Connect with us

Hi, what are you looking for?

Đức Mẹ

ĐỨC MARIA – NỮ TỲ CỦA THIÊN CHÚA

TMĐP- Nét đẹp tuyệt vời ở Đức Maria,  Mẹ Chúa Giêsu và Mẹ chúng ta chính là cuộc đời Nữ Tỳ khiêm nhu, vâng phục và xóa mình.

Đức Maria được Tin Mừng nói đến từ biến cố truyền tin. Đây là biến cố quan trọng mở đầu chương trình nhập thể, nhập thế của Đức Giêsu. Tuy là biến cố khởi đầu rất quan trọng, nhưng biến cố ấy đã xảy ra trong một tình huống rất đơn sơ, mà thánh sử Luca đã kể lại:

“Bà Êlisabét có thai được sáu tháng, thì Thiên Chúa sai sứ thần Gabrien đến một thành miền Galilê, gọi là Nadarét gặp một trinh nữ đã thành hôn với một người tên là Giuse, dòng dõi vua Đavít. Trinh nữ ấy tên là Maria. Sứ thần vào nhà trinh nữ và nói: “Mừng vui lên, hỡi đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà”. Nghe lời ấy, bà rất bối rối và tự hỏi lời chào như vậy có nghĩa gì.

“Sứ thần liền nói: “Thưa bà Maria, xin đừng sợ, vì bà đẹp lòng Thiên Chúa. Và này đây, bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giêsu. Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao”.

“Bà Maria thưa với sứ thần: “Việc ấy xảy ra thế nào được, vì tôi không biết đến việc vợ chồng!”. Sứ thần đáp: “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà, vì thế, Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa. Kià bà Êlisabét, người họ hàng với bà, tuy già rồi mà  cũng đang cưu mang một người con trai: bà ấy vẫn bị mang tiếng là hiếm hoi, mà nay đã có thai được sáu tháng. Vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được.”. Bấy giờ bà Maria nói: “ Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói ”. Rồi sứ thần từ biệt ra đi.” (Lc 1, 26-38).

Quả thực, so với cuộc truyền tin cho Dacaria, chồng của bà Êlisabét và cha của Gioan Tẩy Giả sáu tháng trước đó, thì quang cảnh truyền tin cho Đức Maria thật không có gì hoành tráng. Cũng thánh sử Luca cho chúng ta biết về cuộc truyền tin rất trang trọng, hoành tráng này:

Dacaria thuộc hàng tư tế. “Trong cuộc bắt thăm thường lệ của hàng tư tế, ông đã trúng thăm được vào dâng hương trong Đền Thờ của Đức Chúa. Trong giờ dâng hương đó, toàn thể dân chúng cầu nguyện ở ngoài.” (Lc 1,9-10). Bỗng một sứ thần của Chúa hiện ra với ông, đứng bên phải hương án. Thấy vậy, ông Dacaria bối rối và sợ hãi. Nhưng sứ thần bảo ông: “ Này ông Dacaria, đừng sợ, vì Thiên Chúa đã nhận lời ông cầu xin: bà Êlisabét, vợ ông sẽ sinh cho ông một đứa con trai, và ông phải đặt tên cho con là Gioan. Ông sẽ được vui mừng hớn hở, và nhiều người cũng sẽ được hỷ hoan ngày con trẻ chào đời. … Ông Dacaria thưa với sứ thần: “Dựa vào đâu mà tôi biết được sự ấy? Vì tôi đã già, và nhà tôi cũng đã lớn tuổi.”. Sứ thần đáp: “Tôi là Gabrien, hằng đứng chầu trước mặt Thiên Chúá, tôi được sai đến nói với ông và loan báo tin mừng ấy cho ông. Và này đây ông sẽ bị câm, không nói được, cho đến ngày các điều ấy xảy ra, bởi vì ông đã không tin lời tôi, là những lời sẽ được ứng nghiệm đúng thời đúng buổi…

“Khi thời gian phục vụ ở Đền Thờ đã mãn, ông trở về nhà. Ít lâu sau, bà Êlisabét vợ ông có thai, bà ẩn mình năm tháng. Bà tự nhủ: “Chúa đã làm cho tôi như thế đó, khi Người thương cất nỗi hổ nhục tôi phải chịu trước mặt người đời.” (Lc 1, 9-25).

Quả thực, hai cuộc truyền tin, tuy cùng được báo tin bởi tổng lãnh thiên thần Gabrien, sứ thần của Thiên Chúa, nhưng cuộc truyền tin cho Dacaria  đã được thực hiện trong Đền Thờ Giêrusalem nguy nga, tráng lệ, ở nơi cực thánh huy hoàng, giữa  buổi lễ dâng hương rất trang nghiêm, quan trọng, và có sự tham dự cầu nguyện của hàng tư tế và đông đảo dân chúng. Ông Dacaria lại thuộc hàng tư tế được trọng vọng, có tên tuổi, và hôm ấy là ngày vô cùng trọng đại và vinh dự cho ông, vì được dâng hương cho Thiên Chúa ở nơi cực thánh  hầu như chỉ xẩy ra một lần trong đời cho  một tư tế.

Khác với Dacaria, Đức Maria chỉ là một cô thôn nữ bình dị, sống với gia đình nghèo khó, ở một  ngôi làng bé nhỏ, “vô danh tiểu tốt”; cuộc truyền tin lại xảy ra tại nhà, không người chứng kiến, không báo trước, không chuẩn bị, nên không hương trầm nghi ngút, cũng chẳng  rực rỡ nến hoa; buổi truyền tin lại rất âm thầm, đơn giản, chỉ có hai người: sứ thần Gabrien và Đức Maria.

Trong hai cuộc truyền tin, chúng ta nhận thấy: Đức Maria không chờ đợi bất cứ sự gì cho riêng mình, trong khi Dacaria mong đợi và khẩn khoản nài xin Thiên Chúa ban cho ông một đứa con;  Đức Maria được thiên sứ đến tận nhà, còn Dacaria phải vào tận nơi cực thánh của Đền Thờ mới gặp được thiên sứ.

Chúng ta còn thấy sự hồn nhiên, phó thác của một đức tin vững mạnh nơi Đức Maria khi ngài hỏi thiên sứ: “Việc ấy xẩy ra thế nào được, vì tôi không biết đến việc vợ chồng!” (Lc 1, 34), trong khi Dacaria do dự, nghi ngờ khi chất vấn thiên sứ: “Dựa vào đâu mà tôi biết được điều ấy ? Vì tôi đã già, và nhà tôi cũng đã lớn tuổi.”  (Lc 1,18).

Sự khác biệt giữa Đức Maria và tư tế Dacaria là mức độ của niềm tin vào Lời Thiên Chúa, và phó thác ở Thánh Ý Ngài. Đức Maria đã tin lời truyền tin và xác quyết của thiên sứ: “Không có gì là không có thể đối với Thiên Chúa”, còn Dacaria đã không tin mình già, vợ mình lớn tuổi mà còn có thể có con như lời sứ thần vừa loan báo. Vì thế, Dacaria đã bị câm cho đến ngày Gioan chào đời, như một dấu chỉ của sự cứng lòng không tin lời sứ thần “sẽ ứng nghiệm đúng thời đúng buổi” (Lc 1,20). Và mọi việc đã xảy ra đúng như sứ thần đã nói trước: “Khi con trẻ được tám ngày, họ đến làm phép cắt bì và tính lấy tên Dacaria mà đặt cho em. Nhưng bà mẹ lên tiếng nói: Không, phải đặt tên cháu là Gioan.”. Họ bảo bà: “Trong họ hàng của bà, chẳng ai có tên như vậy cả”. Rồi họ làm hiệu hỏi người cha, xem ông muốn đặt tên cho em bé là gì. Ông xin một tấm bảng nhỏ và viết: “Tên cháu là Gioan.”. Ai nấy đều bỡ ngỡ. Ngay lúc ấy miệng lưỡi ông lại mở ra, ông nói được, và chúc tụng Thiên Chúa.” (Lc 1, 59-64).

Tất cả những khác biệt giữa hai cuộc truyền tin đã đưa đến một kết luận cuối cùng rất quan trọng là điều kiện để mầu nhiệm Thiên Chúa đến với con người được thực hiện, đó là câu trả lời của Đức Maria: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói.” (Lc 1, 38).

Câu trả lời: “Vâng, tôi là nữ tỳ của Chúa” đã quyết định tương quan của Đức Maria với Thiên Chúa. Đó là tương quan người tôi tớ khiêm tốn chỉ biết vâng lời chủ, và suốt đời Mẹ đã hoàn toàn vâng lời Thiên Chúa, để nhiệm cuộc cứu độ  nhân loại của Thiên Chúa được thực hiện.

Lời xin vâng của nữ tỳ ấy đã xác định lẽ sống và đường sống của Đức Maria. Bằng chứng là ngay từ buổi truyền tin, Mẹ đã chỉ phục vụ Thiên Chúa và làm những gì Thiên Chúa muốn Mẹ làm, dù đời Mẹ là một đường Thánh Giá như lời tiên tri của cụ già Simêon: “Còn chính bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà.” (Lc 2,35).

Cũng với lời “Xin Vâng của tôi tớ Thiên Chúa” ấy, Đức Maria đã đến với mọi người, như đến với chị họ Êlisabét một cách khiêm tốn, hồn nhiên và với tinh thần phục vụ của người tôi tớ, mặc dù không được  bà chị họ Êlisabét báo tin vui sắp có con, cũng như không được gia đình này mời. Vì thế, cuộc thăm viếng đã chỉ có thể được thực hiện bởi con người mang trái tim “tôi tớ Thiên Chúa” như Đức Maria, khi Mẹ vội vã, hối hả lên đường, ngay sau khi được sứ thần Gabrien báo tin: “Kìa bà Êlisabét  người họ hàng với bà, tuy già rồi, mà cũng đang cưu mang một người con trai: bà ấy vẫn bị mang tiếng là hiếm hoi, mà nay đã có thai được sáu tháng.” (Lc 1, 36).

Trong sự việc thăm viếng và ở lại giúp đỡ bà chị họ Êlisabét những ngày mãn nguyệt khai hoa (x. Lc 1,39-58), Đức Maria đã thi hành công việc của nữ tỳ của Chúa khi được thôi thúc đi đến nơi Thiên Chúa đang làm việc, đến gặp người Thiên Chúa đang tỏ quyền năng thương xót, đến chiêm ngưỡng, và đón nhận ơn Chúa đang ban cho dân Ngài.

Là nữ tỳ của Chúa, Mẹ đã được Chúa Thánh Thần thúc đẩy đến nơi Thiên Chúa muốn, như Đức Giêsu, Con của Mẹ đã luôn được Thánh Thần hướng dẫn. Và không chỉ đến những nơi Thiên Chúa muốn, mà còn đến để chúc tụng Thiên Chúa, ông chủ tốt lành của Mẹ, như trong kinh Tán Tụng Mẹ đã hớn hở cất lên, khi gặp chị họ Êlisabét: “Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa, thần trí tôi hớn hở vui mừng, vì Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi. Phận nữ tỳ hèn mọn, Ngài đoái thương nhìn tới.” (Lc 1, 46-48).

Nếu so sánh lời kinh tán tụng của Đức Maria và bà Anna, thân mẫu của ngôn sứ Samuen (x. 1 S 2,1-10), chúng ta thấy tinh thần của hai vị không giống nhau, tuy cùng ca ngợi quyền năng của Thiên Chúa, nhưng một bên là Đức Maria thì khiêm tốn cúi đầu thờ lạy quyền năng của Thiên Chúa “hằng thương xót những ai kính sợ Người (Lc 1,50), một bên là bà Anna dựa vào đó để sung sướng, đắc thắng trước những kẻ ngày xưa đã chế diễu, khinh thường mình; một bên là Đức Maria với tâm tình của  người tôi tớ vâng lời, và không có gì để mong ước, ngoài thánh ý Thiên Chúa, còn bên kia, bà Anna thì dường như chỉ thấy Chúa thương nhận lời van xin của mình để mình thoát khỏi tai tiếng là người son sẻ, kiểu “cây độc không trái, gái độc không con”.

Cũng với lời xin vâng của người tôi tớ Thiên Chúa trong buổi truyền tin, Đức Maria đã khiêm tốn câm lặng trước sự nghi ngờ của thánh Giuse, chồng mình, vì “trước khi hai ông bà về chung sống, bà đã có thai do quyền năng Chúa Thánh Thần” (Mt 1,18), và tuyệt đối tín thác vào ông chủ là Thiên Chúa, Đấng sẽ giải cứu mình khỏi hoàn cảnh quá éo le, khó khăn, nan giải.

Và sau cùng, với lời xin vâng của nữ tỳ bé mọn của Chúa, Đức Maria đã đón nhận mọi cơ cực, khổ đau từ lúc sinh Đức Giêsu trong hang lừa, đem con đi trốn lệnh truy lùng của vua Hêrôđê, đến những ngày lạc mất con ở Giêrusalem, rồi tháng năm dong duổi truyền giáo với bao nhiêu chống đối, đe dọa bao vây con mình, và cuối cùng là đường Thánh Giá lên Núi Sọ, ở đó Mẹ đã đứng nhìn con yêu dấu chịu đóng đinh, chết tức tưởi như người tôi tớ đau khổ, bị bỏ rơi của Thiên Chúa Giavê.

Thực vậy, xác tín và chọn lựa của Đức Maria là trở nên nữ tỳ của Chúa, cũng như thái độ và cuộc sống của Mẹ là cuộc sống và thái độ của người tôi tớ khiêm tốn và tuyệt đối vâng phục thánh ý Thiên Chúa.

Thái độ và cuộc sống nữ tỳ Chúa của Đức Mẹ đã nhắc nhở chúng ta: điều quan trọng trong khi phụng sự Chúa và phục vụ anh em không phải là “được làm gì và làm được gì”, nhưng là thái độ làm việc của một người tôi tớ biết mình vô dụng, bất xứng, và chỉ biết làm điều ông chủ muốn (x. Lc 17,10). Chính thái độ và tâm tình của người tôi tớ làm đẹp lòng Chúa hơn cả, bởi Chúa được tôn vinh nơi những người khiêm nhuờng, kính sợ Chúa, chứ không ở “những phường lòng trí kiêu căng”, và “những ai quyền thế” (Lc 1, 51-52). Đàng khác, nếu thiếu tâm tình và thái độ của người tôi tớ Chúa, chúng ta có thể rất nhiệt thành với việc Chúa, nhưng lại độc đoán, độc tài, cứng cỏi, lạnh lùng, kiêu hãnh, tự mãn, tự phụ đối với anh em, và không ngừng kể lể công lênh, ca tụng công đức, tuyên dương công trạng của mình, nhất là thay vì đóng đinh con người cũ của mình vào thập giá, ta lại thản nhiên, vô cảm ném đá, đóng đinh anh em mình.

Vâng, nét đẹp tuyệt vời ở Đức Maria, Mẹ Chúa Giêsu và Mẹ chúng ta chính là cuộc đời Nữ Tỳ khiêm nhu, vâng phục và xóa mình.

Cúi xin Mẹ thương bầu cử và dạy chúng ta sống đời Tôi Tớ Chúa như Mẹ.

Trích từ Suy Niệm ĐỨC MARIA – NỮ TỲ CỦA THIÊN CHÚA trong tuyển tập VỀ BÊN MẸ LA VANG – tác phẩm mới nhất do tác giả Jorathe Nắng Tím chấp bút đã xuất bản.

Quý bạn hữu có thể mua sách “Về Bên Mẹ La Vang” trực tiếp tại:

1/ Nhà sách Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp (Trung tâm Mục vụ Dòng Chúa Cứu Thế): 38 Kỳ Đồng – Phường 9- Quận 3- TP HCM

2/ Nhà sách Foyer de Charité Bình Triệu: 52 Đường Số 5, khu phố 1, Hiệp Bình Chánh, TP. Thủ Đức

3/ Nhà Sách Đan viện BIỂN ĐỨC NỮ THỦ ĐỨC: 35/20 đường 11, KP.3, P. Linh Chiểu, TP. Thủ Đức

Hoặc có thể đặt sách trực tuyến theo hướng dẫn tại: https://bitly.com.vn/ydmjqr

 

 

 

 

 

 

 

Bài viết liên quan

Mùa Phục Sinh

TMĐP- Xin cho chúng con “biết đặt niềm tin và hy vọng vào Chúa” trên mọi nẻo đường, vì bất cứ ở đâu, và...

Cảm thức

TMĐP- Hình ảnh Mẹ Việt Nam, cũng là hình ảnh người phụ nữ một đời chỉ biết hết mình, hết tình Hy Sinh: hy...

Giáo hội

TMĐP- Bài viết sẽ giúp quý Bạn cũng nhận ra sự khác biệt giữa danh hiệu “Mẹ Đức Giêsu Thiên Chúa làm người” theo...

Giáo hội

TMĐP- Chiến thuật “Đánh lận con đen”. Vừa ở trong, vừa ở ngoài, nghĩa là tuyên bố ở trong Hội Thánh, nhưng không tuân...