Connect with us

Hi, what are you looking for?

Giáo hội

MỘT VÀI SUY NGHĨ VỀ VỊ THẾ HIỆN TẠI CỦA “NHÀ CHÚA CHA”

TMĐP-  Chúng ta không có quyền lên án, luận tội bất cứ người nào. Tuy nhiên, chúng ta luôn có quyền tuyên xưng đức tin, có quyền bảo vệ giáo lý đức tin của Giáo Hội mà chúng ta thuộc về.

Video clip “Tiếng Nói Sư Thật” số 210 ngày 22.06.2021 của Nhà Chúa Cha Bảo Lộc, với cha Đaminh Truyền, chị Thiên Thương và cha Phaolô, người  thay cha Martinô Tuấn giữ vai trò giới thiệu, điều phối. Lần này thì Nhà Chúa Cha công bố mặc khải mới về các linh hồn.

Nội dung xoay quanh những việc sẽ xảy ra sau khi chúng ta chết. Theo chị Thiên Thương và cha Đaminh Truyền, những điều ấy sẽ rất khủng khiếp mà chúng ta không thể tưởng tượng được, như ma quỷ kéo về đông vô kể khi chúng ta hấp hối, Thiên Chúa ra án và án được lập tức thi hành, không trì hoãn, hình phạt hoả ngục và luyện ngục sẽ vô cùng đau đớn, vì không chỉ bị  lửa thiêu đốt, mà còn bị ma quỷ thi nhau tra tấn, hành hạ.

Ngoài nội dung là cảnh tượng phán xét công thẳng và hình phạt nặng nề dành cho người có tội, chị Thiên Thương  còn công bố mặc khải mới từ Chúa Cha, đó là: tất cả các linh hồn  từ luyện ngục sẽ phải về Nhà Chúa Cha trước khi được lên trời, vì về ở Nhà Chúa Cha, linh hồn mới được nghe kinh sám hối, được “cầu thay nguyện giúp”, được hiệp thông , đồng hành với Nhà Chúa Cha ở các giờ kinh, nhất là giờ kinh 12 giờ đêm là  giờ đất trời giao hoà, để sớm được thanh tẩy, đền tội, và sự kiện được về nhà Chúa Cha là đặc ân lớn cho các linh hồn bị giam câm trong luyện ngục.

Riêng cha Đaminh Truyền thì nhấn mạnh đến mặc khải: Nhà Chúa Cha được Thiên Chúa chọn làm thánh địa cho các linh hồn hiện về, thường thì các linh hồn hiện về trong thân xác người nào đó ở Nhà Chúa Cha để nói những chuyện riêng, hoặc những chuyện ở thế giới bên kia, và đặc biệt chỉ những linh hồn đã đền tội tạm xong mới được về Nhà Chúa Cha.

Tóm lại, mặc khải mới lần này  về các linh hồn từ Nhà Chúa Cha có đặc điểm là Chúa Cha đã chọn nơi này làm thánh địa cho các linh hồn sắp mãn án luyện ngục được tụ họp về đây để nghe kinh, để được “cầu thay nguyện giúp”, được đồng hành cùng mọi người Nhà Chúa Cha làm việc sám hối, đền tội cho đủ trước khi được lên thiên đàng từ thánh địa này.

Sau khi nghe video clip số 210 với tựa đề “Khi chết, linh hồn được đi về đâu?”, người viết không còn nghi ngờ về một ngày rất gần, Nhà Chúa Cha sẽ công bố cho  mọi người  một “hệ thống giáo lý đức tin mới” từ những mặc khải  của Chúa Cha được viết ra bởi chị Thiên Thương, và hệ thống giáo lý này sẽ  hoàn toàn khác biệt với “giáo lý đức tin của Hội Thánh Công Giáo”, và hệ quả là Nhà Chúa Cha  mặc nhiên chọn cho mình một vị thế độc lập với Giáo Quyền, và  không đi cùng đường với Giáo Hội Công Giáo, bởi cho dù Nhà Chúa Cha có giữ mãi những việc  ăn chay, hãm mình, dâng lễ hằng ngày,  xưng tội, rước Mình Thánh Chúa, thức khuya dậy sớm lần nhiều chuỗi Mân Côi và Lòng Thương Xót, là những việc đạo đức của Giáo Hội Công Giáo, thì Nhà Chúa Cha cũng không thể đứng vững trên những quả quyết, xác tín: Nhà Chúa Cha vẫn ở trong Giáo Hội Công Giáo, linh mục, tu sĩ nam nữ ở Nhà Chúa Cha vẫn là những linh mục, tu sĩ trung hành với  Giáo Hội Công Giáo, bởi những người thuộc Nhà Chúa Cha đã bỏ qua Mặc Khải Đức Tin  Tông Truyền là nền móng, then chốt, cốt tủy của  đức tin công giáo, là cái làm nên yếu tính người tín hữu công giáo, mà bất cứ việc làm nào, dù được coi là đạo đức, sốt sắng đến đâu cũng không có thể thay thế, bù đắp.

Vấn đề ở đây là càng ngày Nhà Chúa Cha càng bộc lộ rõ hơn chủ trương  độc lập  với Giáo Hội Công Giáo qua  những mặc khải mới và xa lạ với Mặc Khải  Đức Tin  Công Giáo. Nhưng gai góc của vấn đề vẫn là kiểu trình bầy và cách nói không luôn minh bach, rõ ràng của Nhà Chúa Cha  làm cho nhiều người Công Giáo hoang mang, khó phân định, vì không biết ai phải ai trái, ai đúng ai sai, ai quá cứng cỏi không lắng nghe, ai qúa ương ngạnh không vâng phục?

Sở dĩ người viết nhấn mạnh điểm này, vì tần số “mặc khải mới” của Nhà Chúa Cha ngày càng tăng nhiều và gấp rút đến chóng mặt: từ thai thánh, Mẹ Chúa Cha, Đức Mẹ nhập hồn, sự thật về quỷ vương đến  thiên thần hai bản tính, các tổng lãnh thiên thần mới, rồi  nguồn nước thánh thiêng, và nay đến”Nhà Chúa Cha” thánh địa, “điểm tập kết” của các linh hồn trước khi được về thiên đàng, để một lần nữa chia sẻ  với tất cả những người anh em ủng hộ Nhà Chúa Cha, hay công kích Nhà Chúa Cha một số điều quan trọng , nền tảng, những điều mà bất cứ người tín hữu công giáo nào cũng cần phải biết, để tránh ngộ nhận, nhất là để không bị dẫn dắt  vào những tranh luận, đấu đá vô ích.

1/ Thiên Chúa không áp đặt, hay ép buộc chúng ta tin vào Ngài, đi theo Ngài, vì Ngài tuyệt đối tôn trọng tự do của mỗi người.

Khi loan báo Tin Mừng Nước Trời, Đức Giêsu đã luôn tôn trọng tự do đón nhận hay phủ nhận của đám đông, mà không dùng bất cứ chiêu trò nào để mua chuộc, mồi chài, làm áp lực trên người nghe. Ngay cả những phép lạ Ngài làm cũng chỉ có mục đích để mọi người thấy Ngài là Thiên Chúa, Đấng có quyền trên mọi tạo vật, để tùy mỗi người phân định và tự do quyết định tin hay không tin vào Ngài. Đó là lý do Đức Giêsu đã không ngừng nói: “Ai có tai thì nghe”  (Mt 11,16 ; 13,9.43), và đây là kiểu nói của thời bấy giờ nói lên quyền tự do chọn lựa của mỗi người.

Cũng vậy, khi gọi các môn đệ, Đức Giêsu đã không tìm cách đẩy đưa, dụ dỗ, nhưng đơn sơ  cho biết điều kiện rất khó khăn để theo Ngài, là “từ bỏ mình, vác thập giá mình” (x. Mt 17,24 ; Lc 9,23). Ngài đã không mị dân kiểu tuyên truyền, vận động, nhưng thẳng thắn, trung thực  với người được gọi và tuyệt đối tôn trọng quyết định của người ấy, như với kinh sư tỏ ý muốn đi theo Ngài, Đức Giêsu đã cho ông biết cuộc sống bấp bênh của đời truyền giáo khi trả lời: “Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu” (Mt 8,20); với người thanh niên giầu có hỏi Ngài “làm thế nào để trở nên hoàn hảo, thánh thiện?”,  Ngài đã không ngại bảo anh: “Nếu anh muốn nên hoàn thiện, thì hãy đi bán tài sản của anh và đem cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi” (Mt 19,21); với người môn đệ xin về nhà chôn cất cha mới chết, Ngài không do dự khuyên anh: “Hãy đi theo tôi, cứ để kẻ chết chôn kẻ chết của họ” (Mt 8,22). Và đã có rất nhiều người  được mời gọi nhưng đã không đi theo Ngài, như người thanh niên giầu có “đã buồn rầu bỏ đi, vì anh ta có nhiều của cải” (Mt 19,22), cả đến những người đã đi theo làm môn đệ Ngài rồi cũng không  ngoại lệ, như Tin Mừng Gioan đã kể lại từ lúc Đức Giêsu mặc khải về “Thịt máu Ngài là lương thực ban sự sống đời đời”, thì “nhiều môn đệ  rút lui, không còn đi theo Người nữa.” (Ga 6, 66), vì cho rằng lời Người nói “chướng tai qúa, ai mà nghe nổi?” (Ga 6,60).

Thực vậy, Đức Giêsu biết rõ không phải tất cả những người nghe Ngài giảng  dậy đều tin vào Ngài, không phải tất cả những người được Ngài mời gọi đều đi theo Ngài, không phải tất cả các môn đệ đã đi theo Ngài đều trung tín với Ngài, như Tin Mừng Gioan đã khẳng định: “quả thật, ngay từ đầu, Đức Giêsu đã biết những kẻ nào không tin, và kẻ nào sẽ nộp Người” (Ga 6,65), và câu hỏi Ngài đặt ra với Nhóm Mười Hai: “Cả anh em nữa, anh em cũng muốn bỏ đi hay sao?”( Ga 6,67 cũng chính là câu hỏi Đức Giêsu đặt ra với từng người chúng ta hôm nay, vì Ngài luôn luôn và mãi mãi tuyệt đối tôn trọng tự do của mỗi người.

Thành lập Giáo Hội trên nền tảng các Tông Đồ, cụ thể là trên Tảng Đá Phêrô, tông đồ trưởng, Đức Giêsu  muốn Giáo Hội của Ngài tuyêt đối tôn trọng tự do “tin hay không tin” của mọi người. Bằng chứng là mỗi người đều tư do tuyên xưng đức tin, tự nguyện tuyên bố từ bỏ ma quỷ và những việc chúng làm, trước khi lãnh  nhận bí tích Rửa Tội để gia nhập Giáo Hội.

2/ Giáo Hội Công Giáo được đặt trên đức tin đã được tuyên xưng của Tông Đồ Phêrô:

Nhiều người lên án Giáo Hội Công Giáo  độc quyền, độc đoán, độc tài, kể cả “độc ác” đối với tín hữu. Đây là một sai lầm nghiêm trọng, vì Giáo Hội Công Giáo không độc quyền đức tin, nhưng gìn giữ đức tin đã được tuyên xưng bởi Tông Đồ trưởng Phêrô; không độc đoán trong đức tin, nhưng trung tín với kho tàng chân lý đức tin đã được lưu truyền từ các thánh Tông Đồ; không độc tài đối với tín hữu, nhưng nâng đỡ giáo hữu sống phù hợp với đức tin của các Tông Đồ; không độc ác, nhưng có trách nhiệm bảo vệ sự tinh tuyền, trọn vẹn của mặc khải đức tin từ các Tông Đồ, không ngừng bị nhiều thế lực tấn công, tìm cách phá họai, bóp méo, làm sai lệch.

Riêng sự việc Nhà Chúa Cha, Giáo Hội ít nhiều đã bị dư luận chỉ trích là qúa cứng rắn, giáo sĩ trị, không biết lắng nghe, hèn nhát không dám trực diện,  và luôn tránh né đối thoại. Thực ra, ngoài chọn lựa bất tuân phục, những mặc khải mới liên tục được công khai phát tán, loan truyền rộng rãi, cũng như công trình bành trướng  vũ bão “mạng lưới Nhà Chúa Cha toàn cầu” của anh chị em thuộc Nhà Chúa Cha trái ngược với yêu cầu của Giáo Quyền  đã đăt Giáo Hội vào một tình thế khó khăn, tế nhị, nhất là tính mập mờ “không trong không ngoài” của  Nhà Chúa Cha một cách nào đó được coi là thiếu công bằng và thiếu lương thiện đối với Giáo Hội.

Tóm lại, một đàng Giáo Hội Công Giáo tôn trọng tự do của mọi người trước lựa chọn đức tin, nghiã là không khích bác, lên án bất cứ chọn lựa đức tin nào của bất cứ ai; đàng khác Giáo Hội Công Giáo có nghĩa vụ và vinh dự gìn giữ kho tàng mặc khải đức tin đã được các Tông Đồ truyền lại. Hai công việc cùng lúc, tuy tách rời, nhưng không đối nghịch nhau. Và đó là lý do, Giáo Hội Công Giáo không coi thường các tôn giáo khác, không gây hiềm khích với bất cứ ai không cùng niềm tin với mình, nhưng trân trọng và tìm những điểm chung để cùng phục vụ con người là một trong những mục tiêu của các tôn giáo.

Trong tinh thần này, Giáo Hội Công Giáo kiên trì bằng mọi giá ở lại trong đức tin của Tông Đồ Phêrô, người đã thay mặt anh em tuyên tín: “Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”, và lời tuyên xưng đức tin ấy đã được Đức Giêsu đón nhận với tất cả niềm vui: “Này anh Simôn, con ông Giôna, anh thật là người có phúc, vì không phải phàm nhân mặc khải cho anh điều ấy, nhưng là Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời” (Mt 16,16-17), và ngay sau đó, Đức Giêsu đã tuyên bố thành lập Hội Thánh của Ngài trên Tảng Đá Phêrô: “Anh là Phêrô, nghiã là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi” (Mt 16,18).

Một khi đã ở lại trong đức tin được  xây dựng trên Tảng Đá Phêrô, người công giáo sống  theo những gì đức tin tông truyền dậy, mà không tự ý thay đổi “chân lý đức tin”, không “tự  biên tự diễn” mầu nhiệm mặc khải theo cao trào, thời thế.

Như thế, Giáo Hội Công Giáo tuy luôn truyền giáo như yếu tính đòi hỏi,  vẫn không thể tự cho phép mình “trói buộc, xiềng xích” bất cứ tín hữu nào, nếu họ tự ý, và  quyết tâm rời bỏ Giáo Hội, vì Giáo Hội Công Giáo không phải là nhà tù, trại giam, địa ngục, nhưng là chuồng chiên, mà là chuồng chiên rất đặc biệt, ở đó có một chủ chăn nhân hậu, hiền lành là Đức Giêsu. Ngài là “Cửa cho chiên ra vào” (Ga 10,7), để ra vào, chứ không chỉ vào mà không được ra, nên người thuộc về đoàn chiên của Đức Giêsu sẽ “ra vào và gặp được đồng cỏ”, vì người ấy có tự do, được chủ chăn tôn trọng và yêu thương, chứ không  sống trong chuồng chiên như trại giam, ngục tù.

Điều này cũng muốn nói lên tự do của những người công giáo đã tự nguyện rời bỏ Giáo Hội Công Giáo như anh em Tin Lành, Chính Thống, Anh Giáo, và còn dài dài những  nhóm ly khai khác trong tương lai. Họ là những người không còn muốn ở lại trong đức tin của Phêrô, không  muốn tiếp tục chân nhận Mặc Khải được truyền lại từ các Tông Đồ, và tất nhiên, một giáo thuyết khác, một măc khải mới, ở ngoài kho tàng Mặc Khải, xa lạ với  đức tin đã được tuyên xưng bởi Phêrô  của Giáo Hội Công Giáo đã được họ chọn để thay thế. Một lần nữa, tự do đức tin mà Đức Giêsu đã thể hiện lại rõ nét trong Giáo Hội Ngài, khi Giáo Hội không lên án, hay miệt thị những anh em tự ý rời bỏ ngôi nhà Giáo Hội.

3/ Phải hiểu thế nào chuyện phạt vạ của Giáo Hội Công Giáo?

Bất cứ tôn giáo nào cũng có giáo lý riêng, như bất cứ tổ chức, phong trào, đảng phái nào cũng có đường hướng, mục tiêu, luật lệ, quy tắc phù hơp, mà  những ai chấp nhận  là thành viên đều phải tuân theo, thực hiện. Và đương nhiên, khi giáo lý  không còn  được coi là “có giá trị”, đường hướng không còn lôi cuốn, mục tiêu không còn hấp dẫn, động cơ không còn đủ mạnh, quy tắc, kỷ luật không còn được tuân theo, thì người ấy không còn là thành viên, không còn điều kiện để phải chu toàn nghiã vu và hưởng quyền lơi của một thành viên.

Để cụ thể việc chấm dứt nghiã vụ và quyền lơi, có hai hình thức biểu hiện: một là đương sự tự nguyện ly khai, ra khỏi, hai là được yêu cầu chấm dứt mọi sinh hoạt dành riêng cho các thành viên.

Giáo Hội không ở ngoài nguyên tắc này, nên khi người tín hữu tự ý  phủ nhận Giáo Lý Đức Tin, từ chối tuân giữ những đòi hỏi nền tảng của người Công Giáo, thì Đấng Bản Quyền  có trách nhiệm nhắc nhở, khuyên bảo, cảnh cáo và sau cùng là thi hành kỷ luật, mà hình thức kỷ luật cuối cùng là “vạ tuyệt thông”. Ý nghiã “ra vạ” trong Giáo Hội hoàn toàn không có nghĩa một trừng phạt, lên án, hay kết tội, dù dưới bất cứ tội danh nào, như các đoàn thể, đảng phái, tổ chức trần thế, vì Giáo Hôi là môt Thân Thể, nhưng chỉ có nghĩa: từ nay người này không còn hiệp thông với Giáo Hội nữa, vì đã tự ý, tự nguyện, tức tự do chọn  “không ở lại trong đức tin tông truyền của Giáo Hội”. Ý nghĩa ấy chính Đức Giêsu đã cắt nghĩa cặn kẽ, chi tiết cho các môn đệ qua hình ảnh cành nho và cây nho: “Thầy là cây nho, anh em là cành” (Ga 15,3). “Hãy ở lại trong Thầy như Thầy ở lại trong anh em. Cũng như cành nho không thể  tự mình sinh hoa trái, nếu không gắn liền với cây nho, anh em cũng thế, nếu không ở lại trong Thầy” (Ga 15,4).

Vì thế, luận tội Giáo Hội  cố ý bạc đãi, khai trừ, tẩy chay, xô đẩy Nhà Chúa Cha vào đường cùng bế tắc, xuống hố sâu tự diệt, hoặc kín đáo dùng tay thế quyền để cấm cách, bách hai, truy sát là bất công đối với Giáo Hội, và thiếu công bằng, lương thiện.

Chúng ta cũng  đừng quên: Giáo Hội có sứ vụ gìn giữ toàn vẹn kho tàng Mặc Khải Đức Tin của Đức Giêsu, Đấng sáng lập Giáo Hội được lưu truyền từ các Tông Đồ;  ngoài ra, còn sứ vụ bảo vệ sự hiệp nhất của các chi thể thuộc Thân Thể mầu nhiệm Đức Giêsu, nên khi kho tàng chân lý Đức Tin và sự hiệp nhất bị đe dọa, Giáo Hội có trách nhiệm phải tìm cách bảo vệ, gìn giữ, nhưng trong mọi hoàn cảnh, mọi phương cách, Giáo Hội vẫn phải là biểu hiệu sống động của Đức Giêsu giầu lòng thương xót, là Bí Tich Đức Giêsu, Đấng Cứu Độ  vì bản chất của Giáo Hội đối với tín hữu chính là “Mẹ và Thầy”.

4/ Vị thế của Nhà Chúa Cha đối với Giáo Hội Công Giáo:

Có người cho rằng: Nhà Chúa Cha gồm những người tín hữu Công Giáo “ưu tú” được Chúa Cha tuyển chọn đặc biệt để cải tổ Giáo Hội Công Giáo đã qúa hư hỏng, rữa nát vì đủ thứ lạm dụng, sai phạm, phản trắc từ hàng giáo phẩm đến giáo sĩ, tu sĩ, giáo dân. Những người này không biết một điều rất quan trọng, đó là Đức Giêsu đã lập Giáo Hội vì thương con người tội lỗi, và để cứu con người tội lỗi, nên không thể tránh khỏi, cũng không được loại bỏ những con người tội lỗi trong Giáo Hội, vì sứ vụ của Giáo Hội là tiếp nối sứ vụ của Đấng đã lập Giáo Hội: “Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi” (Mt 9, 13),  đúng như thánh ý Chúa Cha: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, đế ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3, 16).

Đàng khác, từ hơn hai ngàn năm nay, đã có biết bao người tín hữu Công Giáo đã đóng góp xây dựng, cải tổ Giáo Hội, làm mới và làm đẹp hơn dung nhan của Giáo Hội, Hiền Thê  yêu dấu của Đức Giêsu. Họ là những người yêu mến Giáo Hội, và thao thức với một Giáo Hội  luôn được thanh luyện, thanh tẩy, thánh hoá để xứng đáng là Hiền Thê “xinh đẹp lộng lẫy, không tỳ ố, không vết nhăn hoặc bất cứ một khuyết điểm nào, nhưng thánh thiện và tinh tuyền” của Đức Kitô (Ep 5,27). Những con người này đã làm gì và làm thế nào để  xây dựng, cải tổ, làm mới Giáo Hội?

a. Họ đã yêu mến và vâng phục Giáo Hội:

Vì họ biết không hết lòng yêu mến Giáo Hội như yêu mến Đức Giêsu, họ không thể vâng phục những con người như họ, có khi yếu kém hơn họ ở nhiều mặt, nhưng được  Đức Giêsu chọn và ủy thác nhiệm vụ chăn dắt đoàn chiên của Ngài.  Cũng như các tông đồ, môn đệ vào thời đầu của Giáo Hội, nếu không yêu mến Giáo Hội như yêu Đức Giêsu, các vị đã không thể vâng lời  anh trưởng Phêrô, người được coi là nông nổi, bồng bột, xuất thân dân chài lưới, lại hèn nhát chối Thầy. Ấy thế mà tất cả đều đã vâng phục quyền Giáo Hoàng của Phêrô với lòng yêu mến và cộng tác chân thành, trong số đó có những người anh em uyên thâm chữ nghiã, có  địa vị cao trong xã hội như Mátthêu, Tôma, Phaolô, Luca …

Họ vâng phục vì yêu mến, và vì yêu mến, nên sẵn sàng “xóa mình” để gìn giữ bằng mọi giá sự hiệp nhất của Thân Thể mầu nhiệm Đức Kiitô là Giáo Hội, bởi họ biết rõ: đánh mất sự hiệp nhất, làm rạn nứt, đổ vỡ hiệp  nhất là sai lầm lớn  ,không gì có thể gỡ lại được, dù để đổi lấy bất cứ một giá tri lớn nhỏ nào, vì Đức Giêsu đã không ao ước điều gì khác hơn khi cầu nguyện cho những người thuộc về Ngài và “những ai nhờ lời họ mà tin” là “tất cả nên một như Cha ở trong con và con ở trong Cha để họ cũng ở trong chúng ta” (Ga 17, 20 -21).

Họ cũng không thể quan niệm được việc từ chối vâng phục Đấng Bản Quyền, thay mặt Đức Giêsu mà trước mặt các vị, họ đã khấn hoặc hứa vâng phục ngày chịu chức, hoặc tuyên khấn để “vâng phục trực tiếp thánh ý Thiên Chúa” được mặc khải ở đâu đó, hay do người nào đó không được Đức Giêsu trao phó sứ vụ cai quản, giáo huấn, thánh hoá trong Giáo Hội, bởi khi từ chối vâng phục người của Thiên Chúa chọn và trao phó sứ vụ chăn dắt đoàn chiên,  mà chính họ đã tự nguyện khấn, hứa vâng phục, thì sự vâng phục “thánh ý ở ngoài luồng mặc khải đức tin tông truyền của Giáo Hội” phải được kể là  việc làm không nền tảng và không ý nghĩa đức tin.

b. Họ cải tổ, xây dựng Giáo Hội  bằng ở trong và cùng với Giáo Hội :

Nhiều thập niên trước Công Đồng Vaticanô II đã có rất  nhiều nhà thần học đưa ra những vấn đề của Giáo Hội vào thời ấy, và kêu gọi Giáo Hội canh tân để đáp ứng  những nhu cầu của thời đại, nghĩa là có những phương cách loan báo Tin Mừng thích hợp hơn cho người đương thời. Vì thế, đã có những  đề nghị rất táo bạo của những nhà thần học. Các vị đã mạnh dạn nói lên thao thức, băn khoăn của mình trước một Giáo Hội cần phải được đổi mới.

Trước làn sóng dữ dội đòi canh tân Giáo Hội đó, có nhiều nhà thần học được Giáo Hội  yêu cầu  dừng lại, không viết lách, không lên tiếng  trong nhiều năm. Vì sự hiệp nhất, và ích lợi chung của Giáo Hội, các vị này đã vâng phục Đấng Bản Quyền và kết quả là  những suy tư thần học của những nhà thần học có lúc đã  phải “đứng hình”, im hơi lặng tiếng  đã được các nghị phụ đặt thành đề tài trọng yếu  để  bàn thảo trong các phiên họp, và các nhà thần học này đã được Công Đồng  mời đóng góp tích cực vào việc sọan thảo các văn kiện, sắc lệnh quan trọng của Công Đồng.

Tinh thần vâng phục, cũng như lòng yêu mến, và quyết tâm canh tân Giáo Hội  bằng “ở trong và cùng với Giáo Hội” của rất nhiều người trong Giáo Hội  đã đem lại rất nhiều hoa trái cho Giáo Hội, và đáng là tấm gương cho  người công giáo chúng ta noi theo.

Nếu so sánh hai nhân vật với hai cách thế  canh tân Giáo Hội trong lịch sử, chúng ta có thánh Inhaxiô và linh mục Luterô, người đã  ly khai khỏi Giáo Hội Công Giáo và sáng lập đạo Tin Lành. Cả hai vị đều là giáo sĩ thông thái, đạo đức, nhiều thao thức và muốn canh tân Giáo Hội, nhưng hoàn toàn khác nhau : thánh Inhaxiô canh tân bằng “ở trong và cùng với” Giáo Hội, trong khi ngài Luterô lại đổi mới Giáo Hội bằng “ở ngoài Giáo Hội và  một mình đơn độc” đã đưa đến kết quả hoàn toàn khác nhau: thánh Inhaxiô củng cố sự hiệp nhất và canh tân sâu sa Giáo Hội, ngài Luterô ly khai, tách khỏi Giáo Hội và lập nên Hội Thánh Tin Lành.

Tóm lại, chúng ta không có quyền lên án ai, không có quyền luận tội bất cứ người nào, càng không được phép chụp cho người này chiếc mũ “ma quỷ, người của quỷ”, người kia chiếc nón “cánh tay nối dài của quỷ, người của nhà ma quỷ, người ở động quỷ, tổ quỷ” đơn thuần vì Chúa không muốn chúng ta là  cán bộ  hỏi cung, chấp pháp, hay quan toà, lý hình của nhau, dù người ấy không còn hiệp thông trong cùng một đức tin. Tuy nhiên, chúng ta luôn có quyền  tuyên xưng đức tin của mình, có quyền bảo vệ giáo lý đức tin của Giáo Hội mà chúng ta thuộc về, có quyền nói cho mọi người biết đâu là kho tàng Mặc Khải mà chúng ta phải gìn giữ, và lương thiện đưa ra ánh sáng những điều  không thuộc Mặc Khải Đức Tin của Giáo Hội mà chúng ta là thành viên, nhất là có quyền trình bầy sự thật để các chi thể của Thân Thể mầu nhiệm Đức Kitô là Giáo Hội không vì lầm lạc, ngộ nhận mà sa vào cạm bẫy; không vì ngu ngơ, khờ khạo mà bị dẫn dắt vào tử lộ; không vì nhẹ dạ, cả tin mà lầm đường, lạc lối, bởi trách nhiệm cộng đoàn đòi chúng ta phải can đảm dấn thân, tình liên đới giữa các chi thể của Thân Thể  mời gọi chúng ta lên tiếng chia sẻ, và tình yêu Đức Kitô thúc bách chúng ta tuyên xưng, làm chứng về Ngài.

Người viết lại một lần nữa cám ơn quý Bạn đã kiên nhẫn đọc đến dòng cuối của bài chia sẻ, và minh định: cho dù Nhà Chúa Cha chọn cho mình bất cứ vị thế nào đối với Giáo Hội, người viết vẫn luôn tôn trọng tư do “đức tin” của quý cha, quý sơ và anh chị em thuộc Nhà Chúa Cha, và vẫn một lòng trân trọng trong niềm hy vọng của những người được mời đi đến cùng trên hành trình yêu thương với Đức Giêsu, Đấng Cứu Độ từ bi, nhân hậu không quên bất cứ người nào muốn tìm kiếm Ngài.

Jorathe Nắng Tím  

 

 

 

Bài viết liên quan

Cảm thức

TMĐP- Hình ảnh Mẹ Việt Nam, cũng là hình ảnh người phụ nữ một đời chỉ biết hết mình, hết tình Hy Sinh: hy...

Mùa Phục Sinh

TMĐP- Xin cho chúng con “biết đặt niềm tin và hy vọng vào Chúa” trên mọi nẻo đường, vì bất cứ ở đâu, và...

Giáo hội

TMĐP- Chiến thuật “Đánh lận con đen”. Vừa ở trong, vừa ở ngoài, nghĩa là tuyên bố ở trong Hội Thánh, nhưng không tuân...

Cảm thức

TMĐP- Mùa lễ tình nhân, chắc chắn những ai yêu nhau sẽ có quà cho nhau. Nhưng món quà quý giá nhất đó là...