Connect with us

Hi, what are you looking for?

Mùa Thường Niên

 YÊU NHƯ CHÚA YÊU | Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật XXX Thường Niên, Năm A

TMĐP- Đức tin của người Kitô hữu luôn phải đi đôi với đức ái, nên TIN và YÊU là một.                           

Đọc hết Ngũ Kinh, tức Bộ Luật Môsê, mà người Do Thái gọi là Torah gồm các sách  Sáng Thế, Xuất Hành, Lêvi, Dân Số và Đệ Nhị Luật, chúng ta  có cảm giác bị choáng ngộp vì những khoản luật rất chi tiết trong đó có đến 248 khoản phải  làm, và 365 khoản cấm làm. Vì thế tinh thần vị luật xem ra ảnh hưởng rất nặng nề trên sinh hoạt tôn giáo của người Do Thái. Chẳng thế mà rất nhiều lần trong Tin Mừng, Đức Giêsu và các môn đệ của Ngài đã bị những người Do Thái vị luật này khiển trách không tuân giữ nghiêm nhặt luật Môsê, như họ đã tố cáo Đức Giêsu chữa người bị bại tay trong ngày sabát là ngày không được làm việc theo luật Môsê (x. Mt 12,9-14), hoặc không rửa tay trước khi ăn.

Cũng chính vì tinh thần vị luật bao trùm nặng nề, mà phần đông người Do Thái không nhận ra đâu là cốt lõi của Lề Luật, và điều răn nào là điều răn trọng nhất, như nguời thông luật đã hỏi Đức Giêsu trong Tin Mừng hôm nay.

Thực vậy, tuân giữ hàng trăm khoản luật rất chi tiết, và cầu kỳ, nhưng lại không biết điều răn nào là căn bản, nền tảng, trung tâm và cao trọng nhất sẽ làm rối loạn đời sống đạo, làm hoang mang người tín hữu, vì không phân định được đâu là chính yếu, phụ thuộc, chỗ nào là cần thiết, và có thể bỏ qua.

Đức Giêsu đã khai sáng cho những người Do Thái có mặt hôm ấy, trong số đó, có cả những thầy thông luật, và những người Pharisêu là thành phần giữ luật Môsê không mảy may sai sót khi nói với họ: “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi. Đó là điều răn quan trọng nhất và điều răn thứ nhất. Còn điều răn thứ hai, cũng giống điều răn ấy, là: ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. Tất cả Luật Môsê và các sách ngôn sứ đều tuỳ thuộc vào hai điều răn ấy” (Mt  22,37-40).

Thực ra, Đức Giêsu muốn nói rõ hơn: hai điều răn nhưng chỉ là một, vì không thể thiếu một trong hai, nghĩa là không thể yêu mến Thiên Chúa, mà không yêu anh em đồng loại, và ngược lại, không thể yêu anh em được, nếu không ở trong tình yêu Thiên  Chúa.

Thánh Gioan Tông Đồ đã quảng diễn rành mạch chân lý của tình yêu Thiên Chúa và con người trong thư của ngài: “Nếu chúng ta yêu thương nhau, thì Thiên Chúa ở lại trong chúng ta, và tình yêu của Người nơi chúng ta mới nên hoàn hả”. Vì thế, “nếu ai nói: “Tôi yêu mến Thiên Chúa” mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối; vì ai không yêu thương người an hem mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy. Đây là điều răn mà chúng ta nhận được từ Người: ai yêu mến Thiên Chúa, thì cũng yêu thương anh em mình” 1 Ga 4,12.20 -21).

Phần thánh Giacôbê Tông Đồ thì niềm tin của chúng ta vào Thiên Chúa chỉ có giá trị nếu niềm tin ấy được thể hiện bằng hành động yêu thương anh em mình. Vì thế, theo thánh tông đồ: “đức tin không có hành động thì quả là đức tin chết” (G 2,17), bởi “nếu chỉ tin có một  Thiên Chúa duy nhất,  thì ma quỷ cũng tin như thế, và chúng còn run sợ nữa” (G 2,19), nhưng nếu chỉ tin thôi, mà không có hành động của đức tin là đức ái đối với đồng loại, thì đức tin ấy thật là vô dụng  (x. G 2,20).

Tóm lại, xuyên suốt dòng lịch sử của Dân Thiên Chúa, tình yêu Thiên Chúa luôn song hành với tình yêu đồng loại. Điều này được minh chứng trong sách Xuất Hành, đó là khi chọn Môsê và giao sứ mạng giải phóng Ítraen khỏi đất nô lệ Ai Cập và đưa dân vào Đất Hứa, Thiên Chúa Giavê đã phán rõ ràng với Môsê: “Ta sẽ ở với ngươi. Và đây là dấu cho ngươi biết là Ta đã sai ngươi: khi ngươi đưa dân ra khỏi Ai Cập, các ngươi sẽ thờ phượng Thiên Chúa trên núi này” (Xh 3, 12). Như thế, mục đích của công cuộc giải phóng là để dân Ítraen được tự do thờ phượng Thiên Chúa Giavê. Nhưng đồng thời với bộ luật của Giao Ước Xinai, trách nhiệm đối với hạnh phúc của anh chị em mình cũng được Thiên Chúa đề cao để song hành với bổn phận thờ phượng Thiên Chúa, như bài đọc một trích từ sách Xuất Hành chúng ta vừa nghe: “Người ngoại kiều, ngươi không được ngược đãi …, mẹ goá con côi, các ngươi không được ức hiếp… , một người nghèo ở với ngươi vay tiền, thì ngươi không được xử với nó như chủ nợ, không được bắt  nó trả lãi… Nếu ngươi giữ áo choàng của người khác, thì ngươi phải trả lại cho nó trước khi mặt trời lặn” (Xh 22,20-21.24-25).

Vâng, đức tin của người Kitô hữu luôn phải đi đôi với đức ái, nên TIN và YÊU là một. Đó là lý do trước khi đi chịu chết, Đức Giêsu đã không chỉ ân cần căn dặn các môn đệ thân thương của mình: “Anh em đừng xao xuyến! Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy” (Ga 14,1), nhưng còn truyền cho các ông: “Anh em hãy yêu thương nhau, như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 15,12).

Jorathe Nắng Tím      

Bài viết liên quan

Mùa Phục Sinh

TMĐP- Xin cho chúng con “biết đặt niềm tin và hy vọng vào Chúa” trên mọi nẻo đường, vì bất cứ ở đâu, và...

Cảm thức

TMĐP- Hình ảnh Mẹ Việt Nam, cũng là hình ảnh người phụ nữ một đời chỉ biết hết mình, hết tình Hy Sinh: hy...

Giáo hội

TMĐP- Bài viết sẽ giúp quý Bạn cũng nhận ra sự khác biệt giữa danh hiệu “Mẹ Đức Giêsu Thiên Chúa làm người” theo...

Giáo hội

TMĐP- Chiến thuật “Đánh lận con đen”. Vừa ở trong, vừa ở ngoài, nghĩa là tuyên bố ở trong Hội Thánh, nhưng không tuân...