Connect with us

Hi, what are you looking for?

Mùa Vọng

THỊ KIẾN TRONG KINH THÁNH | Chuỗi Suy Niệm Mùa Vọng

TMĐP- Sở dĩ chúng ta cần suy nghĩ về thị kiến, vì thị kiến giữ vai trò quan trọng trong Kinh Thánh.

Dacaria, cha của Gioan Tẩy Giả, vị tiền hô, người dọn đường cho Đấng Cứu Thế ,và thánh Giuse, cha nuôi Đức Giêsu, cả hai người cha này  đều  đã nhận được thị kiến trước khi con mình trở thành thai nhi trong lòng mẹ.

Tin Mừng Luca kể lại thị kiến của Dacaria như sau: Ông Dacaria “trúng thăm được vào dâng hương trong Đền Thờ của Đức Chúa. Trong giờ dâng hương đó, toàn thể dân chúng cầu nguyện ở bên ngoài. Bỗng một sứ thần của Chúa hiện ra với ông, đứng bên phải hương án. Thấy vậy, ông Dacaria bối rối, và nỗi sợ hãi ập xuống trên ông. Nhưng sứ thần bảo ông: “Này ông Dacaria, đừng sợ vì Thiên Chúa đã nhận lời ông cầu xin: bà Êlisabét, vợ ông sẽ sinh cho ông một đứa con trai, và ông phải đặt tên cho con là Gioan. Ông sẽ được vui mừng hớn hở, và nhiều người cũng được hỷ hoan ngày con trẻ chào đời. Vì em bé sẽ nên cao cả trước mặt Chúa …Em sẽ đưa nhiều con cái Ítraen về với Đức Chúa là Thiên Chúa của họ …”. Ông Dacaria thưa với sứ thần: “Dựa vào đâu mà tôi biết được điều ấy? Vì tôi đã già, và nhà tôi cũng đã lớn tuổi”. Sứ thần đáp: “Tôi là Gáprien, hằng đứng chầu trước mặt Thiên Chúa, tôi được sai đến nói với ông và loan báo tin mừng ấy cho ông. Và này đây, ông sẽ bị câm, không nói được, cho đến ngày các điều ấy xảy ra, bởi vì ông đã không tin lời tôi, là những lời sẽ được ứng nghiệm đúng thời đúng buổi” (Lc 1,9-20). “Ít lâu sau bà Êlisabét vợ ông có thai, bà ẩn mình năm tháng. Bà tự nhủ: “Chúa đã làm cho tôi như thế đó, khi Người thương cất nỗi hổ nhục tôi phải chịu trước mặt người đời” (Lc 1, 24-25).

Tin Mừng Mátthêu thì thuật lại chi tiết thị kiến của thánh Giuse, người công chính: “Sau đây là gốc tích Đức Giêsu Kitô: bà Maria, mẹ Người, đã thành hôn với ông Giuse. Nhưng trước khi hai ông bà về chung sống, bà đã có thai do quyền năng Chúa Thánh Thần . Ông Giuse, chồng bà, là người công chính và không muốn tố giác bà, nên mới định tâm bỏ bà cách kín đáo. Ông đang toan tính như vậy , thì kìa sứ thần Chúa hiện đến báo mộng cho ông rằng : “Này ông Giuse, con cháu Đavít, đừng ngại đón bà Maria vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần. Bà sẽ sinh con trai, và ông phải đặt tên là Giêsu, vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ.Tất cả sự việc này đã xảy ra , là để ứng nghiệm lời xưa kia Chúa phán qua miệng  ngôn sứ: Này đây Trinh Nữ sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Emmanuen, nghĩa là “Thiên – Chúa – ở – cùng – chúng – ta.”. Khi tỉnh giấc, ông Giuse làm như sứ thần Chúa dạy và đón vợ về nhà …” (Mt 1, 18-24).

Thánh sử Mátthêu còn ghi lại hai thị kiến khác nữa ở thánh Giuse khi sứ thần báo cho thánh Giuse “dậy đem Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Ai Cập, và cứ ở đó cho đến khi tôi báo lại, vì vua Hêrôđê sắp tìm giết Hài Nhi đấy” (Mt2,13), và “sau khi Hêrôđê băng hà, sứ thần Chúa lại hiện ra với ông Giuse bên Ai Cập báo mộng cho ông rằng: “Này ông, dậy đem Hài Nhi và mẹ Người về đất Ítraen, vì nhữn g kẻ tìm giết Hài Nhi đã chết rồi” (Mt 2,19-20).

Trong Cựu Ước, nhiều ngôn sứ đã kể lại những thị kiến của mình, và không dưới hai mươi hai thị kiến được ghi lại trong các sách ngôn sứ : năm thị kiến của ngôn sứ Amốt (7,1-3.4-6.7-9 ; 8,1-3 ; 9,1-4), một thị kiến của ngôn sứ Isaia (6,1-11) ; bốn của ngôn sứ Giêrêmia (1,11-12.13-16 ; 24,1-10 ;38,21-22) ; bốn ở ngôn sứ Êdêkien (1-3,15 ; 8-10 + 11,22-25 ;37,1,1-14 ;40-48) ; và tám thị kiến với ngôn sứ Dacaria (1,8-13 ;2,1-4.5-9 ; 3,1-7 ;4,1-6a +10b-14 ;5,1-4.5-11 ; 6,1-8). Chúng ta còn có thể thêm vào danh sách này  thị kiến của ông Mikhagiơhu trong sách Các Vua  (1V 22,19-23).

Sở dĩ chúng ta cần suy nghĩ về thị kiến, vì thị kiến giữ vai trò quan trọng trong Kinh Thánh như Dacaria đã nhận ra ý Thiên Chúa muốn chọn ông bà làm cha mẹ của Gioan Tẩy Giả, vị tiền hô của Đấng Cứu Thế ; như thánh Giuse đã từ bỏ ý định trốn đi, nhưng  ở lại với Đức Maria để thi hành sứ vụ làm cha nuôi của Ngôi Lời Thiên Chúa ở trần gian.

Thị kiến quan trọng, vì thị kiến chính là sự linh ứng, ở đó người nhận thị kiến được Thiên Chúa mặc khải thánh ý Ngài. Nhưng làm thế nào để phân biệt thị kiến và những giấc mơ; phân biệt mặc khải của Thiên Chúa và những khát vọng, thao thức, khắc khoải  của con người  rất thường được kết tụ thành hình ảnh trong mộng mị?

Trước hết, thị kiến được mô tả, kể lại một cách khúc chiết, rành mạch, có thứ tự, trong khi  giấc mơ thường hỗn mang, rời rạc và không được kể lại một cách rõ ràng bằng những ngôn từ chính xác. Nói cách khác, người nhận thị kiến có khả năng kể lại thị kiến với  hình ảnh trọn vẹn, và đối thoại mạch lạc, đầy đủ  giữa các nhân vật xuất hiện trong thị kiến, cũng như sứ điệp được mặc khải.

Vì thế, tính xác quyết  là điểm nổi bật  ở người nhận thị kiến, và  độ xác thực của thị kiến được biểu hiện  qua lời giới thiệu thị kiến  với động từ “thấy”, như chúng ta thường thấy ở các ngôn sứ, điển hình là ngôn sứ Giêrêmia: “Có lời Đức Chúa phán với tôi rằng : “Giêrêmia, ngươi thấy gì?” Tôi thưa: “Tôi thấy một ‘nhánh cây canh thức'”. Đức Chúa liền phán với tôi: “Ngươi thấy đúng, vì Ta đang canh thức để thi hành lời Ta”. Lại có lời Đức Chúa phán với tôi rằng : “Ngươi thấy gì?” Tôi thưa: “Tôi thấy một cái nồi sôi sùng sục, mặt nồi từ phía bắc nghiêng xuống”. Và Đức Chúa phán với tôi: “Từ phía bắc, tai hoạ sẽ ập xuống mọi dân cư xứ này” (Gr 1,11-14); như ngôn sứ Êdêkien  khi tuyên sấm về những bộ xương, ông “nhìn thì  thấy trên chúng đã có gân; thịt đã mọc lên và da đã trải ra ở bên trên … ” (Ed 37,8); hoặc  thị kiến của tông đồ trưởng Phêrô được kể lại trong sách Công Vụ Tông Đồ: “Tôi đang cầu nguyện ở thành Giaphô, thì trong lúc xuất thần, tôi thấy thị kiến này: có một vật gì sà xuống, trông như một tấm khăn lớn buộc bốn góc, từ trời thả xuống đến tận chỗ tôi. Giương mắt nhìn kỹ, tôi thấy các giống vật bốn chân sống trên đất, các thú rừng, rắn rết và chim trời. Và tôi nghe có tiếng phán bảo tôi: ‘Phêrô, đứng dậy, làm thịt mà ăn!’ Tôi đáp: ‘Lạy Chúa, không thể được, vì những gì ô uế và không thanh sạch không bao giờ lọt vào miệng con!’ Có tiếng từ trời phán lần thứ hai: ‘Những gì Thiên Chúa đã tuyên bố là thanh sạch, thì ngươi chớ gọi là ô uế! ‘Việc ấy xảy ra đến ba lần, rồi tất cả lại được kéo lên trời” (Cv 11,5-10). Qua thị kiến, Thiên Chúa dạy Phêrô phải rao giảng Tin Mừng cho mọi dân tộc, mọi người ở  mọi nơi, mọi thời, không được kỳ thị, loại trừ một ai, vì tất cả đều được Thiên Chúa yêu thương, thánh hoá, cứu chuộc.

Tiếp theo là ba lý do chứng thực thị kiến là mặc khải chân thực, chính xác đến từ Thiên Chúa:

1/ Mô tả đầy đủ những gì đã thấy:

Trong thị kiến, ngôn sứ có thể  thấy những  động vật, đồ vật thường gặp trong đời sống hằng ngày như thúng trái cây, con ngựa, cành cây … ; cũng có thể là những hiện tượng lạ  làm sợ hãi, lo lắng như đống  xương  người chết, cả hình ảnh về thực tại siêu nhiên chưa hề thấy như  Nhan Đức Chúa.

2/ Kể lại chi tiết những gì được đối thoại, trao đổi  giữa các nhân vật xuất hiện trong thị kiến:

Đó là những câu hỏi, trả lời, lệnh truyền được trao đổi giữa Thiên Chúa, hay sứ thần của  Chúa với người được thị kiến, như thánh Giuse, như  ngôn sứ Amốt đã thưa: “Lạy Đức Chúa là Chúa Thượng, xin thứ tha cho ! Giacóp làm sao đứng vững được ? Nó nhỏ bé quá” (Am 7,2); như ngôn sứ Dacaria  hỏi sứ thần Chúa: “Thưa ngài, những cái đó là gì vậy ? và sứ thần trả lời : “Ta sẽ cho ngươi thấy những cái đó là gì” (Dcr  1,9), hoặc như Thiên Chúa hỏi  ngôn sứ Giêrêmia: “Giêrêmia, ngươi thấy gì?”, và ông thưa: “Tôi thấy một nhánh cây ‘canh thức’ ” (Gr 1,11).

3/ Các lời giải thích không ra ngoài việc làm sáng tỏ ý nghĩa của thị kiến:

Người nhận thị kiến có toàn quyền kể lại, vì thị kiến dành riêng cho họ.

Nhưng điều quan trọng hơn cả trong những lý do  vừa kể trên chính là sự thay đổi toàn diện và  lớn lao được thực hiện ở người nhận thị kiến, như Môsê  đã từ một người chăn cừu trở thành một ngôn sứ, nhà giải phóng Ítraen.

Còn chúng ta, liệu Thiên Chúa có cho chúng ta nhận được thị kiến như các ngôn sứ?

Thánh Phêrô, Tông Đồ trưởng trả lời chúng ta, như đã trả lời những người Do Thái  chế nhạo các Tông Đồ là những người đang say bét nhè khi các vị rao giảng Đức Giêsu chịu đóng đinh đã sống lại (x. Cv 2,13): “Thưa anh em miền Giuđê và tất cả những người đang cư ngụ tại Giêrusalem, xin biết cho điều này và lắng nghe những lời tôi nói đây. Không, những người này không say rượu như anh em nghĩ, vì bây giờ mới là giờ thứ ba. Nhưng đó là điều đã được ngôn sứ Giôen bnói đến : Thiên Chúa phán: Trong những ngày cuối cùng, Ta sẽ đổ Thần Khí Ta trển hết thảy người phàm, con trai con gái các ngươi sẽ trở thành ngôn sứ, thanh niên sẽ thấy thị kiến, bô lão sẽ được báo mộng. Trong những ngày đó, Ta cũng sẽ đổ Thần Khí Ta  cả trên tôi nam tớ nữ của Ta, và chúng sẽ trở thành ngôn sứ. Ta sẽ cho xuất hiện những điềm thiêng trên trời cao, và những dấu lạ dưới đất thấp, đó là  máu, lửa, và những cột khói. Mặt trời sẽ trở nên tối tăm, mặt trăng hoá thành máu, trước khi ngày của Đức Chúa đến, ngày vĩ đại và vinh quang. Bấy giờ hết những ai kêu cầu danh Đức Chúa, sẽ được cứu độ” (Cv 2,14-21).

Vì thế, không có lý do gì lời hứa của Thiên Chúa không thực hiện nơi chúng ta, nếu chúng ta thực sự thuộc về dân Chúa, là dân tư tế, ngôn sứ, vương giả. Và trên dòng lịch sử Giáo Hội, Thiên Chúa vẫn tiếp tục ban ơn thị kiến cho những người Ngài muốn, theo cách, và   ở thời điểm Ngài thấy cần thiết để mưu ích cho Giáo Hội của Ngài.

Cũng chính vì ơn thị kiến được tiếp tục ban cho con cái, mà nhiều người đã lạm dụng ơn “thị kiến”. Đó là hiện tượng lạc giáo dựa trên ảo tưởng mặc khải được thị kiến  của một số người đang  gây hoang mang cho nhiều đồng đạo. Là người Kitô hữu,  chúng ta cần dè dặt, cẩn trọng trước những hiện tượng này, bằng lắng nghe giáo huấn  của Đấng Bản Quyền, vì như đã trình bày ở trên: ranh giới giữa thị kiến siêu nhiên và những giấc mơ bình thường  rất mong manh, khó phân định, nên cần phải có sự hướng dẫn của  giáo quyền.

Xin Chúa ban cho chúng ta ơn khôn ngoan để phân định, và trong mọi hoàn cảnh, thái độ khiêm tốn đón nhận sự hướng dẫn của Đấng Bản Quyền luôn là việc cần thiết Chúa muốn chúng ta thực hiện với tất cả tấm lòng.

Jorathe Nắng Tím

 

 

 

 

Bài viết liên quan

Mùa Phục Sinh

TMĐP- Xin cho chúng con “biết đặt niềm tin và hy vọng vào Chúa” trên mọi nẻo đường, vì bất cứ ở đâu, và...

Cảm thức

TMĐP- Hình ảnh Mẹ Việt Nam, cũng là hình ảnh người phụ nữ một đời chỉ biết hết mình, hết tình Hy Sinh: hy...

Giáo hội

TMĐP- Bài viết sẽ giúp quý Bạn cũng nhận ra sự khác biệt giữa danh hiệu “Mẹ Đức Giêsu Thiên Chúa làm người” theo...

Giáo hội

TMĐP- Chiến thuật “Đánh lận con đen”. Vừa ở trong, vừa ở ngoài, nghĩa là tuyên bố ở trong Hội Thánh, nhưng không tuân...