Connect with us

Hi, what are you looking for?

Mùa Chay

VINH QUANG VÀ  KHỔ NHỤC |  Suy niệm Tin Mừng Chúa Nhật Lễ Lá

TMĐP- Tuần Thánh dẫn chúng ta đi vào mầu nhiệm tình yêu cứu chuộc của Thiên Chúa được thực hiện giữa loài người bởi Ngôi Lời là Đức Giêsu Kitô.

Phụng Vụ Lời Chúa của Chúa Nhật Lễ Lá dẫn chúng ta vào hai tình huống đối nghịch, hai thế giới trái ngược, hai biến cố lịch sử quan trọng cách nhau vài ngày, nhưng mức độ khác biệt thì không ai có thể tưởng tượng, tiên liệu, và Con Người đi giữa những đối nghịch, trái ngược, khác biệt ấy chính là Đức Giêsu Kitô, Thiên Chúa làm người.

Đối nghịch khi đám đông như rừng “fan” hâm mộ náo nức tuốn đến chào đón Đức Giêsu như Vua khi Ngài tiến vào thành Giêrusalem cùng các môn đệ, bằng “lấy áo choàng trải xuống mặt đường”, bẻ cành lá ôliu và hô vang “Chúc tụng Đức Vua, Đấng ngự đến vinh danh Chúa! Bình an trên cõi trời cao, vinh quang trên các tầng trời!” (Lc 19, 36. 38), nhưng chỉ vài ngày sau, vì áp lực của giáo quyền Do Thái, cũng chính đám đông này trước mặt quan tổng trấn Philatô, đại diện chính quyền bảo hộ Rôma đã điên cuồng “la to, nhất định đòi phải đóng đinh Ngài” (Lc 23,23). Thấy đám đông quá khích và sẵn sàng manh động do bị các chức sắc trong đạo dẫn dắt, Philatô đành nhượng bộ giao Đức Giêsu  cho họ đem đi đóng đinh vào thập giá, măc dù ông biết rõ Ngài vô tội, bị vu khống, cáo buộc oan uổng (x. Mt 27,20-26).

Trái ngược khi mọi người reo hò inh ỏi, vang dậy cả một vùng trời, khi thấy Đức Giêsu “đến gần chỗ dốc xuống núi Ôliu”. Họ bắt đầu cùng các môn đệ hớn hở vui mừng “lớn tiếng ca tụng Thiên Chúa vì các phép lạ họ đã được thấy” và tung hô Ngài là Vua Ítraen, nhưng không lâu sau, họ đối xử với Ngài như kẻ tội đồ, tên tội phạm nguy hiểm, khi lính tráng “lột áo Người ra, khoác cho Người một tấm áo choàng đỏ, rồi kết một vòng gai làm vương miện đặt lên đầu Người, và trao vào tay mặt Người một cây sậy. Chúng qùy gối trước mặt Người mà nhạo rằng: “Vạn tuế Đức Vua dân Do Thái!” Rồi chúng khạc nhổ vào Người và lấy cây sậy mà đập vào đầu Người” (Mt 27, 28-30).  “Các thượng tế, kinh sư và kỳ mục  cũng chế giễu Người mà nói: “Hắn cứu được thiên hạ, mà chẳng cứu nổi mình … Hắn cứ xuống khỏi thập giá ngay bây giờ đi, chúng ta tin hắn liền ! Hắn cậy vào Thiên Chúa, thì bây giờ Người cứu hắn đi, nếu qủa thực Người thương hắn!” (Mt 27,41-43).

Hoàn toàn khác biệt khi quần chúng những ngày trước đây bất chấp những chống đối và ngăn cấm của giáo quyền đã mạnh dạn  kéo đến và vang lời tung hô Đức Giêsu, làm cho “vài người thuộc nhóm Pharisêu đến nói với Đức Giêsu: “Thưa Thầy, Thầy trách môn đệ Thầy đi chứ!”, nhưng Người đáp lại: “Tôi bảo các ông: họ mà làm thinh, thì sỏi đá cũng sẽ kêu lên!” (Lc 19, 39-40). Họ là đám đông đã “tìm Người, đến tận nơi Người đã đến, và muốn giữ Người lại, kẻo Người bỏ họ mà đi” (Lc 4, 42), nhưng hôm nay, cũng đám đông này bỏ rơi Ngài, và “mắng chửi dể duôi.. lắc đầu bĩu mỏ buông lời mỉa mai” (Tv 21, 7).

Trong cuộc sống, mỗi người chúng ta ít nhiều cũng đã trải qua những cảnh “đối nghịch, trái ngược, khác biệt” của tình đời đen bạc, của lòng người đổi trắng thay đen. Nhưng dù sao chúng ta đều là con người nhiều giới hạn, đầy khuyết điểm, lắm lầm lỗi, nên có bị người phản bội, bị đời quay xe, trở mặt âu cũng là chuyện thường tình, dễ hiểu. Nhưng với Đức Giêsu, Đấng đã không làm gì nên tội, trái lại đã thương yêu, thi ân, chúc phúc cho mọi người, và chữa lành, cứu sống nhiều người lại mang thân phận tôi tớ, nô lệ và chịu bản án dành cho kẻ tội đồ thì qủa là chuyện không bình thường.

Sở dĩ không bình thường đối với con người, vì đó là con đường cứu chuộc của Thiên Chúa, con đường mà loài người không thể quan niệm, nghĩ ra khi Con Một của Ngài trở thành người tôi tớ như ngôn sứ Isaia đã tuyên sấm: “Đây là người tôi trung Ta nâng đỡ, là người Ta tuyển chọn và hết lòng qúy mến, Ta cho thần khí Ta ngự trên người: người sẽ làm sáng tỏ công lý trước muôn dân. Người sẽ không kêu to nói lớn, không để ai nghe tiếng giữa phố phường. Cây lau bị giập, người không đành bẻ gẫy, tim đèn leo lét, cũng chẳng nỡ tắt đi” (Lc 42,1-3). Và người tôi trung ấy, vì vâng phục Thiên Chúa Giavê “đã đưa lưng cho người ta đánh đòn, giơ má cho người ta giật râu.., không che mặt khi bị mắng nhiếc phỉ nhổ .. ” (Is 50,6).

Không bình thường đối với con người, vì chính Đức Giêsu, người tôi trung  đã vâng lời Thiên Chúa Giavê thực hiện kế hoạch cứu chuộc là mầu nhiệm vượt xa hiểu biết của con người khi Người “hoàn toàn trút bỏ vinh quang  mặc lấy thân nô lệ trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự” (Pl 2,7-8).

Không bình thường, vì con người khó có thể  đón nhận sự thật “Thiên Chúa làm người” chết cho con người vì yêu thương con người  và để cứu chuộc con người, như các môn đệ đã không muốn nghe Đức Giêsu loan báo: “Người phải đi Giêrusalem, phải chịu nhiều đau khổ do các kỳ mục, các thượng tế và kinh sư gây ra, rồi bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ sống lại” (Mt 16,21), bằng chứng là tông đồ trưởng Phêrô đã lập tức “kéo riêng Người ra và bắt đầu trách Người: “Xin Thiên Chúa thương đừng để Thầy gặp phải chuyện ấy!”. Nhưng Đức  Giêsu quay lại bảo ông Phêrô: “Xatan, lui lại đằng sau Thầy.  Anh cản lối Thầy, vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người” (Mt 16,22-23).

Vâng, Tuần Thánh dẫn chúng ta đi vào mầu nhiệm tình yêu cứu chuộc của Thiên Chúa được thực hiện giữa loài người bởi Ngôi Lời là Đức Giêsu Kitô, mầu nhiệm mà chỉ Thần Khí Thiên Chúa mới cho chúng ta hiểu và đón nhận được, như Thần Khí đã làm cho chúng ta nên nghĩa tử, nhờ đó chúng ta được kêu lên: “Ápba! Cha ơi!” với Thiên Chúa khi cầu nguyện.

Jorathe Nắng Tím

 

Bài viết liên quan

Mùa Phục Sinh

TMĐP- Xin cho chúng con “biết đặt niềm tin và hy vọng vào Chúa” trên mọi nẻo đường, vì bất cứ ở đâu, và...

Cảm thức

TMĐP- Hình ảnh Mẹ Việt Nam, cũng là hình ảnh người phụ nữ một đời chỉ biết hết mình, hết tình Hy Sinh: hy...

Giáo hội

TMĐP- Chiến thuật “Đánh lận con đen”. Vừa ở trong, vừa ở ngoài, nghĩa là tuyên bố ở trong Hội Thánh, nhưng không tuân...

Giáo hội

TMĐP- Bài viết sẽ giúp quý Bạn cũng nhận ra sự khác biệt giữa danh hiệu “Mẹ Đức Giêsu Thiên Chúa làm người” theo...