Connect with us

Hi, what are you looking for?

Giáo hội

TRỪ QUỶ VÀ SỨ VỤ CỦA GIÁM MỤC | Chuỗi Suy Tư Thần Học 02 -Bài 07

TMĐP- Nguy hiểm ở chỗ, nhiều người lầm tưởng: trừ quỷ là sứ vụ của Giám Mục; là tiêu chuẩn đánh giá đạo đức, thánh thiện; là dấu chỉ cho biết các Giám Mục có sống đẹp lòng Thiên Chúa… Tóm lại, các Giám Mục không có ơn gọi và sứ vụ trừ quỷ, hay chữa bệnh.

Xem clip “Tiếng Nói Sự Thật” phần 190, với lời giới thiệu của cha Martinô Tuấn, qua đó, ngài cho biết đây là clip bầy tỏ tâm tình của anh chị em Nhà Chúa Cha về một số vấn đề liên quan đến Nhà Chúa Cha đã được Đức Tổng Giuse Nguyễn Năng đề cập trong bài giảng lễ kính Lòng Thương Xót Chúa, ngày 11.04 .2021 tại Vương Cung Thánh Đường Đức Bà, Sàigòn.

Sau khi xem clip “Tiếng Nói Sự Thật ” với tâm tình của cha Martinô Tuấn, Sơ Lành, anh Vân Anh, và anh Đức, người viết nghe thêm bài giảng của Đức Tổng Giuse, để hiểu thấu đáo vấn đề trước khi viết những giòng chia sẻ gửi đến quý Bạn.

Trước hết, anh Vân Anh minh định: mục đích của clip là nói lên sự thật trong đức ái, và vì bác ái nên nói sự thật, chứ không có ý phản bác hay phản đối, và đưa ra những vấn đề của Nhà Chúa Cha với nhận xét của Đức Tổng như: “Mẹ Chúa Cha” là không ổn; không vâng phục Đấng Bản Quyền là sai;  khi hiện ra, Đức Mẹ muốn người ta ăn năn sám hối, cải thiện đời sống, chứ không quảng cáo, việc Chúa làm cũng không qủang cáo…

Có một số vấn đề của Nhà Chúa Cha người viết đã chia sẻ cùng qúy Bạn trên  trang Tin Mừng Đường Phố như “Mẹ Chúa Cha là ai?”, “Đức Mẹ nhập hồn”, “Hiện tượng tra khảo ma quỷ về  những sự thật của Thiên Chúa và con người”, “Những chiêu trò của ma quỷ”…

Hôm nay, nhân nghe clip Tiếng Nói Sự Thật phần 190 với khẳng định chắc nịch lời Chúa Cha được mặc khải ở Nhà Chúa Cha Bảo Lộc về việc vâng phục Giáo Quyền qua sơ Lành với nguyên văn như sau: “Con cũng đang vâng phục Chúa, đang vâng lời Chúa để truyền các lời của Chúa tới  các Đức Cha. Con xin truyền lại đúng những gì mà Chúa muốn nói với các Đức Cha: “Chúa Cha nói con nghe: con được nói đến các Đức Cha. Các Đức Cha được thay mặt Chúa Cha là làm việc như các tông đồ, thì các Đức Cha phải trừ được quỷ. Các Đức Cha không trừ được quỷ, thì không bắt buộc con chiên của các Đức Cha phải vâng phục các Đức Cha mọi việc. Con chiên được làm theo ý muốn của Thiên Chúa. Đó là những lời mà Chúa mupốn nhắn gửi đến các Đức Cha”, người viết thấy cần phải góp thêm một số ý kiến để vấn đề được thực sự sáng tỏ, hầu tránh những hiểu lầm nghiêm trọng ảnh hưởng đến đức tin của nhiều người.

1. Nhiệm vụ mục vụ của Giám Mục

Để hiểu hơn về nhiệm vụ mục vụ của các Giám Mục, chúng ta cùng đọc sắc lệnh “Chúa Kitô – Chistus Dominus” của Công Đồng Vaticanô II theo bản dịch của Giáo Hoàng Học Viện Piô X.

Mở đầu sắc lệnh, Công Đồng quả quyết: “Chúa Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống, đã đến để giải cứu dân mình khỏi tội lỗi và để thánh hóa mọi người: như Chúa Cha đã sai Người thế nào, Ngài cũng sai các Tông Đồ Ngài như vậy, và đã thánh hóa họ khi trao ban Chúa Thánh Thần cho họ, để chính họ làm vinh danh Chúa Cha nơi trần gian và cứu độ loài người, nhằm xây dựng Thân Thể Chúa Kitô”  (Eph 1,12).

Trong Giáo Hội này của Chúa Kitô, Đức Giáo Hoàng Rôma, vì là đấng kế vị Phêrô, người được Chúa Kitô trao phó chiên mẹ và chiên con để chăn dắt, do Chúa thiết lập, được hưởng dụng quyền tối cao, toàn diện, trực tiếp và phổ qúat trong việc chăm sóc các linh hồn. Bởi vậy, với tư cách chủ chăn toàn thể Giáo Hội và cho từng Giáo Hội địa phương, nên ngài được quyền tối thượng thường xuyên trên mọi Giáo Hội.

“Các Giám Mục cũng thế, chính các ngài được Chúa Thánh Thần đặt lên kế vị các Tông Đồ như chủ chăn các linh hồn và được ủy thác sứ mệnh duy trì mãi mãi công việc của Chúa Kitô, chủ chăn đời đời, hiệp nhất với Đức Giáo Hoàng và dưới quyền ngài. Thật vậy, Chúa Kitô đã trao cho các Tông Đồ những đấng kế vị mệnh lệnh và quyền dậy dỗ mọi dân nước, thánh hóa mọi người trong chân lý và chăn dắt họ. Do đó, nhờ Thánh Thần mà các ngài đã lãnh nhận, các Giám Mục trở thành thầy dậy đức tin, chánh tế, chủ chăn thực thụ và chính thức” (số 1 và 2).

Sắc Lệnh cũng xác định một cách cụ thể quyền mục vụ của các Giám Mục  với các Giáo Hội địa phương hay Giáo Phận, ở số 11, chương II: “Giáo phận là một phần Dân Thiên Chúa được giao phó cho một Giám Mục chăm sóc, với sự cộng tác của linh mục đoàn, để nhờ liên kết với vị chủ chăn của mình và qua ngài, giáo phận được tập trung trong Chúa Thánh Thần nhờ Phúc Âm và Thánh Thể, làm thành một Giáo Hội riêng biệt, trong đó, Giáo Hội Duy Nhất, Thánh Thiện, Công Giáo và Tông Truyền của Chúa KItô hiện diện và hành động thực sự .

“Được ủy thác chăm sóc một Giáo Hội riêng biệt, mỗi Giám Mục dẫn dắt các con chiên của mình nhân danh Chúa dưới quyền Đức Giáo Hoàng, với danh nghiã là chủ chăn riêng, thường xuyên và trực tiếp khi thi hành nhiệm vụ giáo huấn, thánh hóa và cai qủan các con chiên…

“Các Giám Mục phải chăm lo nhiệm vụ vụ tông đồ của mình như những chứng nhân của Chúa Kitô trước mặt mọi người, chẳng những săn sóc những kẻ đã theo vị Thủ Lãnh các chủ chăn, mà lại hết lòng hy sinh cho những người bất cứ cách nào đã đi lạc đường chân lý hay không biết Phúc Âm và lòng nhân từ cứu chuộc của Chúa Kitô, cho đến khi tất cả, sau cùng sẽ đi trong sự chí thiện, chí công và chân thật” (Eph 5,9) ”.

Thực vậy, nền tảng ơn gọi của các Giám Mục là kế vị các thánh Tông Đồ để làm mục tử chăn dắt đoàn chiên của Đức Giêsu, mà điều kiện căn bản các ngài phải có, đó là tình yêu dành cho Đức Giêsu và từ đó phát sinh tình thương đối với đoàn chiên được trao phó. Bằng chứng là Đức Giêsu đã chỉ chính thức trao phó đoàn chiên của Ngài cho Phêrô khi nói với ông: “Hãy chăm sóc chiên con của Thầy”, “Hãy chăn dắt chiên của Thầy” (Ga 21,15.16.17), sau khi nghe Phêrô ba lần tuyên xưng tình yêu của mình đối với Ngài: “Lạy Thầy, Thầy biết con yêu mến Thầy” (Ga 21,15.16.17).

Như thế, các Giám Mục noi gương các thánh Tông Đồ  yêu thương khi thi hành sứ vụ, yêu thương khi làm mục vụ, bởi chỉ với tình yêu của Mục Tử nhân lành, các ngài mới có thể cai quản đoàn chiên bằng trái tim thương xót của Đức Giêsu, nên sẽ không như “thủ lãnh các dân dùng uy mà thống trị dân, lấy quyền mà cai qủan dân” nhưng  phục vụ đoàn chiên, “cũng như Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá cứu chuộc muôn người” (Mt 20,28); chỉ với tình yêu của Mục Tử đích thực là “Cửa cho chiên ra vào” (Ga 10,7), các ngài mới thực hiện cách xứng đáng nhiệm vụ thánh hoá đoàn chiên bằng  trở nên Của Lễ, khi “hy sinh mạng sống mình” “cho chiên được sống và sống dồi dào” (Ga 10,10.11); chỉ với tình yêu, các ngài mới thi hành không sai sót bổn phận giáo huấn, thầy dậy đức tin của đoàn chiên, khi trở nên chứng nhân sống động và đầy thuyết phục, bằng rao giảng, dậy bảo điều mình tin, và sống điều mình rao giảng, dạy dỗ, không như các kinh sư và nhữngngười Pharisêu bị Đức Giêsu quở trách hôm nào, khi Ngài nói với dân chúng: “Các kinh sư và những người Pharisêu ngồi trên toà ông Môsê mà giảng dậy. Vậy, tất cả những gì họ nói, anh em hãy làm, hãy giữ, còn những việc họ làm, thì đừng có làm theo, vì họ nói mà không làm” (Mt 23,2-3).

2. Việc trừ quỷ & Đức Giám Mục

Phần trình bày trên tuy vắn tắt, tóm lược, nhưng  phần nào đã cho chúng ta thấy các Giám Mục là những mục tử chăn dắt đoàn chiên với ba quyền Thánh Hoá, Giáo Huấn và Cai Qủan. Đối tượng của sứ vụ là các linh hồn, mục tiêu là để “đoàn chiên được sống và sống dồi dào” sự sống của Thiên Chúa, phương tiện là Ơn Sủng của Thiên Chúa. Nói cách khác, các ngài rao giảng, và làm chứng  Đức Giêsu Kitô, để ai tin vào Ngài sẽ  được cứu sống, tức được xóa tội nhờ Máu của Ngài hầu trở nên con cái Thiên Chúa cho hạnh phúc đời đời, như thánh Gioan tông đồ đã viết trong thư của ngài: “Phàm ai tin rằng Đức Giêsu là Đấng Kitô, kẻ ấy đã được Thiên Chúa sinh ra” (1 Ga 5,1), và  “hễ ai tuyên xưng Đức Giêsu là Con Thiên Chúa thì Thiên Chúa ở lại trong người ấy và người ấy ở lại trong Thiên Chúa” (1 Ga 4,15), nên sứ vụ chính yếu của các Giám Mục được tóm lại trong lời qủa quyết của thánh tông đồ được Chúa yêu thương đặc biệt: “Phần chúng tôi, chúng tôi đã chiêm ngưỡng và làm chứng rằng: Chúa Cha đã sai Con của Người đến làm Đấng cứu độ thế gian (1 Ga 4,14), và sứ vụ ấy đã  được Đức Giêsu  qủang diễn rất rõ ràng: “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dậy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em” (Mt 28,19-20).

Và khi các ngài thi hành sứ vụ chăn dắt đoàn chiên  được Đức Giêsu trao phó với tình yêu thương, để đoàn chiên được sống và sống dồi dào sự sống thần linh của chính Thiên Chúa, thì đoàn chiên được kêu gọi vâng phục các ngài, như những  con chiên  nghe  tiếng của chủ chăn, “đi theo sau” chủ chăn, vì “chúng nhận biết tiếng” của chủ chăn (x. Ga 10, 3-4). “Chúng sẽ không theo người lạ, vì chúng không nhận biết tiếng người lạ” (Ga 10,5). Chính trong tinh thần yêu thương này, mà Đức Giêsu đã muốn chúng ta vâng phục các Giám Mục, vâng lời các Giám Mục, khi nói với các thánh tông đồ: “Ai nghe anh em là nghe Thầy; và ai khước từ anh em là khước từ Thầy; mà ai khước từ Thầy là khước từ Đấng đã sai Thầy” (Lc 10, 16).

Ở đây, Đức Giêsu đã lấy chính bản thân mình mình để bảo đảm cho sự vâng phục các Giám Mục của đoàn chiên Ngài trao phó cho các vị, khi đồng hoá chính mình với các Giám Mục: “Ai nghe anh em là nghe Thầy… ”, bởi “Tôi chính là Mục Tử nhân lành. Tôi biết chiên của tôi, và chiên của tôi biết tôi, như Chúa Cha biết tôi, và tôi biết Chúa Cha, và tôi hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên” (Ga 10, 14-15). Vì thế, vâng phục không còn là hình phạt hay gánh nặng vừa mang vừa bất mãn, bực bội, nguyền rủa, nhưng vâng phục là hành động mong được thực hiện để biểu  hiện tình yêu sâu đậm, tha thiết  trong tương quan giữa chủ chăn nhân lành, giầu lòng thương xót, tận tâm, hy sinh và đoàn chiên biết mình được  tình thương bao la và cao cả của chủ chăn bao bọc, chăm nom, bênh đỡ.

Do đó, đặt vấn đề: vâng phục các Giám Mục không bằng vâng phục Chúa Cha, và khẳng định: “Các Đức Cha không trừ được quỷ, thì không bắt buộc con chiên của các Đức Cha phải vâng phục các Đức Cha mọi việc”, thiết tưởng là một quả quyết không nền tảng và trái với Giáo Lý Đức Tin của Hội Thánh công giáo.

Người viết xin nêu ra một vài điểm chưa rõ trong quyết đoán quá liều lĩnh này:

a. Giáo dân không phải vâng lời các Đức Cha “mọi việc”:   

Quả quyết: “Con chiên của các Đức Cha phải vâng phục các Đức Cha mọi việc” như sơ Lành của Nhà Chúa Cha đã quả quyết là sai, vì các Giám Mục chỉ là Mẹ và Thầy của giáo dân trong phạm vi luân lý, đức tin, chứ không là thầy của mọi sự có trong  đời, cũng không là mẹ đẻ ra giáo dân phần xác, nên giáo dân chỉ phải vâng phục các ngài những gì thuộc luân lý, đức tin cho phần rỗi linh hồn, chứ không bắt buộc phải vâng lời các ngài mọi việc, mọi sự, vì các ngài không biết hết mọi sự, cũng không được Đức Giêsu trao phó kho tàng kiến thức bao la của  cả thế gian này. Vì thế, ngoài phạm vi luân lý, đức tin, các Giám Mục không áp đặt sự vâng phục trên giáo dân.

b. Các Giám Mục không là thầy thuốc, cũng không là nhà trừ quỷ:

Như đã trình bày ở phần trên, các Giám Mục là Mục Tử chăn dắt đoàn chiên được Chúa trao phó; là những người kế vị các thánh Tông Đồ để tiếp nối công trình cứu độ của Đức Giêsu trên trần gian cho đến ngày tận thế, với sự bảo đảm của chính Đức Giêsu, Đầu của Thân Thể mầu nhiệm là Giáo Hội: “Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,20). Các ngài  còn là những  chứng nhân “Nước Trời đã ở giữa anh em”, chứng nhân của “Đức Giêsu mà anh em đã  treo trên thập giá, Thiên Chúa đã đặt Người làm Đức Chúa và làm Đấng Kitô” (Cv 2,36) mà “ngoài Người ra, không ai đem lại ơn cứu độ; vì dưới gầm trời này, không có một danh nào khác đã được ban cho nhân loại, để chúng ta phải nhờ vào danh đó mà được cứu độ” (Cv 4,12).

Được gọi và tuyển chọn làm Mục Tử, làm đấng kế vị các thánh Tông Đồ để làm chứng, và loan  truyền Đức Giêsu chịu đóng đinh, các Giám Mục không có ơn gọi làm thầy lang, bác sĩ để  chữa mọi thứ bệnh cho giáo dân, dù biết bệnh tật làm con cái mình đau đớn, khổ sở lắm; cũng không làm nhà trừ quỷ, dù biết những con cái bị ma quỷ quấy phá đau khổ trăm bề, mặc dù chính các ngài, với tư cách Mục Tử, Thầy và Mẹ qủan lý các đặc sủng, đoàn sủng Chúa ban trong Giáo Hội, để đem lại lợi ích cho Giáo Hội, như thánh Phaolô đã viết trong thư gửi giáo đoàn Côrintô: “Có nhiều đặc sủng khác nhau, nhưng chỉ có một Thần Khí. Có nhiều việc phcụ vụ khác nhau, nhưng chỉ có một Chúa. Có nhiều hoạt động khác nhau, nhưng vẫn chỉ có một Thiên Chúa làm mọi sự trong mọi người. Thần Khí tỏ mình ra nơi mỗi người một cách, là vì ích chung.  Người thì được Thần Khí ban cho ơn khôn ngoan để giảng dậy, người thì được Thần Khí ban cho ơn hiểu biết để trình bầy. Kẻ thì được Thần Khí ban cho lòng tin; kẻ thì cũng được Thần Khí duy nhất ấy ban cho những đặc sủng để chữa bệnh. Người thì được ơn làm phép lạ, người thì được ơn nói tiên tri; kẻ thì được ơn phân định thần khí; kẻ khác thì được ơn nói các thứ tiếng lạ; kẻ khác lại được ơn giải thích các thứ tiếng lạ. Nhưng chính Thần Khí duy nhất ấy làm ra tất cả những điều đó và phân chia cho mỗi người một cách, tùy theo ý của Người.” (1 Cr 12, 4-11).

Như thế, ơn trừ quỷ hay ơn đặt tay chữa bệnh, hay bất cứ ơn nào khác đều là ơn sủng thuộc về Thần Khí, là hoạt động phục vụ nhắm đến việc “xây dựng Hội Thánh” (1 Cr 14,5), nên phải được đặt duới quyền cai quản của Giám Mục, vì chính Giám Mục là người gìn giữ sự hiệp nhất của Giáo Hội, bảo đảm sự sống dồi dào của Thân Thể mầu nhiệm khi không để một bộ phận nào bị o ép, đàn áp, miệt thị, bỏ rơi; không  để xẩy ra chia rẽ trong gia đình Giáo Hội, khi các chi thể của một thân thể ganh tỵ, hiềm khích, đố kỵ, lên án, chống phá nhau, nhưng lo liệu, sắp xếp, bố trí, cắt đặt các bộ phận ở đúng vị trí và làm đúng sứ vụ của mình, như ý Chúa muốn. Thế nên chung quanh Giám Mục luôn có các linh mục, tu sĩ, giáo dân, và ngài tín nhiệm trao sứ vụ cho họ, tùy theo đặc sủng Thiên Chúa ban để phục vụ dân Chúa. Chẳng hạn, ngài chọn một linh mục nào đó để phụ trách việc trừ quỷ trong giáo phận.

Tóm lại, các Giám Mục không có ơn gọi và sứ vụ trừ quỷ, hay chữa bệnh, mặc dù đó là những hoạt động thuộc quyền mục tử của các ngài, nên ép các ngài phải trừ quỷ và làm áp lực trên các ngài dựa vào tiêu chuẩn trừ quỷ để vâng phục hay bất tuân phục các ngài thì quả là sai lầm không gì nghiêm trọng hơn.

Chúng ta đừng quên: Gioan Tẩy Giả, vị Tiền Hô của Đức Giêsu cao trọng đến thế, nhưng đã không làm một phép lạ nào, như Tin Mừng Gioan ghi lại: “Nhiều người đến gặp Đức Giêsu. Họ bảo nhau: “Ông Gioan đã không làm một dấu lạ nào cả, nhưng mọi điều ông ấy nói về người này đều đúng”. Ở đó, nhiều người đã tin vào Đức Giêsu” (Ga 10,41-42). Điều này đã nói lên: mục tiêu quan trọng và hàng đầu là “nhiều người tin vào Đức Giêsu”, và Gioan đã đạt được mục tiêu này, vì ông nói đúng về Đức Giêsu. Đó cũng là mục tiêu các Đức Cha hằng mơ ước, thực hiện.

c. Mục đích của việc trừ quỷ, hay làm phép lạ là để củng cố đức tin

Chúng ta đừng quên: mục đích của đời người môn đệ là đi theo Đức Giêsu để được Ngài biến đổi nên giống Ngài, và đòi hỏi của người Kitô hữu là tin vào Đức Giêsu Thiên Chúa, Đấng Cứu Độ, đồng thời làm chứng và loan truyền Đức Giêsu cho muôn dân.

Trên con đường đi theo Chúa, người môn đệ không luôn ngoan ngoãn tin vào Thầy mình, như các môn đệ ngày xưa đã không hoàn toàn tin vào Đức Giêsu là Thiên Chúa, Đấng được Chúa  Cha sai đến cứu nhân loại. Chính vì thế, Đức Giêsu đã làm phép lạ cho nước hoá thành rượu ngon ở tiệc cưới Cana “để bầy tỏ vinh quang của Người hầu  các môn đệ tin vào Người” (Ga 2,11).

Với dân chúng, họ tin và đi theo nghe Đức Giêsu giảng dậy, “bởi họ đã từng được chứng kiến những phép lạ Người đã làm cho những kẻ đau ốm” (Ga 6,2), cũng như “ dân chúng thấy dấu lạ Đức Giêsu làm thì nói: “Hẳn ông này là vị ngôn sứ, Đấng phải đến thế gian!” (Ga 6,14), khi Ngài làm phép lạ hoá bánh ra nhiều.

Sở dĩ phải phân định thật rõ ràng mục đích của các phép lạ là củng cố đức tin, để chúng ta đừng lầm tưởng: những phép lạ  như đặt tay chữa bệnh, trừ quỷ … là mục tiêu của sứ vụ, là điều người Kitô phải đạt, trong khi đức tin mới là điều Chúa muốn ở chúng ta, như  có lần người Do Thái đã hỏi Ngài: “Chúng tôi phải làm gì để thực hiện những điều Thiên Chúa muốn?” Đức Giêsu trả lời: “Việc Thiên Chúa muốn cho các ông làm, là tin vào Đấng Người đã sai đến” (Ga 6, 28-29). Nhưng họ cứ nằng nặc đòi Ngài làm phép lạ thì mới tin Ngài (x. Ga 6,30).

Một lần nữa, nhờ tông đồ Tôma, chúng ta xác tín hơn điều Chúa muốn ở mỗi người là tin vào Ngài, qua lời Đức Giêsu phục sinh nói với Tôma: “Vì anh đã thấy Thầy, nên anh tin. Phúc thay những người không thấy mà tin!” (Ga 20,29), bởi  chính Đức Giêsu, khi ban quyền làm phép lạ cho các tông đồ, Ngài cũng ban với mục đích củng cố đức tin, như Tin Mừng Máccô khẳng định: Sau khi Chúa về trời,  “các Tông Đồ đi rao giảng khắp nơi, có Chúa cùng hoạt động với các ông, và dùng những dấu lạ kèm theo mà xác nhận lời các ông rao giảng” (Mc 16,20). Thánh tông đồ dân ngoại cũng xác tín: các điềm thiêng dấu lạ đựợc Chúa ban là để củng cố niềm tin vào Đức Giêsu và lời Ngài của chúng ta, khi thnáh nhân viết : “Ơn cứu độ đó, đầu tiên đã được Chúa rao giảng, rồi được những kẻ nghe cho chúng ta thấy là có hiệu lực, đồng thời được Thiên Chúa chứng thực bằng những dấu lạ điềm thiêng, bằng nhiều quyền năng khác nhau và bằng các ân huệ của Thánh Thần mà Người phân phát tùy ý muốn của Người” (Dt 2,3-4).

3. Một lầm lạc rất nguy hiểm

Đến đây chắc quý Bạn đã thấy được nguy hiểm của “mặc khải” được công bố trên clip phần 190 của Tiếng Nói Sự Thật về tương quan giữa vâng phục và trừ quỷ : “Các Đức Cha được thay mặt Chúa Cha là làm việc như các tông đồ, thì các Đức Cha phải trừ được quỷ. Các Đức Cha không trừ được quỷ, thì không bắt buộc con chiên của các Đức Cha phải vâng phục các Đức Cha mọi việc” (Clip TNST phần 190).

Đây là một lầm lạc rất nguy hiểm,  không chỉ vì nghich lại giáo lý đức tin, mà còn do cách đặt vấn đề  mang tính chất  “đánh lận con đen, và áp đặt” làm cho nhiều người thoạt nghe thì “tưởng như đúng rồi”.

Nguy hiểm còn ở chỗ làm cho nhiều người lầm tưởng: trừ quỷ là sứ vụ của các Giám Mục, trừ quỷ là tiêu chuẩn đánh giá đạo đức, thánh thiện của các Giám Mục, trừ quỷ là dấu chỉ cho biết các Giám Mục có sống đẹp lòng Thiên Chúa hay không, trừ quỷ là bằng chứng về  tính tông đồ chân chính và đích thực của các Giám Mục, nhất là trừ quỷ là điều kiện để Giám Mục được đoàn chiên vâng phục hay không vâng phục.

Nguy hiểm khi xóa hết sứ vụ chính thức và trực tiếp của Giám Mục là Mục Tử chăn dắt đoàn chiên với quyền thánh hoá, giáo huấn, cai qủan, mà  chỉ tập trung vào duy nhất một đặc sủng, một việc phục vụ, một hoạt động trong Giáo Hội  là trừ quỷ tuy thuộc thẩm quyền của Giám Mục, nhưng không  nhất thiết chính Giám Mục phải có đặc sủng trừ quỷ, để từ đó quyết đoán: Giám Mục nào không trừ được quỷ thì giáo dân không bắt buộc phải vâng lời. Quyết đoán như thế chẳng khác nào từ chối quyền Mục Tử của Giám Mục, phủ nhận tính Tông Đồ của Giám Mục, và sứ vụ người kế vị các Tông Đồ của Giám Mục. Nói tắt là không chấp nhận  Giám Mục chính toà là Đấng Bản Quyền giáo phận. Không chấp nhận như thế khác gì cành  cây kia đã tự ý tách  khỏi thân cây, như Tin Mừng Gioan đã mô tả trong chương 15 (x.  Ga 15, 1-11).

Nguy hiểm khi dọn đường cho ly giáo, lạc đạo, khi lấy việc trừ quỷ là lý do duy nhất có đủ trọng lượng , để loại bỏ Giáo Hội, bằng tẩy chay không vâng phục các Giám Mục là các Đấng Bản Quyền  đứng đầu các  Giáo Hội địa phương , nếu các ngài không trừ được quỷ, mà trong thực tế chưa có Giám Mục nào trong các Giám Mục của 27 giáo phận tại Việt Nam, cũng như các Giám Mục đã qua đời hoạc nghỉ hưu từ những nngày đầu khi hạt giống Đức Tin được gieo trên mảnh đất quê hương  đã nhận được đặc sủng trừ quỷ, hay làm phép lạ chữa bệnh. Vì thế, dựa vào việc  trừ quỷ như điều kiện để vâng phục, theo như “lời Chúa Cha” mà Sơ Lành công bố, thì trăm phần trăm sẽ chẳng có Giám Mục nào “xứng đáng” được con chiên vâng phục, và con chiên tha hồ  tự cho mình quyền trực tiếp vâng phục Chúa Cha, mà không  cần phải vâng phục Giám Mục bản quyền, trong khi “ở đâu có Giám Mục, ở đó có Giáo Hội”.

Quyết đoán này quả thực rất nguy hiểm, vì nghe rất bùi tai, làm những  người không nắm vững giáo lý công giáo dễ rơi vào nghi nan, và dẫn đến ly giáo, lạc đạo, bởi đức tin công giáo luôn luôn tuyên tín: Giáo Hội là Thân Thể của Đức Kitô, là Hiền Thê của Đức Kitô, nên Đức Kitô và Giáo Hội không bao giờ phân ly, tách rời, nhưng mãi mãi hiệp nhất nên một.

Chia sẻ với qúy Bạn những điểm trên, người viết hy vọng vấn đề “vâng phục có điều kiện”, và điều kiện chính là khả năng trừ quỷ của các  Giám Mục được công bố bởi Nhà Chúa Cha như “mặc khải mới” của Chúa Cha cho thời đại mới sẽ không làm quý Bạn rối trí, bận tâm, nặng lòng, nhưng giúp chúng ta thấy rõ hơn ý nghiã và giá trị của vâng phục trong Hội Thánh.

Để kết luận, chúng ta cùng cầu nguyện cho nhau, để mỗi người biết vâng phục Đấng Bản Quyền như hồng ân, bởi vâng phục chính là hồng ân Thiên Chúa ban cho những ai thuộc về đoàn chiên của Ngài, vì ở đó tương quan Mục Tử và con chiên là tương quan của tình yêu, khi Mục Tử và chiên biết nhau, nghe tiếng nhau vì nhận ra nhau là mục tử và đoàn chiên, cũng như “cho đoàn chiên được sống và sống dồi dào”, Mục Tử luôn sẵn sàng hy sinh mạng sống mình. Nhờ thế đoàn chiên nhận ra Mục Tử của  mình là  Mục Tử nhân lành, và yêu mến, nghe lời Mục Tử,  nên “sẽ chỉ có một đoàn chiên và một mục tử” (Ga 10,16) như lòng Chúa mong ước.

Jorathe Nắng Tím

Thông báo chung từ Tin Mừng Đường Phố: Với mục đích Loan Báo Tin Mừng, tác giả Jorathe Nắng Tím và Tin Mừng Đường Phố chân thành cám ơn sự chia sẻ rộng rãi của Quý bạn, nhưng không đồng ý và không chịu trách nhiệm về những việc “làm lại” hoặc “thay đổi” nội dung cũng như hình ảnh của những clip gốc lấy từ nguồn Tin Mừng Đường Phố. Trân trọng!

 

Bài viết liên quan

Mùa Phục Sinh

TMĐP- Xin cho chúng con “biết đặt niềm tin và hy vọng vào Chúa” trên mọi nẻo đường, vì bất cứ ở đâu, và...

Cảm thức

TMĐP- Hình ảnh Mẹ Việt Nam, cũng là hình ảnh người phụ nữ một đời chỉ biết hết mình, hết tình Hy Sinh: hy...

Giáo hội

TMĐP- Bài viết sẽ giúp quý Bạn cũng nhận ra sự khác biệt giữa danh hiệu “Mẹ Đức Giêsu Thiên Chúa làm người” theo...

Giáo hội

TMĐP- Chiến thuật “Đánh lận con đen”. Vừa ở trong, vừa ở ngoài, nghĩa là tuyên bố ở trong Hội Thánh, nhưng không tuân...