Connect with us

Hi, what are you looking for?

Mùa Giáng Sinh

TÊN CỦA NGÔI LỜI THIÊN CHÚA | Suy Niệm Mùa Giáng Sinh

TMĐP- Trên hành trình cuộc đời làm con người, con Chúa, người Kitô hữu không thể vững bước nếu không kêu cầu Tên Chúa ủi an, cứu giúp…

Ai cũng có tên khi vào đời. Tên không chỉ để gọi, để phân biệt, để nhận ra người này với người kia, nhưng tên còn muốn nói lên ước mơ của người đặt tên, biểu hiện sứ mạng, lý tưởng được người đặt tên ký thác ở người mang tên, như cha mẹ khi đặt tên con đã gửi gắm thao thức, ước mơ, hoài bão của mình.

Làm người như con người, vì muốn trở nên giống con người trong mọi sự trừ tội lỗi, Ngôi Lời Thiên Chúa khi vào đời cũng mang một tên gọi như bao trẻ sơ sinh khác, nhưng tên được chọn cho Ngài có một số điểm khác với các tên gọi khác.

Tên của Ngôi Lời Thiên Chúa khác tên của loài người, vì tên loài người đặt cho nhau không nói lên yếu tính của người được đặt tên, cũng không bảo đảm ước mơ, hoài bão, lý tưởng được ấp ủ trong tên sẽ trăm phần trăm thực hiện.

Tên của Ngôi Lời Thiên Chúa còn khác tên con người, vì tên ấy đã được báo cho nhân loại từ bốn ngàn năm trước, không chỉ qua miệng của một người, nhưng bởi các ngôn sứ trải dài suốt dòng lịch sử cứu độ.

Thực vậy, Tên của “Thiên Chúa làm người” đã được tiệm tiến mặc khải ngay từ buổi bình minh của dân Thiên Chúa. Tên ấy nói lên yếu tính của Ngôi Lời được hé mở trong Cựu Ước như khi Thiên Chúa nói với Môsê : “Ta sẽ ở với ngươi” (Xh 3,12), hoặc khi nói về Ítraen, dân Ngài : “Ta ở giữa chúng đến muôn đời. Nhà của Ta sẽ ở giữa chúng” (Ed 37,26.27); và đặc biệt ngôn sứ Isaia đã nói rõ Tên thánh thiện của Ngôi Lời khi tuyên sấm: “Chính Chúa Thượng sẽ ban cho các ngươi một dấu: Này đây người thiếu nữ mang thai, sinh hạ con trai và đặt tên là Emmanuen” (Is 7,14), đồng thời loan báo sứ mạng và danh hiệu của Đấng Emmanuen ấy:  “một trẻ thơ đã chào đời để cứu ta, một người con đã được ban tặng cho ta. Người gánh vác quyền bính trên vai, danh hiệu của Người là Cố Vấn kỳ diệu, Thần Linh dũng mãnh, người Cha muôn thuở, Thủ Lãnh hoà bình” (Is 9,5).

Và Lời Hứa cứu thế của Thiên Chúa với “Ngôi Lời Thiên Chúa làm người” ở giữa con người đã được hoàn toàn sáng tỏ qua lời qủa quyết của sứ thần khi trấn an thánh Giuse trong giấc mộng  trước toan tính  bỏ Đức Mẹ cách kín đáo, âm thầm: “Này ông Giuse, con cháu Đavít, đừng ngại đón bà Maria, vợ ông về, vì người con  bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần. Bà sẽ sinh con trai và ông phải đặt tên cho con trẻ là Giêsu, vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ” (Mt 1,20-21).

Tỏ rõ Tên của Ngôi Lời cho thánh Giuse khi cẩn thận căn dặn: “ông phải đặt tên cho con trẻ là Giêsu”, nghĩa là “Thiên Chúa cứu độ”, sứ thần đã không chỉ nói rõ, mà còn cắt nghĩa đầy đủ Tên của Ngôi Lời và sứ mạng cứu thế của Ngài: Ngài là “Emmanuen – Thiên Chúa ở cùng chúng ta”, Thiên Chúa ở giữa  nhân loại, giữa dân Người để cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ, và tất cả đã xảy ra đúng như “lời xưa kia Chúa phán qua miệng ngôn sứ ” (Mt 1,22).

Tóm lại, Thiên Chúa đã mặc khải Tên của Con Một Ngài cho nhân loại một cách tiệm tiến theo dòng lịch sử lâu dài của Dân Chúa, và với Thiên Chúa, “Tên là Người”, Tên nói lên yếu tính của Con Người Thiên Chúa, Tên mang sứ mạng cứu thế của Đấng được Thiên Chúa sai đến và xức dầu tấn phong (x. Lc 4,18-19).

Nhưng Tên của Ngôi Lời không chỉ có mục đích “phân biệt hay để gọi” như tên của con người, nhưng Tên Ngài là Tên giải thoát như người bị quỷ ám đã được giải cứu khỏi ách thống trị của ma quỷ khi anh kêu Tên Ngài (x. Mc 5,6); Tên Ngài là Tên vực dậy, chữa lành, như người “bất toại đã ba mươi tám năm” đã  đứng dậy vừa vác chõng đi vừa  nói với mọi người: “Đức Giêsu là người đã chữa anh khỏi bệnh” (Ga 5,15); Tên Ngài là Tên ban ánh sáng như người mù từ thuở mới sinh đã được sáng mắt vì tin Đấng mở mắt cho anh “là người tên là Giêsu” đã trộn một chút bùn , xức vào mắt anh, rồi bảo: “Anh hãy đến hồ Silôác mà rửa!” Anh đã đi rửa và đã nhìn thấy (x. Ga 9,11); Tên Ngài là Tên ban sự sống, như Ladarô đã ba ngày chôn trong mồ tự mình bước ra khỏi mồ “tay còn quấn vải, và mặt còn phủ khăn” (Ga 11,44), nhờ  niềm tin của gia đình vào Ngài qua lời tuyên xưng của bà chị Mácta: “Thưa Thầy, con tin Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa, Đấng phải đến thế gian” (Ga 11,27); Tên Ngài còn là Tên  đầy uy quyền, thế lực khiến ma quỷ, thần dữ phải kinh hãi, khiếp sợ như chính chúng đã thốt lên  khi Ngài xua đuổi chúng: “Ông Giêsu Nadarét, chuyện chúng tôi can gì đến ông, mà ông đến tiêu diệt chúng tôi? Tôi biết ông là ai rồi. Ông là Đấng Thánh của Thiên Chúa” (Lc 4,34), và những  người có mặt, khi thấy quỷ xuất khỏi người chúng ám đã nói với nhau: “Ông ấy lấy uy quyền và thế lực mà ra lệnh cho các thần ô uế”, và chúng phải vâng lời Ngài xuất ra (x. Lc 4,36).

Như thế, Tên của Ngôi Lời chính là nguồn ơn cứu độ, nguồn ánh sáng, nguồn sống bình an cho những ai tin vào Ngài, và niềm tin ấy đuợc biểu hiện sống động qua  việc làm cho tên Ngài được cả sáng khắp nơi, trong tâm hồn mọi người như thánh Phaolô đã khuyên dạy giáo dân Rôma: “Tôi chỉ có tham vọng là loan báo Tin Mừng ở những nơi người ta chưa được nghe nói đến danh Đức Kitô. Tôi làm như thế vì không muốn xây dựng trên nền móng người khác đã đặt. Trái lại, như có lời chép: Những kẻ không được loan báo về Người, sẽ thấy, những kẻ không được nghe nói về Người, sẽ hiểu” (Rm 15,20-21). Thánh Phaolô muốn nói đến ngôi nhà đức tin của  Giáo Hội phải được xây trên Danh Thánh Giêsu Kitô, Tên của Ngôi Lời nhập thể mà không được đặt trên bất cứ nền mỏng, hay dựa dẫm vào một thành quách, thế lực nào.

Vì thế, chúng ta không là tín hữu  của một tôn giáo có thiên chúa “không tên”, hay là môn đệ của một thiên chúa “vô danh”, nhưng là Kitô hữu, tức những người được gọi làm môn đệ của Đức Giêsu Kitô, Thiên Chúa làm người (x. 1 Cr 1,2), là thành viên của Giáo Hội do  Đức Giêsu Kitô thiết lập trên tảng đá tông đồ Phêrô, và sự trường tồn của Giáo Hội này được bảo đảm bởi chính Ngài (x. Mt 16,18), vì chúng ta được trở thành người Kitô hữu khi xám hối, và chịu phép rửa nhân danh Đức Giêsu Kitô, để được ơn tha tội và nhận được ân huệ là Thánh Thần như lời dậy của tông đồ trưởng Phêrô (x. Cv 2,38); và ở mọi nơi, trong mọi sự, mọi việc, người Kitô hữu đều “nhân danh Đức Giêsu Kitô”, vì chỉ với Danh Ngài, nhờ Tên của Ngài, chúng ta mới nhận được những điều Thiên Chúa đã hứa cho chúng ta và “tất cả những người mà Chúa là Thiên Chúa chúng ta sẽ kêu gọi” (Cv 3, 39), như tông đồ Phêrô có tông đồ Gioan cùng đi  đã nói với người què ăn xin bên cửa Đền Thờ Giêrusalem: “Vàng bạc thì tôi không có; nhưng cái tôi có, tôi cho anh đây: nhân danh Đức Giêsu Kitô người Nadarét, anh đứng dậy mà đi!”, và anh ta đứng phắt dậy, đi lại được (x. Cv 3, 1-8), như tất cả các tông đồ đã chữa lành các bệnh nhân, xua đuổi ma quỷ, và “thực hiện những điềm thiêng dấu lạ, nhân danh Đức Giêsu” (x. Cv 4,30).

Cũng với Tên của Ngôi Lời, và vì vinh quang của Tên rất thánh “Giêsu Kitô” mà chúng ta  khuyên nhủ, chỉ bảo nhau sống  tử tế, đạo đức, thánh thiện, như thánh Phaolô đã răn dậy giáo đoàn Côrinthô: “Nhân danh Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, tôi khuyên anh em hãy nhất trí với nhau trong lời ăn tiếng nói, và đừng để có sự chia rẽ giữa anh em, nhưng hãy sống hoà thuận, một lòng một ý với nhau” (1 Cr 1,10), và “trong mọi hoàn cảnh và mọi sự, hãy nhân danh Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, mà cảm tạ Thiên Chúa là Cha” (Ep 5,20).

Tuy thế, người Kitô hữu cũng không thể bỏ qua lời Đức Giêsu căn dặn khi cơn thử thách ập tới, ở đó “người ta sẽ nộp anh em, khiến anh em phải khốn quẫn, và người ta sẽ giết anh em; anh em sẽ bị mọi dân tộc thù ghét vì danh Thầy” (Mt 24,9-10), và qủa thực lời cảnh báo của Đức Giêsu đã ứng nghiệm ngay thời kỳ đầu của Giáo Hội như sách Công Vụ Tông Đồ đã ghi lại: “Họ cho gọi các Tông Đồ lại mà đánh đòn và cấm các ông không được nói đến danh Đức Giêsu. Các Tông Đồ ra khỏi Thượng Hội Đồng, lòng hân hoan bởi được coi là xứng đáng chịu khổ nhục vì danh Đức Giêsu” (Cv 5,40-41), và dọc suốt lịch sử Giáo Hội, hàng hàng lớp lớp Kitô hữu đã anh dũng hiến dâng mạng sống để  làm chứng Tên Đức Giêsu Kitô và tuyên xưng Ngài là Thiên Chúa cứu độ, noi gương thánh Tông Đồ dân ngoại, khi thánh nhân trả lời những người lo lắng cho  ngài và khuyên ngài đừng lên Giêrusalem, vì nhiều hiểm nguy đang chờ ngài ở đó: “Có gì mà anh em phải khóc và làm tan nát trái tim tôi? Phần tôi, tôi sẵn sàng không những để cho người ta trói, mà còn chịu chết tại Giêrusalem vì danh Chúa Giêsu” (Cv 21, 13).

Trên hành trình cuộc đời làm con người, con Chúa, người Kitô hữu không thể vững bước nếu không kêu cầu Tên Chúa ủi an, cứu giúp khi đau khổ, cô đơn, bị ruồng rẫy, vu oan, hãm hại; không thể bình an tiến bước nếu không réo gọi Tên Chúa giải thoát khi rơi xuống hố sâu tội lỗi, lạc vào vùng đất chết của Xatan; không thể  gieo bước chân hy vọng trên đường trở về nhà Cha như người con thứ hoang đàng, nếu không  gọi Tên Chúa xót thương; không thể  yêu mến Giáo Hội và cùng đi với mọi người trên đường Hiệp Hành, nếu không thì thầm khấn xin  Tên Chúa hiệp nhất  “tất cả nên một ”; và không thể có tâm hồn tông đồ, trái tim  yêu thương, tấm lòng  bao dung nhân hậu, đôi chân truyền giáo, và  bàn tay phục vụ của người có Đức Giêsu, nếu không khắc ghi trong tim óc và một đời sống chết vì Tên của Thiên Chúa làm người.

Nguyện xin Tên thánh GIÊSU, Thiên Chúa Cứu Độ, cũng là Tên Thánh EMMANUEN, “Thiên Chúa ở cùng chúng tôi” thương xót, thánh hoá, và ban cho  chúng con lòng say mến Tên rất thánh, siêng năng ngợi khen và kêu cầu Tên Đấng Cứu Độ vô cùng toàn năng, nhân hậu mọi nơi, mọi lúc trên suốt hành trình của người Kitô hữu giữa thế giới hôm nay và với mọi người.

Jorathe Nắng Tím

 

 

 

 

 

Bài viết liên quan

Mùa Phục Sinh

TMĐP- Xin cho chúng con “biết đặt niềm tin và hy vọng vào Chúa” trên mọi nẻo đường, vì bất cứ ở đâu, và...

Cảm thức

TMĐP- Hình ảnh Mẹ Việt Nam, cũng là hình ảnh người phụ nữ một đời chỉ biết hết mình, hết tình Hy Sinh: hy...

Giáo hội

TMĐP- Bài viết sẽ giúp quý Bạn cũng nhận ra sự khác biệt giữa danh hiệu “Mẹ Đức Giêsu Thiên Chúa làm người” theo...

Giáo hội

TMĐP- Chiến thuật “Đánh lận con đen”. Vừa ở trong, vừa ở ngoài, nghĩa là tuyên bố ở trong Hội Thánh, nhưng không tuân...