Connect with us

Hi, what are you looking for?

Suy Tư Thần Học

 XÁC TÍN CỦA ANH CHỊ EM “NHÀ CHÚA CHA” VÀ CON ĐƯỜNG TRƯỚC MẶT | Chuỗi Suy Tư Thần Học 02 -Bài 12

TMĐP- Những xác tín không có gì mới lạ, vẫn là những mặc khải mới không phù hợp Giáo Lý Đức Tin, bị Giáo Quyền yêu cầu rút lại từ lâu. Những xác tín về đời sống thánh hiến không còn giá trị khách quan

Ngày 22 và 25. 04. 2021 trên hai clip Tiếng Nói Sự Thật  số 192, phần 2, và số 193 , cha Đaminh Truyền, chị Thiên Thương, cha Tuấn và  hơn ba chục thành viên “Nhà Chúa Cha” từng người một đã long trọng xác tín về niềm tin của mình và buổi ra mắt công khai với đông đảo thành viên trong đồng phục áo trắng dưới mắt người viết, chính là một lời hiệu triệu, một công bố chính thức cương  lĩnh làm việc của nhóm.

Sở dĩ, người viết dám nghĩ như vậy, vì tính đồng tâm nhất trí và tính cương quyết, dứt khoát của các thành viên gồm đủ thành phần: linh mục, tu sĩ nam nữ, giáo dân, khi công khai và long trọng xác tín như một lời thề, một lời tuyên khấn, mà những người được mời gọi chứng kiến là Đức Cha Đaminh, Giám Mục Đà Lạt, các Đức Cha, các Linh Mục, Tu sĩ nam nữ, toàn thể dân Chúa, cùng quý khán thính giả xa gần, trong và ngoài nước.

Quan sát thái độ của từng người, chúng ta có thể nhận ra mức độ quan trọng của những xác tín và quyết tâm  sống chết của tất cả thành viên với những  xác tín ấy.

Trong bài chia sẻ này, người viết xin được ghi lại những xác tín của  quý cha, quý thầy, quý sơ, quý anh chị em Nhà Chúa Cha, và  mạn phép đóng góp một vài suy tư trước những xác tín này.

1. Các thành viên Nhà Chúa Cha đã công khai xác tín: 

a. Xác tín  hoàn toàn tự nguyện đến làm việc ở Nhà Chúa Cha, mà không bị ai quyến rũ, cưỡng bách, hoặc mua chuộc là sự thật

b. Xác tín Chúa Cha hiện diện nơi đây, tại nhà của chị Thiên Thương – anh Quảng là sự thật.

c. Xác tín được Chúa Cha chọn làm việc dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Chúa Cha, qua lời Chúa Cha được viết ra từ tay chị Thiên Thương là sự thật.

d. Xác tín không sai lạc giáo lý đức tin của Giáo Hội là sự thật.

e. Xác tín được Chúa Cha uốn nắn, sửa dạy, và bất cứ làm việc gì cũng được Chúa Cha chỉ bảo là sự thật.

f. Xác tín Chúa Cha ban mọi ơn lành hồn xác, và  ơn cứu độ ở đây là sự thật.

g. Xác tín được Chúa Cha chọn để làm công việc của các thánh Tông Đồ xưa kia đã làm là trừ qủy, và dù thế nào cũng vẫn tiếp tục noi gương các thánh Tông Đồ là sự thật.

h. Xác tín được Chúa Cha chọn làm việc cho Chúa Cha ở đây để cứu các linh hồn, chứ không làm việc cho ma qủy là sự thật.

i. Xác tín phải vâng phục Chúa Cha, mà không vâng phục bất cứ một quyền bính nào, vì Chúa Cha trực tiếp chỉ thị, và không thể không vâng phục Chúa Cha là sự thật.

j. Các tu sĩ xác tín vẫn tiếp tục sống đời thánh hiến với ba lời khấn phúc âm Vâng Phục, Khó Nghèo, Khiết Tịnh, dù bị trục xuất khỏi  Hội Dòng, vì Chúa Cha muốn thế là sự thật.

k. Xác tín hạnh phúc và bình an khi làm việc cho Chúa Cha ở Nhà Chúa Cha, dù bị mọi người sỉ vả, khinh miệt, lên án là lạc đạo, rối đạo, vì được Chúa Cha bảo vệ, và kiên quyết không bao giờ bỏ ơn gọi này  là sự thật.

m. Xác tín bầu khí yêu thương, cầu nguyện, tự hạ, ăn chay, tha thứ, phục vụ và cầu nguyện cho bệnh nhân, tội nhân ở Nhà Chúa Cha là sự thật.

n. Xác tín ở đây được Chúa Cha cho biết nhiều điều, mà người khác chưa được biết; và  được Chúa Cha thanh luyện bằng cách cho qủy vào trong người là sự thật.

Và xác tín mới nhất  trong clip số 193 là “Nguồn  Nước Thánh Thiên ” đã được Chúa Cha cho xuất hiện  tại Nhà Chúa Cha, theo như lời chị Thiên Thương được ghi lại nguyên văn: “Đây là điều Thiên Chúa muốn con nói cho mọi người: Thiên Thương là người đã cầu xin Chúa Cha cho mạch nước từ Thiên Chúa được vào trong giếng, và qua tay cha Đaminh làm phép nước, thì nước mới được thánh hóa thành nguồn nước tinh khiết từ Thiên Chúa “.

Trong các điều xác tín trên, bốn xác tín đầu bảng (a, b, c, d) là những xác tín được nhắc đi nhắc lại nhiều lần hơn cả.

2. Công bố các xác tín để thay đổi quan điểm, quyết định của Giáo Quyền:

Nếu người viết hiểu không lầm, thì mục đích của buổi công bố các xác tín là mong Đức Giám Mục giáo phận nhìn nhận công việc của Chúa Cha tại Nhà Chúa Cha, với những con người được Chúa Cha chọn làm việc cho Ngài.

Dường như tận thâm tâm mỗi thành viên của Nhà Chúa Cha, việc “không đến mà xem”, cũng như những biện pháp “phạt vạ, cấm chế” chiếu theo giáo luật của Đấng Bản Quyền là những việc làm xuất phát từ trái tim chai đá, não trạng thuần lý trí và tinh thần giáo sĩ trị. Nó làm các Đấng không thấy gì, dù có mắt; không nghe gì, dù có tai; nhất là  không  đến mà xem, dù có chân và có quyền…

Khát khao mời được các Đấng Bậc đến tận nơi, để nhìn tận mắt, sờ tận tay những con người  cụ thể được ơn lạ; gặp gỡ, chuyện trò với những con người  còn ngơ ngác, sững sờ, vì qúa vui mừng sau khi con qủy từ lâu ở trong người vừa bị trục xuất  ra khỏi, đã có lúc không còn thuần túy là “khát khao hiền lành”, nhưng biến thành lời kêu gọi  chua chát, thất vọng: “Mong hàng giáo sĩ, tu sĩ sống sao cho xứng với thánh chức”, và xót xa than thở: “Có phải chính chúng con đang cùng Đức Giêsu bị chính Giáo Hội lên án, đóng đinh không?” (nguyên văn lời xác tín của một nữ tu trên clip).

Một cách khác quan, chúng ta phải nhận rằng : không dễ đạt  mục đích trên, dù anh chị em  Nhà Chúa Cha đã huy động toàn thể thành viên để thực hiện cuộc xác tín tập thể và  công khai qua phương tiện truyền thông đại chúng, vì những lý do sau:

a. Những xác tín không  có gì mới lạ, nhưng vẫn là những mặc khải mới không phù hợp Giáo Lý Đức Tin, bị Giáo Quyền yêu cầu rút lại từ lâu:

Những mặc khải về sự hiện diện của Chúa Cha và can thiệp trực tiếp của Chúa Cha ở Nhà Chúa Cha trên từng công việc của từng người thuộc nhóm; việc chị Thiên Thương  được ơn viết lời Chúa Cha; việc từ chối vâng phục Đấng Bản Quyền giáo phận, mà chỉ vâng phục những chỉ thị trực tiếp  của Chúa Cha được truyền dậy qua lời của chính Chúa Cha được  viết  thành chữ từ tay chị Thiên Thương là những vấn đề nền tảng đã làm cho Nhà Chúa Cha  bị Giáo Quyền  coi như không còn đi cùng Hội Thánh, không còn “đồng tâm nhất trí” với Hội Thánh, không còn hiệp nhất với Hội Thánh, không còn chấp nhận Giáo Lý Đức Tin của Hội Thánh, nên bất cứ Giám Mục nào trên thế giới, kể cả Giám Mục Rôma là Đức Thánh Cha cũng không thể đồng tình ủng hộ, đồng ý phê chuẩn, đồng lòng xác tín, vì một lý do đơn giản: những mặc khải mới không phù hợp với giáo lý đức tin, nếu không muốn nói là nghịch lại các tín điều được tuyên xưng trong Kinh Tin Kính của Dân Chúa, mà cụ thể, chỉ một việc Chúa Cha trực tiếp mặc khải cho một người, mà không qua Hội Thánh là nơi Đức Giêsu đã chọn để ký thác kho tàng chân lý đức tin cũng đã đủ bị coi là  làm lệch lạc toàn bộ mặc khải của Đức Giêsu, và là “lý do đủ” để những mặc khải mới từ Nhà Chúa Cha không được Giáo Hội công giáo chấp nhận.

Bởi khi xác tín Chúa Cha trực tiếp mặc khải cho nhân loại  qua  một con người Ngài muốn, chúng ta sẽ mặc nhiên phủ nhận chân lý được chính Đức Giêsu mặc khải và Tin Mừng Gioan ghi lại như sau: Ông Philipphê nói với Đức Giêsu: “Thưa Thầy, xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha, như thế là chúng con mãn nguyện rồi”. Đức Giêsu trả lời: “Thầy ở với anh em bấy lâu, thế mà anh Philípphê, anh chưa biết Thầy ư? Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha. Sao anh lại nói: ‘Xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha?’ Anh không tin rằng Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy sao? Các lời Thầy nói với anh em, Thầy không tự mình nói ra. Nhưng Chúa Cha, Đấng luôn ở  trong Thầy, chính Người làm những việc của mình. Anh em hãy tin Thầy: Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy; bằng không thì hãy tin vì công việc Thầy làm”  (Ga 14,8-11).

Vấn đề gai góc, khúc mắc ở đây vẫn là một bên bảo vệ kho tàng đức tin được mặc khải bởi Đức Giêsu, một bên đưa ra những mặc khải hoàn toàn mới  được xác tín là đã trực tiếp nhận từ chính Chúa Cha, đẻ cứu chuộc con người trong thời đại mới.

Do đó, xác tín của Nhà Chúa Cha: vẫn cùng đi với Hội Thánh trên một con đuờng, vẫn ở trong Hội Thánh và hiệp thông  gắn bó với Đấng Bản Quyền của Hội Thánh không còn đúng, khi  tự ý đi tìm mặc khải mới từ Chúa Cha, trong khi Giáo Hội Công Giáo  tuyên tín đã nhận đầy đủ mặc khải  từ Chúa Con.

b. Những xác tín về đời sống thánh hiến không còn giá trị khách quan:

Đời sống tu trì của tu sĩ nam nữ luôn gắn bó với gia đình Hội Dòng, với linh đạo đặc thù, riêng biệt của Hội Dòng, và lời khấn phúc âm luôn được thực hiện trước Bề Trên Dòng, được  Đấng Bản Quyền địa phương chứng giám, phê chuẩn.

Vì thế, khi một tu sĩ rời bỏ cộng đoàn Hội Dòng và không thuộc về Hội Dòng nữa, thì lời khấn của tu sĩ ấy sẽ được tháo gỡ bởi các Bề Trên có thẩm quyền, và tất  nhiên có sự đồng ý, phê chuẩn của Giáo Quyền.

Như thế, xác tín mình vẫn tiếp tục là tu sĩ, vẫn tiếp tục sống đời thánh hiến với ba lời khấn của Tin Mừng, vì “Chúa Cha bảo vậy”, vì có Chúa Cha bảo đảm, vì Nhà Chúa Cha giá trị gấp ngàn triệu lần nhà dòng  đã ở trước đó thiết tưởng là  xác tín chỉ có giá tri chủ quan, mà không mang một giá trị khách quan nào.

Vấn đề gây ra nhiều lấn cấn  trên những  bước đi tới của anh chị em Nhà Chúa Cha phát sinh từ những xác tín mâu thuẫn nhau, khi một đàng xác tín “làm việc theo chỉ thị trực tiếp của Chúa Cha, qua những lời Chúa Cha nói với chị Thiên Thương là người Chúa Cha chọn”, và xác tín “không cần vâng phục Đức Cha giáo phận, mà chỉ vâng phục Chúa Cha”, đàng khác lại không ngần ngại xác tín vẫn ở trong cung lòng Giáo Hội, vẫn trung thành với Giáo Hội Công Giáo, vẫn là con cái  của  giáo phận, vẫn tiếp tục sống đời thánh hiến như đã sống rất nhiều năm trong các Hội Dòng thuộc quyền Giáo Hội… Những mâu thuẫn này sẽ không thể hoá giải, và ngày càng làm cho những bước chân của người anh em ở Nhà Chúa Cha trở nên nặng nề, chao đảo, hụt hẫng…  trước lập trường cứng rắn, hầu như không khoan nhượng của giáo quyền trong phạm vi giáo lý đức tin, và kỷ luật của  Giáo Hội.

3. Những con đường trước mặt …

a.Con đường có thập giá nhưng không có Đức Giêsu vác thập giá và chịu đóng đinh:

Khi Đức Giêsu mời gọi những ai muốn làm môn đệ Ngài phải vác thập giá mình, Ngài đã không chỉ nhắn nhủ họ: vác thập giá mà thôi, vì thập giá được hiểu là những trái ý, nghịch lòng, đau đớn trên thân xác, đau khổ trong tâm hồn do yếu đuối  của chính mình, do ganh ghét, hận thù, bạo lực từ người chung quanh, do thiên tai, nhân tai …. thì ai cũng có, ai cũng phải chịu, ai  cũng phải vác, ai cũng phải quằn vai, gồng mình mang nặng  bao lâu còn là người, bao lâu còn sống ở đời, nhưng Ngài mời “vác thập giá và đi theo Ngài” (x. Lc 9, 23).

Vì thế, vác thập giá mình thì ai cũng vác, nhưng vác thập giá mình và đi theo Đức Giêsu; vác thập giá có Đức Giêsu cùng vác và đóng đinh; đúng hơn là vác thập giá có bờ vai của Đức Giêsu, vác thập giá trên đó có Đức Giêsu chịu đóng đinh  mới là người Kitô hữu đích thực, và là người môn đệ trung tín của Đức Giêsu.

Do đó, chúng ta phải thận trọng, vì có những lúc vất vả vác thập giá, nhưng  không vất vả vì Đức Giêsu, và với Đức Giêsu; có nhiều khi khốn khổ vì thập giá nặng nề, nhưng là thập giá trơ trụi, không có Thiên Chúa; có nhiều lần phải khóc thét lên vì thập giá trì kéo, và dã man, nhưng là thập giá không đổ máu  Đức Giêsu, không ơn thương xót, tha tội của Đấng Cứu Độ. Đó là những thập gía chúng ta tự mình tạo cho mình, và đem đến cho nhau vì kiêu căng, hận thù, ganh ghét, ích kỷ, tham vọng, và phải tự vác, tự kéo lê, rồi tự trách móc, kêu ca, than thở, đổ tội cho Thiên Chúa, như người gian phi cùng chịu đóng đinh bên trái Đức Giêsu đã nhục mạ Ngài: ” Ông không phải là Đấng Kitô sao ? Hãy tự cứu mình đi và cứu cả chúng tôi với!” (Lc 23,39). Lời trách móc cay đắng đầy  ngạo mạn , thách thức và nhục mạ của anh, chính là tình trạng bất mãn, bất lực của chúng ta, khi vác thập giá mình mà thiếu bờ vai của Đấng Cứu Độ, và đôi tay giang ra chịu đóng đinh trên thập giá của Thiên Chúa làm người.

b.Con đường vác Thánh Giá với Đức Giêsu và đóng đinh mình vào Thánh Giá của Ngài:

“Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo” (Lc 9,23).

Nói với mọi người điều kiện phải có để đi theo Ngài, Đức Giêsu đã không mị dân, nhưng thẳng thắn đưa ra những điều kiện rất khó nghe, khó thực hiện. Ngài lại còn cẩn thận cắt nghiã, để không ai ảo tưởng về con đường sẽ phải đi, nếu muốn theo làm môn đệ Ngài: “Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi, thì sẽ cứu được mạng sống ấy. VÌ người nào được cả thế giới mà phải đánh mất chính mình hay là thiệt thân, thì nào có lợi gì?” (Lc 9,24-25).

Nhưng thế nào là liều mất mạng sống mình? Thế nào là từ bỏ chính mình?

Thưa là liều  mất đi ý muốn của mình, liều bỏ đi ý riêng của mình, liều quên đi tham vọng của mình, liều làm theo ý muốn của Thiên Chúa, liều vâng lời Thiên Chúa, liều vâng phục Thiên Chúa, vì ý muốn của mình chính là mình, như ông chủ biểu hiện chính mình bằng tỏ ra ý muốn của mình cho gia nhân; như bạo chúa, nhà độc tài chứng tỏ “cái mình vĩ đại, cái tôi tuyệt đối” qua ý muốn của mình và bắt mọi người phải thi hành ý muốn ấy.

Vì thế, đánh mất ý muốn là đánh mất chính mình ; liều mất mạng là liều từ bỏ ý muốn, như Đức Giêsu đã “trút bỏ vinh quang”, đã từ bỏ “địa vị ngang hàng với Thiên Chúa” khi “hạ mình vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự” (Pl 2,8), cũng như trước khi bước vào con đường Thánh Giá là con đường từ bỏ chính mình, từ bỏ thân mình, từ bỏ mạng sống mình, Đức Giêsu đã công khai biểu hiện trước ba môn đệ cùng đi theo Ngài vào vườn Cây Dầu sự vâng phục tuyệt đối Chúa Cha, vâng lời tuyệt đối ý muốn của Chúa Cha, khi lớn tiếng cầu nguyện: “Lạy Cha, nếu Cha muốn, xin cất chén này xa con. Tuy vậy, xin đừng cho ý con thể hiện, mà là ý Cha” (Lc 22,42).

Như thế, không vâng phục Thiên Chúa, chúng ta không thể xác tín đã bỏ mình, đã quên mình, đã liều mất mạng vì Thiên Chúa.

Ở đây, chúng ta gặp một khó khăn, đó là ai cũng tự nhận  mình vâng phục Thiên Chúa, người nào cũng xác tín mình đang vâng lời Thiên Chúa, phe nhóm nào cũng tuyên bố mình không vâng phục ai ngoài vâng phục một mình Thiên Chúa, mà phe nhóm thì không chỉ có một, bởi nếu  chỉ có một thì còn gì là phe nhóm, nếu chỉ có một Giáo Hội thì việc gì phải bàn đến chuyện của nhóm ly giáo này, giáo phái kia, tổ chức lạc đạo nọ…  Nhưng chính vì có những xác tín khác nhau ở nhiều bên, có những tín điều không hoàn toàn giống nhau ở nhiều phía, có nhiều chủ trương, đường lối sống đức tin khác biệt giữa những người mang cùng một danh hiệu “Kitô hữu”, trong khi đòi hỏi vâng phục Thiên Chúa là đòi hỏi chung mà ai cũng dành cho mình, nên câu hỏi “vâng phục Thiên Chúa nào?” trở thành vấn đề quan trọng, phải được nghiêm túc đề cập.

Về phía Giáo Hội: Đức Giêsu Kitô là Thiên Chúa làm người: “Người là Thiên Chúa bởi Thiên Chúa, ánh sáng bởi ánh sáng, Thiên Chúa thật bởi Thiên Chúa thật, được sinh ra mà không phải được tạo thành, đồng bản thể với Đức Chúa Cha, nhờ Người mà muôn vật được tạo thành” (Kinh Tin Kính).

Chính Đức Giêsu đã mặc khải về Thiên Chúa cho chúng ta, và cứu chuộc chúng ta; chính Ngài là Đấng đã lập Giáo Hội để tiếp tục công trình cứu độ của Ngài trên trần gian cho đến tận thế. Và cũng chính Ngài là Đầu của Thân Thể mầu nhiệm là Giáo hội của Ngài, do chính Ngài thiết lập trên nền tảng các Tông Đồ là những môn đệ trực tiếp của Ngài, nên Thiên Chúa của người Kitô hữu, Thiên Chúa của Kitô giáo, Thiên Chúa của người môn đệ Đức Giêsu, chính là Thiên Chúa trong Đức Giêsu Kitô, mà không là một Thiên Chúa mông lung, chỉ có danh hiệu, như chính Đức Giêsu đã  qủa quyết và truyền dạy: “Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha” (Ga 14,9) ; “Ai tin vào tôi, thì không phải là tin vào tôi, nhưng là tin vào Đấng đã sai tôi” (Ga 12,44) ; “Ai từ chối tôi và không đón nhận lời tôi ” thì có quan toà xét xử người ấy.” (Ga 12,48). Quan toà Ngài muốn nói đây, chính là Chúa Cha, bởi Chúa Cha là Đấng truyền lệnh cho Ngài phải nói gì, tuyên bố gì (x. Ga 12,49).

Vì thế, sẽ không có chuyện đi tìm vâng lời Chúa Cha, mà không vâng lời Đức Giêsu; sẽ không có chọn lựa vâng phục trực tiếp giáo huấn của Chúa Cha, mà từ chối những điều Chúa Con chỉ dạy; cũng không có khả thể làm việc dưới sự chỉ thị trực tiếp của Chúa Cha, qua các lời Chúa Cha nói, được một người ghi chép lại  cho từng việc của từng người, mà khước từ làm việc theo mệnh lệnh của Đức Giêsu đã được chính Ngài ký thác cho Giáo Hội của Ngài, bởi ngay khi nói với mọi người điều kiện đi theo làm môn đệ, Đức Giêsu đã nhấn mạnh: “Ai xấu hổ vì tôi và những lời của tôi, thì Con Người cũng sẽ xấu hổ vì kẻ ấy, khi Người ngự đến trong vinh quang của mình, của Chúa Cha và các thánh thiên thần” (Lc 9, 26). Với lời này, Đức Giêsu đã xác định: chính Ngài là Thiên Chúa mà người Kitô hữu phải vâng phục, một xác quyết không thể thay đổi, cũng không thể hiếu cách khác.

Về phía Nhà Chúa Cha thì khác: Vì Chúa Cha có chương trình cứu chuộc con người của thời đại mới, thời đại mà  ma qủy được phép rời hỏa ngục để lên trần gian quấy phá loài người, hầu bắt các linh hồn, nên Ngài ban nhiều mặc khải mới, phương tiện mới, đường hướng mới, kể cả tinh thần đạo đức mới hầu cứu các tội nhân, và bệnh nhân bị ma qủy khống chế.

Để thực hiện chương trình mới này, Chúa Cha đã chọn những người Ngài muốn, vì Ngài toàn năng, toàn quyền, không ai cấm cản, ngăn chặn được Ngài. Vì thế, khi được chọn và  được trao sứ vụ làm chứng, anh chị em của Nhà Chúa Cha phải vâng phục Thiên Chúa là Chúa Cha, chứ không  được vâng phục Đấng Bản Quyền, nếu vị này chống lại hay tìm cách ngăn chặn công trình của Chúa Cha đang thực hiện trên anh chị em. Do khác biệt về “vâng phục Thiên Chúa” của hai bên, mà con đường Hiệp Nhất trước mặt ngày càng trở nên mờ mịt.

Đứng trước  những xác tín đanh thép, chắc nịch của anh chị em Nhà Chúa Cha, cũng như đường lối sống  đức tin không thay đổi của Giáo Quyền Đà Lạt, người viết chỉ dám chia sẻ, với tâm tình của một người con, người anh em của mọi  người  luôn đặt niềm tin vào Đức Giêsu, Thiên Chúa làm người, đó là: ngoài con đường Vâng Phục, là con đường thập giá có Đức Giêsu, Đấng đã tự hạ vâng phụcThánh Ý Chúa Cha cùng đi và cùng vác; là đích đến “Vâng Lời cho đến chết”  của đường Thánh Giá, trên đó có Đức Giêsu cùng chịu đóng đinh; là  con đường Thánh Giá của Lòng Thương Xót: Thiên Chúa vâng phục vì thương xót con người, con người vâng phục để đươc Thiên Chúa xót thương, người Kitô hữu chúng ta không có một con đường nào khác dẫn đến ơn cứu độ, không còn con đường nào khác dẫn đến niềm vui trọn vẹn (x.Ga 15,11) và vinh quang đời đời của Thiên Chúa dành cho những ai muốn đi theo Ngài (x. Ga 17,24).

Đây là cuộc chiến đấu nội tâm rất gay go, là thử thách lớn hơn mọi thử thách, là thách đố rất khó vượt qua, vì chúng ta không  vâng phục một Thiên Chúa  sáng láng, vinh quang, uy linh, dũng mạnh, trực tiếp nói với chúng ta những điều Ngài muốn,  nhưng phải vâng phục một Thiên Chúa làm người, một Thiên Chúa dấu ẩn dưới thân phận yếu đuối, mỏng dòn của con người, một Thiên Chúa tự đồng hoá  mình với những con người bé mọn, nghèo hèn, tù tội, tha hương, vô gia cư, tỵ nan  (x. Mt 25,31-46). Và còn khó khăn hơn nữa, khi Thiên Chúa làm người ấy còn mời gọi chúng ta phải vâng phục cả những con người  như chúng ta, những con người không giỏi giang, không tài cán,  không thánh thiện, không hoàn hảo như chúng ta mong ước, kỳ vọng,  những con người có khi thua kém chúng ta cả tài năng lẫn đạo đức,  nhưng lại được tuyển chọn và ủy thác trách nhiệm thay mặt Thiên Chúa làm người để chăn dắt đoàn chiên của Ngài với quyền thánh hoá, giáo huấn, cai qủan, như  ý muốn nhiệm mầu của Ngài.  

Vâng, “Vác thập giá mình và đi theo Tôi”, như Đức Giêsu dậy, chính là  bước đi trên con đường Vâng Phục Đức Giêsu và những người được Ngài  chọn để chăn dắt đoàn chiên, nếu muốn trở nên người môn đệ đích thực, chân chính, bởi chỉ với tình yêu tự do xin được đóng đinh vào Thánh Giá có Đức Giêsu chịu treo trên đó vì Vâng Phục, có Đức Giêsu là Thiên Chúa làm người đã vâng phục cho đến chết vì thương xót con người, có Đức Giêsu là Đầu Thân Thể mầu nhiệm của Ngài là Hội Thánh, và Ngài đã “yêu thương, hiến mình vì Hội Thánh”, “thanh tẩy và thánh hóa Hội Thánh bằng nước và lời hằng sống” (Ep 5,25.26), chúng ta mới an tâm bước đi trên  con đường  đáng tin cậy, và những xác tín “đức tin”  của chúng ta mới xứng với danh hiệu “Kitô hữu”: người có Đức Kitô trong cuộc đời.

Jorathe Nắng Tím

Thông báo chung từ Tin Mừng Đường Phố: Với mục đích Loan Báo Tin Mừng, tác giả Jorathe Nắng Tím và Tin Mừng Đường Phố chân thành cám ơn sự chia sẻ rộng rãi của Quý bạn, nhưng không đồng ý và không chịu trách nhiệm về những việc “làm lại” hoặc “thay đổi” nội dung cũng như hình ảnh của những clip gốc lấy từ nguồn Tin Mừng Đường Phố. Trân trọng!

 

 

Bài viết liên quan

Mùa Phục Sinh

TMĐP- Xin cho chúng con “biết đặt niềm tin và hy vọng vào Chúa” trên mọi nẻo đường, vì bất cứ ở đâu, và...

Cảm thức

TMĐP- Hình ảnh Mẹ Việt Nam, cũng là hình ảnh người phụ nữ một đời chỉ biết hết mình, hết tình Hy Sinh: hy...

Giáo hội

TMĐP- Bài viết sẽ giúp quý Bạn cũng nhận ra sự khác biệt giữa danh hiệu “Mẹ Đức Giêsu Thiên Chúa làm người” theo...

Giáo hội

TMĐP- Chiến thuật “Đánh lận con đen”. Vừa ở trong, vừa ở ngoài, nghĩa là tuyên bố ở trong Hội Thánh, nhưng không tuân...