo đoàn Do Thái: “Thượng tế nào cũng là người được chọn trong số người phàm”, nên “vị ấy có khả năng cảm thông  với những kẻ ngu muội và những kẻ lầm lạc, bởi các vị chính là người cũng đầy yếu đuối; mà vì yếu đuối, nên người phải dâng lễ đền tội cho dân thế nào, thì cũng phải dâng lễ đền tội cho chính  mình như vậy” (Dt 5, 1.2-3).

Thật là hình ảnh tuyệt đẹp và cảm động khi mục tử cũng là thượng tế dâng lễ đền tội cho dân và cho chính mình!

Khiêm tốn và hy sinh như vậy, hỏi làm sao mục tử có thể rời xa đàn chiên, và đàn chiên làm sao có thể thờ ơ, không yêu thương, bảo vệ mục tử của mình, vì có Chúa là Tình Yêu liên kết, phù trợ, để nhờ gắn bó với đàn chiên, mục tử sẽ khó sa đà, biến chất, nhưng  mãi là mục tử như lòng Chúa mong ước cho  đàn chiên  Chúa ký thác  “được sống và sống dồi dào” (Ga 10,10).

Jorathe Nắng Tím

             

 

 

 

Bài viết liên quan

Mùa Phục Sinh

TMĐP- Xin cho chúng con “biết đặt niềm tin và hy vọng vào Chúa” trên mọi nẻo đường, vì bất cứ ở đâu, và...

Cảm thức

TMĐP- Hình ảnh Mẹ Việt Nam, cũng là hình ảnh người phụ nữ một đời chỉ biết hết mình, hết tình Hy Sinh: hy...

Giáo hội

TMĐP- Bài viết sẽ giúp quý Bạn cũng nhận ra sự khác biệt giữa danh hiệu “Mẹ Đức Giêsu Thiên Chúa làm người” theo...

Giáo hội

TMĐP- Chiến thuật “Đánh lận con đen”. Vừa ở trong, vừa ở ngoài, nghĩa là tuyên bố ở trong Hội Thánh, nhưng không tuân...