Connect with us

Hi, what are you looking for?

Mùa Vọng

ĐỂ NHẬN RA NHỮNG DẤU CHỈ CỦA THIÊN CHÚA | Chuỗi Suy Niệm Mùa Vọng Năm C – Bài 1

TMĐP- Chỉ là con cái Thiên Chúa, mắt chúng ta mới có ánh sáng của tình yêu Thiên Chúa để nhận ra Cha mình là Thiên Chúa qua các dấu chỉ của công trình Tạo Dựng…

Trong cuộc sống, người ta bộc lộ tính cách, tình cảm, và bày tỏ ý nghĩ,  ước  muốn  qua những dấu chỉ, như nụ cười biểu lộ niềm vui, nước mắt  vừa diễn tả nỗi buồn, vừa biểu hiện xúc động mãnh liệt vì hạnh phúc; khúm núm, run rẩy bày tỏ sự sợ hãi; ngang bướng, ăn nói bạt mạng, coi thường người khác bộc lộ tâm hồn kiêu căng; cứng rắn, quyết  liệt biểu hiện quyền bính, thế lực; đằm thắm, ân cần diễn tả tình âu yếm, bao bọc. Nhưng không phải ai cũng nhận ra ý nghĩa đích thực  của  dấu chỉ, cũng không phải mọi người đều có chung khả năng đánh giá đúng nội dung mà dấu chỉ biểu thị.

Vì là Thiên Chúa yêu thương và gần gũi con người, hơn thế nữa là “Thiên Chúa làm người và ở giữa chúng ta”, mà không là Thiên Chúa xa lạ, xa xách, xa xôi, nên Thiên Chúa cũng dùng dấu chỉ để tỏ ý muốn của Ngài trên con người và đối với mỗi người.

Trong Cựu Ước, “Đức Chúa đã ghi dấu trên Cain để bất cứ ai gặp ông khỏi giết ông” (St 4,15), vì Thiên Chúa không muốn người ta giết ông, vì tội hạ sát em mình là Aben; Đức Chúa cũng chọn dấu chỉ của Giao Ước giữa Ngài và con người, cũng như moi sinh vật sau đại hồng thủy bằng “gác cây cung của Ngài lên mây” (x. St 9,13); hoặc lấy vết máu trên cửa làm dấu hiệu cho thiên thần  vượt qua mà không tiêu diệt các con đầu lòng của Ítraen như tai ương tiêu diệt giáng trên các con đầu lòng Ai Cập  trong đêm xuất hành rời bỏ đất nô lệ  về Đất Hứa (x. Xh 12,13); Ngài còn truyền cho dân riêng  giữ ngày sabát, “bởi vì đó là một dấu hiệu giữa Ta và con cái các ngươi qua mọi thế hệ, để người ta biết rằng chính Ta là Đức Chúa, Đấng thánh hiến các ngươi” (Xh 31, 13).

Với  những người Ngài chọn, Thiên Chúa cũng ban những dấu chỉ như với Môsê, Ngài phán: “Ta sẽ ở với ngươi. Và đây là dấu chỉ cho ngươi biết là Ta đã sai người: khi ngươi đưa dân ra khỏi Ai Cập, các ngươi sẽ thờ phượng Thiên Chúa trên núi này” (Xh 3,12); với ông Ghíttôn, Thiên Chúa cho ông biết Ngài chọn ông  để giải thoát Ítraen, dân Ngài  khỏi tay quân Mađian bằng dấu chỉ sai thần sứ của Ngài đến và “giơ đầu gậy đang cầm trong tay đụng vào thịt và bánh không men, lửa liền từ tảng đá bốc lên, đốt cháy hết thịt cùng bánh không men” (Tl 6,21).

Đến thời Tân Ước, những dấu chỉ  của Thiên Chúa cũng không ngừng được thực hiện khi “một trinh nữ sẽ thụ thai , sinh hạ con trai, và  đặt tên là Emmanuen” (Is 7,14), và từ trời “vinh quang của Chúa chiếu toả” trên các mục đồng và thiên sứ cho họ một dấu chỉ để nhận ra Đấng Cứu Độ  vừa mới sinh ra  ở Bêlem: “Anh em sẽ gặp thấy một trẻ sơ sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ” (Lc 2,12), hay như “ngôi sao lạ xuất hiện bên phương Đôn” dẫn đường cho các đạo sĩ đến bái lậy Hài Nhi Giêsu (x. Mt 2, 2); dưới biển thì sóng gió phải yên lặng; với con người thì  ma quỷ phải ra khỏi người chúng ám nhập, bệnh nhân được chữa lành, người mù, kẻ què được nhìn thấy, đi lại và người chết được sống lại.

Như thế, rất nhiều người đã được nhìn thấy những dấu chỉ trên trời, dưới đất, và ở con người mà Thiên Chúa đã làm; hơn thế nữa, họ còn đuợc tận mắt nhìn thấy Đức Giêsu như dấu chỉ của Thiên Chúa giàu lòng thương xót ở giữa con người và cứu chuộc con người, nhưng tin Ngài là Thiên Chúa, và ở lại trong Ngài như Đấng Cứu Độ nhân hậu và toàn năng thì được mấy người? Bằng chứng là ngay các môn đệ được Ngài tuyển chọn để “trở nên giống Ngài” dù đã thấy tỏ tường những dấu chỉ lạ lùng Ngài làm suốt ba năm ở với Ngài cũng vẫn không tin khi Ngài mặc khải về mầu nhiệm Mình Máu Ngài như lương thực đem lại  sự sống đời đời, đến nỗi chính Ngài đã phải thốt lên: “Trong anh em có những kẻ không tin”. “Quả thật, ngay từ đầu, Đức Giêsu đã biết những kẻ nào không tin, và kẻ nào sẽ nộp Người” (Ga 6,64). Tin Mừng Gioan còn ghi thêm: “Từ lúc đó, nhiều môn đệ rút lui, không còn đi theo Người nữa” (Ga 6, 66).  Và ở những ngày cuối đời, trên đường Thánh Giá, nhóm mười hai tông đồ là những môn đệ được coi là kiên trì, trung tín cũng có người bán Thầy, chối Thầy, bỏ Thầy mà trốn biệt tăm để bảo toàn tính mạng.

Thế mới biết, nhận ra Thiên Chúa và ý muốn của Ngài qua các dấu chỉ là chuyện không dễ: Không dễ vì thần khí thế gian khống chế, không dễ vì tư tưởng phàm tục vây bủa, không dễ vì kiêu căng, thành kiến, không dễ vì lối sống bê tha, hưởng thụ.

Nhưng nguyên nhân mang tính nền tảng đã làm chúng ta không đọc được điều Thiên Chúa muốn qua các dấu chỉ, nhất là các dấu chỉ của thời đại chính là chúng ta đã không đủ tình yêu để có thể khiêm tốn đặt mình dưới tác động của Chúa Thánh Thần, là Thần Khí của Thiên Chúa, Đấng đã làm cho chúng ta được trở nên nghiã tử của Thiên Chúa, “nhờ đó chúng ta được kêu lên: Ápba! Cha ơi!” (Rm 8,15), vì không có Chúa Thánh Thần, chúng ta không thể nhận ra mình là con cái Thiên Chúa, như thánh Phaolô đã khẳng định: “Chính Thần Khí chứng thực cho thần trí chúng ta rằng chúng ta là con cái Thiên Chúa” (Rm 8,16).

Thực vậy, chỉ là con cái Thiên Chúa, mắt chúng ta mới có ánh sáng của tình yêu Thiên Chúa để nhận ra Cha mình là Thiên Chúa qua các dấu chỉ của công trình Tạo Dựng; chỉ với tình con, trái tim chúng ta mới tràn đầy tình yêu Thiên Chúa để cung lòng có thể rung nhịp yêu mến, và  tri ân Cha mình là Thiên Chúa trước những dấu chỉ của lòng thương xót vô cùng, vô tận được thực hiện qua công trình Cứu Chuộc, và chỉ với tâm tình của người con nhiều lầm lỗi, nhưng luôn được thứ tha, chúng ta mới nhận ra Thiên Chúa là người cha nhân hậu qua mọi dấu chỉ của cuộc đời, của lịch sử  gia đình, lịch sử nhân loại và thời đại đang sống.

Nguyên xin Chúa Thánh Thần ngự đến và ban cho chúng con ơn làm con Thiên Chúa, vì chỉ mình Ngài mới “ban sự sống trong Đức Kitô Giêsu, mới giải thoát khỏi luật của tội và sự chết” (Rm 8,2), mới ban ơn bình an, và làm cho chúng con thuộc về Đức Kitô (x. Rm 8, 6.9). Chỉ mình Ngài mới làm cho chúng con nhớ lại “dấu chỉ” mà Đức Giêsu, Ngôi Lời của Thiên Chúa đã truyền cho chúng con phải trở nên (x. Ga 14,26), đó là “anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em”, vì chỉ qua dấu chỉ yêu thương này,  “mọi người mới nhận ra chúng con là môn đệ của Thầy” (x. Ga 13,34-35).

Jorathe Nắng Tím

 

 

 

 

 

 

Bài viết liên quan

Mùa Phục Sinh

TMĐP- Xin cho chúng con “biết đặt niềm tin và hy vọng vào Chúa” trên mọi nẻo đường, vì bất cứ ở đâu, và...

Cảm thức

TMĐP- Hình ảnh Mẹ Việt Nam, cũng là hình ảnh người phụ nữ một đời chỉ biết hết mình, hết tình Hy Sinh: hy...

Giáo hội

TMĐP- Chiến thuật “Đánh lận con đen”. Vừa ở trong, vừa ở ngoài, nghĩa là tuyên bố ở trong Hội Thánh, nhưng không tuân...

Giáo hội

TMĐP- Bài viết sẽ giúp quý Bạn cũng nhận ra sự khác biệt giữa danh hiệu “Mẹ Đức Giêsu Thiên Chúa làm người” theo...