Connect with us

Hi, what are you looking for?

Mùa Chay

THỜI GIAN KHÔNG CÒN NHIỀU |  Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật III, Mùa Chay, Năm C

TMĐP- Xin Chúa cho chúng ta lòng khiêm tốn biết mình đang lâm hoàn cảnh bế tắc cần được giải thoát, cứu sống, cũng như tâm tình thống hối và niềm hy vọng của người con thứ hoang đàng trở về, để được bất ngờ nhận lòng thương vô bờ bến, và ơn tha thứ vô điều kiện của Thiên Chúa là Cha nhân hậu.

Các bài đọc và Tin Mừng trong chúa nhật hôm nay rất phong phú, vì tất cả nối kết uyển chuyển, kết hợp chặt chẽ và dẫn đến lời kêu gọi khẩn thiết của Mùa Chay: Hãy trở về, vì thời gian không còn nhiều .

Trong bài đọc một, lần đầu tiên Thiên Chúa Giavê mặc khải Tên của Ngài: “Ta là Đấng Hiện Hữu” (Xh 3,14), khi Môsê thắc mắc: nếu Ítraen hỏi con: “Tên Đấng ấy là gì? Thì con sẽ nói với họ làm sao?” (Xh 3,13).

Môsê thật có lý khi hỏi Tên Thiên Chúa, vì biết chắc các bậc kỳ lão đứng đầu dân Ítraen trên đất Ai Cập sẽ hạch hỏi ông nhân danh ai mà đến với họ, cậy dựa vào uy danh của người nào mà dám đưa ra chương trình  dẫn toàn thể con cái Ítraen trốn khỏi đất nô lệ Ai Cập, mà về Đất Hứa?

Và kể từ giây phút Môsê được Thiên Chúa mặc khải Tên Ngài, thì Tên ấy đã trở thành bảo đảm tuyệt đối cho sứ vụ giải phóng Ítraen được Thiên Chúa trao phó và sai đi của ông, vì ông hiểu rõ Tên ấy có nghĩa: Thiên Chúa hằng có đời đời, vô thủy vô chung, vì Ta là Đấng Tự Hữu – tự mình mà có; Thiên Chúa luôn ở với và đồng hành với ông, như Lời Ngài hứa: “Ta sẽ ở với ngươi” (Xh 3,12), Thiên Chúa là Đấng trung tín và thương xót, vì “đó là danh Ta cho đến muôn thuở, đó là danh hiệu các ngươi sẽ dùng mà kêu cầu Ta từ đời nọ đến đời kia” (Xh 3, 15).

Trong bài đọc hai, thánh Phaolô cho chúng ta thấy tính duy nhất của Cựu Ước và Tân Ước, khi chỉ cho chúng ta chân lý mà không mấy người  quan tâm, đó là “Tân Ước được ẩn dấu trong Cựu Ước và Cựu Ước được  Tân Ước làm sáng tỏ”, nói cách khác, giữa hai Giao Ước có một sự kết hợp mật thiết, một liên kết thiết thân, như thánh Grêgôriô đã viết: “Cựu Ước là Lời Hứa, và Tân Ước  thực hiện Lời Hứa; Cựu Ước loan báo cách kín đáo và Tân Ước công bố  cách minh bạch, rõ ràng” như khi nhắc đến “phép rửa dưới đám mây và trong lòng biển”, “thức ăn linh thiêng” rơi xuống từ trời,  và  “nước chảy ra từ tảng đá linh thiêng” cho dân uống trên đường Vượt Qua, thánh tông đồ dân ngoại nhắc chúng ta bí tích Rửa Tội trong nước và Thánh Thần để trở thành người Kitô hữu, loan báo bí tích Thánh Thể là lương thực nuôi dưỡng linh hồn người tín hữu, và tuyên xưng “Tảng Đá  chính là Đức Kitô” (1 Cr 10,4), Nguồn Sống mới của nhân loại.

Đến lượt Tin Mừng thì dường như chúng ta được đẩy lên chót vót của thời kỳ viên mãn, thời kỳ cuối cùng, thời kỳ cấp bách, ở đó mỗi người được mời gọi “hãy mau mắn đứng lên, hãy trở về với Thiên Chúa, vì tất cả đang đối diện với tử thần, đang sống bên sự chết, khi Đức Giêsu nêu lên hai biến cố đẫm máu trong dân, đó là “chuyện những người Galilê bị tổng trấn Philatô giết”, cũng như chuyện “mười tám người kia bị tháp Siloác đổ xuống đè chết” (Lc 13, 1.4), mà Ngài dứt khóat khẳng định: những nạn nhân đã phải chịu số phận đau thương ấy không phải vì họ tội lỗi, hay mắc tội nặng hơn những người khác, và  phủ nhận luận điệu: nạn nhân của những tai ương, tai họa là những người bị Thiên Chúa trừng phạt, báo oán, trả thù (x. Lc 13,2-5), nhưng Ngài chỉ muốn mượn hình ảnh sự chết gần kề, sự kiện tử thần đang có mặt để nhắc nhở chúng ta phải gấp rút  sám hối, vì thời gian không còn nhiều.

Thời gian không còn nhiều vì Nước Thiên Chúa đã gần kề; không còn nhiều, vì Ngôi Hai Thiên Chúa đã nhập thể và ở giữa chúng ta; không còn nhiều vì Thiên Chúa không còn nói với chúng ta qua các ngôn sứ của Ngài nhưng chính Con Một của Ngài là Đức Giêsu Kitô, Ngôi Lời Thiên Chúa đang nói với chúng ta. Thời gian không còn nhiều, vì tất cả những gì biết được ở Chúa Cha, thì Chúa Con đã nói hết với chúng ta, như Đức Giêsu đã  nói với các môn đệ Ngài: “Lời anh em nghe đây không phải là của Thầy, nhưng là của Chúa Cha, Đấng đã sai Thầy. Các điều đó Thầy đã nói với anh em khi còn ở với anh em”(Ga 14,24-25); và không còn nhiều vì những gì Thiên Chúa hứa với dân Ngài trong Cựu Ước thì nay đã được thực hiện trong thời đại của chúng ta, thời đại mà nhiều người mong ước được sống, nhưng đã không được sống; việc kỳ diệu Chúa làm mà nhiều người ao ước được thấy, nhưng đã không được thấy như chúng ta đang sống và đang được nhìn thấy tận mắt.

Nhưng trước quỹ thời gian không còn nhiều, trước những thách đố khó vượt qua và thử thách nguy hiểm trên đường trở về, Thiên Chúa sẵn lòng ban cho chúng ta rất nhiều ơn, vì biết chúng ta yếu đuối, như lời quả quyết của thánh Phaolô: “Không một thử thách nào đã xảy ra cho anh em mà lại vượt qúa sức loài người. Thiên Chúa là Đấng trung tín: Người sẽ không để anh em bị thử thách qúa sức; nhưng khi để anh em bị thử thách, Người sẽ cho kết thúc tốt đẹp, để anh em có sức chịu đựng” 1 Cr 10, 13), miễn chúng ta biết siêng năng tôn vinh, ca ngợi danh Ngài, danh của Thiên Chúa, Đấng  luôn ở với chúng ta như Môsê, tôi trung của Ngài hằng tin tưởng “nhân danh” và tha thiết kêu cầu.

Xin Chúa cho chúng ta lòng khiêm tốn biết mình đang trong tình trạng nguy kịch, đang lâm hoàn cảnh bế tắc cần được giải thoát, cứu sống, cũng như tâm tình thống hối và niềm hy vọng của người con thứ hoang đàng trước giây phút quyết định “đứng lên, đi về cùng cha và thưa với người: “Thưa cha, con thật đắc tội với Trời và với cha, chẳng đáng gọi là con cha nữa” (Lc 15, 18-19), để được bất ngờ nhận lòng thương vô bờ bến, và ơn tha thứ vô điều kiện của Thiên Chúa là Cha nhân hậu, hay chạnh lòng xót thương  con cái trên đường trở về.

Jorathe Nắng Tím

 

Bài viết liên quan

Mùa Phục Sinh

TMĐP- Xin cho chúng con “biết đặt niềm tin và hy vọng vào Chúa” trên mọi nẻo đường, vì bất cứ ở đâu, và...

Cảm thức

TMĐP- Hình ảnh Mẹ Việt Nam, cũng là hình ảnh người phụ nữ một đời chỉ biết hết mình, hết tình Hy Sinh: hy...

Giáo hội

TMĐP- Chiến thuật “Đánh lận con đen”. Vừa ở trong, vừa ở ngoài, nghĩa là tuyên bố ở trong Hội Thánh, nhưng không tuân...

Giáo hội

TMĐP- Bài viết sẽ giúp quý Bạn cũng nhận ra sự khác biệt giữa danh hiệu “Mẹ Đức Giêsu Thiên Chúa làm người” theo...