Connect with us

Hi, what are you looking for?

Mùa Thường Niên

VÁC THẬP GIÁ MÌNH | Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật XXII Thường Niên, Năm A

TMĐP- Đòi hỏi từ bỏ mình, và vác thập giá mình ở người môn đệ chính là chìa khoá mở ra kho tàng hạnh phúc là chính Thiên Chúa, là con đường dẫn đến Thiên Chúa là nguồn hạnh phúc đích thực và đời đời.

Chỉ nghe một động từ “vác” thôi, người ta đã cảm thấy ngao ngán vì nặng nề, mà ở đây, Đức Giêsu không chỉ đòi người môn đệ của Ngài phải vác dăm ba ký lương khô làm của ăn đường trên hành trình đi theo Ngài, nhưng đòi “vác thập giá mình mà theo” (Mt 16,24).

Trước hết, khi đặt ra điều kiện “vác thập giá mình” với những ai muốn đi theo làm môn đệ, Đức Giêsu không chủ trương một lối sống hành hạ thân xác, hủy hoại thân thể, hay kêu gọi mọi người chủ động đi tìm đau khổ cho bản thân để làm vui lòng Thiên Chúa, làm như Thiên Chúa là người cha chỉ thích nhìn con cái mình phải đau khổ, chỉ vui khi thụ tạo do tay mình dựng nên phải rên xiết, thương đau. Nghĩ như vậy là làm tổn thương trái tim giàu lòng thương xót của người Cha Thiên Chúa, Đấng chỉ muốn con cái mình no đủ, bình an, bằng chứng là trong Kinh Lậy Cha, Ngài dạy chúng ta cầu nguyện với Chúa Cha: “Xin cứu chúng con khỏi mọi sự dữ”, và “xin cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày” (Mt 6,11.13), bởi Thiên Chúa là nguồn mọi sự thánh thiện, Đấng luôn thông ban hạnh phúc của Ngài  cho mọi loài Ngài đã dựng nên.

Tiếp theo là điều kiện “vác thập giá” phải đi đôi với đòi hỏi “từ bỏ chính mình” (Mt 16,24) để đạt mục đích tối hậu là thuận thảo theo ý Thiên Chúa, bởi khăng khăng giữ chặt ý riêng mình là ý có giới hạn, ý có thể sai lạc và có nguy cơ dẫn đến diệt vong, chúng ta không thể thực hiện thánh ý của Thiên Chúa, là muốn chúng ta được thông phần hạnh phúc của Ngài, được bơi lội và trầm mình trong nguồn hạnh phúc là chính Ngài, vì Ngài đã dựng nên con người để con người được hạnh phúc.

Thực vậy, chính hạnh phúc lôi cuốn, quyến rũ tâm hồn con người, nên hạnh phúc càng lớn, càng làm ta say mê; hạnh phúc càng viên mãn, tinh ròng, càng làm lòng ta ngây ngất; hạnh phúc càng chân thực, vĩnh cửu, càng cho tâm trí ta  vui thoả dạt dào. Đó là lý do khi trái tim con người được nếm sự ngọt ngào của trái tim Thiên Chúa, thì quả tim nhân loại ấy sẽ nhận ra niềm khát khao Thiên Chúa ngày đêm nung nấu tâm can, và niềm vui khôn tả khi được ở trong Ngài, như lời thánh vịnh: “Lạy Thiên Chúa là Chúa con thờ, ngay từ rạng đông con tìm kiếm Chúa.Linh hồn con đã khát khao Ngài, tấm thân này mòn mỏi đợi trông, như mảnh đất hoang khô cằn, không giọt nước”, và khi được “nương bóng  Ngài, con hớn hở reo vui”, và “lòng thỏa thuê như khách vừa dự tiệc, môi miệng con rộn rã khúc hoan ca” (Tv 62, 2.6.8).

Ngôn sứ Giêrêmia  đã bộc lộ sức mạnh tình yêu của Thiên Chúa khi thú nhận : “Lạy Đức Chúa, Ngài đã quyến rũ con, và con đã để cho Ngài quyến rũ. Ngài mạnh hơn con, và Ngài đã thắng” (Gr20,7). Ngôn sứ còn đi đến cùng của sức mạnh quyến rũ này, bằng  những trải nghiệm thiêng liêng: “Có lần con tự nhủ: “Tôi sẽ không nghĩ đến Người, cũng chẳng nhân danh Người mà nói nữa”. Nhưng lời Ngài cứ như ngọn lửa bừng cháy trong tim, âm ỉ trong xương cốt. Con nén chịu đến hao mòn, nhưng làm sao nén được!” (Gr 20,9).

Như thế, đòi hỏi từ bỏ mình, và vác thập giá mình ở người môn đệ chính là chìa khoá mở ra kho tàng hạnh phúc là chính Thiên Chúa, là con đường dẫn đến Thiên Chúa là nguồn hạnh phúc đích thực và đời đời đã được Đức Giêsu quả quyết: “Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm được mạng sống ấy” (Mt 16,25).

Mạng sống đây chính là hạnh phúc đời đời, mạng sống đây chính là được sống sự sống của Thiên Chúa, bởi với con người là thụ tạo phải chết, không có hạnh phúc nào lớn hơn hạnh phúc được sống đời đời trong Thiên Chúa. Bởi thế, Đức Giêsu muốn các môn đệ Ngài nhận ra kho tàng vô giá là sự sống đời đời khi từ bỏ mình, vác thập giá mình để đón nhận thánh ý yêu thương và quan phòng của Thiên Chúa bằng nhấn mạnh: “Vì nếu người ta được cả thế giới mà phải thiệt mất mạng sống, thì nào có lợi gì? Hoặc người ta sẽ lấy gì mà đổi mạng sống mình?” (Mt 16, 26).

Tóm lại, con đường người môn đệ đi theo Đức Giêsu là con đường hạnh phúc thật, như chính Ngài đã công bố trong bài giảng “Bát Phúc” trên núi năm xưa, con đường dẫn đến nguồn sống, như mục tử nhân lành dẫn đàn chiên đến đồng cỏ xanh, tới bờ suối nước mát mẻ, trong lành (x. Tv 22,2). Nhưng để có thể đi theo Đức Giêsu, người môn đệ phải để mình được tình yêu Đức Giêsu quyến rũ, đổi mới, tháp nhập vào chính Ngài bằng tự nguyện bỏ mình, vác thập giá mình đi tìm kiếm Thánh Ý và để Thánh Ý hướng dẫn từng bước chân đời môn đệ, vì chỉ có Đức Giêsu mới là “Đường, Sự Thật, Sự Sống” (Ga 14,6) và Phần Thưởng đời đời (x. Mt 5, 12) của những ai  dám liều bỏ mình, vác thập giá mình để thực hiện thánh ý Ngài là Mục Tử nhân  lành, Đấng đến để “chiên được sống và sống dồi dào” (Ga 10,10), Đấng đã chết để ban Bình An phục sinh của Ngài (x. Ga 20,19.26) cho hết những ai tín thác, trông cậy ở Ngài và nhận Ngài là Thiên Chúa Cứu Độ.

Jorathe Nắng Tím    

 

Bài viết liên quan

Mùa Phục Sinh

TMĐP- Xin cho chúng con “biết đặt niềm tin và hy vọng vào Chúa” trên mọi nẻo đường, vì bất cứ ở đâu, và...

Cảm thức

TMĐP- Hình ảnh Mẹ Việt Nam, cũng là hình ảnh người phụ nữ một đời chỉ biết hết mình, hết tình Hy Sinh: hy...

Giáo hội

TMĐP- Chiến thuật “Đánh lận con đen”. Vừa ở trong, vừa ở ngoài, nghĩa là tuyên bố ở trong Hội Thánh, nhưng không tuân...

Giáo hội

TMĐP- Bài viết sẽ giúp quý Bạn cũng nhận ra sự khác biệt giữa danh hiệu “Mẹ Đức Giêsu Thiên Chúa làm người” theo...