Connect with us

Hi, what are you looking for?

Giáo hội

THA VÀ ĐƯỢC THA | Chuỗi Giáo Hội – Bài 4

TMĐP- Xin Chúa cho chúng ta ơn khiêm nhường để nhận mình là tội nhân và lòng dũng cảm để nhận tội, và xin tha thứ.

Mỗi lần đọc đến câu: “Xin tha tội cho chúng con như chúng con cũng tha cho  những người có lỗi với chúng con” trong kinh Lạy Cha, phần đông chúng ta tự cho mình ở “kèo trên” khi có quyền tha tội cho người khác, mà không mấy người  nghĩ đến việc mình phải  xin người khác tha cho mình, sau khi được Chúa tha.

Đây là tâm lý tự nhiên của con người luôn muốn tha cho người khác hơn được người khác tha; muốn khoan hồng cho người khác hơn được người khác khoan hồng, vì người tha bao giờ cũng “cao vế, cao trọng” hơn kẻ được tha, người dủ lòng thương bao giờ cũng “cao cấp, cao cả” hơn người được thương xót, thương hại.

Khi dạy các Tông Đồ kinh Lạy Cha, Đức Giêsu không có ý dạy các ông chỉ biết xin Chuá tha tội, và sau đó chỉ cần tha lỗi cho những người có lỗi với các ông, mà không cần quan tâm đến việc xin lỗi những người các ông có lỗi. Nhưng khi dạy Nhóm Mười Hai xin Chúa tha tội, và tha lỗi cho người khác, Đức Giêsu muốn qua các Tông Đồ dạy chúng ta rất nhiều điều để xứng đáng nhận ơn tha thứ:

1/ Ngài dạy chúng ta: để được tha tội, người có tội phải ý thức sự cần thiết và giá trị cứu sống của ơn tha tội:

Như người nhận được lòng thương xót phải là người nhận biết sự cần thiết và giá trị quý báu của lòng thương xót, nghĩa là người ấy phải thực sự cảm thấy và biết mình rất  cần lòng thương xót, vì mình là tội nhân đáng thương sẽ phải chết, hoặc phải chịu hình phạt nặng nề, nếu không được khoan hồng, thương xót.

Trong Tin Mừng Mátthêu, hình ảnh người đầy tớ mắc nợ Đức Vua mười ngàn yến vàng, một món nợ qúa lớn mà ông không thể trả, và nếu không trả, Đức Vua sẽ “ra lệnh bán y cùng tất cả vợ con, cùng tài sản mà trả nợ” (Mt 18, 25). Biết mình không còn lối thoát, không còn cơ may  được tiếp tục ở với vợ con, lại không còn nhà cửa, ruộng vườn, người đầy tớ ấy đã sấp mình xuống bái lạy Đức Vua và xin Vua dủ lòng thương xót, khoan hồng. Chạnh lòng thương, Đức Vua đã tha hết nợ cho ông (x. Mt 18,26-27).

Người đầy tớ ấy thật có phúc vì Đức Vua là người nhân hậu, nên vừa thấy ông tỏ ra biết giá trị của lòng thương xót đã chạnh lòng mở lượng bao dung tha cho ông toàn bộ món nợ khổng lồ, mà cả đời ông cũng không thể hoàn trả.

2/ Ngài căn dặn chúng ta: Để được Thiên Chúa tha tội, người có tội phải biết tha lỗi cho anh em mình:

Người đầy tớ được Đức Vua tha hết nợ, vì ý thức sự cần thiết và giá trị của lòng thương xót, khi nhận ra: không có lòng thương xót của Đức Vua, không chỉ tan gia bại sản, mà anh còn phải ở tù, và  vợ con anh sẽ bị đem đi bán để trừ nợ.

Nhưng ý thức ấy chưa đủ, vì  người biết mình cần được thương xót còn phải biết chạnh lòng thương xót người khác, như đã được người khác chạnh lòng xót thương. Bằng chứng là sau khi được Đức Vua tha hết nợ lớn vì chạnh lòng thương, người đầy tớ đã  ra ngoài và sấn sổ nắm  lấy cổ  áo người bạn đang nợ anh  một trăm quan tiền là món nợ rất nhỏ so với  “nợ khủng”  anh vừa được  Đức Vua tha cho. Hậu quả là sự việc đến tai Đức Vua, và anh đầy tớ “được thương xót nhưng  không có lòng thương xót”  ấy đã phải nghe án lệnh đanh thép của Đức Vua trong cơn thịnh nộ: “Tên đầy tớ ác độc kia, ta đã tha hết số nợ ấy cho ngươi, vì ngươi đã van xin ta, thì đến lượt ngươi, ngươi không phải thương xót đồng bạn, như chính ta đã thương xót ngươi sao?”.  Rồi Đức Vua “đã trao y cho lính hành hạ, cho đến ngày y trả hết nợ” (Mt 18,32-34).

3/ Ngài cảnh báo chúng ta: Xin Thiên Chúa tha tội thì dễ hơn xin anh em thứ lỗi:   

Thú tội trước Thiên Chúa và nài xin Ngài ơn tha thứ dễ hơn thú tội và xin lỗi  người anh em, chị em mình có lỗi, có tội với họ, bởi Thiên Chúa là Đấng thánh thiện, trong khi người anh em, chị em không tốt đẹp hơn mình bao nhiêu; bởi Thiên Chúa là Đấng Toàn Năng nắm giữ mọi quyền trên trời dưới đất, trong khi những người khác, dù là người mình đã xúc phạm, làm tổn thương cũng chỉ là những con người nhiều giới hạn như mình, có khi còn thua kém mình về nhiều mặt, nhất là về khả năng và quyền thế; bởi Thiên Chúa ngự trên trời, ở rất xa, trong khi người mình phải xin lỗi lại ở sát  cạnh, kề bên,  nên  ngại ngùng  xin lỗi vì sợ mất thế, do dự  thú tội vì phải hạ mình, ngao ngán khi  mở lời xin tha thứ vì phải cắn răng, cúi đầu  chịu nhục.

Thực vậy, lòng kiêu hãnh, tính kiêu ngạo luôn là lực cản, để ta  không có thể chân thành nhận lỗi trước người mình xúc phạm, và khiêm tốn  xin lỗi người mình làm tổn thương. Chính trái tim chất đầy “tự cao tự đại” đã không cho môi miệng  mở lời xin lỗi người chúng ta đã làm thiệt hại; và chính tâm hồn chất chứa những toan tính ích kỷ, những thủ đọan ăn người, những mưu đồ chiếm hữu, những kế hoạch bất chính, bất công đã cột chặt  chúng  ta vào ngoan cố ngông cuồng, như Luxiphe đã trâng tráo chống lại Thiên Chúa, Đấng tạo dựng nên mình, mà không một tâm tình hay thái độ biết lỗi, nhận tội.

Vì thế, càng làm lớn, càng phải cẩn trọng trong bổn phận biết lỗi và xin lỗi người thấp kém, bé mọn, vì kẻ quyền cao chức trọng rất dễ quên mình có nghiã vụ xin lỗi người thấp bé hơn mình, và có khuynh hướng tự ban cho mình quyền không phải xin lỗi thuộc cấp; cũng như thản nhiên miễn trừ cho mình đòi hỏi của đức công bằng là xin lỗi người mình có lỗi, với lý do sặc mùi kiêu căng: để giữ thể diện và bảo vệ tính hữu hiệu của quyền bính.

4/ Ngài nhắc nhở chúng ta: khi xin Thiên Chúa tha tội cũng là lúc chúng ta xin người khác thứ lỗi:

Nhắc nhở chúng ta điều này, Đức Giêsu muốn chúng ta nhớ lại những gì Ngài đã báo trước về ngày chung thẩm, ở đó mỗi người sẽ phải trả lời về những gì đã làm và không làm cho những anh em bé mọn nhất của Ngài luôn có mặt bên chúng ta trên hành trình dương thế (x. Mt 25,31-46), và tất nhiên, một trong những việc quan trọng chúng ta phải làm đối với  đồng loại chính là không để mình có lỗi, mang tội với ai, không xúc phạm danh dự, uy tín và không làm tổn thương, thiệt hai cho người nào, như thánh Phaolô răn dạy: “Anh em đừng mắc nợ gì ai, ngoài món nợ tương thân tương ái” (Rm 13,8).

Nhưng làm sao chúng ta có thể sống chung mà không lầm lỗi; cùng sinh hoạt, làm việc  mà không sai phạm đức bác ái, công bằng?  Vì thế, chân thành nhận lỗi, và khiêm tốn xin lỗi người anh em, chị em của mình, dù  ở cương vị, hay mang  bất cứ chức tước, quyền hành nào là việc làm không thể thiếu ở những tâm hồn khao khát được Chúa xót thương và xứng đáng được Chúa thương xót.

Thực vậy,  xin lỗi anh em là việc làm được Chúa thương, vì thuộc “điều răn mà chúng ta đã nhận được từ Người: ai yêu mến Thiên Chúa, thì cũng yêu thương anh em mình” (1 Ga 4,21), cũng như người biết xin Chúa tha tội, thì cũng phải biết xin anh em thứ lỗi, như Tin Mừng khẳng định: “Nếu khi anh sắp dâng lễ vật trước bàn thờ, mà sực nhớ có người anh em đang có chuyện bất bình với anh, thì hãy để của lễ lại đó trước bàn thờ, đi làm hoà với người anh em ấy đã, rồi trở lai dâng lễ vật của mình” (Mt 5,23-24).

“Đi làm hoà với anh em” vì giữa hai người  đã có ít nhất một người làm lỗi, và  để làm hoà, người ta phải chân thành nhận lỗi, đồng thời khiêm tốn xin lỗi nhau. Và Thiên Chúa, Đấng rộng lượng khoan hồng, dung thứ luôn đặt cho chúng ta một điều kiện để xứng đáng đón nhận ơn tha tội, đó là phải “mãi mãi, và dài dài” tha lỗi cho người anh em, chị em có lỗi với mình như Đức Giêsu đã trả lời Phêrô: “Thầy không bảo là đến bảy lần nhưng là bảy mươi lần bảy” khi ông hỏi Ngài: “Thưa Thầy, nếu anh em con cứ xúc phạm đến con, thì con phải tha đến mấy lần? Có phải bảy lần không?” (Mt 18,21- 22).

Xin Chúa cho chúng ta ơn khiêm nhường để nhận mình là tội nhân, người đắc tội với Trời và với anh em, và lòng dũng cảm để nhận tội, và xin tha thứ. Vì nếu có được trái tim khiêm hạ và tấm lòng dũng cảm của những con người đã được lòng thương xót tha thứ, và biến đổi trong Tin Mừng như Giakêu, Mađalêna, Phêrô, người đàn bà ngoại tình và anh gian phi cùng chịu đóng đinh thập giá với Đức Giêsu, chúng ta nắm chắc ơn Bình An của Đức Giêsu phục sinh, và niềm hy vọng được ở trong Vương Quốc dành cho hết thảy những người có tội  được Thiên Chúa xót thương cứu độ.

Jorathe Nắng Tím      

 

 

 

 

Bài viết liên quan

Mùa Phục Sinh

TMĐP- Xin cho chúng con “biết đặt niềm tin và hy vọng vào Chúa” trên mọi nẻo đường, vì bất cứ ở đâu, và...

Cảm thức

TMĐP- Hình ảnh Mẹ Việt Nam, cũng là hình ảnh người phụ nữ một đời chỉ biết hết mình, hết tình Hy Sinh: hy...

Giáo hội

TMĐP- Bài viết sẽ giúp quý Bạn cũng nhận ra sự khác biệt giữa danh hiệu “Mẹ Đức Giêsu Thiên Chúa làm người” theo...

Giáo hội

TMĐP- Chiến thuật “Đánh lận con đen”. Vừa ở trong, vừa ở ngoài, nghĩa là tuyên bố ở trong Hội Thánh, nhưng không tuân...