Connect with us

Hi, what are you looking for?

Mùa Vọng

TIN THIÊN CHÚA DUY NHẤT HAY THIÊN CHÚA THỨ NHẤT? | Chuỗi Suy Niệm Mùa Vọng

TMĐP- Đức tin của người môn đệ Đức Giêsu là tin vào một Thiên Chúa duy nhất, mà không tin vào một thiên chúa thứ nhất bên cạnh nhiều thiên chúa có “số má” khác.

Ở núi Khôrép, trên đường về đất hứa, Môsê đã triệu tập toàn thể ítraen và nói với họ:  “Anh em phải biết và để tâm niệm điều này: trên trời cao cũng như dưới đất thấp, chính Đức Chúa là Thiên Chúa , chứ không có thần nào khác nữa” (Đnl 4,39), vì “Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, đã lập một giao ước với chúng ta tại núi Khôrếp. Đức Chúa đã lập giao ước này  không phải với  cha ông chúng ta, mà là với chúng ta, những người hôm nay đang ở đây, tất cả còn đang sống. Đức Chúa đã phán với anh em mặt đối mặt, trên núi, từ trong đám lửa. Còn tôi, thời ấy, tôi đứng giữa Đức Chúa và anh em để thông báo cho anh em lời của Đức Chúa, vì anh em thấy lửa thì sợ và không lên núi. Người phán: “Ta là Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, đã đưa ngươi ra khỏi Ai Cập, khỏi cảnh nô lệ. Ngươi không được có thần nào khác đối nghịch với Ta. Ngươi không được tạc tượng vẽ hình bất cứ vật gì ở trên trời cao cũng như dưới đất thấp, hoặc ở trong nước phía dưới mặt đất, để mà thờ. Ngươi không được phủ phục trước những thứ đó mà phụng thờ: vì Ta, Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, là một vị thần ghen tương. Đối với những kẻ ghét Ta, Ta phạt con cháu đến ba bốn đời, vì tội lỗi của cha ông. Còn với những ai yêu mến Ta và giữ các mệnh lệnh của Ta, thì Ta trọn niềm nhân nghĩa đến ngàn đời” (Đnl 5,2-10).

Và lịch sử cứu độ đã làm chứng: Thiên Chúa giữ đúng lời Ngài đã giao ước với Ítraen, dân Ngài dòng dã suốt lịch sử của  họ, nên bất cứ ở  đâu và  thời đại nào, hễ họ “bỏ Đức Chúa, khinh khi Đức Thánh của Ítraen, mà quay lưng đi” (Is 1,4); hễ họ chạy theo các thần dân ngoại, thờ ngẫu tượng, hễ họ không còn tin vào Ngài là Thiên chúa duy nhất, nhưng đặt Ngài bên cạnh các thần khác, thì ngay lập tức “Đức Chúa đã nổi cơn thịnh nộ với dân Người. Người đã giơ tay phạt chúng, Người đánh chúng, khiến núi non chấn động, và thây chúng như rác rưởi giữa phố phường. Dẫu thế, Người vẫn chưa nguôi cơn thịnh nộ, và tay Người vẫn còn giơ lên” (Is 5, 25).

Ngôn sứ Hôsê còn tuyên sấm một cách khủng khiếp, và rùng rợn hơn  về cơn giận của Thiên Chúa: “Ta là Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi từ khi ngươi còn ở đất Ai Cập. Ngoài Ta ra, ngươi không được biết thần nào khác, chẳng có vị cứu tinh nào khác ngoại trừ Ta. Chính Ta đã biết ngươi, khi ngươi còn ở trong sa mạc, trong vùng đất cằn cỗi khô khan. Vừa khi ra khỏi đồng cỏ, chúng liền được ăn uống thoả thuê. Nhưng khi thoả thuê rồi, chúng đâm ra tự cao tự đại. Chính vì thế mà chúng đã quên Ta. Nên đối với chúng, Ta khác nào sư tử, tựa con báo, Ta rình rập bên đường. Như gấu mất con, Ta chồm lên chúng, Ta xé chúng cho nát tan lồng ngực; Ta ăn thịt chúng tại chỗ như sư tử cái, chúng sẽ bị mãnh thú ngoài đồng phanh thây” (Hs 13, 4-8).

 

Và tất cả các ngôn sứ trong Cựu Ước đều chung lời cảnh báo, nhắc nhở  Ítraen: Hãy trở về với Đức Chúa, là Thiên Chúa duy nhất. “Hãy trở về với Đức Chúa, mang theo lời cầu nguyện . Hãy thưa với Người : “Xin thứ tha mọi gian ác… Chúng con sẽ không cầu cứu với Átsua, sẽ không cậy nhờ vào chiến mã, cũng chẳng gọi là thần những sản phẩm tay chúng con làm ra, vì chỉ ở nơi Ngài kẻ  mồ côi mới tìm được lòng thương cảm” (Hs 14,3-4), bởi  “làm sao gọi là thần, những pho tượng bằng vàng bạc hay bằng gỗ…?  Chúng không cứu được ai khỏi chết, không giải thoát được người yếu thế khỏi tay kẻ có quyền; không làm cho người mù được thấy, chẳng cứu được ai khỏi cảnh khốn quẫn, không cảm thương kẻ goá bụa, chẳng thi ân cho trẻ mồ côi. Những khúc gỗ bọc vàng bạc ấy cũng giống như những phiến đá đẽo từ núi ra vậy; những kẻ làm tôi chúng sẽ phải xấu hổ thẹn thùng. Thế thì làm sao có thể nghĩ hoặc nói rằng chúng là thần được? ” (Br 6, 29. 35-39). “Những người chế tạo ra chúng là các nghệ nhân và thợ kim hoàn, nên họ muốn chúng ra thế nào thì chúng chỉ là thế thôi. Những kẻ chế tạo ra chúng chẳng còn sống được lâu, thì làm sao sản phẩm của họ lại là thần dược?” (Br 6,45-46).

Đức Giêsu trong Tân Ước đã chứng thực những gì Cựu Ước  tuyên xưng : ” Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, là Đức Chúa duy nhất” (Mc 12,29), và   duy nhất Thiên Chúa là Đấng tốt lành (x. Mt 19,17); duy nhất một mình Ngài là Đấng  chúng ta phải yêu mến “hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn” (x. Mt 22,37);  Ngài là Đấng tạo dựng (x. Dt 3,4), “vì muôn vật  đều do Người mà có, nhờ Người mà tồn tại và quy hướng về Người” (Rm 11,36); Ngài làm chủ lịch sử, là ông chủ của mùa màng nhân loại (x. Mt 9,38);  là Thiên Chúa  cứu độ (x. Ga 3,16-17; Tv 24,5); là tình yêu (1 Ga 4,8),  “là đường, sự thật và sự sống” (Ga 14,6);  nơi ẩn náu an toàn của mọi người (x. Tv45,2 và  thành trì, núi đá vững  chắc  chở che người yếu đuối, lâm nguy (x. Tv 58,18;77,35). Ngài còn là mục tử nhân lành sẵn sàng hiến mạng sống cho đoàn chiên được “sống và sống dồi dào” (Ga 10,10); là Cha giàu lòng thương xót, bao dung (x.  Lc 15,11-32); “là sự sống lại và là sự sống” (Ga 11,25); là gia nghiệp, phần thưởng đời đời cho những ai tín thác nơi Ngài (x. Mt 5,3-12).

Như thế, đức tin của người môn đệ Đức Giêsu là tin vào một Thiên Chúa duy nhất, mà không tin vào một thiên chúa thứ nhất bên cạnh nhiều thiên chúa có “số má” khác, bởi  dù có đặt Thiên Chúa  đứng đầu bảng, vào hạng nhất, chỗ thứ nhất,  cao nhất, mạnh nhất, lớn nhất, thánh thiện nhất so với các thiên chúa khác, thì Thiên Chúa mà chúng ta tôn thờ cũng không là  Đức Chúa, Thiên Chúa duy nhất của  Ítraen đã  được mặc khải trong Cựu Uớc qua các ngôn sứ, và được chính Đức Giêsu, Thiên Chúa làm người loan báo và làm chứng trong Tân Ước.

Dân  Ítraen xưa cũng vì không  yêu mến, tôn thờ Đức Chúa là Thiên Chúa duy nhất, mà trở nên bất trung, phản bội để rồi bị Thiên Chúa trừng phạt nặng nề, bởi khi “hoà đồng” Đức Chúa là Thiên Chúa duy nhất với các thần dân ngoại, tức các thiên chúa khác, họ không còn  thờ phượng và yêu mến  Thiên Chúa  “hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn”; bởi khi “đồng hóa” Thiên Chúa duy nhất với các thần khác, họ không còn chân nhận Thiên Chúa là lẽ sống duy nhất của đời mình; bởi khi  kéo  Thiên Chúa duy nhất  xuống  hàng  các  ngẫu thần, họ không còn tin Thiên Chúa là Đấng Cứu Độ duy nhất của họ; bởi khi liệt kê Thiên Chúa vào danh sách các thiên chúa, họ đã  ngang nhiên phủ nhận quyền năng và vinh quang tuyệt đối của Thiên Chúa.

Quả thực, lịch sử Ítraen, dân Thiên Chúa cũng là lịch sử của Giáo Hội Đức Giêsu, ở đó, Thiên Chúa duy nhất có lúc bị biến thành thiên chúa thứ nhất, nghĩa là đứng đầu bảng các  thiên chúa. Vì đứng chung bảng với các ngẫu thần, nên Thiên Chúa  không tránh  khỏi  những lúc bị chúng ta từ chối, coi thường, nguyền rủa. Đó là những lần chúng ta từ chối  tin tưởng tuyệt đối ở Ngài, và đi “vái tứ phương”, sẵn sàng xì xụp  bái lạy các thần thánh khác, khi  gặp khó khăn, thử thách; những lần chúng ta coi thường tình yêu quan phòng của người cha Thiên Chúa, khi chạy theo  những giáo thuyết sai lạc làm mê hoặc, mù quáng lương tri; cả những lần giận dỗi, nguyền rủa Thiên Chúa vì  điều mình xin không được toại nguyện, nên tìm biết hạnh phúc tương lai ở mê tín, dị đoan,  cầu cơ, gieo quẻ,  bói toán,  chọn tháng, xem ngày, là việc làm phủ nhận niềm tin vào Thiên Chúa duy nhất toàn năng, Đấng nắm giữ vận mạng của mọi người.

Ước gì trong những ngày chuẩn bị tâm hồn mừng đón Thiên Chúa xuống thế làm người, chúng ta khiêm tốn và bình tâm hỏi lại lòng mình, để biết mình đang tin một Thiên Chúa duy nhất là cha toàn năng, giàu lòng thương xót, hay chỉ tin một thiên chúa thứ nhất trong danh sách gồm nhiều thiên chúa khác, một  thiên chúa  tuy có  nổi trội và đứng thứ nhất so với  nhiều thiên chúa khác, nhưng  vẫn phải đứng chung hàng  với tất cả  các thiên chúa, thần thánh là những ngẫu tượng  lớn bé, dài ngắn, gầy béo do con người vẽ vời, đúc tạc theo hình ảnh và tham vọng của chính con người.

Như các thánh Tông Đồ năm xưa đã thưa với Đức Giêsu: “Lạy Thầy, xin thêm đức tin cho chúng con” (Lc 17,5), chúng ta cũng xin Chúa chỉnh sửa con đường  và lối sống đức tin của chúng ta, để  xứng đáng nghênh đón Hài Nhi Giêsu, Thiên Chúa  làm người, Thiên Chúa duy nhất, Đấng Cứu Độ duy nhất của toàn thể nhân loại.

Jorathe Nắng Tím

 

 

 

 

 

 

Bài viết liên quan

Mùa Phục Sinh

TMĐP- Xin cho chúng con “biết đặt niềm tin và hy vọng vào Chúa” trên mọi nẻo đường, vì bất cứ ở đâu, và...

Cảm thức

TMĐP- Hình ảnh Mẹ Việt Nam, cũng là hình ảnh người phụ nữ một đời chỉ biết hết mình, hết tình Hy Sinh: hy...

Giáo hội

TMĐP- Bài viết sẽ giúp quý Bạn cũng nhận ra sự khác biệt giữa danh hiệu “Mẹ Đức Giêsu Thiên Chúa làm người” theo...

Giáo hội

TMĐP- Chiến thuật “Đánh lận con đen”. Vừa ở trong, vừa ở ngoài, nghĩa là tuyên bố ở trong Hội Thánh, nhưng không tuân...