Connect with us

Hi, what are you looking for?

Các Thánh

KHÁC BIỆT QUAN TRỌNG NHẤT CỦA THÁNH GIUSE | SUY NIỆM VỀ NĂM ĐẶC BIỆT KÍNH THÁNH GIUSE

TMĐP- Khác biệt quan trọng nhất tìm được ở Thánh Giuse – người công chính của Thiên Chúa và những người công chính của thế gian khác, chính là thái độ đối với người khác” –  Trích sách “Trái Tim Người Công Chính”- Cuốn sách của năm đặc biệt kính Thánh Giuse.

Thánh Giuse là khuôn mặt rất lu mờ, rất ít được nhắc tới trong Tin Mừng, ngoại trừ thánh Matthêu với trình thuật tương đối đặc biệt liên quan đến ngài, khi nói về gốc tích của Đức Giêsu: “Bà Maria, mẹ Người, đã thành hôn với ông Giuse. Nhưng trước khi hai ông bà về chung sống, bà đã có thai do quyền năng Chúa Thánh Thần. Ông Giuse, chồng bà, là người công chính và không muốn tố giác bà, nên mới định tâm bỏ bà cách kín đáo. Ông đang toan tính như vậy, thì kìa sứ thần Chúa hiện đến báo mộng cho ông rằng: Này ông Giuse, con cháu Đavít, đừng ngại đón bà Maria, vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần. Bà sẽ sinh con trai, và ông phải đặt tên cho con trẻ là Giêsu, vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ… Khi tỉnh giấc, ông Giuse làm như lời sứ thần Chúa dạy và đón vợ về nhà” (Mt 1, 18-21.24).

Trong trình thuật trên, chúng ta thấy người công chính là Thánh Giuse đã không hành động như nhiều người tự nhận là công chính hoặc được người đời phong cho danh hiệu “người công chính”.

Khác với nhiều người tự nhận là công chính, Thánh Giuse đã rất im hơi lặng tiếng, và âm thầm sống đời công chính của mình, như tôi tớ của Thiên Chúa, không huênh hoang đức công chính sáng ngời của mình, không vênh vang lên mặt là “người công chính, rất đẹp lòng Thiên Chúa” trước đám đông bất chính, tội lỗi. Thái độ kín đáo khi định tâm bỏ Đức Mẹ đã nói lên tinh thần khiêm tốn thẳm sâu và xóa mình triệt để của ngài.

Khác với nhiều người công chính tự nhận hay được người khác tuyên phong, Thánh Giuse đã không tự mãn, tự phụ cho mình nắm chắc mọi sự, biết hết mọi điều, làm chủ được mọi tình huống, chỉ vì mình là người công chính được Thiên Chúa thương cách riêng, nhưng Ngài biết mình bé nhỏ, thiếu thốn, nhiều giới hạn, nên lo lắng, băn khoăn khi thấy Đức Mẹ có thai. Chính thái độ phân vân, do dự, đi tìm giải pháp tốt nhất cho Đức Mẹ đã nói lên nét đẹp cao quý của tâm hồn khiêm tốn, và trái tim đơn sơ của người nghèo khó trước mặt Thiên Chúa.

Khác với nhiều người tự cho mình là công chính, hay toại nguyện với đánh giá của người khác về sự công chính của mình, Thánh Giuse đã không dựa vào sự công chính của mình, mà nghĩ mình là chân lý, và sự thật thuộc về riêng mình, nhưng biết mình không là gì, và chỉ biết dựa vào quyền năng, cũng như ơn phù trợ, soi sáng của Thiên Chúa. Vì thế, khi được thiên sứ hiện đến báo mộng, Thánh Giuse đã tuyệt đối tin tưởng, phó thác và khi tỉnh giấc đã thực hiện ngay điều sứ thần dạy.

Khác với nhiều người tự phong mình là người công chính, và tìm kiếm lời chúc tụng của thiên hạ dành cho người công chính, Thánh Giuse đã lặng lẽ chu toàn bổn phận nặng nề của người chủ gia đình, với một tinh thần xóa mình, quên mình, hiến mình, đến nỗi không thánh sử nào đã viết thêm gì về Ngài, ngoài  những biến cố của thánh gia như giáng sinh ở Bêlem (x. Lc 2,1-17), tiến dâng Đức Giêsu cho Thiên Chúa (x. Lc 2,22-29),  trốn sang Ai Cập (x. Mt 2,13-15), từ Ai Cập trở về đất Ítraen (x. 2,19-22), Đức Giêsu bị lạc mất ở Giêrusalem (x. Lc 2,41-50), và  Đức Giêsu trở lại thăm quê nhà Nadarét (x. Lc 4,16-24). Vì thế chúng ta biết rất ít về Ngài.

Khác biệt quan trọng nhất mà chúng ta tìm được ở Thánh Giuse – người công chính của Thiên Chúa, và những người công chính của thế gian khác, chính là thái độ đối với người khác.

Thực vậy, nếu trường hợp Đức Mẹ “có thai mà chưa ăn ở với chồng” rơi vào tay những “người công chính” kiểu thế gian khác, thì chưa chắc Đức Mẹ đã được yên, bởi những người công chính này sẽ nhân danh sự công chính “rất thánh thiện, không tì ố” của họ để lớn tiếng hạch sách, tra khảo, tố cáo, lên án người bị coi là ô uế, tội lỗi, bất chính, bất trung.

Những người công chính kiểu thế gian ấy sẽ không đủ khiêm tốn của người công chính đích thực như Thánh Giuse, để biết mình cũng là con người, nên có thể sai, có thể chưa thấy rõ, chưa nắm hết sự thật, chưa hiểu cặn kẽ đầu đuôi, ngọn ngành câu chuyện, để bình tĩnh đợi chờ ánh sáng của Thiên Chúa, và bình tâm đón nhận giải pháp bác ái, vị tha. Họ cũng sẽ không đủ tình yêu để cảm thông, thương xót người đang lâm cảnh dễ bị kết án, trừng phạt, để có thể như Thánh Giuse, người công chính của Thiên Chúa thà chịu thiệt thân hơn để người khác khổ thân, kể cả khi người ấy xem ra có lỗi.

Trước người vợ rành rành có thai mặc dù chưa một lần ân ái, người công chính của đời thường sẽ khó có thể bao dung, độ lượng, và tìm một giải pháp không làm tổn thương “người vợ phản bội, ngoại tình”, như người công chính Giuse đã định tâm bỏ đi cách kín đáo để giữ thanh danh cho Đức Mẹ, nhưng sẽ “làm ra nhẽ, truy tìm cho ra sự thật” và dậy cho người có lỗi, có tội một hoặc nhiều “bài học nhớ đời” cùng lúc.

Sở dĩ người công chính theo kiểu thế gian “mạnh tay, bạo miệng” trước người khác, nhất là trước người bị coi là bất chính, vì họ cho mình có quyền trên người khác, chỉ vì họ là người công chính. Nói cách khác, danh hiệu công chính cho họ quyền bất khả xâm phạm, đồng thời quyền xâm phạm bất cứ ai.

Quyền của người công chính còn cho họ nhân danh chân lý, nhân danh cơ chế, nhân danh lề luật, nhân danh bàn thờ, nhân danh thiên đàng, hỏa ngục, và nhân danh cả Thiên Chúa để độc quyền luận tội, độc quyền kết án, độc quyền ra hình phạt cho những ai dưới mắt họ là bất chính, mà không cần tìm hiểu, lắng nghe một cách công tâm, khách quan, lương thiện, bởi người công chính với họ là người có quyền nắm giữ  toàn phần chân lý.

Người công chính kiểu thế gian còn là người kiêu căng, vô cảm, khi tự cho mình vị thế cao ngất ngưởng vượt trội mọi người, và vì cao xa, nên không nhịp cầu thông cảm nào nối được họ với những con người thấp kém, mọn hèn, yếu đuối khác. Vì thế, họ mang ảo tưởng là thần thánh, siêu nhân trước đám đông phàm tục, tầm thường. Từ đó trái tim họ khép kín, băng giá, chai lì, cằn cỗi, vô cảm. Và vì vô cảm, họ không biết cảm thương, chạnh lòng, nên ác ôn, tàn bạo, nhẫn tâm là điều khó tránh trong tư tưởng, lời nói, hành động của những người công chính kiểu thế gian này.

Họ cũng là người giả hình, xảo trá, vì một lý do: phải giữ đến cùng danh hiệu công chính đã dày công tự tạo, lâu ngày “tô son trát phấn”, hoặc tốn kém mua chuộc, bởi mất đi danh hiệu công chính này, tất cả con người họ sẽ sụp đổ, vì họ đã lỡ xây dựng đời họ trên ảo tưởng thánh thiện, ảo tưởng công chính, điều mà Thiên Chúa không bao giờ cho phép, như Đức Giêsu đã nặng lời trách mắng những kinh sư và Pharisêu giả hình trong Tin Mừng Mátthêu chương 23.

*

Là người công chính của Thiên Chúa, Thánh Giuse không những phản ánh dung mạo hiền lành chịu đựng, khiêm nhường phục vụ, mà còn chiếu sáng lòng nhân hậu, thương xót, bao dung của Đức Giêsu, Thiên Chúa làm người, mà Thánh Cả được chọn làm cha nuôi.

Như Đức Giêsu, người công chính ở Thánh Giuse không chụp mũ ai là kẻ tội lỗi, ngay cả người ấy đáng tội; không lên án ai là kẻ bất chính, vì Thiên Chúa làm mưa nắng trên cả kẻ dữ lẫn người lành (x.Mt 5,45); không ra tay điểm mặt ai là kẻ “đáng sa hoả ngục”, “vì ở đâu tội lỗi đầy tràn, ở đó ơn sủng chứa chan” (Rm 5,20); không thẳng tay “sát thủ” ném đá ai, vì biết chẳng ai là người không có tội trước mặt Thiên Chúa (x. Ga 8,1-11); không dồn ai vào đường cùng, thế bí, vì thánh nhân nào chẳng có một qúa khứ nhạt nhòa lầm lỗi, và một tương lai tràn đầy hy vọng; không từ chối ai một bàn tay nâng đỡ, một lời nói ủi an, một tâm sự chia sẻ, một bước chân đồng hành, một việc làm cứu chữa, bởi công chính của Thiên Chúa chính là thương xót, cứu độ; công chính của Thiên Chúa là hiến mình chuộc tội; công chính của Thiên Chúa là “tha cho cả những kẻ làm khổ mình” với tình yêu chống chế, bênh vực: “Vì họ không biết việc họ làm” của Đức Giêsu, Đấng tuyệt đối công chính đã thương xót tha thứ cho hết mọi người trên Thánh Giá (Lc 23,34).

Thực vậy, rất nhiều khi chúng ta nghĩ mình là người công chính và đã làm tổn thương anh em; rất nhiều lần chúng ta ảo tưởng mình thánh thiện và đã khinh khi, dập vùi người khác; rất nhiều người lầm tưởng chúng ta công chính và chúng ta đã vui vẻ để họ « kính sợ, thần tượng » mà không tự hổ thẹn, ngại ngùng; rất nhiều trường hợp chúng ta đã lợi dụng người yếu đuối, đã ăn cắp công sức của  người bé mọn, đã đạp lên  người nhẹ dạ, dễ tin để đạt cho kỳ được danh hiệu người công chính, và không biết bao nhiêu lần, chúng ta đã mượn hai chữ “công chính” để làm những điều bất chính, mà cứ thảnh thơi, thư thới với lương tâm  công chính giả hiệu của mình.

Lễ Thánh Giuse, người công chính của Thiên Chúa, là dịp để chúng ta học với Ngài gương sống của người công chính đích danh, đích thực: khiêm tốn thẳm sâu, xóa mình phục vụ, không bao giờ chụp mũ ai là người tội lỗi, miệt thị ai là kẻ bất chính, bất lương, vì người công chính của Thiên Chúa phải giống Thiên Chúa là “Chiên gánh tội trần gian” (Ga 1,29), và là “Đấng từ bi nhân hậu, chậm bất bình và chan chứa tình thương” (Tv 102,8).

Trong tâm tình hướng về “Năm Đặc Biệt Kính Thánh Giuse”, quý bạn hữu có thể đặt mua cuốn sách Trái Tim Người Công Chính (tác giả Jorathe Nắng Tím) trực tiếp tại:

1/ Nhà Sách Dòng Mẹ Chúa Cứu Chuộc ( Dòng Đồng Công cũ ) : 521 Tô Ngọc Vân, Tam Phú, Thủ Đức: 521 Tô Ngọc Vân, Tam Phú, Thủ Đức

2/Nhà sách Foyer de Charité Bình Triệu: 52 Đường Số 5, khu phố 1, Hiệp Bình Chánh, Thủ Đức

3/ Nhà sách Toà Giám Mục Thanh Hoá- 50 Nguyễn Trường Tộ – P.Trường Thi – TP. Thanh Hóa.

Quý bạn hữu gần xa có thể đặt trực tuyến tại link: https://bom.to/j3V3UPnCOOt

 

 

 

 

 

 

Bài viết liên quan

Mùa Phục Sinh

TMĐP- Xin cho chúng con “biết đặt niềm tin và hy vọng vào Chúa” trên mọi nẻo đường, vì bất cứ ở đâu, và...

Cảm thức

TMĐP- Hình ảnh Mẹ Việt Nam, cũng là hình ảnh người phụ nữ một đời chỉ biết hết mình, hết tình Hy Sinh: hy...

Giáo hội

TMĐP- Bài viết sẽ giúp quý Bạn cũng nhận ra sự khác biệt giữa danh hiệu “Mẹ Đức Giêsu Thiên Chúa làm người” theo...

Giáo hội

TMĐP- Chiến thuật “Đánh lận con đen”. Vừa ở trong, vừa ở ngoài, nghĩa là tuyên bố ở trong Hội Thánh, nhưng không tuân...