Connect with us

Hi, what are you looking for?

Giáo hội

TẠI SAO “NHÀ CHÚA CHA” LÀ ĐIỂM NÓNG? | Chuỗi Suy Tư Thần Học 02 (Hiện tượng “NCC”) -Bài 05

TMĐP- Phần những người Kitô hữu, chúng ta phải làm gì khi đứng trước điểm nóng có thể tạo thành đám cháy?

Khi phân tích những vấn đề của “Nhà Chúa Cha”, người viết luôn tự nhủ mình phải “sống theo sự thật và trong tình bác ái” (Ep 4,15) như thánh Phaolô đã căn dặn, vì mục đích của việc trình bầy chân lý đức tin không nhằm đưa đến chia rẽ,  nhưng tìm về hiệp nhất, vì tất cả “chỉ là một thân thể trong Đức Kitô, mỗi người liên đới với người khác như những bộ phận của thân thể” (Rm 12,5); không nhằm xét đoán “để tránh gây cớ cho anh em mình phải vấp hay phải ngã” (Rm 14,13), vì không ai được “xét xử điều gì trước kỳ hạn, trước ngày Chúa đến” (1 Cr 4,5),  nhưng “theo đuổi những gì đem lại bình an và những gì xây dựng cho nhau” (Rm 14,19); cũng không nhằm tẩy chay, cô lập, loại trừ bất cứ người nào, dù người đó hoàn toàn  đi ngược đường lối của giáo lý đức tin, và bất tuân phục Huấn Quyền, nhưng “đón nhận nhau” như Đức Kitô đã đón nhận mọi người (x. Rm 15,7), vì không phải những người anh em đang bị ma quỷ cám dỗ, lôi kéo, quậy phá mà chúng ta chống, nhưng cùng với những anh em này, chúng ta chống lại ma quỷ, bằng cùng nhau “tìm sức mạnh trong Chúa và trong uy lực toàn năng của Người… để có thể đứng vững trước những mưu chước của ma quỷ. Vì chúng ta chiến đấu không phải với phàm nhân, nhưng là với những quyền lực thần thiêng, với những bậc thống trị thế giới tối tăm này, với những thần linh quái ác chốn trời cao ư” ( Ep 6,10-12).

Và để  tất cả “chúng ta sẽ lớn lên về mọi phương diện, vươn tới Đức Kitô vì Người là Đầu. Chính Người làm cho các bộ phận ăn khớp với nhau và toàn thân được kết cấu chặt chẽ.” (Ep 4,15-16), chúng ta phải cư xử với nhau  như “những người  được Thiên Chúa tuyển lựa, thánh hiến và yêu thương” với “lòng thương cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hoà, nhẫn nại, chịu đựng, và tha thứ cho nhau” (x. Cl 3,12-13). Riêng với những vị có trách nhiệm giáo huấn, “người ấy phải lấy lòng hiền hoà mà giáo dục những kẻ chống đối: biết đâu Thiên Chúa lại chẳng ban cho họ ơn sám hối để nhận biết chân lý, và họ sẽ tỉnh ngộ, thoát khỏi cạm bẫy của ma quỷ đã dùng để bắt giữ họ và khinế họ làm theo ý nó?” (2 Tm 2,25-26).

Với tinh thần của người Kitô hữu nói trên, chúng ta mới có thể cùng nhau tìm xem đâu là nguyên nhân đã biến “Nhà Chúa Cha” thành điểm nóng, mà không làm tổn thương những anh chị em đang sống dưới mái nhà ấy, vì trong mọi trường hợp, họ vẫn luôn là anh em của chúng ta, nên chúng ta không được phép  quy kết, chụp mũ họ là quỷ, hoặc  người của quỷ, cánh tay nối dài của quỷ, con cái ma quỷ, vì chỉ một mình Thiên Chúa mới có quyền phán xét, vì chỉ một mình Ngài thấu suốt tâm can mỗi người.

1. Nhà Chúa Cha là điểm nóng vì mức độ leo thang trong hoạt động không phù hợp với giáo lý đức tin công giáo:

Hoạt động lúc đầu của Nhà Chúa Cha chỉ là chữa bệnh, trừ quỷ. Hầu như mọi người biết đến Nhà Chúa Cha qua hoạt động trừ quỷ, chữa bệnh này.

Tâm lý bình thường thì ai cũng muốn mình và người thân khỏi bệnh, nhất là những bệnh mà y khoa không tìm ra nguyên nhân, hoặc tái đi tái lại mà không hy vọng chữa hết, nên chuyện đi tìm nơi trị bệnh, kiếm thầy chữa bệnh, “vái tứ phương để gặp thầy gặp thuốc” là chuyện không có gì phải ầm ĩ. Ngay cả chữa bằng cách nào, trị theo kiểu nào cũng không là vấn đề cần quan tâm đối với người bệnh,  miễn sao hết bệnh. Đó cũng là lý do nhiều người tự xưng mình là “thần y”, hoặc xưng là “thầy trừ tà, trừ quỷ”, và cũng là lý do nhiều con bệnh rơi vào hoàn cảnh “tiền mất tật mang”.

Nhà Chúa Cha thì hoàn toàn khác, vì ở đây, bệnh nhân được mời gọi đi vào sinh hoạt đạo đức bằng dự lễ mỗi ngày, ăn chay trường, cầu nguyện liên lỷ, sống tự hạ,  và tha thứ như điều kiện để được chữa lành bệnh thân xác, vì bệnh được coi là hậu quả của việc ma quỷ đang hiện diện và quậy phá  đương sự, nên bệnh chỉ hết, khi ma quỷ bị trục xuất ra khỏi người bệnh.

Nếu hoạt động ở Nhà Chúa Cha chỉ có thế, nghiã là chỉ thuần túy trừ quỷ, trừ tà thì có thể  vấn đề không trở nên trầm trọng đến nỗi Đấng Bản Quyền giáo phận phải mạnh tay can thiệp, vì công việc trừ quỷ, sau một thời gian quan sát và phân định, Giám Mục giáo phận có thể hợp pháp hoá cách này cách khác, theo sự khôn ngoan của ngài, vì dù gì đi nữa, mục đích chính vẫn là duy trì “hiệp nhất, hiệp thông ư”  trong Giáo Hội, để làm vinh danh Chúa và mưu ích cho các linh hồn mà  Bản Quyền giáo phận luôn nhắm tới, và cố gắng thực hiện.

Nhưng vấn đề trở nên nhiêu khê, khi hoạt động của Nhà Chúa Cha đã không dừng ở việc trừ quỷ, trừ tà, nhưng leo thang một cách mau chóng và quyết liệt bằng những hoạt động thuộc phạm vi giáo lý đức tin, khi qủa quyết: Chúa Cha nhập cuộc với chương trình cứu thế mới của riêng Ngài, khi chọn một người và qua con người này, Chúa Cha trực tiếp mặc khải từ những việc bình thường trong  ứng xử, và sinh hoạt hằng ngày, như phải trả lời thư của  đức cha giáo phận thế nào, phải chăm sóc em bé thuộc diện “thai thánh” làm sao, có cần phải gỡ xuống các clip làm chứng theo lệnh của Giám Mục không… đến những mặc khải quan trọng gây hoang mang trong cộng đồng dân  Chúa,  và có thể làm đảo lộn toàn bộ Giáo Lý Đức Tin của Hội Thánh công giáo, có nguy cơ dẫn đến ly giáo như “không cần phải vâng phục Đấng Bản Quyền”, “Đức Maria là Mẹ của Chúa Cha”, “Đức Mẹ chọn chị Toàn và nhập vào chị để nói với nhân loại những điều Chúa Cha muốn, do chỉ thị trực tiếp của Chúa Cha, và tác động của Chúa Thánh Thần”, hoặc “Nhà Chúa Cha là nơi duy nhất Chúa Cha chọn đến ngự,  chị Thiên Thương là người duy nhất Chúa Cha chọn để viết ra những mặc khải mới cho thời đại mới, và thánh ý của Ngài cho từng người, từng công việc”.

Vấn đề sở dĩ ngày càng trở nên nghiêm trọng mà hậu quả sẽ không nhỏ đối với đức tin của cộng đồng Dân Chúa, là vì hoạt động của Nhà Chúa Cha không còn được khoanh vùng, đóng khung, và giới hạn  ở việc trừ quỷ, nhưng đã đi qúa xa, vượt qúa những gì Giáo Lý Đức Tin cho phép, khi tự cho mình quyền nhận mặc khải mới,  quyền cắt nghiã và quảng bá mặc khải mới. Nói tóm lại, những bước chân của Nhà Chúa Cha đang lún sâu trong tiến trình ly giáo, tách khỏi Giáo Hội công giáo bằng  những việc làm hoàn toàn đi ngược Giáo Lý Đức Tin tông truyền.

2. “Nhà Chúa Cha ” là điểm nóng vì quy tụ được nhiều thành phần trong Giáo Hội:

Có nhiều nhóm tự đặt mình ra ngoài Giáo Hội, khi không tuân phục Đấng Bản Quyền và tự động quảng bá những điều sai lạc, trái với giáo lý của Giáo Hội, nhưng những nhóm này không mấy được biết tới, và thường chỉ tồn tại một thời gian ngắn, và rất èo uột, vì  thành viên của những nhóm này hầu như chỉ  là giáo dân.

Khác với những nhóm này, “Nhà Chúa Cha” thu hút sự chú ý của rất nhiều người, lôi kéo cảm tình và ủng hộ của số đông đáng kể trong nước cũng như ngoài nước, vì có sự tham gia của nhiều linh mục, tu sĩ nam nữ, là thành phần ưu tú, đươc tuyển chọn, được thánh hiến, có kiến thức thần học, đạo đức, đáng tin cậy, từng giữ vai trò chủ chăn, lãnh đạo, hướng dẫn cộng đoàn.

Với người giáo dân, ở đâu có linh mục, tu sĩ hiện diện; hoạt động nào có linh mục, tu sĩ tham gia điều hành, cộng tác, ở đó có Giáo Hội, và an toàn của chân lý đức tin, vì với nhiều người: Cha là Chúa, Cha nói là Chúa nói, ý Cha là ý Chúa, nên không bận tâm suy nghĩ, cũng chẳng phải nặng lòng đắn do, nếu ở đó có cha, có sơ, có thầy; nếu việc đó có cha, sơ, thầy đang dấn thân thực hiện, vì các ngài không biết thì ai biết bây giờ, các ngài không thấy rõ thì ai thấy rõ đây.

Vấn đề còn lại là công tác qủang bá, lan toả sứ điệp, đường lối, và các phương tiện truyền thông đại chúng được khai thác, tận dụng. Chúng ta đừng quên: ở thời đại công nghệ thông tin cực kỳ tân tiến này, con người không chỉ lười biếng di chuyển, mà còn lười biếng suy nghĩ nữa, nên người ta chỉ dễ dàng đón nhận những gì đến tận phòng ngủ, vào tận giường, kề tận tai, ngay trước mắt. Vì thế, việc truyền giáo của chúng ta cũng phải thích nghi với con người thời đại, khi biết xử dụng những phương tiện của thời đại để loan báo Tin Mừng đến  mọi người, mọi nhà. Và điểm này, Nhà Chúa Cha biết tận dụng.

3. “Nhà Chúa Cha ” là điểm nóng, vì gồm nhiều thành viên có khả năng, cá tính và nhiêt huyết:

Không thể chối cãi một sự thật, đó là đa số thành viên Nhà Chúa Cha đều là những người có khả năng về nhiều lãnh vực, và là những người có cá tính mạnh và đầy nhiệt huyết. Nhờ những tính cách này, anh chị em tuy khác nhau ở tuổi tác, địa vị xã hội cũng như chức vụ trong Giáo Hội, và hoàn cảnh sinh hoạt đời thưòng đã làm nên  một nhóm gắn bó chặt chẽ, có cùng đường lối, chọn lựa. Chẳng hạn như khi được Giám Mục, hay Bề Trên nhà dòng yêu cầu tháo gỡ các clip làm chứng xuống , thì hầu như tất cả đã đồng lòng từ chối đề nghị này, và giữ vững lập trường chung.

Thực vậy, những yếu tố nhân loại này đóng góp không ít vào sự thành công của Nhà Chúa Cha, và với đà phát triển hiện nay, với những con người hội nhiều điều kiện thuận lợi, không lâu sẽ mọc lên đó đây nhiều Nhà Chúa Cha khác, như vừa khai trương Nhà Chúa Cha thứ hai ở tiểu bang Virginia, Hoa Kỳ.

Đứng trước  hiện tượng Nhà Chúa Cha được xem như điểm nóng, chúng ta thấy có nhiều nhận định khác nhau từ nhiều phía: người ủng hộ thì cho rằng “Nhà Chúa Cha” đích thực là công trình của Thiên Chúa. Những người này hầu hết không quan tâm đến những vấn đề thuộc tín lý, nhưng hài lòng vì Nhà Chúa Cha đang làm một công việc, mà từ xưa đến nay chưa bao giờ xẩy ra, cũng chưa ai dám làm, đó là trở thành “Tiếng Nói Sự Thật”  công khai đối đầu với tiếng nói của Giáo Quyền mà từ bao đời vẫn mãi chỉ là tiếng nói “độc thoại, độc quyền, độc đóan ”;  hài lòng vì nhờ có “Nhà Chúa Cha ”, công trình của Chúa Cha, Tiếng Nói  của Sự Thật mới được cất lên, mới có cơ hội bật ra từ cửa miệng những người giáo dân “thấp cổ bé miệng” mà chưa bao giờ được tích cực hướng dẫn, khuyến khích, nâng đỡ  bởi những người thuộc hàng giáo sĩ, tu sĩ.

Bên cạnh những người ủng hộ là những người đả kích, lên án. Tất nhiên những người này xem “Nhà Chúa Cha” là nhà của ma quỷ, là tổ quỷ và nặng lời nguyền rủa những ai đến cư ngụ và làm việc trong nhà này.

Đứng giữa hai nhóm người này là nhóm có khuynh hướng bàng quan, nhưng thực dụng : bàng quan vì tận thâm tâm, vấn đề tín lý hoàn toàn được coi nhẹ, vì những Giáo Lý Đức Tin không giữ một vai trò nào trong đời sống của họ. Nhưng thực dụng, khi cho rằng phải có Nhà Chúa Cha, phải có lực lượng đối kháng, giữ vai trò phản biện, phê bình, thì Giáo Hội  mới canh tân, đổi mới, cũng như phải có người chê xấu, ta mới chăm chút diện mạo.

Phần chúng ta, những người Kitô hữu, chúng ta phải làm gì khi đứng trước điểm nóng có thể tạo thành đám cháy?

Một tâm hồn sôi sục căm tức? Không. Một trái tim vô cảm, không quan tâm ? Không. Một cõi lòng trống vắng, như  thửa đất hoang để thú dữ tha hồ tung hoành? Không.

Bởi điều chúng ta phải làm chính là điều thánh Phaolô đã căn dặn tín hữu Philipphê trong thư của ngài : “Anh em đừng lo lắng gì cả. Nhưng trong mọi hoàn cảnh, anh em cứ đem lời cầu khẩn, van xin và tạ ơn, mà giãi bày trước mặt Thiên Chúa những điều anh em thỉnh nguyện. Và bình an của Thiên Chúa, bình an vượt lên trên mọi hiểu biết, sẽ giữ cho lòng trí anh em được kết hợp với Đức Kitô Giêsu… Và Thiên Chúa là nguồn bình an sẽ ở với anh em” (Pl 4,6-7.9).

Chính trong Đức Giêsu Kitô, với ơn Bình An của Ngài, tất cả chúng ta sẽ hiệp thông, hiệp nhất với nhau, dù hiện nay chúng ta đang đứng ở những vị trí khác nhau, có khi đối nghịch nhau trước “điểm nóng ”, miễn là tất cả chúng ta đều biết “đem lời cầu khẩn, van xin và tạ ơn, mà giãi bày trước mặt Thiên Chúa những điều chúng ta thỉnh nguyện ”.

Xin Đức Maria là trạng sư thần thế trước mặt Thiên Chúa Ba Ngôi thương cầu bầu cho Giáo Hội và  chúng con !

Jorathe Nắng Tím

Thông báo chung từ Tin Mừng Đường Phố: Với mục đích Loan Báo Tin Mừng, tác giả Jorathe Nắng Tím và Tin Mừng Đường Phố chân thành cám ơn sự chia sẻ rộng rãi của Quý bạn, nhưng không đồng ý và không chịu trách nhiệm về những việc “làm lại” hoặc “thay đổi” nội dung cũng như hình ảnh của những clip gốc lấy từ nguồn Tin Mừng Đường Phố. Trân trọng!

 

 

 

 

 

 

 

Bài viết liên quan

Mùa Phục Sinh

TMĐP- Xin cho chúng con “biết đặt niềm tin và hy vọng vào Chúa” trên mọi nẻo đường, vì bất cứ ở đâu, và...

Cảm thức

TMĐP- Hình ảnh Mẹ Việt Nam, cũng là hình ảnh người phụ nữ một đời chỉ biết hết mình, hết tình Hy Sinh: hy...

Giáo hội

TMĐP- Bài viết sẽ giúp quý Bạn cũng nhận ra sự khác biệt giữa danh hiệu “Mẹ Đức Giêsu Thiên Chúa làm người” theo...

Giáo hội

TMĐP- Chiến thuật “Đánh lận con đen”. Vừa ở trong, vừa ở ngoài, nghĩa là tuyên bố ở trong Hội Thánh, nhưng không tuân...