Connect with us

Hi, what are you looking for?

Cảm thức

NGƯỜI PHỤ NỮ TRONG TRÁI TIM ĐỨC GIÊSU | Chuỗi “Chân Dung Người Phụ Nữ Trong Tin Mừng” | Bài 02

TMĐP- Suốt cuộc đời dương thế, Đức Giêsu đã không chỉ quan tâm, nói với, lắng nghe, ngưỡng mộ, tuyên dương những người phụ nữ Ngài gặp, mà còn bênh vực, che chở, tranh đấu cho quyền sống, nâng cao giá trị phụ nữ, và đón nhận họ làm môn đệ Ngài.

Qua hình ảnh những  người phụ nữ trong Tin Mừng, ít nhiều chúng ta cũng thấy Đức Giêsu là người bênh vưc phụ nữ một cách quyết liệt: Ngài bất chấp Luật Môsê bênh vực người phụ nữ ngoại tình bị bắt quả tang (x. Ga 8,2-11);  bênh vực người phụ nữ bị xã hội và tôn giáo coi là ô uế vì mắc bệnh băng huyết đã lén sờ vào áo Ngài (x. Mt 9, 20-22); bất chấp truyền thống thù nghịch của dân tộc Ngài để bênh vực người phụ nữ ngoại giáo xứ Canaan khi ca tụng lòng tin của bà (x. Mt 15,21-28); bất chấp thị phi, đàm tiếu của các kinh sư và người Pharisêu để bênh vực người phụ nữ mang tiếng đĩ thoã, lăng loàn khi cô “đứng đằng sau, sát chân Người mà khóc, lấy nước mắt mà tưới ướt chân Người và lấy dầu thơm mà đổ lên” (x. Lc 7,36-50 ); Ngài còn bảo vệ người phụ nữ góa bụa nghèo khó đã “rút từ cái túng thiếu của mình”, mà bỏ vào thùng tiền dâng cúng của Đền Thờ “tất cả những gì bà có để nuôi sống mình” trước cái nhìn khinh bạc của những người giàuthích phô trương (x. Lc 21,1-4).

Không chỉ quyết liệt bênh vực, Ngài còn đứng hẳn về phía phụ nữ để nâng cao gía trị của phái yếu bằng trao đổi với họ những vấn đề thần học, chia sẻ những băn khoăn, thao thức, ước mơ như bên bờ giếng Giacóp, Ngài đã cùng người phụ nữ Samari lâu giờ tâm sự (x. Ga 4,1-42); và đặc biệt không bao giờ Ngài gắt gỏng, hay khiển trách một người phụ nữ nào, cả khi người ấy càm ràm xin Ngài điều họ không biết như bà  mẹ hai con ông Dêbêđê đã xin cho hai con, “một người ngồi bên hữu, một người ngồi bên tả Ngài” trong Vương Quốc của Ngài (x. Mt 20,20-23).

Ngoài ra, Tin Mừng còn cho chúng ta thấy Ngài rất quan tâm đến đời sống người phụ nữ, và tế nhị đề cập những vấn đề liên quan đến phái đẹp với một tấm lòng yêu thương trìu mến rất đặc biệt.

1. Đức Giêsu luôn chạnh lòng thương người phụ nữ:

Hầu như không bao giờ Ngài từ chối một lời van xin nào của phụ nữ, mà đa phần chính Ngài là người mở đầu câu chuyện (x. Ga 4, 7), làm bước chân thứ nhất đến với người phụ nữ đang có vần đề, như đã tự ý đến chữa bệnh cho nhạc mẫu của Phêrô (x. Mt 8,14-15); tự ý “lại gần, sờ vào quan tài” con trai của bà góa thành Nain và cho con bà sống lại, sau khi nói với người mẹ đáng thương: “Bà đừng khóc nữa!” (x. Lc 7, 11-17); hoặc như khi trở về Bêtania viếng mộ phần  Ladarô, thấy cô Maria, chị người qúa cố khóc, “Đức Giêsu thổn thức trong lòng và xao xuyến”. Người hỏi: “Các người để xác anh ấy ở đâu?”. Họ trả lời: “Thưa Thầy, mời Thầy đến mà xem”. Đức Giêsu liền khóc” (Ga 11,33.34).

Không chỉ chạnh lòng thương hoàn cảnh thực tế của người phụ nữ, Đức Giêsu còn chạnh lòng trước viễn cảnh tương lai đen tối của những người phụ nữ Ngài gặp trên đuờng vác Thánh Giá đến nơi hành quyết khi an ủi họ: “Hỡi chị em thành Giêrusalem, đừng khóc thương tôi làm gì. Có khóc thì khóc cho phận mình và cho con cháu. Vì này đây sẽ tới những ngày người ta phải nói: “Phúc thay đàn bà hiếm hoi, người không sinh không đẻ, kẻ không cho bú mớm!… Vì cây xanh tươi mà người ta còn đối xử như thế, thì cây khô héo sẽ ra sao?” (Lc 23,28-29.31).

2. Đức Giêsu không bỏ quên phụ nữ trong lời giảng dạy:

Trước hết, đối tượng loan báo Tin Mừng của Ngài gồm nam và nữ, già trẻ lớn bé, người giàu, kẻ nghèo, người tốt lành, kẻ tội lỗi. Tắt một lời Ngài không khước từ ai, không loại bỏ người nào.

Đặc biệt khi dùng dụ ngôn, và những hình ảnh của đời sống thường ngày để giảng dạy, Đức Giêsu đều nhớ đến phụ nữ, như khi nói về những nghề nghiệp của đàn ông như chăn chiên, thợ nề, thợ làm vườn nho, người làm vườn, Ngài đều không quên đề cập ngay sau đó những nghề làm bánh, thêu thùa, may vá, và dọn dẹp nhà cửa của phụ nữ.

Bằng chứng là ngay sau khi  trình bầy “Nước Thiên Chúa giống như chuyện một hạt cải người nọ lấy gieo trong vườn mình. Nó lớn lên và trở thành cậy, chim trời làm tổ trên cành được” (Lc 13,19), Ngài liền ví: “Nước Thiên Chúa giống như chuyện nắm men bà kia lấy vùi vào ba thúng bột, cho đến khi tất cả bột dậy men” (Lc 13,21).

Cũng Tin Mừng Luca, chương 15, trước khi mặc khải lòng thương xót của Thiên Chúa qua dụ ngôn người cha nhân hậu (x. Lc 15, 11-32), Đức Giêsu đã kể câu chuyện  của hai người, một người đàn ông là mục tử, và người đàn bà là nội trợ:  Người đàn ông  mục tử để  lạc mất con chiên, người đàn bà nội trợ  đánh mất đồng tiền. Cả hai cùng đi tìm cho kỳ được và khi tìm thấy, cả hai đều vui mừng mời bạn bè, hàng xóm đến chung vui (x. Lc 15, 4-10).

Lần khác, ở chương 12, thánh sử Luca ghi lại nội dung bài giảng về lòng tin tưởng vào Thiên Chúa quan phòng, ở đó Đức Giêsu nói đến những cánh chim trời. “Chúng không gieo, không gặt, cũng không có kho có lẫm, thế mà Thiên Chúa vẫn nuôi chúng” (Lc 12, 24), đồng thời vẽ lên hình ảnh những bông huệ. “Chúng không kéo sợi, dệt vải, thế mà, ngay cả vua Salômôn, dù vinh hoa tột bậc, cũng không mặc đẹp bằng một bông hoa ấy” (Lc 12, 27). Quả thực, khi nói đến gieo gặt, và  thu cất lúa thóc  vào kho lẫm là nghề của đàn ông, Đức Giêsu đã không quên công việc của phụ nữ là “kéo sợi, dệt vải”.

Thế mới biết Ngài tinh tế, ý nhị và công bằng đối với người nam và người nữ, đúng hơn là đặc biệt quan tâm, yêu thương, bênh vực và nâng cao người phụ nữ để họ không phải thiệt thòi trong một xã hội trọng nam khinh nữ, và một tôn giáo với Lề Luật dành nhiều ưu thế cho người nam.

3. Đức Giêsu tranh đấu cho quyền sống hanh phúc của phụ nữ:

Xã hội Do Thái thời Đức Giêsu đích thực là một xã hội trọng nam khinh nữ. Vì thế, đọan Kinh Thánh nói về công trình tạo dưng người nữ, khi “Thiên Chúa phán: “Con người ở một mình không tốt. Ta sẽ làm cho nó một trợ tá tuơng xứng với nó” (St 2,19). Thế rồi “Đức Chúa là Thiên Chúa cho một giấc ngủ mê ập xuống trên con người, và con người thiếp đi. Rồi Chúa rút một cái xương sườn của con người ra, và lắp thịt thế vào. Đức Chúa là Thiên Chúa lấy cái xương sườn đã rút ra từ con người ra, làm thành một người đàn bà và dẫn đến với con người. Con người nói: “Phen này, đây là xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi. Nàng sẽ được gọi là đàn bà, vì đã được rút từ đàn ông ra” (St 21-23) đã bị bóp méo, và hiểu sai bởi phần đông người Do Thái.

Theo họ, “con người” tức Ađam đã được tạo dựng trước Evà, người đàn bà. Đàng khác, người đàn bà được tạo ra từ người đàn ông, nên phụ thuộc đàn ông, và được coi như người trợ giúp, phục vụ và phải phục tùng người đàn ông.

Ở giữa một “thế giới” thuộc về đàn ông, và đàn ông nắm toàn quyền trong sinh hoạt  gia đình, xã hội, tôn giáo, người đàn bà Do Thái chịu nhiều thiệt thòi, mà hôn nhân là lãnh vực người phụ nữ chịu nhiều thiệt thòi nhất:

a. Thiệt thòi vì không được tự do chọn bậc sống:

Ở thời Đức Giêsu, các thanh niên Do Thái được thúc đẩy lập gia đình vào độ tuổi mười bẩy, mười tám, trong khi thiếu nữ  thường  ở tuổi mười hai, và việc lập gia đình được coi như nghĩa vụ thánh, bởi Thiên Chúa đã trao cho loài người sứ mạng “sinh sôi nẩy nở thật nhiều, cho đầy mặt đất, và thống trị mặt đất” (St 1,28), nên không lấy vợ lấy chồng là đi ngược Thánh Ý, và  đối với một số  trường phái Do Thái lúc bấy giờ, chọn ở độc thân  bị coi là tội ác chống lại nhân loại và ý muốn của Thiên Chúa.

Quả thực, rất ít người đã  sống độc thân trong xã hội Do Thái. Chúng ta có thể kể ra một số trường hợp độc thân hi hữu như ngôn sứ Giêrêmia ở thế kỷ thứ sáu trước Công Nguyên, người được Đức Chúa phán dạy: “Ngươi đừng cưới vợ; đừng có con trai, con gái ở nơi này” (Gr 16,2). “Nơi này” chính là sứ xở bị đe dọa bởi quân thù, và sẽ rơi vào tay Nabucôđônôso, vua Babylon: Giêrusalem sẽ bị tàn phá và  con dân sẽ bị phân tán lưu đầy (x. Gr 16,3-4. 13). Gần thời Tân Ước thì có nhóm Esseni chọn nếp sống độc thân, khổ hạnh, tiếp đến là Gioan Tẩy Giả, vị tiền hô của Đức Giêsu, rồi Gioan và sau Đức Giêsu là Phaolô.

Chính vì độc thân không được coi là bậc sống xứng hợp với Lề Luật và Thiên ý, mà người phụ nữ Do Thái trong xã hội đàn ông nắm toàn quyền phải gánh chịu nhiều  thiệt thòi, vì không có lựa chọn nào khác ngoài lấy chồng.

Đức Giêsu đã đến trong bối cảnh này và sống độc thân. Chọn lựa độc thân của Ngài thực sự đã mở đầu cuộc cách mạng nhân quyền, ở đó, người ta có quyền chọn cho mình một bậc sống thích hợp mà không nhất thiết phải cưới vợ, lấy chồng.

Một điểm đáng chú ý khác ở Đức Giêsu, đó là trong suốt ba năm rao giảng Nước Thiên Chúa, chưa bao giờ Ngài dạy người phụ nữ phải lấy chồng, hay lên tiếng khẳng định giá trị của phụ nữ chỉ tìm thấy ở bậc sống làm vợ, làm mẹ, vì đối với Ngài: giá trị đích thực của một người hệ tại ở việc người ấy thi hành ý muốn của Cha Ngài trên trời (x. Mt 12,50).

Thánh Phaolô, tông đồ dân ngoại đã qủang diễn đầy đủ ý nghĩa của việc tự do chọn bậc sống trong thư gửi giáo đoàn Côrinthô: “Tôi muốn anh chị em không phải bận tâm lo lắng điều gì. Đàn ông không có vợ thì chuyên lo việc Chúa : họ tìm cách làm đẹp lòng Người. Còn người có vợ thì lo làm đẹp lòng vợ, thế là họ bị chia đôi. Cũng vậy, đàn bà không có chồng và người trinh nữ thì chuyên lo việc Chúa, để thuộc trọn về Người cả hồn lẫn xác. Còn người có chồng thì lo lắng việc đời: họ tìm cách làm đẹp lòng chồng” (1 Cr 7, 32-34).

Thánh Tông Đồ còn qủa quyết: ngài nói thế là để mọi người tìm được điều ích lợi và tốt lành cho chính mình, nhất là để “gắn bó với Chúa mà không bị giằng co” (1 Cr 7,35). Thánh nhân muốn nói đến giằng co giữa Lề Luật – Truyền Thống và tự do chọn  bậc sống của mỗi người.

b. Thiệt thòi trong trường hợp hôn nhân đổ vỡ:

Ngoài trường hợp bị cưỡng hiếp (x. Đnl 22, 28-29), hoặc “khi một người đàn ông lấy vợ và ăn nằm với nàng, rồi ghét bỏ nàng, vu khống và bôi xấu danh dự nàng”, mặc dù nàng còn trinh và chứng minh được mình còn trinh, “thì nàng sẽ là vợ người ấy và suốt đời người ấy không thể rẫy nàng (x. Đnl 22,13-19), người phụ nữ trong xã hội, tôn giáo Do Thái không có nhiều thuận lợi khi hôn nhân có vấn đề và người chồng muốn ly dị.

Tin Mừng Matthêu soi sáng cho chúng ta vấn đề nhiêu khê này và thân phận hẩm hiu của người  phụ nữ thời Đức Giêsu khi ghi lại: “Có mấy người Pharisêu đến gần Đức Giêsu để thử Người. Họ nói: “Thưa Thầy, có được phép rẫy vợ mình vì bất cứ lý do nào không?” (Mt 19,3).

Sở dĩ họ hỏi Đức Giêsu, vì họ muốn biết Ngài ủng hộ trường phái nào, vì vào thời Ngài, có hai trường phái đứng đầu bởi hai đại kinh sư tên là Hillel và Shammaï. Theo trường phái Shammaï thì người chồng có thể bỏ vợ mình trong trường hợp nàng có lỗi nặng, trong khi trường phái Hillel thì chỉ cần nàng  không làm vui lòng chồng như nấu ăn không ngon cũng đủ cấu thành lý do để nàng bị chồng rẫy bỏ, ly dị.

Trước câu hỏi mang tính thách đố của họ, Đức Giêsu đã không trả lời thẳng, nhưng đặt lại vấn đề bằng  đưa họ về với chân lý căn bản của hôn nhân, đó là “Thưở ban đầu, Thiên Chúa  sáng tạo con người có nam có nữ…. Bởi thế, người đàn ông lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai thành một xương một thịt” (St 1,27; 2,24), và Ngài khẳng định: “Vậy, sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly” (Mt 19,6).

Tất nhiên kết luận của Đức Giêsu không làm họ hài lòng, vì trái với điều họ mong đợi, nên họ liền lấy Luật Môsê ra để bắt bẻ Ngài: “Thế sao ông Môsê lại truyền cấp giấy ly dị mà rẫy vợ? (Mt 19,7). Nhưng họ đã không ngờ Đức Giêsu đã không ngại nói thẳng với họ: “Vì các ông lòng chai dạ đá, nên ông Môsê đã cho phép các ông rẫy vợ, chứ thưở ban đầu, không có thế đâu” (Mt 19,8).

Tóm lại, người phụ nữ thời Đức Giêsu chịu nhiều thiệt thòi trong hôn nhân, vì đàn ông không ngừng tìm đủ lý lẽ, tận dụng mọi quyền hành, khai thác mọi sơ hở, yếu đuối của phụ nữ để bành trướng sức mạnh thống trị và tạo mọi điều kiện thuận lợi để  đáp ứng tham vọng và lòng ích kỷ, hưởng thụ của mình.

Khi nói với những người Pharisêu những điều trên, Đức Giêsu đã công khai tranh đấu cho  quyền sống hạnh phúc của người phụ nữ thời Ngài, bằng trả lại cho người phụ nữ  tự do chọn bậc sống và công bằng trong đời sống hôn nhân.

4. Đức Giêsu đón nhận phụ nữ làm môn đệ Ngài:

Nếu môn đệ là người yêu mến, đi theo, lắng nghe, và sống chết với Thầy mình, thì có rất nhiều phụ nữ đã yêu mến, đi theo, lắng nghe và sống chết với Đức Giêsu.

Họ là những người phụ nữ có mặt khi Ngài chịu đóng đinh. “Các bà này đã đi theo Đức Giêsu từ Galilê để giúp đỡ Người” (Mt 27,55); họ là những người đã cùng Ngài lên Giêrusalem (x. Mc 15,41); là những người cùng đi với Ngài và Nhóm Mười Hai qua các thành phố, làng mạc, rao giảng và loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa, lại lấy “của cải mình mà giúp đỡ Đức Giêsu và các môn đệ” (x.Lc 8,1-3); là những người đã tin vào Ngài và biểu lộ lòng tin yêu nồng nàn,  mãnh liệt như Maria Mácđala, người phụ nữ được Ngài gọi tên bên ngôi mộ trống và sai đi loan báo tin mừng Phục Sinh cho các Tông Đồ (x. Ga 20,11-18); là những người say mê lắng nghe lời Ngài như Maria, và nhiệt tình phục vụ Ngài như cô chị Mácta ở Bêtania (x. Lc 10,38-42).

Quả thực, suốt cuộc đời dương thế, Đức Giêsu đã không chỉ quan tâm, nói với,  lắng nghe, ngưỡng mộ, tuyên dương những người phụ nữ Ngài gặp, mà còn bênh vực, che chở, tranh đấu cho quyền sống, nâng cao giá trị phụ nữ, và đón nhận họ làm môn đệ Ngài, vì tình Ngài dành cho họ luôn luôn tha thiết và mãi mãi mặn nồng.

Vâng, ngay hôm nay và cho đến tận thế, Đức Giêsu vẫn hằng mong được gặp  mọi người phụ nữ  trên thế giới này, như đã gặp những người phụ nữ cùng Ngài dong duổi trên hành trình loan báo và làm chứng Tin Mừng “Thiên Chúa là Tình Yêu Thương Xót, Cứu Độ”.

Không biết chị có cho Ngài cơ hội gặp gỡ qúy báu này không?

Jorathe Nắng Tím

 

 

 

 

 

 

 

 

Bài viết liên quan

Mùa Phục Sinh

TMĐP- Xin cho chúng con “biết đặt niềm tin và hy vọng vào Chúa” trên mọi nẻo đường, vì bất cứ ở đâu, và...

Cảm thức

TMĐP- Hình ảnh Mẹ Việt Nam, cũng là hình ảnh người phụ nữ một đời chỉ biết hết mình, hết tình Hy Sinh: hy...

Giáo hội

TMĐP- Bài viết sẽ giúp quý Bạn cũng nhận ra sự khác biệt giữa danh hiệu “Mẹ Đức Giêsu Thiên Chúa làm người” theo...

Giáo hội

TMĐP- Chiến thuật “Đánh lận con đen”. Vừa ở trong, vừa ở ngoài, nghĩa là tuyên bố ở trong Hội Thánh, nhưng không tuân...