Connect with us

Hi, what are you looking for?

Mùa Thường Niên

THIÊN CHÚA LÀ NGƯỜI CHA VỚI TRÁI TIM “BAO CHE” | Chuỗi Suy Niệm Tháng Thánh Tâm – Bài 02

TMĐP- Khi nhận ra mình được trái tim người cha Thiên Chúa bao che, chúng ta mới học được với Đức Giêsu bài học hiền lành và khiêm nhường tận đáy lòng

Đới với xã hội “bao che” có thể bị coi là  việc không nên làm, và người bao che có thể bị truy tố đồng phạm. Nhưng trong  tình yêu, bao che lại  là  một đòi hỏi,  vì trái tim của những người yêu nhau thúc bách họ “bao bọc và che chở” nhau bằng mọi giá.

Quả thực, khi yêu nhau, người ta không chỉ “yêu cả đường đi, lối về”, yêu đến độ “trái  ấu cũng tròn”, mà còn quyết liệt bao bọc, che chống, bênh đỡ nhau, dù phải hy sinh đến đâu, thiệt thòi cỡ nào, bởi ” ưbao che nhau” là hạnh phúc của những người yêu nhau, là bổn phận của trái tim  với đối tượng, là niềm vui và vinh dự của một tình yêu  tận hiến đích thực.

Vì thế, khi nói yêu nhau mà không bao bọc, che chống  cho nhau, nhưng “vạch áo cho người xem lưng”, bóc trần khuyết điểm của người yêu trước dư luận phê phán trước bàn dân thiên hạ những thiếu sót, lầm lỗi, sai phạm của người mình yêu thì tình yêu ấy rất đáng nghi ngờ, và không  khả tín, do thiếu một điều kiện  quan trọng là “bao bọc, che chở” nhau trong mọi tình huống, hoàn cảnh và với bất cứ giá nào.

Hãy mường tượng nguời chồng không “bao che” vợ, nhưng để mặc vợ một mình chống chọi  những tấn công của thiên hạ, hay người vợ, thay vì “che giấu” những tật xấu của chồng, “che chống” cho chồng trước những dèm pha, khích bác của đối phương, lại phơi bầy cho mọi người như “câu chuyện làm quà” những điểm yếu của chồng, khiến  chồng bị tổn thương và đặt chồng vào tình thế nguy hiểm, bị đe dọa . Nếu chẳng may ở vào hoàn cảnh này, bạn có nghĩ rằng tình yêu hôn nhân của bạn đang đi dần vào ngõ cụt đáng buồn không?

Kinh Thánh mặc khải Thiên Chúa là Tình Yêu, và trái tim của người cha Thiên Chúa luôn bao che con cái yếu đuối, nhiều thiếu sót, lỗi lầm, trong khi kẻ thù của con người là ma qủy luôn tìm cách lật tẩy, vạch trần, tố cáo. Kinh Thánh gọi ma qủy là “Kẻ Tố Cáo”, bởi chúng  ngày đêm tố cáo con người trước toà Thiên Chúa (x. Kh 12,10), như thị kiến của ngôn sứ Dacaria: “Người lại cho tôi thấy thượng tế Giêsua đang đứng trước mặt thần sứ của Đức Chúa; còn Xatan đứng bên phải ông để tố cáo ông”(Dcr 3,1), hoặc như Xatan tố cáo Gióp không là người kiên vững, trung tín với Thiên Chúa như Thiên Chúa công nhận khi Xatan  thưa với Ngài: “Da đổi da! Tất cả những gì người ta có, người ta đều sẵn sàng cho đi để cứu mạng sống mình. Ngài cứ thử giơ tay đánh vào xương vào thịt nó xem, chắc chắn là nó sẽ nguyền rủa Ngài thẳng mặt!”(G 2,4-5).

Sở dĩ Xatan say mê tố cáo, vì Xatan là Hận Thù, mà công việc của hận thù là gây chia rẽ và xúi bẩy con người đi đến bạo lực để hãm hại, tàn sát nhau. Và để tố cáo hữu hiệu, chúng xử dụng mọi đòn độc của xảo quyệt, ma mãnh, tận dụng mọi chiêu trò gian ngoa, dối trá, lợi dụng mọi cơ hội để “bé xé ra to”,  biến thiếu sót không đáng kể  thành trọng tội  phải trừng phạt ; để thổi phồng chuyện nhỏ thành chuyện lớn;  để góp nhặt những  mạ lỵ hồ đồ, những vu khống không chứng cớ làm thành câu chuyện ly kì, huyền bí, lôi kéo tính huếu kỳ, tò mò của quần chúng; để tạo nên kịch bản hạ uy tín người khác bằng những mỹ từ và tình tiết của óc tưởng tượng  có sức  cuốn hút đám đông, để vuì gập, và làm vỡ toang đời người khác bằng nguỵ tạo những xì-căng-đan nóng bỏng  được tinh vi, khéo léo dàn dựng, và  tất cả nhằm một mục đích gây chia rẽ giữa người này với người kia, tạo hiểu lầm trong gia đình, gây nghi ngờ, hiềm khích  giữa cộng đoàn, và làm cho mọi người xa nhau, lên án, đốn hạ nhau khi tương quan giữa người với người, nhóm này với nhóm kia  ngày càng trở nên tồi tệ do hậu qủa của  tố cáo, thị phi.

Như thế, giữa Thiên Chúa là người cha yêu thương và ma quỷ là Hận Thù có một lằn ranh không thể vượt qua hay lẫn lộn, đó là Thiên Chúa thì bao bọc, che chở, còn ma qủy thì tố cáo, lột trần.

Trong Kinh Thánh, Thiên Chúa  tự mặc khải: Ngài là Đấng che đậy hiện trạng trần truồng của con người (x. Ed 16,8), “lấy áo che thân kẻ mình trần”(Ed 18,7), che giấu những kẻ lưu đầy, và không tố giác những người chạy trốn, như sấm ngôn của ngôn sứ Isaia: “Chính  Người giấu tôi dưới bàn tay của Người…. cất tôi trong ống tên của Người”(Is 49,2), như lời Người phán: “Ta đã đặt lời Ta vào miệng ngươi, đã cho ngươi núp bóng bàn tay Ta khi dựng nên bầu trời và đắp nền trái đất”(Is 51,16).

Là người cha nhân hậu, Thiên Chúa còn bao che tội lỗi của con người, và hạnh phúc lớn nhất của tội nhân là được Thiên Chúa khoan hồng, tha thứ, không hạch tội (x. Tv 31,1-2), khi “tình yêu khoả lấp mọi lỗi lầm”(Hc 10,12). “Đó là điều vua Đavít nói khi ca tụng hạnh phúc của người được Thiên Chúa kể là công chính mà không xét đến việc làm: Hạnh phúc thay kẻ lỗi lầm mà được tha thứ, người có tội mà được khoan dung. Hạnh phúc thay người Chúa không kể là có tội”(Rm 4, 6-8).

“Có tội mà không  bị kể là có tội”, nếu đã không được Thiên Chúa  bao che?  Phạm nhân, tội đồ mà được kể là vô tội, nếu tội đã chẳng được Thiên Chúa kín đáo che đậy? Và Thiên Chúa đã làm công việc bao che, giấu kín, xóa bỏ tội lỗi của con cái Ngài, với trái tim của người cha vô cùng nhân hậu, và thương xót đến cùng.

Kinh nghiệm về hạnh phúc của người có tội không bị Thiên Chúa kể là có tội của vua Đavít là kinh nghiệm đáng tin, vì hơn ai hết, vua đã trải nghiệm tình trạng của người phạm trọng tội, khi chiếm đọat Bátsêva, là  vợ của bề tôi mình:  tướng Urigia, bằng đặc cách ông  ra tuyến đầu, “chỗ mặt trận nặng nhất” để ông bị giết chết bởi quân địch (x. 2 S 11).

Thực vậy, mỗi người chúng ta ít nhiều cũng đã trải nghiệm tình trạng tội lỗi như vua Đavít khi phạm tội và hạnh phúc được Thiên Chúa bao che, trắng án, bởi không ai là người vô tội, nhưng cũng không ai không được Thiên Chúa che giấu phần lớn tội đã phạm, bởi nếu Thiên Chúa không thương xót che giấu tội lỗi đã phạm, không ai trong chúng ta dám ngẩng đầu nhìn thiên hạ, không người nào dám huyênh hoang tự hào, tự đắc về mình, vì có nhiều khoảng tối, rất nhiều khoảng rất tối trong cuộc đời, mà nếu bị vạch trần, tố cáo, chúng ta sẽ mất hết tự tin, và can đảm để sống.

Cũng vậy, tự chúng ta không có khả năng cất giấu “núi đồi” tội lỗi cao ngất ngưởng  của mình, nhưng chính người cha Thiên Chúa  đã cất giấu núi đồi tội lỗi sừng sững ấy trong trái tim “bao che” của Ngài, như gà mẹ bao bọc, chở che đàn con dưới cánh, để con mình được “sống và sống dồi dào” (Ga 10,10), mà không phải sợ hãi, mặc cảm, vì “Ngài là chốn dung thân cho người hèn yếu, là nơi nương náu cho kẻ khó nghèo khi gặp bước gian truân. Ngài là nơi trú ẩn trong cơn bão táp, là bóng mát giữa buổi nắng thiêu”(Is 25,4), và chỉ trong trái tim thương xót bao che của Ngài, tội nhân mới được bì nh an, không sợ ma quỷ, là  kẻ thù hung hãn và kẻ Tố Cáo thâm độc rắp tâm hãm hại.

Xin Chúa  ban cho chúng ta luôn biết mình được Thánh Tâm Chúa  “bao che” mọi  lỗi lầm, và bao bọc khỏi mọi tố cáo, vạch trần của thế gian, ma quỷ, bởi có nhận ra mình được trái tim người cha Thiên Chúa “bao che”, chúng ta mới học được với Đức Giêsu bài học “hiền lành và khiêm nhường tận đáy lòng”: khiêm nhường vì biết mình có tội mà được Chúa bao che, và kể là người vô tội;  hiền lành vì xác tín: nếu không được trái tim Chúa che giấu tội lỗi ngập tràn và rất đáng kinh tởm, thì chẳng người nào trong cuộc đời này dám đến gần chúng ta để giao lưu, làm thân, kết bạn.

Jorathe Nắng Tím

 

Bài viết liên quan

Mùa Phục Sinh

TMĐP- Xin cho chúng con “biết đặt niềm tin và hy vọng vào Chúa” trên mọi nẻo đường, vì bất cứ ở đâu, và...

Cảm thức

TMĐP- Hình ảnh Mẹ Việt Nam, cũng là hình ảnh người phụ nữ một đời chỉ biết hết mình, hết tình Hy Sinh: hy...

Giáo hội

TMĐP- Bài viết sẽ giúp quý Bạn cũng nhận ra sự khác biệt giữa danh hiệu “Mẹ Đức Giêsu Thiên Chúa làm người” theo...

Giáo hội

TMĐP- Chiến thuật “Đánh lận con đen”. Vừa ở trong, vừa ở ngoài, nghĩa là tuyên bố ở trong Hội Thánh, nhưng không tuân...