Connect with us

Hi, what are you looking for?

Giáo hội

 TRƯỚC CAO TRÀO CHỐNG PHÁ GIÁO HỘI | Chuỗi Giáo Hội – Bài 1

TMĐP- Mỗi người Kitô hữu là chi thể của thân thể Giáo Hội, và chúng ta là Giáo Hội, nên bất luận là chủ chăn hay con chiên, trách nhiệm lớn hay nhỏ, địa vị cao hay thấp, quyền cao chức trọng hay bé nhỏ, âm thầm, không ai biết đến, mỗi người đều chung một danh hiệu Kitô hữu và chung một sứ vụ “loan truyền Chúa chịu chết, và tuyên xưng Chúa sống lại cho tới khi Chúa đến”.

Chống phá Giáo Hội của Đức Giêsu là mục tiêu và công việc thường ngày của ma quỷ, bởi ma quỷ biết: Đức Giêsu và Giáo Hội là một, vì “Đức Kitô yêu Giáo Hội  và hiến  mình vì Giáo Hội” ( Ep 5,25).  Hình ảnh “Hiền Thê thánh thiện và tinh tuyền” (x. Ep 5,25-27), cũng như hình ảnh  Thân Thể của Ngài (x. Cl 1,18) được Đức Giêsu dùng để chỉ Giáo Hội  trong tương quan với Ngài, nên triệt phá Giáo Hội  là triệt hạ chính Đức Giêsu, làm suy yếu Giáo Hội là đánh bật Đức Giêsu ra khỏi thế giới loài người, loại bỏ Đức Giêsu khỏi trái tim con người.

Mục tiêu ấy chúng đã, đang và sẽ mãi nhắm đạt cho kỳ được, và bằng mọi cách, dù thâm độc, đê hèn đến đâu, chúng cũng tận dụng để sớm dành chiến thắng, để tiếp tục công việc mà Luxiphe đã thực hiện, nhưng thất bại, khi còn là  tổng lãnh thiên thần.

Đó cũng là lý do khi lập Giáo Hội trên nền tảng tông đồ trưởng Phêrô, Đức Giêsu đã  cẩn thận cảnh báo các tông đồ những làn sóng tấn công liên tục và không bao giờ chấm dứt của ma quỷ: “Anh là Phêrô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền  lực tử thần sẽ không thắng nổi” (Mt 16,18).

Như thế, chúng ta không ngạc nhiên, hốt hoảng, sợ hãi  khi có những phong trào chống phá  Giáo Hội dưới nhiều hình thức, bằng đủ kiểu cách tinh vi, bởi ma qủy không chống phá Giáo Hội của Đức Giêsu mới là điều lạ,  nên chính lúc mọi sự được yên ổn, hạnh thông, trong ngoài êm ấm, trên dưới hoà thuận  lại là lúc chúng ta phải thận trọng hơn cả, vì ma qủy có thể đang chuẩn bị  một cuộc tấn công dữ dội và nguy hiểm hơn, khi cho chúng ta cảm tưởng mình đã hoàn toàn thắng chúng, hoặc chúng đã bị tiêu diệt, và không còn hiện diện hoạt động.

Để không sập bẫy ma quỷ, chúng ta cần nắm vững ba chiến thuật thường được chúng xử dụng trong các cuộc xung kích, tấn công:

1/ Ma quỷ vẽ ra một thế giới đã hư hỏng và dày đặc một màu đen tội lỗi:

Mục đích của ma quỷ khi làm cho thế giới mang một màu đen tội lỗi, sa đoạ dẫn đến tâm trạng bi quan, thất vọng, chán sống  là để chúng ta thấy sự vô ích của ơn cứu chuộc, nghĩa là, cho dù Đức Giêsu đã xuống thế làm người, đã chịu chết để xóa tội con người, nhưng tội lỗi vẫn còn đó, con người vẫn hư hỏng, thế giới vẫn u ám một màu chết chóc của hỏa ngục, hầu gieo vào  tâm hồn mọi người một trong hai kết luận: hoặc Thiên Chúa hoàn toàn bất lực, phải bó tay trước ý muốn cứu chuộc loài người của Ngài, vì loài người không tin theo Ngài, nhưng tin theo ma quỷ; hoặc Thiên Chúa không còn thương xót nhân loại nữa, vì Ngài không  khoan dung, nhân hậu như Ngài nói, cũng không toàn năng trong lòng thương xót như Ngài dậy, mà chỉ là một Thiên Chúa ghen tương, hay giận dỗi và thích trừng phạt. Cả hai kết luận đều dẫn đến một định đề: Thiên Chúa không toàn năng trong lòng thương xót và không cứu chuộc được loài người. Dẫn đến định đề này, tất nhiên sẽ thêm một định đề khác được kèm theo, đó là ma quỷ thắng thế, và thế giới loài người hoàn toàn thuộc về chúng.

Đẩy con người vào bầu khí ảm đạm, chán chường, thất vọng, yếm thế của hỏa ngục, ma quỷ thành công khi xóa mờ công trình tạo dựng tuyệt vời của Thiên Chúa, ở đó, mọi loài được Thiên Chúa dựng nên đều tốt đẹp. Đồng thời, chúng làm cho đời sống con người mất mục tiêu và ý nghĩa hạnh phúc, mà Thiên Chúa đã ban  khi dựng nên loài người. Và một khi không còn nhận ra mình được sinh ra để hạnh phúc, thì  lập tức, trước những trái ý, chướng ngại, khó khăn, thử thách trên đường đời, người ta sẵn sàng  oán trách, nguyền rủa, lên án, truất phế, loại bỏ Đấng đã tạo dựng nên mình vì tình yêu và cho hạnh phúc của mình.

Nhưng cạm bẫy nguy hiểm  hơn cả mà ma quỷ  đặt trên đường đi của con người, đó là không còn tin vào ơn cứu độ bao la, hải hà, không bao giờ thiếu của Thiên Chúa như thánh Phaolô đã quả quyết: “Ở đâu tội lỗi càng lan tràn, ở đó ân sủng càng chứa chan gấp bội” (Rm 5,20), để chính con người tự nguyện  rời bỏ nhà Thiên Chúa, tự ý buông bỏ bàn tay cha hiền của Thiên Chúa, tự do trả lời “không” trước ý muốn cứu độ của Thiên Chúa giàu lòng thương xót, và lời mời gọi đi với Ngài trên đường dẫn về hạnh phúc thật.

Vì thế, khi rơi vào cạm bẫy nguy hiểm này, chúng ta sẽ không còn chân nhận Thiên Chúa là người Cha nhân hậu, là niềm vui, hy vọng, phần thưởng đời đời và  Đức Giêsu không còn là Đấng Cứu Độ duy nhất của loài người, Đấng  đến để cứu những người tội lỗi (x. Lc 5,32), đến để hiến dâng mạng sống cho “đoàn chiên được sống và sống dồi dào” (Ga 10,10).

2/ Khai thác triệt để những yếu đuối nhân loại của các chủ chăn:

Ma quỷ không chỉ là chuyên viên của gian dối, mà còn là tên tố cáo ngoại hạng, vô đối.  Nó luôn tố cáo và say sưa tố cáo người này với người kia, người dưới với người trên, người trên với người dưới, vợ với chồng, chồng với vợ, con cái với cha mẹ, cha mẹ với con cái, và anh em, bạn bè với nhau. Chúng cần phải tố cáo và quyết tâm tố cáo để không ai sống được với ai, không người nào tin người nào, không tổ ấm, mái ấm nào được êm ấm, không cộng đồng, cộng đoàn nào còn  niềm tin, tình yêu ở nhau để có thể cộng tác, cộng lực, đồng tâm nhất trí, nhưng loai trừ nhau từ trong tâm tưởng và tìm cách trừ khử nhau trong thái độ, việc làm. Hơn thế nữa, ngay trước mặt Thiên Chúa, chúng cũng ra sức tố cáo mỗi người chúng ta, để chúng ta bị luận phạt, như sách Khải Huyền khẳng định (x. Kh 12,10).

Vì thế, để đánh phá Giáo Hội, chúng dư biết chiến lược lợi hại nhất là tố cáo những người có trách nhiệm trong Giáo Hội, bởi khi uy tín, danh dự và đời sống cá nhân của những con người nắm giữ sứ vụ quản trị Giáo Hội bị tung hê, vạch trần, bôi bác, chế diễu, khinh bỉ, nguyền rủa thì còn đâu tinh thần, nghị lực và bình an để làm việc và lòng nhiệt thành để dấn thân phục vụ.

Sở dĩ tố cáo, bôi nhọ là đòn độc hại và có hiệu quả, vì tâm lý chung, ai cũng tò mò muốn nghe, muốn biết những chuyện xấu của người khác, những tình tiết thuộc “thâm cung bí sử” của người có chức tước, danh giá, địa vị, không chỉ vì  tính hiếu kỳ, mà còn vì ganh ghét, không muốn ai hơn mình, vì con người mang sẵn trong mình lòng  ganh ghét. Lòng ganh ghét là “tội lỗi đang nằm phục ở cửa, nó thèm muốn ngươi; nhưng ngươi phải chế ngự nó” (St 4,7) như Thiên Chúa đã cảnh giác.

Khi viết đến đây, người viết không thể không nghĩ đến nỗi đau của rất nhiều người yêu mến Giáo Hội nhưng bị “bách hại tinh thần” bởi chính những người có trách nhiệm trong Giáo Hội. Họ là những tín hữu âm thầm chịu đựng những “thái quá bất cập”, những tính khí  “không giống ai” , những lạm dụng quá đáng, những cách cư xử thiếu nhân bản, những quyết đoán hồ đồ, những phân định không sáng suốt, thiếu công bằng, những chọn lựa không dựa trên Tin Mừng, nhưng xa lạ, và chống lại cả Tin Mừng, đặc biết là lối sống xa hoa, ích kỷ, cửa quyền, thiếu hẳn lòng thương xót của một số vị có trách nhiệm cai quản  đoàn chiên.

Những người tín hữu này thực sự là những người thánh thiện, khi nén lòng chịu đựng những  đau khổ do chính chủ chăn mình gây ra, mà không lên tiếng tố cáo, chống báng, phản công chỉ vì yêu mến Đức Giêsu và Hội Thánh của Ngài, mặc dù họ có thể làm ngược lại, bởi họ biết chắc một điều: ma quỷ, thế gian sẽ lợi dụng tâm trạng bức xúc, bất mãn do những bất công  phát sinh ngay trong lòng Giáo Hội, để đánh phá tơi tả hàng ngũ tín hữu. Con số những giáo dân này không nhỏ, và chính những đau khổ hằng ngày phải chịu đựng của họ đã làm cho thân thể mầu nhiệm của Đức Giêsu là Giáo Hội được dồi dào sinh lực, như thánh Phaolô đã khuyên nhủ giáo đoàn  Côlôxê: “Giờ đây, tôi vui mừng được chịu đau khổ  vì anh em. Những gian nan thử thách Đức Kitô còn phải chịu, tôi xin mang lấy vào thân cho đủ mức, vì lợi ích cho thân thể Người là Hội Thánh” (Cl 1,24).

Viết lên sự thật này không ngoài mục đích để chúng ta nhìn nhận những yếu đuối thuộc con người ở những đấng bậc trong Giáo Hội để thông cảm, yêu thương, nâng đỡ, nhất là cầu nguyện cho các vị, bởi như các chi thể của một thân thể duy nhất, làm sao chúng ta không đau đớn khi đọc trên báo những cuộc biểu tình lên án Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II ngay tại quê hương và bởi chính đồng bào, đồng hương Balan của Ngài, trong dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ngài. Những người xuống đường biểu tình đòi đập phá các bức tượng của ngài lớn tiếng  lên án ngài đã bao che những người của Giáo Hội phạm tội ấu dâm, làm tổn thương trầm trọng nhiều cuộc đời  vô tội, trong đó có việc ngài ban tước vị Hồng Y và đặt làm tổng giám mục Washington D.C từ năm 2001 đến 2006 Đức cha Theodore Mc Carrick, người mà  ngày 16.02.2019, Đức Thánh Cha Phanxicô đã buộc phải từ bỏ giáo phẩm của mình trong Giáo Hội và phải hoàn tục, sau khi bị kết tội xâm phạm tình dục trẻ vị thành niên và người lớn.

Như thế, yếu đuối và tội lỗi ở những con người của Giáo Hội là có, vì bản chất con người vốn yếu đuối, tội lụy. Vấn đề ở đây là liệu chúng ta có dám tin ở Thiên Chúa để đặt lợi ích chung của Giáo Hội lên trên tất cả, và can đảm vượt qua chính mình để nhẫn nại chịu đựng, nhẫn nhục hy sinh, nhẫn nhịn giữ trong lòng những khổ đau do chính chủ chăn mình gây ra, và tế nhị, kín đáo giải quyết trong tinh thần bác ái, mà không nối giáo cho giặc bằng những thông tin tuy thật nhưng luôn bị thổi phồng một cách bất công.

Chúng ta có dám cố gắng ghìm mình thật sâu để  vượt qua những cám dỗ  rất dữ dội muốn lên tiếng  phỉ báng, lên án, tẩy chay, bêu rếu những yếu đuối, thiếu sót của các vị, để vinh danh Chúa hơn, và đem lại lợi ích chung cho Hội Thánh, vì tin cdhắc một điều: “Thiên Chúa làm cho mọi sự đều sinh lợi ích cho những ai yêu mến Người” (Rm 8,28).

Ở đây hình ảnh của Đức Maria trước những thử thách, đau khổ, và những điều khó hiểu, nghịch lý đã luôn thinh lăng và  giữ kín trong lòng (x. Lc 2,51) trở thành niềm an ủi và gương mẫu cho người tín hữu chúng ta trong nhưng hoàn cảnh phải chấp nhận hy sinh “không nói gì, nhưng âm thầm cầu nguyện và tìm cách giải quyết trong bình an của đức ái” để gìn giữ sự hiệp nhất của Giáo Hội.

Tóm lại, vì ma quỷ triệt để khai thác những thiếu sót, khiếm khuyết ở các đấng bậc có trách nhiệm trong Giáo Hội với mục đích chia rẽ chủ chăn với đoàn chiên, làm hoang mang đoàn chiên, dẫn đến tình trạng tố cáo, bôi nhọ, đấu đá lẫn nhau giữa các thành viên của Giáo Hội, nên việc  chúng ta phải làm là không tiếp sức cho chúng bằng giữ uy tín, thanh danh và nâng đỡ người của Giáo Hội, và cam go nhất là  qủa cảm chịu đựng để tìm cách giải quyết với lòng thương xót của Thiên Chúa  những sai trái, bất công  do các vị gây ra, không phải vì hèn nhát, sợ sệt, nhưng vì tình yêu Đức Kitô thúc bách, vì lơi ích chung của Giáo Hội. Đây là tinh thần bỏ mình đích thực và cao cả của người tín hữu, khi tự nguyện xóa mình vì chính chủ chăn của mình.

3/ Ma quỷ tìm cách xóa bỏ bản chất Mẹ và Thầy của Giáo Hội  – Mater et Magister:

Ma quỷ chỉ mong đoàn chiên ghét chủ chăn, giáo dân ghét cha xứ, linh mục ghét giám mục, giám mục ghét giáo hoàng, vì như thế, chúng đã thiết lập được vương quốc của Xatan ngay trong lòng vương quốc của Thiên Chúa trên thế gian này.

Và để thực hiện mưu đồ, chúng làm cho Giáo Hội mất đi bản chất Mẹ nhân từ,  hay thương xót và Thầy khôn ngoan giảng dạy chân lý đời đời.

Để làm mất đi tình mẫu tử của Giáo Hội, ma quỷ chỉ cần làm cho trái tim của chủ chăn trở nên chai đá, vô cảm, không còn biết xót xa, thương cảm đoàn chiên có con đau ốm, bệnh tật, có con nhếch nhác, ham chơi, lười biếng, lại có con ngông nghênh, liều lĩnh, hoang đàng. Làm cho giáo dân không còn nhận ra Giáo Hội là Mẹ nhân hậu, bao dung, trìu mến, ma quỷ chỉ cần làm nổi bật bằng rêu rao, quảng cáo những trái tim cạn khô tình yêu thương, cạn kiệt lòng thương xót ở các chủ chăn, để con chiên chỉ còn thấy các vị là những người chăn chiên thuê, những kẻ trộm lẻn vào chuồng chiên nhằm quấy nhiễu, lạm dụng,  trấn áp, đe dọa, làm tan tác và tổn thương đoàn chiên.

Để làm mất bản chất Thầy dạy khôn ngoan  của Giáo Hội, ma quỷ chỉ cần trình chiếu những chủ chăn như những ông thầy biết mọi sự thế gian, nhưng mù tịt hoặc biết lơ mơ  những  chân lý đức tin, và không tin tưởng vào điều mình giảng dạy, không xác tín điều mình loan báo, và tất nhiên không sống điều mình dạy người khác sống, không tuân giữ điều mình truyền người khác phải thực hành. Những “ngôn hành bất nhất” này là những nhát búa cực mạnh đập vỡ lòng tin của người tín hữu vào một Giáo Hội là Thầy dậy khôn ngoan và trung thành gìn giữ kho tàng Chân Lý đời đời.

Vì thế, khi Giáo Hội thiếu những chủ chăn có trái tim người Mẹ, và khôn ngoan của người Thầy dạy chân lý đức tin, thì đoàn chiên sẽ lơ là, dửng dưng, tiêu cực trong mọi sinh hoạt của Giáo Hội, và thường xuyên bị cám dỗ rời bỏ Giáo Hội đi theo các giáo phái mới lạ, vì Giáo Hội không còn là mái ấm yêu thương, không còn là tổ ấm chở che, nâng đỡ, và không còn là người hướng đạo có khả năng, và sáng suốt, khôn ngoan chỉ đường về Hạnh Phúc đích thực, tới Bến Bờ an vui.

Để kết luận, chúng ta cần ý thức: mỗi người Kitô hữu là chi thể của thân thể Giáo Hội, và chúng ta là Giáo Hội, nên bất luận là chủ chăn hay con chiên, trách nhiệm lớn hay nhỏ, địa vị cao hay thấp, quyền cao chức trọng hay bé nhỏ, âm thầm, không ai biết đến, mỗi người đều chung một danh hiệu Kitô hữu và chung một sứ vụ “loan truyền Chúa chịu chết, và tuyên xưng Chúa sống lại cho tới khi Chúa đến”.

Vì thế, con đường mọi người trong Giáo Hội phải đi là con đường “từ bỏ mình, vác thập giá mình mà đi theo Đức Giêsu”;  tiếng gọi của Chúa Thánh Thần mà mỗi người Kitô hữu phải đáp trả là làm lớn hơn dân Chúa, mở rộng Nước Chúa và phục vụ Giáo Hội; ánh sáng và niềm vui trên hành trình của mỗi người Kitô hữu là Lời Hứa, Giao Ước của Thiên Chúa với dân Ngài.  Một khi ý thức và xác tín điều này, chúng ta sẽ  gìn giữ một cách có hiệu qủa sự hiệp nhất giữa mọi thành phần, thành viên trong Hội Thánh, bằng sống chính tình yêu của Đức Giêsu, Đấng đã hiến mình vì Hội Thánh. Chỉ với sự hiệp nhất và hiệp thông trong Đức Giêsu, chúng ta mới thực sự yêu Giáo Hội, và tránh được mọi cạm bẫy nguy hiểm đánh phá Giáo Hội của ma quỷ ngày đêm đang lồng lộn như đã từng lồng lộn  biểu tình bất tín nhiệm Thiên Chúa ngày xưa trên thiên đàng.

Jorathe Nắng Tím   

Bài viết liên quan

Mùa Phục Sinh

TMĐP- Xin cho chúng con “biết đặt niềm tin và hy vọng vào Chúa” trên mọi nẻo đường, vì bất cứ ở đâu, và...

Cảm thức

TMĐP- Hình ảnh Mẹ Việt Nam, cũng là hình ảnh người phụ nữ một đời chỉ biết hết mình, hết tình Hy Sinh: hy...

Giáo hội

TMĐP- Bài viết sẽ giúp quý Bạn cũng nhận ra sự khác biệt giữa danh hiệu “Mẹ Đức Giêsu Thiên Chúa làm người” theo...

Giáo hội

TMĐP- Chiến thuật “Đánh lận con đen”. Vừa ở trong, vừa ở ngoài, nghĩa là tuyên bố ở trong Hội Thánh, nhưng không tuân...