Connect with us

Hi, what are you looking for?

Giáo hội

CÂU CHUYỆN “LẮNG NGHE” TRONG GIÁO HỘI | Chuỗi Suy Tư Về “HIỆP HÀNH” – Bài 2

TMĐP- Chúng ta cùng khởi đầu tiến trình Hiệp Hành bằng khởi sự lắng nghe: mục tử lắng nghe con chiên, con chiên lắng nghe nhau và cùng nhau lắng nghe mục tử.

Tin Mừng Luca tường thuật một câu chuyện hi hữu liên quan đến các thầy thông luật của đạo Do Thái ở Giêrusalem thời Đức Giêsu.

Được coi là hi hữu, vì thái độ cởi mở lắng nghe người khác của các vị, nhất là người khác ấy chỉ là một cậu bé mười hai tuổi, có tên Giêsu, quê Nadarét cùng cha mẹ trẩy hội Đền Thờ. Nhưng thay vì theo cha mẹ trở về nhà khi xong kỳ lễ, cậu bé đã ở lại trong Đền Thờ, “ngồi giữa các thầy dạy, vừa nghe họ vừa đặt câu hỏi. Ai nghe cậu nói cũng ngạc nhiên về trí thông minh và những lời đối đáp của cậu” (Lc 2,46-47) trong khi ông Giuse, bà Maria cha mẹ cậu thì “ruột gan rối bời” hỏi han, tìm kiếm cậu khắp nơi.

Như chúng ta biết: ở bất cứ đâu và thời nào, những chức sắc cao cấp trong các tôn giáo thường dễ rơi vào một số ảo tưởng khó tránh, trong đó có ảo tưởng thánh thiện, ảo tưởng độc quyền chân lý và bất khả ngộ là những ảo tưởng nổi cộm hơn cả. Ảo tưởng thánh thiện vì đêm ngày kề cận nhan thánh, ở trong đền thánh, làm những việc thánh, giảng dạy lời thánh. Và ảo tưởng thánh thiện này một cách tự nhiên, nếu đương sự không tỉnh thức đề phòng, đã làm nền, làm bệ phóng, nhịp cầu và biện minh cho sự hình thành một thứ ảo tưởng khác ngàn lần đáng sợ hơn, đó là ảo tưởng độc quyền chân lý và bất khả ngộ.

Các thầy thông luật, tức các thầy dậy Lề Luật Môsê trong đạo Do Thái cũng thuộc những người hay khoác cho mình chiếc áo ảo tưởng thánh thiện và độc quyền chân lý này, điều mà Đức Giêsu nhiều lần đã không ngại nặng lời lên án.

Vì mang trên mình những ảo tưởng độc hại vừa kể, mà họ chủ trương giữ khoảng cách càng xa càng tốt, càng cao càng hay đối với những người họ có trách nhiệm hướng dẫn, dạy dỗ mà dưới mắt họ  đều là những người  không hiểu biết Lề Luật, lại  kém đạo đức. Cũng  vì chủ trương “tách biệt” quần chúng, “biệt lập” khỏi cộng đồng, mà chuyện lắng nghe người khác luôn là điều rất khó thực hiện đối với họ.

Khó thực hiện vì họ tự cho mình quyền nắm gọn mọi chân lý, sở hữu toàn bộ kho tàng sự thật,  nên ai nói khác điều họ nói đều là nói sai, ai chia sẻ  nhiều hơn điều họ  dậy đều bị coi là không đúng sự thật, vì sự thật là họ, và Lề Luật cũng là chính họ.

Khó thực hiện, vì khi cả chân lý và lề luật đều là họ, đều do họ nắm giữ thì thưởng phạt cũng sẽ do họ “tự tung tự tác”, và quyền sinh quyền sát cũng sẽ do một tay họ định liệu.

Khó thực hiện, vì họ còn được “thần linh” bảo kê, được “thần quyền” bảo đảm, và được “thần tượng” bởi đám dân thấp cổ bé miệng, đám chiên thiếu hiểu biết, lại nhát gan, sợ hãi uy lực  thống trị của  giai cấp cầm quyền lãnh đạo là họ.

Nhưng chính vì khó thực hiện, mà sự kiện các thầy thông luật trong Tin Mừng Luca chấp nhận cho cậu bé Giêsu được ngồi giữa các ông, lại cho phép cậu được  nói và được đặt vấn nạn thực là một việc hi hữu, phải được kể là kỳ công rất ngoạn mục, và đáng ngưỡng mộ.

Là kỳ công rất ngoạn mục, vì luật sĩ thời Cựu Ước là những người được giáo dân trọng vọng, tôn sùng do kiến thức đầy mình, học vị đầy tủ, uy tín tiêu dùng cả đời không cạn, nên tự mãn, tự phụ chẳng cần tham khảo ý kiến, lắng nghe ai, nhất là những  người thuộc quyền và thấp kém hơn mình, nay bỗng tư duy canh tân, tâm hồn đổi mới khi kiên nhẫn ngồi  lắng nghe, và sẵn sàng cho phép một cậu bé vô danh tiểu tốt, không ô dù, không thế lực chống lưng được công khai trao đổi, bàn bạc trước cả hội đồng các thầy Thông Luật  ngay trong Đền Thờ.

Là việc làm đáng ngưỡng mộ, vì các thầy thông luật thời Đức Giêsu do ảo tưởng “biết hết mọi sự trên trời dưới đất”  đã không  bao giờ có thói quen hỏi dân, nghe dân; do ảo tưởng “hoàn hảo vì là người được Chúa chọn” đã không bao giờ  khiêm tốn nhận khuyết điểm, rút kinh nghiệm, dù có sai lầm, vấp phạm, nên  bỗng dưng chịu ngồi nghe cậu bé mười hai tuổi đặt câu hỏi, và vui vẻ đối đáp với cậu, thì quả thực rất đáng khâm phục, ngưỡng mộ.

Thái độ cởi mở lắng nghe và trao đổi tự do, chân thành của các thầy thông luật với cậu bé mười hai tuổi được kể lại trong Tin Mừng,  tuy  xảy ra cách đây hơn hai ngàn năm, nhưng hoàn toàn  không mang tính “cổ hủ, lỗi thời, lạc hậu” đối với chúng ta đang “ở đây và lúc này”, bởi thái độ biết lắng nghe người khác, dám để người khác không thuộc thành phần chức sắc, Đấng Bậc của mình nói với mình, và thực tâm ghi nhận những gì người khác ở “vòng ngoài”, thuộc ngoại vi  nói và kiến nghị vẫn là những việc làm thuộc dạng hi hữu trong rất nhiều cộng đoàn Kitô hữu hôm nay, ở đó, ý kiến đóng góp của giáo dân  không được các Đấng Bậc lắng nghe, hoặc họa hiếm mới được chân thành lắng nghe, vì chính giáo dân đã không được các Đấng tôn trọng như những chi thể của Thân Thể mầu nhiệm Đức Kitô là Hội Thánh do não trạng và lối sống giáo sĩ trị đã ăn rễ qúa sâu trong Giáo Hội.

Khi đề cập đến chuyện lắng nghe trong Giáo Hội, chúng ta nên lương thiện nhận rằng: có nhiều Đấng Bậc vì hoàn cảnh đòi buộc  bên ngoài đã “tỏ ra” biết lắng nghe, nhưng thực tâm không muốn  nghe, thực tế không quan tâm những gì đã nghe, và thực sự không bao giờ giải quyết những gì nghe được từ bề dưới, có thể vì bất cần thiên hạ, bởi mình toàn quyền và nghĩ mình biết hết mọi sự ; có thể vì coi thường con chiên bởi thiếu tấm lòng mục tử; có thể  vì bất lực trước  đe dọa và áp lực của phe cánh, bè phái; có thể vì bất tài không thể tự  tìm ra phương án giải quyết vấn đề, nhưng lại thiếu chân thành và  khiêm tốn để tham khảo, đón nhận ý kiến của người khác vì lợi ích chung. Và cách thường dùng để “cho chìm xuồng” những chuyện bất đắc dĩ phải  lắng nghe là xử dụng hiệu năng “lê thê, mịt mùng, bào mòn, làm ngao ngán, chán chường,  thối chí, ngã lòng” của khí giới thời gian, khi “ngâm tôm” đề nghị, khi viện cớ cần thời gian để cầu nguyện, nghiên cứu ý kiến, khi đánh lạc hướng người thỉnh cầu, góp ý và tự đánh lừa lương tâm mình bằng chiêu bài “Thời gian là ông thầy khôn ngoan nhất”.

Photo Credit: Catholic Design

Thực vậy, đọc phần hướng dẫn của Toà Thánh về tiến trình chuẩn bị Thượng Hội Đồng Giám Mục lần thứ XVI với chủ đề Hiệp Hành, chúng ta không thể không xúc động trước thao thức và những nỗ lực của Đức Thánh Cha Phanxicô cho một Giáo Hội biết lắng nghe, bởi không biết lắng nghe, Giáo Hội sẽ xa dần thế giới, mục tử sẽ xa dần đàn chiên, và nhiều Kitô hữu sẽ rời xa nhau, rời bỏ Giáo Hội.

Kính gửi đến quý Bạn những dòng này, người viết nhớ đến lời chia sẻ của Đức Cha Olivier de Berranger, nguyên Giám Mục giáo phận Saint – Denis en France, khi nói về tình trạng xuống dốc của hàng giáo sĩ, tình trạng bỏ Giáo Hội  đi theo các giáo phái của người trẻ, tình trạng một phần tư người công giáo nhận mình là Kitô hữu, nhưng không nhận mình thuộc Giáo Hội Công Giáo, tình trạng hơn một nửa người công giáo tuyên bố “có đạo” nhưng giữ khoảng cách rất xa đối với hàng Giáo Phẩm và hàng Giáo Sĩ, mà ngài tóm gọn trong một cụm từ: “Tin Chúa, nhưng không tin Giáo Hội”. Đây là hiện trạng của Giáo Hội ở thời đại chúng ta đang sống, mà  một trong những nguyên nhân lớn đã đưa đến hiện trạng này chính là thiếu chân thành và lương thiện “lắng nghe”  trong Giáo Hội.

Ước gì chúng ta cùng khởi đầu tiến trình Hiệp Hành bằng khởi sự lắng nghe: mục tử lắng nghe con chiên, con chiên lắng nghe nhau và cùng nhau lắng nghe mục tử. Lắng nghe nhau với lòng thương xót như Thiên Chúa Giavê đã lắng nghe tiếng dân Ngài “kêu than vì bọn cai  hành hạ”, và sai Môsê đi giải thoát họ (x. Xh 3,7-8); lắng nghe nhau  với lòng nhân hậu và  quả cảm thực thi bác ái, như Thiên Chúa đã lắng nghe và ra tay bênh vực những  “mẹ góa con côi bị ức hiếp” (x. Xh 22,21-22); lắng nghe nhau với lòng tín thác, khiêm nhường như Samuen vì lắng nghe thầy cả Êli nên mới nghe được tiếng Chúa dậy bảo cậu (x. 1 S 3, 1-14) ; và chỉ khi chiên lắng nghe chủ chăn, chủ chăn  lắng nghe chiên, mà không  “mũ ni che tai, làm ngơ, giả điếc” với nhau, thì Thiên Chúa mới lắng nghe  chúng ta thân thưa, kêu cầu Ngài  (x. Tl 9,7). Nói cách khác, không biết lắng nghe, tâm hồn sẽ khép kín, trái tim sẽ đóng chặt, và chúng ta sẽ không nghe được tiếng Chúa, không đón nhận Lời hằng sống, Lời ban sự sống đời đời (x. Ga 5,24) là nền tảng và điều kiện không thể thiếu để chúng ta có được tình yêu và khả năng để  “nói với nhau và lắng nghe nhau” hầu xây dựng Thân Thể Đức Kitô là Hội Thánh mỗi ngày thêm xinh đẹp, thánh thiện, tinh tuyền và  hiệp nhất (x. Ep 5, 27 ; Ga 17, 20-23).

Jorathe Nắng Tím    

 

 

 

Bài viết liên quan

Mùa Phục Sinh

TMĐP- Xin cho chúng con “biết đặt niềm tin và hy vọng vào Chúa” trên mọi nẻo đường, vì bất cứ ở đâu, và...

Cảm thức

TMĐP- Hình ảnh Mẹ Việt Nam, cũng là hình ảnh người phụ nữ một đời chỉ biết hết mình, hết tình Hy Sinh: hy...

Giáo hội

TMĐP- Bài viết sẽ giúp quý Bạn cũng nhận ra sự khác biệt giữa danh hiệu “Mẹ Đức Giêsu Thiên Chúa làm người” theo...

Giáo hội

TMĐP- Chiến thuật “Đánh lận con đen”. Vừa ở trong, vừa ở ngoài, nghĩa là tuyên bố ở trong Hội Thánh, nhưng không tuân...