Connect with us

Hi, what are you looking for?

Mùa Chay

ĐÁM TANG ĐỨC GIÊSU | Chuỗi Suy Niệm Tin Mừng Tuần Thánh Năm C

Đám tang Đức Giêsu đặc biệt bất ngờ, đặc biệt ít người, đặc biệt yên ắng, vắng vẻ… Xin Đức Giêsu chịu đóng đinh đã chết và mai táng trong mồ ban cho chúng ta trái tim biết thương xót, và biết chạnh lòng thương cảm…

Cả bốn Tin Mừng đều kể về đám tang của Đức Giêsu:

Tin Mừng Mátthêu kể lại: “Chiều đến, có một người giầu sang tới. Ông này là người thành Arimathê, tên là Giôxếp, và cũng là môn đệ Đức Giêsu. Ông đến gặp ông Philatô để xin thi hài Đức Giêsu. Bấy giờ tổng trấn Philatô ra lệnh trao trả thi hài cho ông. Khi đã nhận thi hài, ông Giôxếp lấy tấm vải gai sạch mà liệm, và đặt vào ngôi mộ mới, đã đục sẵn trong núi đá, dành cho ông. Ông lăn tảng đá to lấp cửa mồ, rồi ra về. Còn bà Maria Mácđala và một bà khác cũng tên là Maria ở lại đó, quay mặt vào mồ” (Mt 27,57-61).

Tin Mừng Máccô  bổ túc thêm hai chi tiết: Ông Giôxếp thành Arimathê là “thành viên có thế giá của hội đồng”, và “Philatô lấy làm ngạc nhiên, khi nghe nói Người đã chết, và cho đòi viên đại đội trưởng đến, hỏi xem Người đã chết lâu chưa” (Mc 15,43.44).

Tin Mừng Luca đặc biệt quan tâm đến những nhân vật có mặt trong đám tang như ông Giôxếp “một người lương thiện, công chính. Ông đã không tán thành quyết định và hành động của Thượng Hội Đồng” và những người phụ nữ cùng đi với ông Giôxếp. Đó là  “những người phụ nữ đã theo Đức Giêsu từ Galilê. Các bà để ý nhìn ngôi mộ và xem xác Người được đặt như thế nào. Rồi các bà về nhà, chuẩn bị dầu và thuốc thơm. Nhưng ngày sabát, các bà nghỉ lễ như Luật truyền” (Lc 23,55-56), vì “hôm ấy là áp lễ, và ngày sabát bắt đầu ló rạng” (Lc 23,54).

Tin Mừng Gioan tiết lộ thêm một thông tin về ông Giôxếp, nhân vật chính đã đứng ra lo liệu an táng Đức Giêsu: “Ông Giôxếp này là một môn đệ theo Đức Giêsu, nhưng cách kín đáo, vì sợ người Do Thái” (Ga 19,38), đồng thời giới thiệu một nhân vật mới, đó là ông Nicôđêmô: “Ông này trước kia đã tới gặp Đức Giêsu ban đêm. Ông mang theo chừng một trăm cân mộc dược trộn với trầm hương. Các ông lãnh thi hài Đức Giêsu, lấy băng vải tẩm thuốc thơm mà quấn, theo tục lệ chôn cất của người Do Thái” (Ga 23,39-40).

Chúng ta có thể tóm tắt như sau: Ông Giôxếp người thành Arimathê và ông Nicôđêmô, cả hai đều có vai vế, và  ảnh hưởng trong đạo ngoài đời: ông Giôxếp là thành viên của Thượng Hội  Đồng, còn  ông Nicôđêmô là “một thủ lãnh của người Do Thái” (Ga 3,1) đã đích thân gặp Philatô xin nhận thi hài và tự nguyện lo liệu mai táng Đức Giêsu bằng phương tiện riêng của mình, vì hai ông đều là môn đệ Đức Giêsu cách kín đáo.

Nhờ lòng quảng đại của hai ông, “lễ an táng” Đức Giêsu đã diễn ra rất vội vàng, gấp rút, vì hôm ấy là ngày áp lễ, và ngày sabát  là ngày buộc phải nghỉ việc “bắt đầu ló rạng”.

Tuy đơn sơ, nhưng thi hài Đức Giêsu cũng được tẩm liệm cách xứng đáng với băng vải tẩm thuốc thơm, và trầm hương, mộc dược đúng theo nghi thức an táng của người Do Thái, và xác Ngài được đặt trong mộ đá còn mới, phần mộ được chuẩn bị sẵn của ông Giôxếp. Những người dự đám tang hôm đó, ngoài Đức Mẹ và tông đồ Gioan là hai người không thể thiếu, vì cả hai không rời xa Đức Giêsu một giây, một bước trên đường Thương Khó và Tử Nạn, Tin Mừng kể tên các  bà Maria Mácđala, một bà khác cũng mang tên Maria, và vài người phụ nữ đã theo Đức Giêsu từ Galilê. Tin Mừng Máccô giúp làm sáng tỏ về những người phụ nữ đạo đức có mặt trên Gôngôtha buổi chiều tử nạn: “Nhưng cũng có mấy phụ nữ đứng xa xa mà nhìn, trong đó có bà Maria Mácđala, bà Maria mẹ các ông Giacôbê Thứ và Giôxết, cùng bà Salômê. Các bà này đã đi theo và giúp đỡ Đức Giêsu khi Người còn ở Galilê. Lại có nhiều bà khác đã cùng với Người lên Giêrusalem, cũng có mặt tại đó” (Mc 15,40-41).

Qua các trình thuật của bốn Tin Mừng với những thông tin, chi tiết, chúng ta thấy đám tang của Đức Giêsu là một đám tang rất đặc biệt:

1/ Đặc biệt bất ngờ:

Bất ngờ hai thành viên của Thượng Hội Đồng Do Thái là cơ quan đầu não đã quyết định giết Đức Giêsu lại là môn đệ ẩn danh của Ngài: Ông Giôxếp người thành Arimathê “vẫn mong đợi Triều Đại của Thiên Chúa” (Mc 15,43), còn ông Nicôđêmô thì kín đáo “đến gặp Đức Giêsu ban đêm. Ông nói với Người: “Thưa Thầy, chúng tôi biết: “Thầy là một vị tôn sư đựợc Thiên Chúa sai đến. Quả vậy, chẳng ai làm được những dấu lạ Thầy làm, nếu Thiên Chúa không ở cùng người ấy” (Ga 3,2).

Bất ngờ hai môn đệ trước đây kín tiếng , bí mật nay mạnh dạn “xuất đầu lộ diện” đi gặp quan tổng trấn Philatô xin nhận thi hài Đức Giêsu để mai táng.

Bất ngờ “nơi Đức Giêsu bị đóng đinh có một thửa vườn, và trong vườn, có một ngôi mộ còn mới, chưa chôn cất ai” (Ga 19,41). Ngôi mộ này là phần mộ làm sẵn của ông Giôxếp, và bất ngờ ông quyết định mai táng Đức Giêsu trong ngôi mộ mới này.

2/ Đặc biệt ít người:

Ít người lo hậu sự, vì ai cũng sợ người Do Thái, sợ giáo quyền, sợ chính quyền truy lùng, quy chụp, kiếm chuyện, và đứng đầu danh sách những người sợ là Nhóm Mười Hai Tông Đồ trong đó đã có Giuđa bán Thầy, Phêrô chối Chúa, các ông khác bỏ Thầy tìm đường thoát thân, may còn Gioan đã liều mình bám trụ đến cùng  bên Thánh Giá với thân mẫu Đức Giêsu.

Ít người  thăm viếng, vì trong cõi đời này, tìm được mấy người nhân nghiã có lòng với người qúa cố, bởi theo phò  người đã chết là điều không thể quan niệm ở bất cứ xã hội nào.

Ít người thương khóc, vì vô ơn là điểm chung của số đông, nhất là khi người ơn không còn thế lực, khả năng giúp đỡ, và người ta không còn cơ hội bòn rút, lợi dụng.

3/ Đặc biệt yên ắng, vắng vẻ:

Yên ắng, vì thi hài được “đặt vào ngôi mộ mới, đã đục sẵn trong núi đá …”, có tảng đá to lấp kín cửa mồ (x. Mt 27,60), giữa một thửa vườn rộng, gần nơi Đức Giêsu bị đóng đinh (x. Ga 19,41).

Vắng vẻ, vì “hôm ấy là ngày áp lễ của người Do Thái” (Ga 19,42) nên ai nấy đều ở nhà, rất ít người đi lại ngoài đường.

Yên ắng, vắng vẻ vì thi hài Đức Giêsu được mai táng rất khuya khi “ngày sabát bắt đầu ló rạng” (Lc 23,54).

Chiêm ngắm đám tang của Đức Giêsu, chúng ta khám phá ra có rất nhiều đám tang cũng mang những đặc điểm bất ngờ, ít người và yên ắng, vắng vẻ như đám tang của Ngài.

Đó là  đám tang vắng vẻ, ít người đưa tiễn của những  người nghèo, không chức tước, không địa vị trong xã hội, giáo hội;  đám tang của những con người bị khinh miệt, bỏ rơi, quên lãng; đám tang của những người khi sống bị trừng phạt, tẩy chay, loai bỏ; đám tang của những người lỡ bước sa chân vì mỏng dòn, yếu đuối; đám tang của những người bị coi là cặn bã, vô dụng, hết thời, ở đó rất ít người  viếng thăm, phúng điếu, không trống kèn, vòng hoa, không nghi ngút nhang đèn, không rềnh rang nghi lễ, không nức nở  tiếc thương, không  điếu văn kể lể, không dài dòng tuyên dương, không sổ tang với lời ca “có cánh”, không quay phim chụp ảnh, không phát sóng, phát hình …

Đó là đám tang nhiều bất ngờ của những người chết khi không còn khả năng lo cho ai, không mang lại bất cứ mối  lợi nào cho người sống, không để lại cho người sống  hy vọng  còn được tiếp tục lợi dụng uy tín, danh nghiã, ảnh hưởng để tiến thân,  thu gom, kiếm chác…, nên chẳng lạ gì đám tang của họ đầy những bất ngờ đáng thương đến bẽ bàng, khi người xưa, tình cũ né  tránh, bạn hữu xa gần “giả điếc làm ngơ”, kẻ thụ ơn im hơi lặng tiếng, “án binh bất động”.

Đó là đám tang ít người thăm viếng, phúng điếu của những  người chết không còn thân nhân tại chức, đương quyền, không  thuộc  hàng “danh gia vọng tộc”, không  bạn hữu là lãnh đạo, thủ trưởng, nắm quyền sinh sát thần dân.

Đó là đám tang yên ắng của người chết tuy đã một thời ngang dọc, nhưng  đáp cánh không an toàn, trở thành  “tầm ngắm, điểm soi”, đối tượng nguy hiểm cần giữ khoảng cách của xã hội, nên chết chẳng ai thương, ra đi chẳng ai tiếc nuối,   chôn vùi chẳng ai xót xa, bị lên án,  nguyền rủa chẳng ai chạnh lòng.

Tóm lại, có nhiều người không chết đóng đinh như Đức Giêsu, nhưng đám tang của họ lại có những điểm giống đám tang của Ngài: cũng đầy bất ngờ do nhân tình thế thái, do lòng người đổi trắng thay đen; cũng vắng vẻ, ít người thăm viếng, tiễn đưa vì sợ liên lụy, hoặc không có lợi; cũng yên ắng, không “ồn ào, hoành tráng”, và được an nghỉ lặng lẽ, không  mấy người quan tâm.

Sở dĩ đám tang của Đức Giêsu, cũng như đám tang của những người nghèo hèn, bé mọn, yếu đuối, hết thời, hết thế không nhộn nhịp người thăm viếng, tiễn đưa, không xôn xao điện văn, tin nhắn, điện thoại chia buồn, không đầy ắp vòng hoa phúng điếu đắt tiền, không ngập lụt những dòng phân ưu thương tiếc làm đứng tim, chết lặng người đọc, vì Đức Giêsu đã chết như người tử tội, chết như tên phiến loạn nguy hiểm, chết như đứa phạm thượng dám tự xưng là Con Thiên Chúa, nên không chỉ chính quyền mà cả giáo quyền cùng căm ghét, lên án, truy diệt; không chỉ quan Philatô, đại diện đế quốc Rôma, nước thống trị, mà cả  Hêrôđê, vua Do Thái cũng đồng lòng kết án tử hình Ngài, bằng chứng là bắt đầu từ “ngày hôm ấy, vua Hêrôđê và tổng trấn Philatô bắt đầu thân thiện với nhau, chứ trước kia hai bên vẫn hiềm thù” (Lc 23,12); không chỉ các chức sắc trong Thượng Hội Đồng của Do Thái giáo, mà cả nhân dân, trong đó có rất nhiều người đã được Ngài chữa lành, trừ qủy, cho sống lại cũng đồng thanh quy tội và muốn Ngài phải chết đóng đinh trên thập tự, bởi với đời, Ngài bị coi là Phản Động, gây rối trật tự xã hội; với đạo, các Thượng tế, kinh sư, và giáo dân kết tội Ngài là Phản Chúa, chống lại Lề Luật Môsê.

Vì Ngài không còn là hy vọng của ai, không còn có lợi cho ai, nên chẳng ai nghĩ và dám bất chấp những rủi ro, nguy hiểm để đến dự đám tang Ngài như thói đời vẫn dành cho những người chết khi không còn của cải, danh phận, quyền thế, ảnh hưởng…

Thói đời quen thuộc, nhan nhản, dễ thấy  chính là  cám dỗ  rối rít  săn đón người chết, vì lo lắng đeo đuổi người sống; chu đáo “phục dịch” người chết, vì đang phải gồng mình  phục vụ người sống; ân cần nâng niu người chết, vì cần tận dụng cơ hội tang chế để  cung nghinh, o bế người sống ; nức nở thương tiếc người chết, vì cần lấy lòng người sống;  gắn bó với người chết, vì muốn chiếm hữu người sống, nên nhièu người “đưa đám”  không  vì người chết, nhưng vì người sống;  tỏ ra “nghĩa tử nghiã tận” không vì xót xa người mới  qua đời, nhưng  vì khiếp đảm, sợ hãi, không dám làm  mất lòng những thân nhân, bạn hữu của người quá cố còn tại chức, đương thời, đầy thế lực có toàn quyền định đọat, sinh sát.

Quan sát đám tang Đức Giêsu, chúng ta cũng được mời gọi chiêm ngưỡng Đức Giêsu khi Ngài đến các đám tang, đặc biệt đám tang ông Ladarô, quê làng Bêtania, ở đó Ngài mang tâm tình và thái độ khác với thói đời quen thuộc:

a. Ngài đến đám tang vì xót thương người đã chết:

Khi hay tin Ladarô đau nặng, Đức Giêsu biết Ngài sẽ làm gì, để “bày tỏ vinh quang của Thiên Chúa” qua cái chết của người bạn mà Ngài  thương mến, như được ghi rõ trong Tin Mừng: “Đức Giêsu qúy mến cô Mácta, cùng hai người em cô là Maria và anh Ladarô” (Ga 11,5), nên khi bệnh tình anh Ladarô trở nên nguy kịch,  hai cô  đã tức tốc “cho người đến nói với Đức Giêsu: “Thưa Thầy, người Thầy thương mến đang bị đau nặng” (Ga 11,3), và những người có mặt hôm ấy bên mộ phần Ladarô, khi Đức Giêsu vừa tới, đều thấy Ngài khóc, và họ nói với với nhau: “Kìa xem! Ông ta thương anh Ladarô biết mấy!”. Và quả thực, “Đức Giêsu  thổn thức trong lòng. Người đi tới mộ và nói: “Đem phiến đá này đi”, phiến đá đậy kín cửa mộ, ở đó  thi hài Ladarô được an nghỉ đã bốn ngày và đã nặng mùi ( x. Ga 11,35-36.38.39).

Ngài đã đến với người chết, vì người chết ; thăm viếng người chết vì thương người chết, chứ không dùng người chết như phương tiện để kiếm chác tư lợi nơi người sống. Bằng chứng là thân nhân của những người chết mà Ngài đã làm cho sống lại đều không giầu có, uy quyền, nhiều thế lực, ảnh hưởng, như bà góa nghèo thành Nain, mà con trai duy nhất của bà đã được Ngài cho sống lại từ trong quan tài trên đường ra nghiã trang (x. Lc 7, 11-16); cũng như hai chị của Ladarô là những người chất phác, giản dị, không giầu có, uy quyền, thế lực.

b. Ngài đến đám tang vì chạnh lòng thương người còn sống:

“Người còn sống” là cụm từ chỉ chung thân nhân của người mới qua đời, mà với họ, Đức Giêsu luôn biểu lộ lòng thương cảm sâu sắc như khi trông thấy người mẹ góa bụa nức nở khóc con trai duy nhất trong quan tài được người ta khiêng đi chôn, Đức Giêsu “đã chạnh lòng thương và nói: “Bà đừng khóc nữa!” (Lc 7,13).

Thực vậy, Đức Giêsu thương cả người chết, và người sống, nên trước đau khổ của tang gia, Đức Giêsu không đến đám tang với ý đồ lợi dụng người còn sống, hay vì sợ thế lực đạo, đời của họ, nhưng đến vì thương xót người chết và thương cảm người còn sống, mà Ngài luôn an ủi, nâng đỡ, đem lại cho họ niềm hy vọng vào  chính Ngài, như Ngài đã nói với cô Mácta, chị của người chết Ladarô đang khi cô vừa nức nở khóc vừa nũng nịu trách Ngài: “Nếu Thầy ở đây thì em con đã không chết!” (Ga 11,21) bằng Lời ban sự sống của Đấng là Thiên Chúa hằng sống: “Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống . Ai tin vào Thầy thì dù có chết, cũng sẽ được sống. Ai sống và tin vào Thầy, sẽ không bao giờ phải chết” (Ga 11,25-26).

Xin Đức Giêsu chịu đóng đinh đã chết và mai táng trong mồ ban cho chúng ta trái tim biết thương xót người chết, và biết chạnh lòng thương cảm người còn sống đang héo hắt, đau khổ vì mất người thân yêu, mà không “giả nhân giả nghĩa” mưu tìm  tư lợi bên xác người chết, trước dòng lệ bi thương của tang quyến, bằng dũng cảm lo cho người chết, và nâng đỡ người sống, dù người chết có bé mọn, hèn hạ, yếu đuối đến đâu, và người sống không được coi là “xứng đáng”, ngoài cái “đáng thương” chỉ gặp được ở “những anh em bé nhỏ nhất của Đức Giêsu” (x. Mt 25,40), Đấng đã chết  như tội nhân và có được đám tang của những anh em bị xếp vào hạng “vô danh tiểu tốt”, “vô tích sự” nhưng được yêu thương, chúc phúc của Ngài.

Jorathe Nắng Tím 

Bài viết liên quan

Mùa Phục Sinh

TMĐP- Xin cho chúng con “biết đặt niềm tin và hy vọng vào Chúa” trên mọi nẻo đường, vì bất cứ ở đâu, và...

Cảm thức

TMĐP- Hình ảnh Mẹ Việt Nam, cũng là hình ảnh người phụ nữ một đời chỉ biết hết mình, hết tình Hy Sinh: hy...

Giáo hội

TMĐP- Bài viết sẽ giúp quý Bạn cũng nhận ra sự khác biệt giữa danh hiệu “Mẹ Đức Giêsu Thiên Chúa làm người” theo...

Giáo hội

TMĐP- Chiến thuật “Đánh lận con đen”. Vừa ở trong, vừa ở ngoài, nghĩa là tuyên bố ở trong Hội Thánh, nhưng không tuân...