Connect with us

Hi, what are you looking for?

Mùa Thường Niên

TỰ DO TRONG ĐỨC TIN  | Suy niệm Tin Mừng Chúa Nhật XIII Mùa Thường Niên Năm C

TMĐP – Tự do trong đức tin của người Kitô hữu chính là “chọn Chúa”, và từ bỏ tất cả những cám dỗ, kiêu căng, ích kỷ để trung thành với Giao Ước, với phương thế hiệu nghiệm hơn cả chính là yêu thương, phục vụ anh chị em mình.

Đức tin chúng ta đặt ở Chúa chính là tình yêu chúng ta dành cho Chúa, vì người Kitô hữu không bao giờ có thể là người chỉ tin bằng cái đầu mà bỏ quên trái tim. Bởi đức tin của người có đạo chính là tin vào Chúa, người Cha giàu lòng thương xót luôn yêu thương con cái mình và sống yêu thương như Chúa đã yêu thương.

Đó là lý do “tất cả Luật Môsê và các sách ngôn sứ đều tùy thuộc vào hai điều răn: Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, và hết trí khôn ngươi”, và “ngươi phải yêu người thân cận như chính mình” (Mt 22, 37.39.30), và cũng là điều  Đức Giêsu đòi hỏi những ai muốn đi theo làm môn đệ Ngài, khi truyền dạy: “Thầy ban cho anh em một điều răn mới là  anh em hãy yêu thương nhau; anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này: là anh em có lòng yêu thương nhau” (Ga 13,34-35).

Thánh Giacôbê Tông Đồ quảng diễn và khẳng định trong thư của ngài đòi hỏi của yêu thương trong đức tin, nói cách khác, sự gắn bó chặt chẽ  không thể tách rời của đức tin và đức ái Kitô giáo: “Thưa anh em, ai bảo rằng mình có đức tin mà không hành động theo đức tin, thì nào có ích lợi gì? Đức tin có thể  cưu mang người ấy được chăng? Giả như có người anh em hay chị em không có áo che thân, và không đủ của ăn hằng ngày, mà có ai trong anh em lại nói với họ: “Hãy đi bình an, mặc cho ấm và ăn cho no, nhưng lai không cho họ những thứ thân xác họ đang cần, thì nào có ích lợi gì?” (Gc 2, 14-16), và hành động của đức tin chính là đức ái, việc làm của niềm tin chính  là yêu thương. “Thật thế, một thân xác không hơi thở là một xác chết, cũng vậy, đức tin không có hành động là đức tin chết” (Gc 2,26).

Vì đức tin là Tin và Yêu, nên không thể vắng bóng tự do, bởi không thể yêu mà không tự nguyện, không gọi được là tình yêu nếu trái tim bị áp bức, khống chế, bó buộc.

Nhưng tự do trong đức tin ở người Kitô sẽ chỉ có, nếu được Chúa Thánh Thần hướng dẫn, như thánh tông đồ dân ngoại đã khẳng định: “Nếu anh em để cho Thần Khí hướng dẫn, thì anh em không còn lệ thuộc Lề Luật nữa”. Điều này muốn nói lên rằng chúng ta sẽ hoàn toàn tự do vì được Thần Khí tháo cởi khỏi mọi ràng buộc, kể cả ràng buộc của Lề Luật, bởi “nếu chúng ta sống nhờ Thần Khí, thì cũng hãy nhờ Thần Khí mà tiến bước” (Gl 5,25), như những con cái tự do của Thiên Chúa mà không như hạng nô lệ.

Cũng trong thư gửi giáo đoàn Galát, thánh nhân viết tiếp: “Chính để chúng ta được tự do mà Đức Kitô đã giải thoát chúng ta … Quả thế, thưa anh em, anh em đã được gọi để hưởng tự do” (Gl 5,1.13).

Được gọi để tự do tin yêu Đức Giêsu là Thiên Chúa Cứu Độ; được gọi để tự do bỏ mọi sự và lên đường đi theo Ngài như bốn môn đệ đầu tiên được gọi bên biển hồ Galilê  (x. 4,18-22); được gọi để tự do đi theo Đức Giêsu, dù đã được Ngài cho biết: “Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu” (Lc 9,58); được gọi để tự do “cứ để kẻ chết chôn kẻ chết của họ” vì “ai đã tra tay cầm cày mà còn ngoái lại đàng sau, thì không xứng hợp với Nước Thiên Chúa” (Lc 9, 60.62); được gọi để tự do sống tinh thần Bát Phúc của Tin Mừng (x. Mt 5,3-12); được gọi để tự do “yêu cả kẻ thù và cầu nguyện cho kẻ ngược đãi mình” (x. Mt 5,44); được gọi để tự do không lo cho mạng sống, cũng chẳng lo cho thân thể nhưng tuyệt đối cậy dựa vào lòng thương xót của Thiên Chúa là Cha nhân hậu, quan phòng (x. Mt 6,25-34); được gọi để tự do nhận lòng thương xót và trao ban lòng xót thương; được gọi để tự do cùng Đức Giêsu lên Giêrusalem và chịu đóng đinh với Ngài để “được mang vào thân mình cho đủ mức những gian nan, thử thách Đức Kitô còn phải chịu, vì lợi ích cho thân thể Người là Hội Thánh”  (Cl 1,24).

Như thế, tự do mà chúng ta nhận được từ Thần Khí chính là tự do “biến đổi mỗi ngày từ thân nô lệ dục vọng của xác thịt là “dâm bôn, ô uế, phóng đãng, thờ quấy, phù phép; hận thù, bất hoà, ghen tuông, nóng giận, tranh chấp, chia rẽ, bè phái, ganh tỵ, say sưa, chè chén, và những điều khác giống như vậy” (Gl 5, 19-21) đến vinh dự là con cái tự do của Thiên Chúa với “hoa quả của Thần Khí là: bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hoà, tiết độ” (Gl 5, 22-23).

Tóm lại, tự do trong đức tin của người Kitô hữu chính là “chọn Chúa”, và từ bỏ tất cả những cám dỗ đủ loại, đặc biệt kiêu căng, ích kỷ để trung thành với Giao Ước, mà phương thế hiệu nghiệm hơn cả chính là yêu thương, phục vụ anh chị em mình như thánh Phaolô trong bài đọc thứ hai đã nhắn nhủ: “Hãy lấy đức mến mà phục vụ lẫn nhau. Vì tất cả Lề Luật được nên trọn trong điều răn duy nhất này là: Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình” (Gl 5, 13-14).

Được như thế, niềm vui của người Kitô hữu sẽ mãi là tâm tình thân thưa cùng Chúa mỗi ngày lúc sớm mai, khi chiều tà: “Lạy Chúa, Ngài là Chúa con thờ, ngoài Chúa ra, đâu là hạnh phúc? … Chúa là phần sản nghiệp con được hưởng, là chén phúc lộc dành cho con; số mạng con chính Ngài nắm giữ. Phần tuyệt hảo may mắn đã về con” (Tv 15,2.5.6).

Jorathe Nắng Tím  

 

 

 

Bài viết liên quan

Mùa Phục Sinh

TMĐP- Xin cho chúng con “biết đặt niềm tin và hy vọng vào Chúa” trên mọi nẻo đường, vì bất cứ ở đâu, và...

Cảm thức

TMĐP- Hình ảnh Mẹ Việt Nam, cũng là hình ảnh người phụ nữ một đời chỉ biết hết mình, hết tình Hy Sinh: hy...

Giáo hội

TMĐP- Chiến thuật “Đánh lận con đen”. Vừa ở trong, vừa ở ngoài, nghĩa là tuyên bố ở trong Hội Thánh, nhưng không tuân...

Giáo hội

TMĐP- Bài viết sẽ giúp quý Bạn cũng nhận ra sự khác biệt giữa danh hiệu “Mẹ Đức Giêsu Thiên Chúa làm người” theo...