Connect with us

Hi, what are you looking for?

Giáo hội

TRƯỚC NGƯỠNG CỬA “HIỆP HÀNH” | Chuỗi Suy Tư Về “HIỆP HÀNH” – Bài 1

TMĐP – Đức Thánh Cha Phanxicô chọn chúa nhật thứ nhất Mùa Vọng làm khởi điểm của tiến trình “Hiệp Hành”, cũng được nhiều vị gọi là Đồng Nghị, hoặc Đồng Hành ở cấp giáo phận là bước thứ nhất,  và được coi là quan trọng nhất của Thượng Hội Đồng Giám Mục với ba mục tiêu chính: Dân Chúa cùng hiệp thông, Dân Chúa cùng  tham gia, đóng góp, Dân Chúa cùng thi hành sứ mạng.

Chỉ mới đọc qua chủ đề, chúng ta cũng thấy thao thức và ước muốn cháy bỏng của Giáo Hội về một Giáo Hội “đồng tâm nhất trí”, đồng lao cộng tác, đồng hướng đồng hành, một Giáo Hội không cục bộ, bè phái, không ngăn cách, quan liêu, không  đấu đá, loại trừ. Nhưng cũng qua chủ đề được chọn, chúng ta thấy hiện tình của Giáo Hội: một  Giáo Hội đang gặp nhiều khó khăn thách đố từ bên ngoài, nhiều đối kháng, căng thẳng ngay trong hàng ngũ, và chính vì hiện tình này, mà Thượng Hội Đồng Giám Mục với chủ đề “Giáo Hội Hiệp Hành” được đề xướng, triệu tập.

Cùng một tâm tình với toàn thể Giáo Hội trong những ngày “khởi điểm” của “Hiệp Hành”, người viết xin được đóng góp một vài chia sẻ với tư cách người tín hữu trong Giáo Hội:

Photo Credit: Catholic Design

Trước hết, chúng ta cần đặt vấn đề: Giáo Hội được hiểu thế nào?

Danh từ Giáo Hội không luôn được hiểu giống nhau, bởi người ta nhìn Giáo Hội dưới những lăng kính khác nhau: có người phân biệt rành rẽ Giáo Hội như một thực thể độc lập với người thuộc về Giáo Hội; có người giản lược Giáo Hội vào phẩm trật, đồng hoá Giáo Hội  với các giám mục, linh mục; lại có người chỉ nhìn Giáo Hội như một thế lực được thể hiện qua những thành công xã hội, và thành quả thuần túy nhân văn.

Những cái nhìn  khác nhau về Giáo Hội đưa đến những thái độ khác nhau đối với Giáo Hội. Người giản lược Giáo Hội vào hàng giáo phẩm,  giáo sỹ sẽ khó có thể ở lại trong Giáo Hội khi phải đối diện với  tình trạng  giám mục, linh mục mất phẩm chất, sống ngược với Tin Mừng như những giám mục, linh mục bị truy tố vì tội ác ấu dâm; người đồng hoá Giáo Hội với quy chế, cơ cấu tổ chức rất khó có thể đặt niềm tin vào Giáo Hội khi cơ cấu của Giáo Hội thối nát vì tham ô, rạn nứt vì đấu đá, tranh giành quyền lực, và cơ chế ngày càng nặng nề tính phi nhân, phản Tin Mừng; người nhìn Giáo Hội như một thể chế, đế chế với thế lực, ảnh hưởng của trần gian sẽ chỉ quan tâm đến số lượng giáo dân, con số nhà thờ, trường học, cơ quan bác ái công giáo, mà quên yếu tính của Giáo Hội là Thân Thể mầu nhiệm Đức Kitô .

Để sống tinh thần “Hiệp Hành” của Giáo Hội, người Kitô hữu chúng ta được mời gọi chân nhận:

Photo Credit: Catholic Design

1/ Giáo Hội là Thân Thể duy nhất:

Đức Giêsu không mơ ước gì ở Giáo Hội ngoài “hiệp nhất trong tình yêu”. Ngài đã truyền dạy tất cả những ai muốn làm môn đệ Ngài, tức những ai muốn thuộc về  đoàn thể những người tin vào Ngài và đi theo Ngài loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa  “Hãy yêu thương  như Thầy đã yêu thương”, và  cho họ một huy hiệu chung, một dấu chỉ duy nhất để mọi người nhận ra họ là môn đệ của Ngài, đó là  họ có lòng yêu thương nhau (x. Ga 13,34.35), đồng thời Ngài dùng hình ảnh Cây Nho để trình bày tình yêu hiệp nhất của mọi thành viên trong Giáo Hội khi căn dặn họ: “Hãy ở lại trong Thầy, như Thầy ở lại trong anh em. Cũng như cành nho không thể tự mình sinh hoa trái, nếu không gắn liền với cây nho, anh em cũng thế, nếu không ở lại trong Thầy” (Ga 15, 4).

Ở lại trong nhau tức hiệp nhất nên một với nhau trong Đức Giêsu là Cây Nho mà tất cả là cành nho. Các cành gắn bó với nhau và cùng nhau kết hợp với Cây, nên không có tình trạng một cành nào đó chỉ muốn gắn liền với cây mà từ chối liên đới, gắn bó với cá cành khác của cây.

Thánh Phaolô dùng hình ảnh Thân Thể để diễn tả yếu tính hiệp nhất trong tình yêu của Giáo Hội, bởi tất cả các chi thể của thân thể  đều quan trọng, và hỗ tương nhau, nên “không có chia rẽ trong thân thể, trái lại các bộ phận đều lo lắng cho nhau. Nếu một bộ phận nào đau, thì mọi bộ phận cùng đau. Nếu một bộ phận nào được vẻ vang, thì mọi bộ phận cũng vui chung” (1 Cr 13,25-26). Thánh nhân còn đi xa hơn khi qủa quyết trong Thân Thể Đức Kitô không những tất cả các thể đều quan trọng và có phận vụ riêng, mà còn nhấn mạnh: “Những bộ phận xem ra yếu đuối nhất thì lại là cần thiết nhất; những bộ phận ta coi là tầm thường nhất, thì ta lại tôn trọng hơn cả. Những bộ phận kém trang nhã, thì ta lại mặc cho chúng  trang nhã hơn hết. Còn những bộ phận trang nhã thì không cần chi cả. Nhưng Thiên Chúa đã khéo xếp đặt các bộ phận trong thân thể, để bộ phận nào kém thì được tôn trọng nhều hơn” (1 Cr 13,22-24).

Những dòng trên đây của thánh Tông Đồ dân ngoại như toả ra làn hương ngào ngạt của Tình Yêu hiệp nhất, khi những chi thể yếu đuối, tầm thường, kém trang nhã lại được các chi thể mạnh mẽ, xinh đẹp  tôn trọng, trân quý và vun xới, trang điểm cho. Đó là hình ảnh một Giáo Hội  huynh đệ, hiệp nhất  như lòng Chúa mong ước, khi cơ chế không trở thành cỗ máy vô hồn trong tay một số thành viên có quyền thế để sẵn sàng nghiền nát không thương tiếc  những thành viên yếu đuối, bé mọn, non dại khác; khi cơ cấu tổ chức không trở thành nguyên nhân phát sinh  đố kỵ, ghen tương, ganh ghét và nạn bè phái, kỳ thị giữa các thành viên; khi Giáo Hội không ưu đãi giai cấp khanh tướng thống trị và giập vùi giai cấp thần dân  cùng đinh, bị trị; khi những người được trao trách nhiệm  qủan trị Giáo Hội không biến  thành những lãnh chúa, lãnh tụ thế gian “dùng uy mà thống trị”  (x. Mt 20,25), dùng quyền mà đe dọa, dùng lực mà trấn áp, dùng mưu mô, thủ đoạn mà ru ngủ, dụ dỗ dân lành; khi thần quyền không trở thành khí giới vạn năng  trong tay  những “thừa tác viên”  được chọn thay vì để phục vụ cộng đoàn lại bắt cộng đoàn phục vụ và đáp ứng nhu cầu bản thân, hoàn toàn  trái ngược đường lối của Đức Giêsu: “Ai muốn làm lớn giữa anh em, thì phải làm người phục vụ anh em. Và ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ anh em” (Mt 20,26-27).

Như thế, Giáo Hội là chúng ta, vì chúng ta là chi thể của một thân thể duy nhất có Đức Kitô là Đầu; vì chúng ta thuộc về Giáo Hội một cách sâu xa và thiết thân như cành gắn bó với cây, nên hiệp thông là yếu tính của người Kitô hữu, như Đức Giêsu, Đấng sáng lập và là Đầu Giáo Hội hằng mong ước và nguyện cầu: “Lạy Cha, xin cho chúng nên một, như Cha ở trong con, và như con ở trong Cha” (Ga 17, 21 )

Thực vậy, bao lâu chúng ta còn nhìn Giáo Hội như  cơ chế nặng nề phẩm trật, như tổ chức rườm rà những  ban bệ,  mà không nhìn Giáo Hội như Thân Thể mầu nhiệm Đức Kitô, bấy lâu chúng ta còn mắc kẹt vì lún sâu vào tình trạng phân cách thứ bậc, phân chia quyền lực, phân biệt giai cấp, phân bì quyền lợi giữa các thành phần Dân Chúa là rào cản, tường thành không cho chúng ta làm thành một đoàn thể những người hiệp thông với nhau trong cùng một thân thể,  một Thần Khí, một niềm hy vọng, một đức tin, một Chúa, một phép rửa, một Thiên Chúa là Cha  (x. Ep 4, 4-6)

Vì thế sẽ rất khó đi vào việc tham khảo, đóng góp ý kiến cho Thượng Hội Đồng một cách hiêu quả ở cấp giáo phận, khi  giữa Giám Mục và  Linh Mục, giữa Linh Mục và giáo dân vẫn còn một khoảng xa cách biệt. Đây cũng là nỗi lo của Đức Thánh Cha, vì hơn ai hết, Ngài thấy rõ: tình yêu thương hiệp nhất trong Giáo Hội ngày càng xuống cấp, vì có quá nhiều yếu tố  trong cũng như ngoài Giáo Hội làm phân tán, chia rẽ đoàn thể những người đi theo làm môn đệ Đức Kitô.

Chỉ với cái nhìn Giáo Hội là Thân Thể mầu nhiệm, chúng ta mới có thể sống hiệp thông, và  cùng nhau bước đi  trong tình Hiệp Thông,  đồng hành với nhau trong Đức Ái, là mục tiêu thứ nhất và nền tảng của chương trình Hiệp Hành trong Giáo Hội dưới sự huớng dẫn và ơn phù trợ của Chúa Thánh Thần, bởi nhìn Giáo Hội một cách khác, không như Thân Thể mầu nhiệm Đức Kitô, chúng ta sẽ  dễ rơi vào cạm bẫy thường gặp của cơ chế là quyền lực, phe cánh, cục bộ, và cám dỗ khó tránh của cơ cấu là khuynh hướng độc tôn, độc đoán, độc tài khi nắm giữ trong tay thần quyền.

2/ Giáo Hội là Giáo Hội “được sai đi ”:

Nếu Giáo Hội không là đoàn thể những người tin vào Đức Kitô và được Ngài sai đi cho một sứ mạng chung là: “Hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ những điều Thầy đã truyền cho anh em” (Mt 28,19-20), thì  chúng ta không có lý do để hợp tác, tham gia, đóng góp, như mục tiêu thứ hai được Thượng Hội Đồng Giám Mục  lần thứ XVI  đề ra, bởi nói đến tham gia là nói đến cùng một sứ mạng, cùng nhắm chung một mục đích, bởi không cùng mục đích, không cùng sứ mạng, thì  tham gia, đóng góp sẽ không có giá trị và trở nên vô nghiã.

Tại sao chúng ta cần quán triệt và xác tín:  tất cả người Kitô hữu, nhờ bí tích rửa tội đều được sai đi để cùng thi hành một sứ mạng chung? Thưa, đó là ý muốn của Thiên Chúa, là lệnh lên đường của Đức Giêsu khi sai chúng ta ra đi để  làm nhân chứng sống động, làm ánh sáng muôn dân, làm muối men cho đời (x. Mt 5,13.14 ; 13,33), nên không ai có thể  tự cho phép mình độc quyền làm chứng Thiên Chúa yêu thương và cứu chuộc nhân loại, độc quyền rao giảng Tin Mừng, độc quyền loan báo Nước Thiên Chúa. Trái lại, bí tích rửa tội tháp nhập những người đáp lời mời gọi đi theo Đức Giêsu vào Thân Thể Ngài là Hội Thánh; bí tích rửa tội mở ra cho tất cả những ai tin vào Đức Giêsu con đuờng truyền giáo; bí tích rửa tội đặt trên vai tất cả những ai đi theo làm môn đệ Đức Giêsu sứ vụ xây dựng Giáo Hội.

Chính vì tất cả chúng ta cùng được kêu gọi, cùng được chịu phép rửa, cùng được tháp nhập như các chi thể vào Thân Thể Đức Kitô mà mỗi người Kitô hữu chúng ta có trách nhiệm cùng  tham gia, cộng tác, đóng góp xây dựng Giáo Hội với tất cả tình yêu.

Do đó, khi dành quyền thi hành sứ mạng loan báo Tin Mừng cho riêng mình, vì cho mình là “số ít  được chọn trong đám đông” và được “độc quyền sứ mạng”  khi coi giáo dân như những con chiên, con cừu ngu dốt, ít học, kém đạo đức, không biết gì và không tín nhiệm, không chia sẻ, không tạo cơ hội cho họ cùng loan báo Tin Mừng, thì  hàng giáo phẩm, giáo sĩ khó có thể kêu gọi giáo dân  cùng tham gia, đóng góp, cộng tác với mình trong công tác xây dựng Giáo Hội với tình yêu và tinh thần trách nhiệm, như các chi thể của một thân thể duy nhất yêu thương nhau và trách nhiệm trên sự sống và hạnh phúc của  nhau, mà không bàng quan, thờ ơ, thụ động, tiêu cực.

Vì thế, phải khởi đi từ sứ mạng chung, bắt nguồn từ ơn gọi chung “được sai đi loan báo Tin Mừng”, các thành phần Dân Chúa mới có thể  chân thành và hăng hái cùng nhau tham gia, đóng góp xây dựng Thân Thể mầu nhiệm Đức Kitô là Hội Thánh.

Quả thực bao lâu còn sống chết với não trạng sứ mạng loan báo Tin Mừng chỉ dành cho “người có thánh chức”, và những người được chọn này chủ trương chính sách độc quyền sứ mạng, thì bấy lâu sự hợp tác, tham gia chân thành và tích cực của thành phần giáo dân vẫn chỉ là hạt muối bỏ bể, khác xa cách tham gia, cộng tác theo đòi hỏi của Tin Mừng: tham gia vào sứ mạng với tinh thần khiêm tốn, xóa mình; cộng tác để hoàn thành sứ mạng với tinh thần phó thác tuyệt đối vào Thiên Chúa mà  thánh Phaolô đã làm gương và không ngừng  nhắc nhở các giáo đoàn khi viết: “Vậy Apôlô là gì? Phaolô là gì? Đó là những tôi tớ đã giúp cho anh em có đức tin, mỗi người đã làm theo khả năng Chúa ban. Tôi trồng, anh Apôlô tưới, nhưng Thiên Chúa mới làm cho lớn lên. Vì thế kẻ trồng hay người tưới chẳng là gì cả, nhưng Thiên Chúa, Đấng làm cho lớn lên, mới đáng kể. Kẻ trồng, người tưới đều như nhau, nhưng ai nấy sẽ đươc thù lao tùy theo công khó của mình” (1 Cr 3,5-8)

3/ Giáo Hội là Giáo Hội đồng hành trên đường sứ mạng:

Được cùng sai đi cho một sứ mạng chung là “Loan truyền Chúa chịu chết, và tuyên xưng Chúa sống lại cho tới khi Chúa đến” (x. 1 Cr 11,26) , nhưng mỗi người  được trao một sứ vụ riêng, như mỗi chi thể có một nhiệm vụ trong thân thể duy nhất, mỗi bộ phận giữ một cơ năng đặc thù, đặc biệt, nhưng liên đới thiết thân, gắn bó chặt chẽ và luôn ảnh hưởng trên nhau, đến nỗi bất cứ một chi thể nào đau yếu, thì các chi thể khác cùng chia sẻ, chịu chung nỗi yếu đau; bất cứ bộ phận nào có vấn đề, thì toàn thân bất an, bất ổn, nên sẽ không có chuyện mắt bảo tay: “Tao không cần đến mày”, hay đầu  bảo hai chân: “tao không cần chúng mày” (x. 1 Cr 12, 21).

Cũng thế, Giáo Hoàng, Giám Mục, Linh Mục, Tu Sĩ, Giáo Dân, tất cả đều chung một sứ mạng, nhưng không cùng sứ vụ: giám mục có sứ vụ của giám mục, linh mục có sứ vụ của linh mục, tu sĩ có sứ vụ của tu sĩ, giáo dân có sứ vụ của giáo dân, và tất cả các sứ vụ riêng biệt ấy đều quy hướng về một sứ mạng chung; tất cả các hoạt động đặc thù ấy đều có cùng mẫu số chung là phục vụ, xây dựng Giáo Hội; tất cả các đoàn sủng, tức “ơn đấng bậc” ấy đều có chung một mục đích là xây dựng Giáo Hội.

Vì thế, không có tình trạng “căm thù và đấu tranh giai cấp” giữa các thành viên thuộc Giáo Hội, không có “đấu đá tranh giành, mưu mô luồn lách chạy chức chạy quyền” trong Giáo Hội, càng không thể để xảy ra cảnh “ghen tỵ, bôi bác, so đo, loại trừ” dựa trên thành quả hay thất bại của sứ vụ, vì trên hết và trước hết, Giáo Hội không là xí nghiệp, cơ sở kinh doanh, cũng không chỉ là tổ chức trần thế với cơ cấu tổ chức  chặt chẽ, nhưng là một Thân Thể duy nhất có Đức Giêsu là Đầu.

Ở đây, chúng ta cần lưu ý: vì Giáo Hội là tập thể những người đi theo và tin vào Đức Giêsu ở trần gian, đoàn thể môn đệ Đức Giêsu còn trên đường dương thế, nên nhu cầu tổ chức với cơ cấu phẩm trật và nội quy, kỷ luật là nhu cầu chính đáng và cần thiết. Tuy nhiên, không vì thế mà Giáo Hội được phép tự trói buộc, khép kín, giam hãm mình trong cơ chế; đặt sự hoàn hảo, hiệu lực của cơ chế thành lý tưởng, tiêu chuẩn của Giáo Hội, vì Giáo Hội là gia đình của Thiên Chúa với những đứa con tự do được bao phủ bởi ơn Chúa Thánh Thần, Đấng như “Gió  muốn thổi đâu thì thổi”, và không ai biết “gió từ đâu đến và thổi đi đâu” (Ga 3, 8) nên không ai được quyền dập tắt Thần Khí như thánh Phaolô đã cảnh báo (x. 1Tx 5, 19).   .

Quả thực, chỉ với niềm xác tín trên, chúng ta mới có thể nói đến khả năng  đồng hành, cùng nhau “đến nơi được sai đi”, mà không kỳ thị, phân biệt giữa các thành phần, phẩm trật; chỉ với tinh thần của “toàn thể dân Chúa cùng được sai đi cho một sứ mạng, nhưng không cùng sứ vụ”, người giáo dân mới cảm thấy không bị các Đấng Bậc coi như bầy chiên, bầy cừu chỉ biết bảo sao nghe vậy, khúm núm thưa bẩm, miễn cưỡng đồng tình, thụ động đồng ý, ấm ức đồng hành là nguyên nhân phát sinh và  âm ỉ nuôi lớn những bất mãn, bất đồng chờ ngày bùng nổ mà hậu qủa sẽ vô cùng khốc liệt, tai hại cho Giáo Hội.

Nhưng để có thể đồng hành, mọi thành phần Dân Chúa phải bắt đầu bằng lắng  nghe nhau. Đây là điểm rất yếu vẫn còn tồn tại vì ăn rễ qúa sâu trong Giáo Hội, khi các Đấng Bậc không quan tâm đến “sứ vụ” lắng nghe giáo dân, như chủ chăn biết lắng nghe tiếng chiên mình, mà Đức Giêsu đã ân cần căn dặn trong Tin Mừng Gioan khi mô tả  thái độ ân cần, gần gũi chiên  của Mục Tử nhân lành: “Chiên nghe tiếng của anh; anh gọi tên từng con, rồi dẫn chúng ra. Khi đã cho chiên ra hết khỏi chuồng, anh ta đi trước và chiên đi theo sau, vì chúng nhận biết tiếng của anh. Chúng sẽ không theo nguời lạ, vì chúng không nhận biết người lạ” (Ga 10, 3-5).

Sở dĩ chiên nhận ra tiếng của chủ chăn, vì chủ chăn chân tình nói với chiên và  chú tâm nghe chiên nói. Nhờ thế, chủ chăn mới biết chiên mình, mới  đích thực là mục tử nhân lành như lòng Chúa mong ước, khi nói được những lời của Đức Giêsu mà không hổ thẹn: “Tôi biết chiên của tôi, và chiên của tôi biết tôi” (Ga 10,14).

Quả thực, có đối thoại mới có cảm thông, có nói và lắng nghe, chúng ta  mới biết nhau, hiểu nhau, thương yêu nhau là điều kiện để thực hiện muc tiêu đồng hành trên đường sứ vụ. Hơn thế nữa, có biết nói với nhau và  lắng nghe nhau, chúng ta mới có thể cùng nhau lắng nghe Đức Giêsu, như các chi thể quan tâm đến nhau và  biết cùng nhau làm theo ý muốn của Đầu.

Hình ảnh hai môn đệ cùng đi trên đường từ Giêrusalem về làng Emmau trong Tin Mừng Luca cho chúng ta thấy rõ hơn thế nào là đồng hành sứ vụ: Trên con đường của buổi chiều buồn ấy, hai môn đệ Đức Giêsu đã nói với nhau rất nhiều, và đã chú tâm lắng nghe nhau nói: “Họ trò chuyện với nhau về tất cả những sự việc vừa mới xẩy ra” (Lc 24,14). Những sự việc mới xảy ra là chuyện “Đức Giêsu Nadarét, Người là một ngôn sứ đầy uy thế trong việc làm cũng như lời nói trước mặt Thiên Chúa và toàn dân. Thế mà các thượng tế và thủ lãnh  đã nộp Người để Người bị kết án tử hình, và đã đóng đinh Người vào thập giá” (Lc 24,19-20).

Không chỉ kể về biến cố đau buồn vừa xảy ra, hai môn đệ còn chia sẻ niềm hy vọng Đức Giêsu là “Đấng Cứu Chuộc Ítraen”, và sự kiện phục sinh  đang gây ồn ào, khi có mấy bà trong nhóm họ đã ra thăm mộ Đức Giêsu ngay từ sáng sớm, “nhưng không thấy xác Người đâu cả”, khi về  các bà còn nói là “đã thấy thiên thần hiện ra bảo rằng Người đã sống lại” (x. Lc 24,21-24).

Và lạ lùng thay, “đang lúc họ trò chuyện và bàn tán, thì chính Đức Giêsu tiến đến gần và cùng đi với họ” (Lc 24,15).

Cùng đi với hai môn đệ đang đồng hành và trò chuyện với nhau, Đức Giêsu trao đổi với họ về chính câu chuyện họ đang nặng lòng. Ngài đồng hành bằng lắng nghe họ nói, và giải thích ngọn nguồn, rành rẽ những gì họ chưa biết. Ngài không đồng hành một cách thụ động, nhưng đồng hành bằng chia sẻ với họ Lời Chúa, chia sẻ thao thức, băn khoăn, niềm vui nỗi buồn, thử thách, hy vọng của họ. Ngài còn  chia sẻ cả cơm bánh với họ khi “trời đã xế chiều và ngày sắp tàn” (x. Lc 24, 29).

Thực vậy, đồng hành không chỉ là đi bên nhau như những rôbốt vô hồn, nhưng đồng hành trên đường sứ vụ là vừa đi vừa trao đổi bàn bạc, vừa đi vừa chia sẻ cho nhau tình yêu thương và sự sống trong đức tin. Đồng hành trên đường sứ vụ còn là “vừa đi với nhau vừa đi với Chúa” bằng lắng nghe nhau và cùng  nhau lắng nghe Chúa, vì đoàn lữ hành được sai đi không tự mình thực hiện  hành trình sứ vụ, nhưng phải có Chúa dẫn dắt, phù trợ, bởi Giáo Hội là đoàn người cùng bước đi trên hành trình đức tin: tin vào Đức Giêsu là Thiên Chúa Cứu Độ và đi theo Ngài.

Trước ngưỡng cửa của Thượng Hội Đồng Giám Mục lần thứ XVI, và ở điểm xuất phát của tiến trình “Đồng Nghị, Hiệp Hành”, người viết xin hiệp lòng cùng qúy Bạn và toàn thể cộng đồng Dân Chúa cầu xin ơn Chúa Thánh Thần xuống trên Giáo Hội, để Giáo Hội ngày càng trở nên “xinh đẹp, lộng lẫy, không tỳ ố, không vết nhăn, hoặc bất cứ một khuyết điểm nào, nhưng thánh thiện và tinh tuyền”, nhờ “được thánh hoá và thanh tẩy” bởi Đấng đã yêu thương và hiến mình vì Giáo Hội (x. Ep 5,25-27).

Jorathe Nắng Tím

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Bài viết liên quan

Mùa Phục Sinh

TMĐP- Xin cho chúng con “biết đặt niềm tin và hy vọng vào Chúa” trên mọi nẻo đường, vì bất cứ ở đâu, và...

Cảm thức

TMĐP- Hình ảnh Mẹ Việt Nam, cũng là hình ảnh người phụ nữ một đời chỉ biết hết mình, hết tình Hy Sinh: hy...

Giáo hội

TMĐP- Bài viết sẽ giúp quý Bạn cũng nhận ra sự khác biệt giữa danh hiệu “Mẹ Đức Giêsu Thiên Chúa làm người” theo...

Giáo hội

TMĐP- Chiến thuật “Đánh lận con đen”. Vừa ở trong, vừa ở ngoài, nghĩa là tuyên bố ở trong Hội Thánh, nhưng không tuân...