Connect with us

Hi, what are you looking for?

Mùa Thường Niên

THỜI CỦA TIN MỪNG CỨU ĐỘ | Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật III Thường Niên, Năm A

TMĐP- Thời đại của Nước Thiên Chúa là thời của “trời mới, đất mới”, khi những gì cũ khống chế con người được Thiên Chúa tháo gỡ và mọi người được tự do đón nhận ơn cứu độ của Ngôi Lời là Đức Giêsu Kitô.

Triều đại của Đức Giêsu đã được Cựu Ước loan báo từ nhiều ngàn năm trước qua các ngôn sứ của Thiên Chúa. Đây là thời của Tin Mừng, ở đó thế giới đuợc biến đổi, con người được hạnh phúc vì không còn chịu cảnh nô lệ, nhưng được làm con cái tự do của Thiên Chúa.

Ngôn sứ Isaia đã cực tả thời đại Thiên Chúa đổi mới thế giới khi tuyên sấm về Đức Giêsu, Đấng sẽ đến và bẻ gẫy “cái ách đè trên cổ dân, cây gậy đập xuống vai họ, và ngọn roi của kẻ hà hiếp” (Is 9, 3). Ngài cũng thiêu rụi “những chiếc giầy lính nện xuống rần rần và mọi áo choàng đẫm máu” (Is 9,4), bởi “một trẻ thơ đã chào đời để cứu ta. Người gánh vác quyền bính trên vai.” (Is 9,5). Và bóng tối đọa đầy, xiềng xích ô nhục của dân Ngài sẽ được thay bằng ánh sáng “mừng vui trong ngày gặt”, và “niềm hỷ hoan khi chia nhau chiến lợi phẩm” (Is 9,2). Ánh sáng đó chính là Đức Giêsu, Thiên Chúa cứu độ.

Bước vào thời Tân Ước là thời của Tin Mừng cứu độ, chính Đức Giêsu cũng đã nhắc lại lời ngôn sứ Isaia loan báo về mình và thực hiện những điều đã được báo trước: “Ngài đi khắp miền Galilê, giảng dậy trong các hội đường, rao giảng Tin Mừng Nước Thiên Chúa, và chữa hết mọi kẻ bệnh hoạn tật nguyền trong dân” (Mt 4,23).

Qua các bài đọc phụng vụ của chúa nhật này, chúng ta nhận ra:

1/ Tin Mừng cứu độ không bị đóng khung, be bờ, giới hạn cho riêng một dân tộc, một vùng miền, một trình độ, hay đẳng cấp nào, nhưng phổ quát và dành cho tất cả mọi người, ở moi nơi, mọi thời, không phân biệt, loại trừ ai.

Bằng chứng là Đức Giêsu đã bỏ Nadarét đến ở Caphácnaum, một thành ven biển hồ Galilê, thuộc địa hạt Dơvulun vá Náptali (Mt 4,12), địa danh mà ngôn sứ Isaia đã nói đến: “Này đất Dơvulun và Náptali, hỡi con đường ven biển, và vùng tả ngạn sông Giođan, hỡi Galilê, miền đất dân ngoại ! Đoàn dân đang ngồi trong cảnh tối tăm đã thấy một ánh sáng huy hoàng, những kẻ đang ngồi trong vùng bóng tối của tử thần nay được ánh sáng bừng lên chiếu rọi” (Mt 4, 15-16; x. Is 8,23).

2/ Đức Giêsu không một mình loan báo Tin Mừng, nhưng cần đến con người:

Ngay khi “bắt đầu rao giảng và nói rằng: “Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần” (Mt 4,17), Đức Giêsu “đi dọc theo biển hồ Galilê, thì thấy hai anh em nhà kia, là ông Simôn, cũng gọi là Phêrô, và người anh là ông Anrê, đang quăng chài xuống biển… Người bảo các ông : “Các anh hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người  như lưới cá.” . Lập tức hai ông bỏ chài lưới mà đi theo Người. Đi một quãng nữa, Người thấy hai anh em khác con ông Dêbêđê, là ông Giacôbê và người em là ông Gioan… Người gọi các ông. Lập tức, các ông bỏ thuyển, bỏ cha lại mà đi theo Người” (Mt 18-22).

Quả thực, Đức Giêsu không thi hành sứ vụ một mình, nhung cần những con người và Ngài đã mời gọi họ đi theo Ngài để loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa. Nhưng để thực hiện chương trình kiến tạo một trời mới, đất mới, Ngài cần những người có  trái tim quảng đại, có lòng nhiệt thành, sẵn sàng xả thân bỏ mình, và qủa cảm, nhẫn nhục  vác trên vai không chỉ  “thập giá mình”, mà cả thập giá của  anh em.

3/ Tin Mừng là chính Đức Giêsu:

Điểm quan trọng khác nữa, đó là Tin Mừng Nước Thiên Chúa không là một học thuyết, thậm chí cũng không là một  giáo thuyết, nhưng là con người Đức Giêsu, và người môn đệ được sai đi để làm chứng về Con Người Thiên Chúa; được mời gọi giới thiệu cho mọi người Thiên Chúa làm người là Đức Giêsu Kitô đã chết và sống lại vì yêu con người, như thánh Phaolô đã khẳng định: Tin Mừng quy hướng về Đức Giêsu chịu đóng đinh và chỉ là Đức Giêsu, Đấng chịu đóng đinh, khi viết cho giáo đoàn Côrinthô: “Đức Kitô đã chẳng sai tôi đi làm phép rửa, nhưng sai tôi đi rao giảng Tin Mừng, và rao giảng không bằng lời lẽ khôn khéo, để thập giá Đức Kitô khỏi trở nên vô hiệu” (1 Cr 1,17). “Vì hồi còn ở giữa anh em, tôi đã không muốn biết đến chuyện gì khác ngoài Đức Giêsu Kitô, mà là Đức Giêsu Kitô chịu đóng đinh” (1 Cr 2,2).

Tóm lại, thời đại của Nước Thiên Chúa là thời của “trời mới, đất mới”, khi những gì cũ khống chế con người được Thiên Chúa tháo gỡ và mọi người được tự do đón nhận ơn cứu độ của Ngôi Lời là Đức Giêsu Kitô.

Riêng người Kitô hữu, chúng ta được thuộc về Đức Giêsu và ở trong gia đình Giáo Hội của Ngài. Vinh dự này thúc bách chúng ta sống tinh thần của Tin Mừng là Đức Giêsu bằng “hát lên mừng Chúa, chúc tụng Thánh Danh! Ngày qua ngày, hãy loan báo ơn Người cứu độ, kể cho muôn dân biết Người thật là vinh hiển, và cho muôn nước hay những kỳ công của Người” (Tv 96,2-3)

Jorathe Nắng Tím

 

 

Bài viết liên quan

Mùa Phục Sinh

TMĐP- Xin cho chúng con “biết đặt niềm tin và hy vọng vào Chúa” trên mọi nẻo đường, vì bất cứ ở đâu, và...

Cảm thức

TMĐP- Hình ảnh Mẹ Việt Nam, cũng là hình ảnh người phụ nữ một đời chỉ biết hết mình, hết tình Hy Sinh: hy...

Giáo hội

TMĐP- Bài viết sẽ giúp quý Bạn cũng nhận ra sự khác biệt giữa danh hiệu “Mẹ Đức Giêsu Thiên Chúa làm người” theo...

Giáo hội

TMĐP- Chiến thuật “Đánh lận con đen”. Vừa ở trong, vừa ở ngoài, nghĩa là tuyên bố ở trong Hội Thánh, nhưng không tuân...