Connect with us

Hi, what are you looking for?

Giáo hội

BẠN ĐƯỜNG HAY QUA ĐƯỜNG”? | Chuỗi Suy Tư Về “HIỆP HÀNH” – Bài 7

TMĐP- Trên đường Hiệp Hành, người Kitô hữu không thể là “người qua đường” thờ ơ, vô cảm, vô trách nhiệm với anh em cùng đi trên đường; trái lại, người môn đệ được Đức Giêsu kêu gọi trở nên những Bạn Đường giàu lòng thương xót của mọi người.

Cùng chung một đường, nhưng không phải tất cả người đi đường đều là bạn đường, vì có những người tuy chung đường nhưng chỉ là người qua đường vô cảm, xa lạ, không chia sẻ nâng đỡ, không ân tình luyến lưu.

Tin Mừng vẽ lên hai khuôn mặt trên và mô tả chi tiết con người của cả hai một cách tuyệt vời chính xác.

Trước hết là dung mạo của hai người bạn đường: hai người này cùng là môn đệ của Đức Giêsu. Họ cùng đi với nhau trên đuờng từ Giêrusalem, nơi Thầy của họ vừa bị hành hình đóng đinh thập giá, về làng Emmau. Con đường mười một cây số không dài, nhưng chiều nay thì quá dài với họ, vì cả hai đi trong tâm trạng hoang mang, sầu thảm sau cái chết tang thương của Thầy.

Là bạn đường trong lúc khó khăn, họ nói chuyện với nhau… Đang lúc trò chuyện, bàn tán, thì Đức Giêsu phục sinh “tiến đến gần và cùng đi với họ. Nhưng mắt họ còn bị ngăn cản, không nhận ra Người” (Lc 24,15-16).

Cùng đi với hai người bạn đường, Đức Giêsu trở thành bạn đường của họ, và nhận lời ở lại với họ, “vì trời đã xế chiều và ngày sắp tàn” (Lc 24,29), để rồi đang khi cùng ăn, họ nhận ra Người “khi Người cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, và bẻ ra trao cho họ” (Lc 24,30).

Đến lượt những “người qua đường”. Họ cũng được Tin Mừng Luca mô tả tường tận, cặn kẽ: Con đường từ Giêrusalem xuống Giêrikhô hôm ấy ít nhất có bốn người đi, tuy không vai kề vai như hai bạn đường trên đường Emmau, nhưng cả bốn người đều có cơ hội nhìn thấy nhau ở một khúc đường trong một hoàn cảnh  vừa thương tâm vừa tàn nhẫn.

Câu chuyện được kể thế này: trong số bốn người, có một người không rõ danh tánh, thành phần đã  bị bọn cướp trấn lột, đánh nhừ tử rồi bỏ bên đường trong tình trạng “nửa sống nửa chết”. Ba người còn lại, mà hai trong số họ thuộc hàng chức sắc trong đạo: một người là thầy tư tế, người kia thuộc chi tộc Lêvi là chi tộc chuyên lo phục vụ Đền Thờ  lần lượt đi đến, và cả ba đều thấy nạn nhân “thập tử nhất sinh”.  Nhưng rất bất ngờ, một bất ngờ khó có thể hình dung, khi chỉ một mình người Samari ngoại đạo đã “chạnh lòng thương, lại gần, lấy dầu lấy rượu đổ lên vết thương cho người ấy và băng bó lạin rồi đặt người ấy lên lưng lừa của mình, đưa vể quán trọ mà săn sóc” (Lc 10, 33-34), còn hai thầy tư tế và Lêvi kia cũng đi tới chỗ ấy, cũng trông thấy người này, nhưng đều “tránh qua bên kia mà đi” (Lc 10,32), không một lời an ủi, một thái độ cảm thương, một cử chỉ cứu giúp.

Không nói thì chúng ta cũng phân định được ai là “bạn đường” và ai là “qua đường” sau khi đọc hai đọan Tin Mừng được tóm tắt trên, và nhận ra những khác biệt giữa Bạn Đường và kẻ Qua Đường, cũng như trong tình cảm, chúng ta không khó nhận diện chàng, nàng nào là Bạn Đường, Bạn Đời, và cô, cậu nào là “Khách Qua Đường, Người Tình Qua Đêm”.

Ở đây chúng ta có thể nêu ra một số khác biệt nổi bật:

1/ Bạn Đường có chung một đích tới, lý tưởng, ước mơ, hy vọng:

Hai bạn đường trên hành trình Emmau có chung một lý tưởng, ước mơ, đích tới, đó là Triều Đại Thiên Chúa, Thời Đại của Đấng Cứu Thế, Vinh Quang Nước Trời, và Thịnh Vượng của  Dân Chúa như họ đã khẳng định với người khách lạ là Đức Giêsu: “Phần chúng tôi, trước đây vẫn hy vọng rằng chính Người là Đấng sẽ cứu chuộc Ítraen” (Lc 24,21).

Thực vậy, họ là Bạn Đường của nhau, vì cả hai đã theo đuổi lý tưởng, nuôi lớn ước mơ và cố gắng đi tới đích từ ngày đi theo Đức Giêsu làm môn đệ Ngài. Cũng  vì thế  mà chiều nay họ bước đi bên nhau trong nỗi buồn da diết, tái tê, vì cơ đồ Cứu Thế  đã sụp đổ kéo theo chuỗi dài sụp đổ của ước mơ, tương lai, lý tưởng, khi Đức Giêsu đã thực sự chịu đóng đinh và chết trên Thánh Giá.

Khác với Bạn Đường, người Qua Đường tuy chung đường, nhưng không ai chung với ai tâm tư, ước mơ, hoài bão; không ai quan tâm đến lẽ sống, đường sống, lý tưởng sống của ai. Họ cùng đi trên đường, nhưng mỗi người là một ốc đảo di động, như thầy tư tế và thầy Lêvi  qua hành động “tránh qua bên kia mà đi” đã tỏ ra  không tương quan, không liên đới, không dính dáng, không  chung một mẫu số nào với nạn nhân.

2/ Bạn Đường có chung một Tình Yêu lớn:

Người qua đường, tuy chung đường nhưng không chung một tình yêu ở ngoài “cái tôi”, không hướng trái tim đến một đối tượng nào khác ngoài chính  bản thân, nhưng  chỉ quy chiếu về mình, tìm mình, lo cho mình. Thế nên người qua đường không có tình yêu cho người cùng đi với mình trên đường, như thầy tư tế và thầy Lêvi là những “người qua đường” đã không chung với nạn nhân tình yêu nào, vì ích kỷ ngăn cản, cấm vận, vì lợi ích bản thân “bế quan toả cảng”, nên cả hai đã không có bất kỳ cảm xúc, thái độ, cử chỉ, việc làm nào của “tình nghĩa bạn đường” đối với người cùng đi đường đang quằn quại thoi thóp.

Khác với hai người qua đường có chức tước, hai môn đệ trên đường Emmau là Bạn Đường của nhau, vì họ có chung một tình yêu lớn  dành cho Đức Giêsu, tình yêu và lòng ngưỡng mộ mà  chính họ bộc lộ trong câu chuyện trao đổi với nhau  trên đường, và qua lời trình bày của họ về  Đức Giêsu với người khách lạ mà họ không nhận ra là Thầy của họ: “Chuyện ông Giêsu Nadarét. Người là một ngôn sứ đầy uy thế trong việc làm cũng như lời nói trước mặt Thiên Chúa và toàn dân. Thế mà các thượng tế và thủ lãnh của chúng ta đã nộp Người để Người bị kết án tử hình, và đã đóng đinh Người vào thập giá” (Lc 24,19-20)

3/ Bạn Đường có chung “tình yêu”:

Khi đến tuổi cặp kê, các nàng sợ nhất tai họa “phải lòng” những chàng “qua đường” mà không phải “bạn đường”, vì  những chàng “qua đường” chẳng nghĩ đến ai, nhưng chỉ nghĩ  về mình, nghĩ cho mình; chẳng yêu thương, quý mến  ai, mà chỉ yêu bản thân hưởng thụ, thương cái tôi vĩ đại, kếch xù, trân quý “cái mình” lợi dụng, thống trị, bao trùm, lấn lướt, đang khi các nàng chỉ mong đợi, trông chờ, tìm kiếm cho đời mình  một “tình yêu nhau”.

Là bạn đường của nhau, hai môn đệ trên đường Emmau không chỉ có chung tình yêu dành cho Đức Giêsu, mà còn có chung “tình yêu”, tình yêu dành cho nhau. Nói cách khác, nhờ yêu mến Đức Giêsu, họ yêu thương nhau để làm nên tình bạn đường, để trở thành những bạn đường chí thân chí cốt của nhau.

Vì có chung “tình yêu” như dấu chỉ của người  môn đệ (x. Ga 13,35), cũng được coi là dấu chỉ của bạn đường, họ mới có thể  quan tâm và chia sẻ với nhau mọi sự từ tâm tư vui buồn, hy vọng thất vọng đến chén cơm, miếng bánh lót dạ khi trời đã tối, chân đã chồn, gối đã mỏi sau hành trình không dài vì khoảng cách, nhưng qúa dài vì se thắt ruột gan.

Cũng vì có “tình yêu”, biết dành cho nhau tình yêu chia sẻ, cảm thông, hợp tác, mà hai người bạn đường Emmau mới có thể cùng nhau mở lòng  yêu thương và đón nhận người khách lạ như bạn đường;  mới có thể cùng nhau mở trí khôn để lắng nghe người bạn đường mới “giải thích cho hai ông” những gì liên quan đến  Người tức Đức Giêsu “trong tất cả Sách Thánh” (Lc 24,27); mới có thể cởi mở tâm can trao đổi, trò chuyện thân tình với người bạn đường mới quen; nhất là mới có thể mở rộng con tim để ân cần mời người bạn đường mới này “ở lại với chúng tôi, vì trời đã xế chiều và ngày sắp tàn” (Lc 24, 29).

Thực vậy, điểm quan trọng nhất ở những người bạn đường đích thực chính là tình yêu không ích kỷ, co cụm, khép kín kiểu pháo đài, nhưng hướng đến tha nhân, mở ra  người khác như hai bạn đường trên đường Emmau đã cùng hướng tình yêu của mình về Đức Giêsu, cùng mở lòng yêu thương nhau, và cùng mở tâm hồn đón nhận những người bạn đường mới.

4/ Bạn Đường trên đường Hiệp Hành:

Nếu Hiệp Hành là con đường hiệp thông –  tham gia –  sứ vụ thì người Kitô hữu sẽ chỉ có thể thực hiện hành trình Hiệp Hành bằng mang lấy tinh thần và lối sống của những người Bạn Đường Emmau, và người Bạn Đường Samari ngoại đạo  trên đường từ Giêrusalem xuống Giêrikhô.

Chúng ta sẽ học với những Bạn Đường này  tinh thần và lối sống  của người môn đệ Đức Giêsu, mà điểm nổi bật  là tình yêu  thương xót, bởi không có lòng thương xót, chúng ta sẽ mãi là những kẻ qua đường, dù  đường Hiệp Hành chăng kín cờ xí,  biểu ngữ với những khẩu hiệu thánh thiện, đạo đức “có cánh”, mà không bao giờ trở nên Bạn Đường của Đức Giêsu, và Bạn Đường của nhau; bởi thiếu lòng thương xót, chúng ta sẽ từ chối hiện diện và đồng hành bên nhau khi hoàn cảnh không thuận lợi, tình hình không sáng sủa, cơ hội không sẵn sàng; bởi nhờ lòng thương xót, hai người Bạn Đường trên hành trình Emmau mới đi với nhau đến cuối đường, ở đó họ cùng nhận ra Đức Giêsu phục sinh khi Ngài đồng bàn với họ; cũng nhờ lòng thương xót, người Bạn Đường Samari mới có mặt và cứu giúp người Bạn Đường không may mắn bị cướp trấn lột, đánh trọng  thương.

Chúng ta học với những Bạn Đường của Tin Mừng Luca bài học của người môn đệ Đức Giêsu, khi luôn đặt Tình Yêu Đức Giêsu  cao hơn tất cả, đặt Đức Giêsu  là đối tượng ưu tiên của tình yêu, và xác tín: chỉ trong tình yêu Đức Giêsu, những người Bạn Đường trên đường Hiệp Hành mới có thể yêu thương, hiệp thông, hiệp nhất với nhau; chỉ vì tình yêu Đức Giêsu, những người  Bạn Đường  tuy cùng đường nhưng rất khác nhau ở tính cách, thành phần, trình độ, chức vụ  mới có thể đồng hành tham gia,  đồng hành cộng tác, đồng hành thực thi sứ vụ; chỉ với tình yêu Đức Giêsu, chúng ta mới mở lòng đón tiếp những  người bạn đường mới, và vui mừng trở nên bạn đường của những người không thuộc tổ chức, đoàn thể của chúng ta, cũng như chưa  là thành viên của Giáo Hội.

Chúng ta học với những Bạn Đường được Đức Giêsu chọn làm gương mẫu của người môn đệ có trái tim  cởi mở và qủang đại luôn biết kín múc tình yêu từ trái tim Ngài để có thể chấp nhận những thiếu sót, khuyết điểm, kể cả tội lỗi của bạn đường,  để tình yêu dành cho nhau không bao giờ  phai mờ, héo  úa, nhưng ngày càng lớn lên vì được trồng bên nguồn nước yêu thương là Đức Giêsu, Thiên Chúa của Lòng Thương Xót.

Chúng ta học với những Bạn Đường trên đường Emmau lòng khao khát lắng nghe, học hỏi và sống  Lời Thiên Chúa, cũng như lòng yêu mến Thánh Thể là  “của ăn đàng”, bởi không  có ánh sáng của  Lời  Chúa, chúng ta sẽ lạc đường, và mãi là những kẻ qua đường; không có  Mình Máu Chúa, chúng ta không thể bình an đồng hành, vì kiệt sức trước vô vàn thử thách, mà thử thách lớn nhất  là không đủ sức chịu đựng những “trái ý nghịch lòng” do chính  những bạn đường của chúng ta gây ra.

Tóm lại, trên đường Hiệp Hành, người Kitô hữu không thể là “người qua đường” thờ ơ, vô tâm, vô cảm, vô trách nhiệm với anh em cùng đi trên đường; trái lại, người môn đệ được Đức Giêsu kêu gọi trở nên những Bạn Đường giàu lòng thương xót của mọi người.

Nhưng để là Bạn Đường của mọi người, và được Chúa là Bạn Đường,  người Kitô hữu không thể  bỏ quên sứ mạng cùng với anh em “loan truyền Chúa chịu chết và tuyên xưng Chúa sống lại” như hai môn đệ trên đường Emmau đã thực hiện khi  trò chuyện  với nhau và trao đổi với Chúa, cho tới khi họ nhận ra  Ngài  trong niềm vui  Phục Sinh (x. Lc 24,34.

Thực vậy, chỉ với tình yêu và niềm tin ở Đức Giêsu chịu đóng đinh được loan truyền và niềm hy vọng vào Đức Giêsu phục sinh được tuyên xưng, con đường Hiệp Hành của người Kitô hữu  giữa thế giới hôm nay mới là đường của Thiên Chúa, đường đến với Thiên Chúa, đường  có Đức Giêsu là Bạn Đường của mọi người, để mọi người được trở nên Bạn Đường  của nhau trong Hiệp Thông, Tham Gia, Sứ Vụ.

Jorathe Nắng Tím        

 

 

 

Bài viết liên quan

Mùa Phục Sinh

TMĐP- Xin cho chúng con “biết đặt niềm tin và hy vọng vào Chúa” trên mọi nẻo đường, vì bất cứ ở đâu, và...

Cảm thức

TMĐP- Hình ảnh Mẹ Việt Nam, cũng là hình ảnh người phụ nữ một đời chỉ biết hết mình, hết tình Hy Sinh: hy...

Giáo hội

TMĐP- Bài viết sẽ giúp quý Bạn cũng nhận ra sự khác biệt giữa danh hiệu “Mẹ Đức Giêsu Thiên Chúa làm người” theo...

Giáo hội

TMĐP- Chiến thuật “Đánh lận con đen”. Vừa ở trong, vừa ở ngoài, nghĩa là tuyên bố ở trong Hội Thánh, nhưng không tuân...