Connect with us

Hi, what are you looking for?

Mùa Thường Niên

CHÚC TỤNG CHÚA CẢ KHI CÕI LÒNG TAN VỠ | Suy niệm Tin Mừng Chúa Nhât V Thường Niên Năm B

TMĐP- Chúc tụng, tạ ơn và yêu mến Chúa khi hạnh phúc, may mắn, thịnh vượng chắc chắn không khó bằng trung tín ngợi khen Ngài khi cuộc đời chỉ là “chuỗi ngày lao lúng vất vả, số phận là những đêm đau khổ ê chề, gia tài có được là những tháng năm vô vọng, đời người thấm thoát hơn cả thoi đưa, và chấm dứt, không một tia hy vọng” (x. G 7, 1-6).

Quả thực, không ai đã nếm mùi đau khổ trong tinh thần, đau đớn trên thân xác, tủi nhục vì người thân, nhất là bi bỏ rơi một cách bất công, và vô tình bởi chính Thiên Chúa, Đấng ông suốt đời trung thành, yêu mến, phụng sự như Gióp, người mà Xatan đã xin phép Đức Chúa để thử thách lòng tin yêu Thiên Chúa của ông, đến nỗi có lúc ông đã phải cay đắng thốt lên: “Lạy Chúa, xin Ngài nhớ cho, cuộc đời con chỉ là hơi thở, mắt con sẽ chẳng thấy hạnh phúc bao giờ”, và nghi ngờ quyền năng yêu thương của Thiên Chúa: “Chẳng lẽ Ngài không xóa được tội ác của con, không bỏ qua được lỗi lầm con phạm ? Vì chỉ ít nữa thôi, con sẽ ngủ vùi trong cát bụi. Ngài có tìm cũng chẳng thấy con đâu.” (G 7,7.21).

Tâm sự não nề của Gióp cũng là tiếng khóc của mỗi người chúng ta trong buổi gian truân, những ngày khốn khó; lời trách móc, giận hờn Thiên Chúa của ông cũng không xa lạ với những lời cay đắng, nghi ngờ, có khi phạm thượng của chúng ta khi Thiên Chúa hoàn toàn yên lặng trước đau khổ  tưởng như vượt sức người của chúng ta, lại có lúc  Ngài như cố tình trở nên “đành hanh quá ngán”, làm chết đuối người trên cạn mà chơi.

Vì thế Đức Giêsu đã đến trong thế gian, ở giữa “chốn khách đầy”, ở ngay trong thung lũng nước mắt, ở tận vực sâu thất vọng  với chúng ta, để loan báo cho chúng ta Tin Mừng: Thiên Chúa yêu thương con  người đau khổ, Thiên Chúa cứu độ con người tội lỗi, Thiên Chúa không bỏ rơi ai, nhưng quan tâm, chăm sóc hết mọi người, vì Thiên Chúa là Tình Yêu. Và Tình Yêu là Ngài đã đến trong thế gian  để trấn an chúng ta: hãy vững lòng trông cậy và liên lỷ tán tụng tình thương của Ngài, vì Ngài đến để “chữa trị bao cõi lòng tan vỡ, những vết thương, Ngài băng bó cho lành” (Tv 146,3).

Tình yêu chữa lành, băng bó ấy đã được minh chứng qua việc Đức Giêsu đã chữa “mọi kẻ ốm đau và những ai bị quỷ ám” đến với Ngài (x. Mc 1,29-46).

Trước nỗi đau vì bệnh tật, và khổ não tinh thần của những người đến gặp Ngài, Đức Giêsu luôn chạnh lòng thương, ân cần chia sẻ, chữa lành và nâng đỡ, củng cố niềm tin của họ, để họ kiên trì cầu nguyện với lòng tín thác: “Lạy Chúa, xin đoái thương, này con đang kiệt sức… Toàn thân con rã rời quá đỗi, xin Chúa đừng trì hoãn nữa, nhưng lạy Chúa, xin trở lại mà giải thoát con, cứu độ con, bởi vì Ngài nhân hậu” (Tv 6,3-5).

Nhưng tâm điểm của đời người môn đệ Đức Giêsu hệ tại ở việc loán báo Tin Mừng, chứ không dừng lại ở việc được chữa lành các bệnh tật của thân xác, không giản đơn ở việc được khỏi bệnh, vì mục đích đời làm người của  Đức Giêsu chính là loan báo Tin Mừng Thiên Chúa yêu thương và cứu độ con người, nên tất cả các phép lạ Ngài làm đều gắn liền với Lời mang đến ơn cứu sống đời đời của Ngài.

Chính vì thế, trên Thánh Giá, Ngài đã sống những đau đớn của thân xác và đau khổ của tinh thần  như chúng ta, kể cả nỗi đau trước thinh lặng đáng sợ của Chúa Cha, đến nỗi  phải nức nở thốt lên: “Lạy Thiên Chúa, Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con?” (Mc 15,34).

Như người bị phong hủi, ngay sau khi được Đức Giêsu chữa cho sạch, đã bắt đầu rao truyền và tung tin ấy khắp nơi … Và dân chúng từ khắp nơi kéo đến với Người” (Mc 1,45), chúng ta đều được Đức Giêsu mời gọi làm chứng Tin Mừng, loan báo Tin Mừng Thiên Chúa là Thiên Chúa từ bi, nhân hậu. Ngài yêu thương, và cứu độ mọi người, không trừ ai, miễn tin vào Ngài.

Thánh Phaolô quả quyết: “Đối với tôi, rao giảng Tin Mừng không phải là lý do để tự hào, mà đó là một sự cần thiết bắt buộc tôi phải làm. Khốn thân tôi, nếu tôi không rao giảng Tin Mừng!” (1 Cr 9,16). Thánh nhân còn nhấn mạnh: “Khi rao giảng Tin Mừng, tôi rao giảng không công, chẳng hưởng quyền lợi Tin Mừng dành cho tôi” (1 Cr 9,18).

Như thế, việc chữa lành người đau ốm, trừ quỷ, hay bất cứ việc gì đi nữa, tất cả đều phải quy chiếu vào việc quan trọng và cần thiết là  loan báo Tin Mừng một cách không công, vô vị lợi, vì đó là bổn phận của người môn đệ Đức Giêsu, bời khi loan báo Tin Mừng, người môn đệ được tháp nhập vào Thân Thể của chính Đức Giêsu, khi chia sẻ sứ vụ  đến thế gian để loan báo Tin Mừng của Ngài.

Và một khi đã được nên một với  Đức Giêsu, được đồng hình đồng dạng với Đức Giêsu nhờ được tham dự vào sứ vụ của chính Ngài, chúng ta không còn ngại chung phần đau khổ  thập giá với Ngài, nhưng liên lỷ chúc tụng Thiên Chúa cả khi cõi lòng  nát tan, vì biết rằng khi  vui lòng chịu mọi  thử thách trên thân xác cũng như trong tinh thần, chính là lúc chúng ta  loan báo Tin Mừng hữu hiệu nhất, như thánh tông đồ dân ngoại  đã cảm nghiệm và xác tín: “Giờ đây, tôi vui mừng được chịu đau khổ vì anh em. Những gian nan thử thách Đức Kitô còn phải chịu, tôi xin mang lấy vào thân cho đủ mức, vì lợi ích cho thân thể Người là Hội Thánh. Tôi đã trở nên người phục vụ Hội Thánh, theo kế hoạch Thiên Chúa uỷ thác cho tôi…: đó là tôi phải rao giảng lời của Người cho trọn vẹn, rao giảng mầu nhiệm đã được giữ kín từ bao thời đại và qua bao thế hệ, nhưng nay đã được tỏ ra cho dân thánh của Thiên Chúa.” (Cl 1, 24-26).

Jorathe Nắng Tím

 

 

 

Bài viết liên quan

Mùa Phục Sinh

TMĐP- Xin cho chúng con “biết đặt niềm tin và hy vọng vào Chúa” trên mọi nẻo đường, vì bất cứ ở đâu, và...

Cảm thức

TMĐP- Hình ảnh Mẹ Việt Nam, cũng là hình ảnh người phụ nữ một đời chỉ biết hết mình, hết tình Hy Sinh: hy...

Giáo hội

TMĐP- Bài viết sẽ giúp quý Bạn cũng nhận ra sự khác biệt giữa danh hiệu “Mẹ Đức Giêsu Thiên Chúa làm người” theo...

Giáo hội

TMĐP- Chiến thuật “Đánh lận con đen”. Vừa ở trong, vừa ở ngoài, nghĩa là tuyên bố ở trong Hội Thánh, nhưng không tuân...