Connect with us

Hi, what are you looking for?

Giáo hội

 ĐỂ NHẬN RA HOẠT ĐỘNG CỦA NGƯỜI MÔN ĐỆ ĐỨC GIÊSU | Chuỗi Suy Tư Thần Học 01 – Bài 8

TMĐP- Để hoạt động đức tin của chúng ta không bị ma quỷ lèo lái vào con đường “phản Tin Mừng”, “phản Kitô”, người Kitô hữu chúng ta cần tỉnh thức để biết mình không rời xa Đức Giêsu trong mọi hoạt động, bằng năng tự xét mình để biết mình ở trong Đức Giêsu, tin và tuyên xưng Đức Giêsu là “Thiên Chúa làm người”, và hoạt động vì Đức Giêsu và lợi ích của Hội Thánh Ngài.

Như chúng ta đã chia sẻ, ma quỷ là loài thụ tạo thiêng liêng, và với bản tính thiên thần, chúng có khả năng mê hoặc con người bằng những việc lạ lùng, kỳ diệu để con người lầm tưởng chúng là Thiên Chúa, hoăc ngang hàng, đồng vị với Thiên Chúa, hay ít nhất là sứ thần của Thiên Chúa.

Nhiều người đặt câu hỏi: tại sao Thiên Chúa cho phép ma quỷ thực hiện  những điềm thiêng dấu lạ để cám dỗ con người, mà không lấy lại hay hủy bỏ bản tính thiêng liêng của chúng, vì bao lâu còn giữ bản tính của thụ tạo thiêng liêng, bấy lâu ma quỷ còn dùng khả năng thuộc bản tính thiêng liêng này để quậy phá con người cũng là thụ tạo như chúng, nhưng là thụ tạo hữu hình, lệ thuộc thời gian và không gian?

Thưa vì Thiên Chúa tôn trọng tất cả thụ tạo Ngài đã dựng nên, vì tất cả mọi thụ tạo từ tay Ngài đều tốt đẹp khi được tạo dựng, đặc biệt thiên thần và loài người là hai loài thụ tạo cao quý vì có tự do, nên nếu có thoái hoá, hư hỏng ở thiên thần và loài người, thì đó là do chính thiên thần, hoặc con người đã xử dụng không đúng quyền tự do của mình để làm những việc sai trái với ý muốn đời đời của Thiên Chúa là thông ban chính hạnh phúc của Ngài cho thụ tạo Ngài dựng nên.

Về phần Thiên Chúa, vì là Đấng trung tín, nên Ngài không thể hủy bỏ những gì Ngài đã ban cho thụ tạo, như không lấy lại bản tính thiên thần của ma quỷ, dù chúng đã kiêu căng nổi loạn chống lại Ngài, và tiếp tục lôi kéo loài người đi theo chúng phá hoại công trình cứu thế của Ngôi Lời Thiên Chúa.

Như thế, với bản tính thiêng liêng, ma quỷ hoạt động trong thế giới hữu hình của con người bằng tận dụng mọi khả năng để làm những việc kỳ diệu mà loài người không biết đến từ đâu, những  chuyện lạ lùng mà con người xem thấy phải  kinh ngạc, thán phục, những công trình vĩ đại mà trí con người không dám mơ, sức con người không thể cáng đáng, hoàn thành, với mục đích đưa con người vào mê hồn trận, tin chúng có quyền năng bao trùm thế giới, và loại trừ Thiên Chúa ra khỏi đời sống của con người, bởi Xatan chính là Rắn “Rắn là loài xảo quyệt nhất trong mọi giống vật ngoài đồng mà Đức Chúa là Thiên Chúa đã làm ra” (St 3,1). Nó đã cám dỗ Evà, và nó đã thành công (x. St 3, 1-7).

Ngoài ra, ma quỷ có thể hoá trang thành thiên thần sốt mến, như vỏ bọc thánh thiện, tốt lành  che giấu âm mưu đen tối, thâm độc, gian ác, như thánh Phaolô đã cảnh giác: “Chính Xatan cũng đội lốt thiên thần sáng láng! Vậy có gì là khác thường khi kẻ phục vụ nó đội lốt người phục vụ sự công chính” (2Cr 11,14), với mục đích bước vào tâm hồn con người bằng con đường  của Thiên Chúa, nhưng đi ra bằng con đường của Xatan, như trường hợp của nhiều người  Kitô hữu  hăng say  với những hoạt động nhân đạo, cứu người, nhưng cuối cùng bị ma quỷ lèo lái biến chất thành những kẻ kiêu căng, ngạo mạn, bất tuân phục Đấng Bản Quyền và làm hại Giáo Hội.

Ma quỷ cũng củng cố niềm tin vào Xatan nơi những người đi theo chúng, bằng cho họ tham dự quyền năng  của chúng, như  lời Xatan  nói với Đức Giêsu  trong Tin Mừng Luca: “Tôi sẽ cho ông toàn quyền cai trị cùng với vinh hoa lợi lộc của các nước này, vì quyền hành ấy đã được trao cho tôi, và tôi muốn cho ai tùy ý” (Lc 4, 6), nên không lạ gì  có nhiều kẻ đi theo ma quỷ đã được chúng đáp ứng mọi nhu cầu, thoả mãn mọi đòi hỏi, ước mơ, kể cả cho quyền làm được một số việc lạ lùng, khác thường, gây ấn tượng …

Ma quỷ còn khả năng nói chuyện với con người, như nói với Evà, (x. St 3,1) và xúi giục con người không tin vào quyền năng, lòng nhân hậu, và ơn cứu độ của Thiên Chúa, nhưng  ngược lại  ngày đêm  chúng  tố cáo con người trước toà Thiên Chúa (x. Kh 12,10).

Vì mang bản tính thiêng liêng, ma quỷ hiểu thấu đáo Kinh Thánh, như đã luôn miệng trích dẫn Lời Thiên Chúa khi cám dỗ Đức Giêsu trong hoang địa (x.Mt 4,1-11). Chúng biết rõ Thiên Chúa và tin Ngài, như những lần ma quỷ tuyên xưng Đức Giêsu là Con Thiên Chúa tối cao, Đấng Thánh của Thiên Chúa khi Đức Giêsu quát mắng và trục xuất chúng ra khỏi những người bị chúng ám nhập (x.Mt 8,29; Mc 5,6 ; Lc 8,28). Thánh Giacôbê cũng viết trong thư của ngài: “Bạn tin rằng chỉ có một Thiên Chúa duy nhất. Bạn làm phải. Cả ma quỷ cũng tin như thế, và chúng run sợ” (Gc 2,17-19).

Sau cùng, ma quỷ  bằng mọi cách làm cho tâm trí con người   mù qúang để  không tin vào Đức Giêsu, không tin Ngài là “Đường, Sự Thật và Sự Sống” (Ga 14,6), mà con người phải gắn bó để  được hạnh phúc đời này và đời sau, như thánh tông đồ dân ngoại đã viết cho giáo đoàn Côrinthô: “Tin Mừng chúng tôi rao giảng có bị che khuất, thì chỉ bị che khuất đối với những người hư mất, đối với những kẻ không tin. Họ không tin, vì tên ác thần của đời này đã làm cho tâm trí họ ra mù qúang khiến họ không thấy bùng sáng lên Tin Mừng nói về vinh quang của Đức Kitô, là hình ảnh Thiên Chúa” (2 Cr 4, 3-4). Và khi đó, ma quỷ trở thành thủ lãnh của họ (x. Ga 12,31), “thủ lãnh thế gian đang đến” thống trị họ  (Ga 14,30).

Quả thực, đứng trước những thủ đọan tinh vi, và những  kế hoạch đội lốt, lừa đảo, mê hoặc được xem  như hoàn hảo của thần dữ, nếu không có ơn Chúa soi sáng,  chúng ta sẽ không dễ dàng phân định đâu là hoạt động của Thiên Chúa, và đâu là hoat động của ma quỷ; cũng như không đơn giản để có thể nhận ra người nào thuộc về Thiên Chúa, và người nào đang là cánh  tay nối dài của ma quỷ. Vì thế, chúng ta phải tìm về Tin Mừng để được Lời Thiên Chúa hướng dẫn hầu biết rõ ai là người thuộc về Thiên Chúa, và những hoạt động nào là hoạt động của Ngài:

Niềm tin tuyệt đối vào Đức Giêsu và tuyên xưng Ngài là Thiên Chúa:

Đây là nền tảng của đức tin Kitô giáo. Trên nền tảng này, công trình của Thiên Chúa được thực hiện, và  người thuộc về Thiên Chúa được “sống và sống dồi dào” (Ga 10,10), bởi có nhiều người  tuy có tin Thiên Chúa, nhưng không tin Đức Giêsu là Thiên Chúa; tuy có tin Thiên Chúa toàn năng, nhưng không tin Đức Giêsu toàn năng như Thiên Chúa, vì phủ nhận thiên tính của Ngài. Cũng có người  tin ơn cứu độ của Thiên Chúa, nhưng không tin Đức Giêsu là “Thiên Chúa nhập thể làm người để cứu độ nhân loại.”

Những người tin Thiên Chúa kiểu “chung chung” như thế không ít, nên Đức Giêsu dưới mắt họ và trong lòng họ không là Thiên Chúa duy nhất mà họ thuộc về và phụng sư. Cũng vì lý do đó, giáo huấn của Đức Giêsu, công trình cứu chuộc của Đức Giêsu, nhất là Giáo Hội của Đức Giêsu không bao giờ có được vị thế quan trọng, được tuyệt đối trân trọng trong đời sống đức tin của những tín hữu “thời cơ, thời vụ, thời thế” rất tiếc không kém đông đảo này.

Trong thực tế,  những người này tự  trang bị cho mình một niềm tin vu vơ, mơ hồ, không chính xác và kiên định, nên hậu qủa là dễ rơi vào tình trạng : thần thánh nào cũng tin,  chư thần nào càng  tỏ ra mạnh mẽ, hiệu năng, thoả mãn được tham vọng, đợi chờ của họ thì càng có kílô và được đánh giá là  đáng tin cậy, như nhiều người  tự nhận “có đạo, có đức tin”, nhưng không bỏ qua một cơ hội mê tín, dị đoan, bùa ngải, kiêng kị, cúng kiếng thần thánh tứ phương, sùng bái chư vị đủ loại nào.

Vì thế, thánh Gioan tông đồ đã qủa quyết như nguyên tắc để biết ai thuộc về Thiên Chúa của Đức Giêsu, và công việc nào là công việc của Ngài khi viết: “Anh em đừng cứ thần khí nào cũng tin, nhưng hãy cân nhắc các thần khí xem có phải bởi Thiên Chúa hay không, vì đã có nhiều ngôn sứ giả lan tràn khắp thế gian.  Căn cứ vào điều này, anh em nhận ra thần khí của Thiên Chúa: thần khí nào tuyên xưng Đức Giêsu Kitô là Đấng đã đến và trở nên người phàm thì thần khí ấy bởi Thiên Chúa; còn thần khí nào không tuyên xưng Đức Giêsu, thì không bởi Thiên Chúa; đó là thần khí của tên phản Kitô. Anh em đã nghe nó đang tới, và hiện nay nó ở trong thế gian rồi” (1 Ga 4,1-3).

Lòng yêu mến Thánh Giá Đức Giêsu:

Dấu chỉ quan trọng  để nhận ra ai thuộc về Đức Giêsu và đang làm công việc của Thiên Chúa, đó là lòng yêu mến Thánh Giá Đức Giêsu, Đấng Cứu Độ, bởi người không thuộc về Đức Giêsu thì không thể yêu mến Thánh Giá của Ngài, vì Thánh Giá hoàn toàn đi ngược  những gì thế gian và ma quỷ tìm kiếm; hoàn toàn chống lại những gì ma quỷ và thế gian tung hô, ca tụng; hoàn toàn trái nghịch những gì ma quỷ đề nghị và thế gian yêu thích:

Yêu mến Thánh Giá là từ bỏ toàn phần, toàn diện:

Nhìn lên Thánh Giá có Đức Giêsu chịu đóng đinh, chúng ta chỉ thấy một Thiên Chúa trần truồng, cô độc, thiếu thốn, yếu đuối, bất lực: trần truồng vì bị lột bỏ tất cả quần áo, không còn một tấm vải che thân (x.Mc 15,24); cô độc vì bị tước đọat mọi tương quan, ngay cả tương quan với  Chúa Cha cũng bị thử thách, đe dọa, khi Đức Giêsu  nghẹn ngào cầu nguyện: “Lạy Cha, sao Cha bỏ con?” (Mc 15,34); thiếu thốn  cả  đến ngụm nước thấm miệng cho khỏi  chết khát (x. Ga 19,28-29); yếu đuối, bất lực vì không thể tự cứu  mình, dù là Thiên Chúa và đã làm phép lạ chữa lành rất nhiều người  khỏi bệnh, thoát khỏi quỷ ám, mà còn cho nhiều người được sống lại từ cõi chết.

Trên Thánh Giá chỉ còn Đức Giêsu, Thiên Chúa làm người đã từ bỏ toàn phần, toàn diện. Ngài từ bỏ  những phần “danh lợi ” mà ma quỷ ngày nào đã  mon men cám dỗ Ngài trong hoang địa ; từ bỏ những phần vinh quang  dành cho  người đạo đức, nhân nghiã đã làm những điều tốt đẹp cho nhiều người; từ bỏ những phần thưởng mà người con thảo hiếu đáng lẽ  phải được nhận. Ngài còn từ bỏ toàn diện, khi không còn giữ lại cho mình bất cứ sự gì, cả ở phương diện Thiên Chúa, cả về  phương diện nhân loại.

Vì thế, người đi theo Đức Giêsu sẽ không thể từ chối Thánh Giá, nhưng phải từ bỏ như Ngài đã từ bỏ, bởi điều kiện đầu tiên Ngài đòi ở người môn đệ là “Ai không vác thập giá mình mà đi theo tôi, thì không thể làm môn đệ tôi được” (Lc 14,27). Đây chính là điều kiện để trở thành  môn đệ, mà cũng là dấu chỉ của người môn đệ, dấu chỉ chắc chắn ma quỷ và những ai thuộc về chúng không thể  có được, vì chúng  không thể từ bỏ là điều kiện tiên quyết phải đáp ứng, bởi  bản chất của chúng ích kỷ, đầy dục vọng, tham lam, mê đắm xác thịt, mê say của cải, mê man vinh quang, mê mệt quyền lực, và  mê muội dìm mình trong những việc làm trục lợi bất công, bất chính.

Nhưng từ bỏ không dễ, vì từ bỏ là để mất “cái tôi”, là đánh mất chính mình, là buông bỏ những gì thuộc về mình  cho hạnh phúc của người khác, vì yêu thương họ. Khi từ bỏ nnhư vậy, người thuộc về Đức Giêsu  đã hy sinh đóng đinh mình vào Thánh Giá với Đức Giêsu để được trở nên Của Lễ Hy Sinh với Ngài để đền tội mình và mọi người.

Yêu mến Thánh Giá là Tự Hạ Vâng Phục

Không có Thiên Chúa nào tự hạ như Đức Giêsu, Thiên Chúa làm người, Đấng đã “hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế. Nguời lại còn hạ mình vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự” (Pl 2,7-8), điều mà người Do Thái cho là ô nhục, người Hy Lạp cho là ngu dốt, dân ngoại cho là điên rồ (x ; 1 Cr1,23), và tất nhiên ma quỷ coi là mục tiêu phải triệt hạ, chống phá, vì là ơn cứu độ, là chiến thắng vinh quang  của Đức Giêsu trên chúng là kiêu căng, hận thù,  sự chết, và hoả ngục.

Thánh Phaolô cho chúng ta thấy mức độ khiêm hạ vô cùng của Đức Giêsu, Thiên Chúa  làm người  khi giang tay chết trên Thánh Giá vì tuyệt đối vâng phục thánh ý Chúa Cha. Sự vâng phục đã là lẽ sống, sứ vụ của Ngài, như chính Ngài đã nói  với đám đông người Do Thái: “Tôi tự trời mà xuống, không phải để làm theo ý tôi, nhưng để làm theo ý Đấng đã sai tôi” (Ga 6,38) .

Vì thế, dấu ấn không thể xóa nhoà nơi những người đi theo và thuộc về Đức Giêsu chính là Khiêm Hạ Vâng Phục, vì không tự hạ vâng phục, người ta chỉ có thể thuộc về Xatan, là thiên thần kiêu căng, không vâng phục Thiên Chúa. Chính hắn đã lôi kéo nhiều người vào sự chết, vì không vâng phục, như  thánh Phaolô đã viết cho giáo đoàn Êphêxô: “Anh em đã chết vì những sa ngã và tội lỗi của anh em. Xưa kia anh em đã sống trong đó, theo trào lưu của thế gian này, theo tên thủ lãnh nắm giữ quyền lực trên không trung, tên ác thần hiện đang hoạt động trên những kẻ không vâng phục” (Ep 2,1-2).

Nếu dấu ấn Vâng Phục là dấu ấn đời đời nơi những người thuộc về Đức Giêsu, thì chúng ta chỉ có thể nhận ra ai là người thuộc về Đức Giêsu, làm việc cho Đức Giêsu qua dấu ấn Tự Hạ, Vâng Phục mà  họ đã được in dấu  trong trái tim từ  mão gai, đinh sắt, lưỡi đòng của Đức Giêsu tự hạ và vâng phục trên Thánh Giá, dấu ấn mà không một kẻ nào thuộc về ma quỷ có được, bởi ma quỷ kinh khiếp và tránh xa những ai tự hạ vâng phục, như sợ hãi, sấp mình, che mặt trước Đức Giêsu, Thiên Chúa tự hạ vâng phục mỗi khi Ngài quát mắng, xua đuổi chúng ra khỏi người bị chúng ám nhập trong Tin Mừng.

Yêu mến Thánh Giá là Thương Yêu, Tha Thứ:

Thánh Giá là cao điểm của tình yêu thương xót và tha thứ  của Thiên Chúa ban cho con người, trên đó, Đức Giêsu, Đấng Cứu Độ đã thương yêu con người bằng một tình yêu cao cả là “chết cho người mình yêu” (Ga 15,13); một tình yêu vô cùng khi  xin Chúa Cha tha thứ  cho tất cả những  người vô ơn, phản phúc, xúc phạm, làm tổn thương, lên án, đóng đinh mình với lời chạy tội, bênh vực làm ngỡ ngàng mọi ngưòi: “Xin Cha tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm” (x. Lc 23,34); một tình yêu đến cùng khi nghĩ đến hạnh phúc của mọi người ngay ở phút cuối  của đời mình, như trăn trối Mẹ mình cho môn đệ Gioan (x. Ga 19,26-27), và hứa Nước Trời ngay hôm nay cho người tử tội cùng chịu án tử đóng đinh (x.Lc 23,43).

Thực vậy, Thánh Giá là biểu tượng sống động của Tình Yêu Tha Thứ, khi Thiên Chúa giầu lòng thương xót đã tự nguyện  đau nỗi đau nhục nhằn, đã chết cái chết tận cùng tang thương trên Thánh Giá để biểu lộ lòng thương xót vô cùng của Thiên Chúa là Cha nhân hậu luôn xót thương và bao dung cứu chữa con cái  mình sinh ra, để tất cả những ai thuộc về Ngài cũng phải học thương xót, thứ tha  như  Ngài, bằng đón nhận và yêu mến Thánh Giá của Ngài.

Tóm lại, cho dù ma quỷ có làm được những điềm thiêng  dấu lạ để mê hoặc con người,  nhưng chúng không thể  “từ bỏ, hy sinh”, và không dám đến gần Thánh Giá của tình yêu quên mình, xóa mình, hiến mình vì người khác của Đức Giêsu và những ai đi theo Ngài, vì bản chất của chúng là ích kỷ, tham lam, muốn vơ vét, chiếm đọat mọi sự của người khác cho mình, để vinh thân phì gia,  để chất đầy cuộc đời, và làm ngổn ngang,  ngột ngạt cuộc sống  bằng những danh lợi thú, nên  chúng ta có thể qủa quyết: những người không thuộc về Chúa, không làm việc cho Chúa, không thực hiện thánh ý và công trình của Chúa là những người không mang trên mình những “thương tích từ bỏ” của Đức Giêsu chịu đóng đinh

Cũng vì đi theo Xatan là thần dữ kiêu căng đã nổi loạn phản nghịch,  chống lại Thiên Chúa, để lật đổ, truất phế Ngài, nên những người thuộc chiến tuyến của Xatan không thể mang dấu ấn Tự Hạ, Vâng Phục của Thánh Giá Đức Giêsu,  Thánh Giá mà họ không muốn đến gần, vì  Thánh Giá tự hạ vâng phục không chỉ hoàn toàn xa lạ với họ, mà còn tạo vô số cản trở,  phiền phức cho sinh hoạt kiêu kỳ, tự mãn, ngạo mạn, coi thường Thiên Chúa, khinh bỉ anh em của họ, nên chỉ cần  nhìn đời sống không khiêm tốn, thiếu  vâng phục của những người này, chúng ta đã có thể xác định hoạt động của họ không là hoạt động được Chúa Thánh Thần hướng dẫn.

Sau cùng, người không có tình yêu tha thứ của Thánh Giá  Đức Giêsu không thể là người của Thiên Chúa, vì họ không mang dấu ấn của Thánh Thần tình yêu, vì Thánh Thần không đóng dấu trên họ, để họ được cứu chuộc, bởi ở nơi họ không có lòng thương xót và tha thứ (x. Ep 4,30 -32), bởi đường lối của Xatan là ganh ghét, hận thù, bạo lực; sự nghiệp của Xatan là  bất hoà, chia rẽ, ly tán;  giang sơn của chúng là hoả ngục đời đời bất hạnh.

Vâng, để hoạt động đức tin của chúng ta không bị ma quỷ lèo lái vào con đường “phản Tin Mừng”, và thiện chí tông đồ không bị Xatan uốn cong, bẻ quặt  lạc theo hướng “phản Kitô”, người Kitô hữu chúng ta cần tỉnh thức để biết mình không rời xa Đức Giêsu trong mọi hoạt động bằng  năng tự xét mình để biết mình ở trong Đức Giêsu, tin và tuyên xưng Đức Giêsu là “Thiên Chúa làm người”, và hoạt động vì Đức Giêsu và lợi ích của Hội Thánh Ngài.

Và với lòng yêu mến Thánh Giá là dấu chỉ  cho phép chúng ta nhận ra mình là chi thể của thân thể mầu nhiệm, chúng ta vững tâm hoạt động mà không nghi nan, bối rối, khi chiêm ngắm Đức Giêsu chịu đóng đinh và noi gương Ngài sống Từ Bỏ Hy Sinh, sống Tự Hạ Vâng Phục, sống Thương Xót Tha Thứ, để  mỗi ngày được trở nên giống Ngài hơn,  Đấng đã từ bỏ mình làm Của Lễ Hy Sinh  xóa tội  nhân loại; Đấng đã tự hạ vâng phục Thánh Ý Chúa Cha để thực hiện công trình cứu thế; Đấng đã thương xót vô cùng và  tha thứ đến cùng con người yếu đuối, tội lụy cần được  tha thứ, xót thương, là lý tưởng  thánh thiện của người môn đệ đã tự nguyện “bỏ mọi sự, vác thập giá mình” đi theo Đức Giêsu, Thiên Chúa làm người .

Jorathe Nắng Tím

Thông báo chung từ Tin Mừng Đường Phố: Với mục đích Loan Báo Tin Mừng, tác giả Jorathe Nắng Tím và Tin Mừng Đường Phố chân thành cám ơn sự chia sẻ rộng rãi của Quý bạn, nhưng không đồng ý và không chịu trách nhiệm về những việc “làm lại” hoặc “thay đổi” nội dung cũng như hình ảnh của những clip gốc lấy từ nguồn Tin Mừng Đường Phố. Trân trọng!

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Bài viết liên quan

Mùa Phục Sinh

TMĐP- Xin cho chúng con “biết đặt niềm tin và hy vọng vào Chúa” trên mọi nẻo đường, vì bất cứ ở đâu, và...

Cảm thức

TMĐP- Hình ảnh Mẹ Việt Nam, cũng là hình ảnh người phụ nữ một đời chỉ biết hết mình, hết tình Hy Sinh: hy...

Giáo hội

TMĐP- Bài viết sẽ giúp quý Bạn cũng nhận ra sự khác biệt giữa danh hiệu “Mẹ Đức Giêsu Thiên Chúa làm người” theo...

Giáo hội

TMĐP- Chiến thuật “Đánh lận con đen”. Vừa ở trong, vừa ở ngoài, nghĩa là tuyên bố ở trong Hội Thánh, nhưng không tuân...